Thực trạng tình hình tích tụ, tập trung đất đai hiện nay

Quá trình tích tụ ruộng đất được khởi đầu trong thời kỳ đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đến nay với các bước đi thích hợp theo một số phương thức như: dồn điền đổi thửa; cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; góp ruộng đất.

Dồn điền, đổi thửa (chuyển đổi đất nông nghiệp)

Phương án giao đất nông nghiệp dựa theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng giữa người sử dụng đất (không những chia đều về diện tích trên số người mà còn chia đều cả ruộng tốt, ruộng xấu theo nguyên tắc “có tốt, có xấu; có gần, có xa; có cao, có thấp”) đã dẫn đến tình trạng sử dụng đất nông nghiệp manh mún, quy mô canh tác đất nông nghiệp quá nhỏ bé của từng hộ gia đình, cá nhân đã hạn chế quá trình chuyển dịch cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, đồng thời còn hạn chế việc áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp và là lý do cản trở công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Diện tích đất bình quân hộ nông nghiệp chỉ vào khoảng 0,46 ha và trung bình được chia thành 2,83 mảnh. Quy mô diện tích đất của hộ nông dân Việt Nam thấp hơn Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác ở châu Á.

Theo số liệu điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam, trong giai đoạn 1993 – 2014, diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp và đất mặt nước bình quân hộ nông nghiệp chỉ tăng từ 5.408 m2 lên 6.748 m2, chủ yếu do tăng diện tích đất lâm nghiệp và đất mặt nước cho nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, diện tích đất cây hàng năm bình quân một hộ giảm từ 4.121 m2 xuống 3.334 m2; số mảnh đất bình quân mỗi hộ cũng giảm chưa đáng kể. Phân mảnh đất ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng và năng suất do cản trở cơ giới hóa, lãng phí thời gian lao động và lãng phí đất bờ bao, đồng thời tăng chi phí trung gian, giảm năng lực chống chọi với rủi ro. Đất đai manh mún là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp.

Dồn điền, đổi thửa thông qua việc thực hiện quyền chuyển đổi đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn để phát triển kinh tế nông hộ là hình thức phổ biến mà nhiều địa phương đã và đang thực hiện. Đây là yêu cầu tập trung đất đai để hộ gia đình, cá nhân có được các thửa đất có quy mô diện tích lớn hơn để tổ chức sản xuất thuận lợi do có điều kiện để cơ giới hóa và thâm canh để mang lại hiệu quả.

Đảng và Nhà nước luôn xác định công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp là một chủ trương lớn, là tiêu chí hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tuy nhiên, do thiếu hướng dẫn cụ thể và thiếu sự đầu tư kinh phí nên việc dồn điền, đổi thửa có nhiều bất cập, hạn chế như: thời gian thực hiện kéo dài (có địa phương tổ chức thực hiện thành nhiều đợt, qua nhiều năm chưa xong); số lượng thửa đất sau dồn điền, đổi thửa vẫn còn nhiều. Mặt khác, có nơi dồn điền, đổi thửa xong nhưng không đo đạc lại, việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm; có nhiều nơi thực hiện theo kiểu chia lại ruộng đất…

Cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Theo Báo cáo đổi mới chính sách đất đai cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thì nguồn gốc đất nông nghiệp ở nông thôn có 40% do Nhà nước giao, 34% thừa kế, chỉ 12% là mua trực tiếp hoặc đấu giá, còn lại là đất khai hoang hoặc nguồn gốc khác. Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hoạt động yếu, thậm chí có xu hướng giảm. Trong số đất nông nghiệp đã chuyển nhượng thì có 29% chuyển nhượng trước năm 1994, 41% chuyển nhượng trong giai đoạn 1994 – 2003, 30% chuyển nhượng trong giai đoạn từ năm 2004 đến nay.

Chuyển nhượng quyền sử dụng đất hiện nay hoàn toàn theo cơ chế thị trường, cung cầu gặp nhau, thỏa thuận giá cả và các điều kiện cần thiết theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ đóng vai trò theo dõi và quản lý biến động về đất đai. Tất cả các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải làm đầy đủ các thủ tục sang tên trước bạ, chuyển quyền sử dụng đất từ người này sang người khác và phải nộp đầy đủ các loại phí, thuế theo quy định. Tuy nhiên, trong thực tế vì những lý do khác nhau mà nhiều trường hợp chuyển nhượng đất cho nhau chỉ viết giấy trao tay, hoặc có làm chứng của hàng xóm.

Các hình thức chuyển nhượng chỉ làm giấy trao tay, hoặc có người làm chứng, hay chỉ cần xác nhận của Ủy ban nhân dân xã trước kia chiếm tỷ lệ khá cao (trên 30% giai đoạn 1993 – 1998), hình thức này giảm nhanh, đến giai đoạn 2008-2013 chỉ còn khoảng 5 – 6%.

Góp ruộng đất

Đây là hình thức tích tụ, tập trung đất đai thông qua việc những người nông dân tự nguyện góp đất cùng tiến hành tổ chức sản xuất, kinh doanh và cùng hưởng lợi thành quả sản xuất. Cũng có thể là người nông dân góp đất, góp vốn, công sức vào hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc doanh nghiệp và được hưởng lợi nhuận theo quy chế thỏa thuận, phù hợp với pháp luật của Nhà nước (thông thường theo tỷ lệ góp đất, góp vốn). Phần lớn, doanh nghiệp đóng vai trò cốt lõi,  doanh nghiệp đứng ra để thỏa thuận với người dân (với sự hỗ trợ của chính quyền) về bao tiêu sản phẩm đầu ra, cách thức tổ chức sản xuất, về tỷ lệ lợi nhuận (hoặc về giá mua lại sản phẩm sau khi thu hoạch)… Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp (hỗ trợ) về tư liệu sản xuất đầu vào (giống cây trồng, phân bón, máy móc thiết bị…), kỹ thuật canh tác cho người nông dân. Người nông dân góp đất và công lao động để tổ chức sản xuất theo hợp đồng đã ký kết và dưới sự giám sát của công ty.

Có thể thấy, quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất theo các phương thức nêu trên diễn ra còn chậm. Việc dồn điền đổi thửa được triển khai từ đầu những năm 2000, tập trung chủ yếu ở miền Bắc; ở Đồng bằng sông Hồng số thửa được dồn đổi chiếm đến 43% tổng số thửa đất, ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm chưa đến 3% tổng số thửa đất được dồn đổi.

Số trang trại tăng chậm từ 20.067 trang trại năm 2011 lên 29.500 trang trại năm 2015. Trang trại tập trung ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (6.911 trang trại, chủ yếu là sản xuất thủy sản và trái cây), Đông Nam Bộ (6.115 trang trại, chủ yếu là chăn nuôi) và Đồng bằng Sông