.:: CHI CỤC KIỂM LÂM AN GIANG ::.
LỚP HAI LÁ MẦM – MAGNOLIOPSIDA
Tên đồng nghĩa: Hopea odorata var. flavescens Pierre & var. oglandulosa Pierre, 1890
Tên khác: Cây sao, mạy khèn ( Lào), sao cát, sao bã mía, sao nghệ, mạy khen hua, mạy thong.
Hình thái:
Cây gỗ lớn, thường xanh, cao 30-40m, thân hình trụ thẳng, đường kính 60-80cm, chiều cao dưới cành 15-25m. Vỏ ngoài nâu đen, nứt dọc sâu thành những miếng dày, xù xì. Vỏ trong mầu nâu đỏ, nhiều sợi. Cành non và cuống lá phủ lông hình sao xám, sau nhẵn. Lá hình trái xoan thuôn hay hình mũi mác, dài 8-14cm, rộng 3-6cm, đầu có mũi tù ngắn, gốc hơi lệch, gân cấp hai 8-10 đôi, nổi ở mặt dưới; gân nhỏ cong queo, gần song song, hai mặt lá có lông hình sao, ở nách gân cấp hai mặt dưới lá thường có tuyến. Cuống lá dài 12-18mm.
Cụm hoa hình chuỳ mang mang nhiều bông, mọc ở nách lá hay đỉnh cành; trục cụm hoa có lông xám trắng, mỗi cụm hoa thường mang 10-12 bông, mỗi bông có 4-6 hoa. Hoa gần không cuống, lá đài 5, phía ngoài và trong có lông. Cánh hoa 5, hình lưỡi hái, mép có răng, có lông ở ngoài. Nhị 15-19; chỉ nhị rộng và dẹt, phía trên thót lại; bao phấn có trung đới hình dùi, mảnh. Bầu có lông, vòi nhẵn.
Quả hình trứng, đường kính 7-8mm, mang 2 cánh phát triển, dài 5-6cm, rộng 1-2cm, có 7-11 gân song song. Khi non quả có màu xanh lá cây, khi già chuyển sang màu vàng nâu.
Các thông tin khác về thực vật:
Chi Sao đen (Hopea) có quan hệ gần gũi với chi Sến mủ (Shorea). Chúng cùng được sắp
xếp vào Tông Sến mủ (Shoreae). Chi Sao đen (Hopea) gồm tới trên 100 loài, phân bố chủ yếu ở vùng Đông Nam Á. Ở nước ta, chi Sao đen có khoảng 11 loài.
Phân bố:
Việt Nam:
Gặp ở hầu hết các tỉnh tử Quảng Nam trở vào, bao gồm: Kon Tum, Gia Lai (Hậu Bổn, Cheo Reo), Đắk Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa–Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang (Phú Quốc)… Tập trung nhất ở vùng Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên. Cây cũng đã được trồng ở nhiều tỉnh cả phía Nam và phía Bắc Việt Nam. Tại Hà Nội cây được trồng từ đầu thế kỷ XX. Phố Lò Đúc, Hà Nội có hàng sao đen rất nổi tiếng.
Thế giới:
Lào, Cămpuchia, Malaysia, Án Độ, Thái Lan.
Đặc điểm sinh học:
Sao đen sinh trưởng thuận lợi ở các khu vực nhiệt đới ẩm có 2 mùa mưa và khô rõ rệt. Các vùng phân bố tự nhiên của sao đen thường có nhiệt độ trung bình năm khoảng 24-250C; lượng mưa 1.800-2.000mm/năm. Cây mọc trong các kiểu rừng kín thường xanh, ở độ cao dưới 700m so với mặt biển. Cây cũng gặp tại các khu rừng khộp, nhưng kích thước nhỏ hơn so với khi phân bố trong rừng thường xanh. Cây có tính quần thụ cao, nên thường chiếm ưu thế trong các rừng nguyên sinh. Hiện nay, do bị khai thác rất mạnh nên chỉ gặp sao đen mọc rải rác hay chỉ từng đám nhỏ, hỗn giao với các loài cây họ Dầu hay họ Đậu khác tạo thành kiểu rừng ưu thế cây họ Dầu + họ Đậu nổi tiếng trong vùng Đông Nam Bộ. Cây ưa đất ẩm, sâu dày; thích hợp nhất là đất phù sa cổ và sét pha cát của vùng Đông Nam Bộ. Cây cũng phát triển rất tốt trên đất đỏ bazan sâu, dày, tốt và ẩm mát với độ pH 4,5-5,0. Khi non, sao đen là cây chịu bóng. Đến giai đoạn sau 3-4 năm tuổi, sao đen hoàn toàn là cây ưa sáng, nên luôn luôn chiếm tầng cao nhất của rừng.Tái sinh tự nhiên tốt ở các khu rừng có độ tàn che nhẹ.
Phân bố của sao đen ở Việt Nam
Khi đưa ra trồng ở các tỉnh miền Bắc, sao đen phát triển bình thường về chiều cao và đường kính. Nhưng thường không ra hoa kết quả hàng năm, vì khi cây ra hoa thường gặp các đợt gió mùa Đông- Bắc rét đậm, nên toàn bộ hoa bị rụng đi.
Mùa hoa tháng 2-3, mùa quả tháng 4-7.
Công dụng:
Thành phần hoá học:
Sao đen trồng lâu năm sẽ cho chai cục. Có khi thu được 10-20kg chai cục trên một cây sao mọc ở rừng tự nhiên. Thoạt đầu nhựa chảy ra từ các vết thương, sau đặc lại. Nhựa sao đen có các chỉ số: điểm chảy 1150, chỉ số xà phòng 37,1; chỉ số acid 31,5 và hàm lượng tro 0,56%. Sao đen cũng là cây cung cấp tanin:vỏ chứa 15%, lá chứa 11% và gỗ chứa 10%.
Các kết quả nghiên cứu của Nguyễn Quang Huy và cộng sự (2005) cho biết, dịch chiết bằng ethanol từ vỏ cây sao đen có hoạt tính ức chế mạnh sự sản sinh acid của vi khuẩn Streptococcus mutans. Dịch chiết có tác dụng giết chết vi khuẩn S. mutans ở môi trường pH acid cao hơn nhiều so với ở môi trường có pH trung tính. Tác dụng giết chết vi khuẩn của dịch chiết được gia tăng khi có mặt hydroperoxyd.
Công dụng:
Nhựa được dùng làm véc ni, công nghiệp sơn và để xảm thuyền.
Do có nhiều tanin (15%) nên vỏ sao đen được dùng làm thuốc: Chữa đau răng, viêm lợi, áp xe, làm răng bền… Ở Ấn Độ nhựa cây được dùng làm thuốc cầm máu. Một số nơi ở Việt Nam, đã dùng vỏ sao đen ăn trầu thay vỏ chay.
Sao đen được khai thác chủ yếu để lấy gỗ. Gỗ sao màu vàng nhạt, hơi xám, dác có màu sáng hơn; thuộc loại gỗ quí, không mối mọt thường dùng trong xây dựng, đóng đồ đạc, làm sàn nhà, tà vẹt, đóng toa xe, tàu đi biển. Gỗ sao đen được ngư dân miền Tây Nam Bộ rất ưa chuộng. Đây là nguyên liệu dùng để đóng tàu, thuyền, phà qua sông…
Cây có kích thước lớn cao, to, tán đẹp nên rất thích hợp để trồng làm cây đường phố, quanh các công trình lớn.
Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
Nhân giống:
Khi quả chuyển từ màu xanh sang vàng và có những đốm nâu ở đầu cánh là có thể thu hoạch. Có thể thu hái trực tiếp trên cây hoặc nhặt các quả vừa rụng xuống đất vào buổi sáng hàng ngày.
Cũng như các cây họ Dầu khác, hạt sao không giữ được lâu nên phải gieo ngay. Nếu muốn vận chuyển đi xa phải trộn hạt với cát ẩm, nhưng thời gian bảo quản cũng không quá một tuần.
Trước khi gieo cần cắt bỏ bớt cánh quả, chỉ để lại đoạn dài 1-2cm, ngâm nước lã khoảng 1-2 giờ rồi đem gieo.
Đất gieo được chuẩn bị trước, lên luống với chiều dài 5-10m, rộng 1m, cao 10-20cm và khử trùng trước khi gieo hạt.
Trên mặt luống xẻ các rạch theo chiều ngang, cách nhau 15cm. Đặt phần đầu hạt có cánh lên trên rồi phủ một lớp đất mỏng vừa đủ lấp kín cả quả và cánh.
Sau khi gieo 3-4 ngày, hạt bắt đầu nảy mầm. Đem cấy vào các bầu có kích cỡ rộng 14-15cm, cao 15-20cm. Vỏ bầu bằng nhựa PE thủng đáy hoặc bịt đáy nhưng có cắt lỗ ở góc hoặc có lỗ thoát nước trên thành bầu. Ruột bầu gồm 75-80% đất mặt nhiều mùn dưới các rừng lá rộng, trộn với 15-20% phân chuồng đã hoai và 1% supe lân. Đất làm ruột bầu tốt nhất là đất sét pha cát. Thời vụ gieo hạt tốt nhất là vào tháng 4-5 (ngay sau khi quả chín).
Do cây non ưa bóng nên cần có giàn che. Thường xuyên tưới nước và chăm sóc cây trong giai đoạn vườn ươm.
Trồng và chăm sóc:
Khi cây con đủ tiêu chuẩn: 12 tháng tuổi, chiều cao 1-1,2m, đường kính cổ rễ 0,4-0,5cm là có thể mang trồng.Thời vụ trồng vào tháng 5-7, trước mùa mưa.
Để trồng rừng, nên chọn các dải đất sâu, mát, trong các rừng thứ sinh nghèo kiệt hoặc rừng sau khai thác. Có thể xử lý thực bì theo đám, theo băng hoặc toàn diện tuỳ theo phương thức trồng.
Ở Đông Nam Bộ khi trồng sao đen theo phương thức xử lý toàn bộ thực bì, chọn muồng đen làm cây bạn, đậu tràm làm cây phù trợ và đã đạt kết quả rất khả quan. Theo phương thức này, sao đen sinh trưởng, phát triển rất mạnh.
Mật độ trồng thường khoảng 400-500cây/ha. Cự ly hàng cách hàng 5-6m và cự li cây cách cây 4m. Kích thước hố trồng khoảng 40x40x40cm.
Cần tiến hành chăm sóc 2-3 lần trong 3 năm đầu, chủ yếu là phát dọn cỏ xâm lấn và vun gốc vào đầu và cuối mùa mưa.
Sau 8-10 năm cần tỉa thưa lần đầu để mở tán cho cây.
Khai thác, chế biến và bảo quản:
Nếu trồng để lấy gỗ thì khi cây có đường kính đạt trên 40-60cm là có thể khai thác. Thường dùng phương pháp khai thác chọn. Muốn thu hoạch nhựa, người dân thường vào rừng vào mùa khô, quan sát trên ngọn và thân sao đen, nếu thấy có nhựa (chai cục) sẽ trèo lên thu hoạch. Nhựa đem về loại bớt tạp chất và bán.
Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn:
Sao đen là loài cây gỗ quen thuộc của Việt Nam. Đây là cây có nhiều tác dụng, như làm cây bóng mát, nguồn nguyên liệu làm thuốc, đặc biệt là cung cấp gỗ tốt để đóng tàu, thuyền và cho nhựa. Hiện nay diện tích và số cá thể của loài cây đa tác dụng này đang bị thu hẹp, cần có kế hoạch phục hồi loài sao đen. Đặc biệt nên phát triển trồng sao đen trên qui mô lớn ở vùng Đông Nam Bộ và Tây nguyên.
Tài liệu tham khảo
:1. Nhiều tác giả (2004). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Tập II. Tr. 672-674. Nxb Khoa học và Kỹ thuật – Hà Nội; 2. Hoàng Hòe (chủ biên) (1994). Kỹ thuật trồng một số loài cây rừng. Tr. 76-81. Nxb Nông Nghiệp – Hà nội; 3. Nguyễn Quang Huy, Phạm Thanh Nga, Phan Tuấn Nghĩa (2005). Tìm hiểu tác dụng chống sâu răng của dịch chiết vỏ cây sao đen (Hopea odorata Roxb.). Dược học – 6 (Số 350 Năm 445). Tr. 13 – 17 ; 4. Viện Điều tra Qui hoạch rừng (1998). Cây gỗ rừng Việt Nam. Tập VI. Tr. 142-143. Nxb Nông nghiệp – Hà Nội; 5. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (2002). Sử dụng cây bản địa vào trồng rừng ở Việt Nam. Tr. 199-202. Nxb. Nông nghiệp – Hà Nội; 6. Kochummen, K. M., Wong, W. C., Sudo, S. & Frietema, F. T. (1993). Hopea Roxb. (merawan). In: Soerianegara, I. and Lemmens, R. H. M. J. (Editors): Plant Resources of South-East Asia 5(1). Timber trees: Major commercial timbers. pp. 238-255. Pudoc Scientific Publishers, Wageningen.
Bành Thanh Hùng, sưu tầm.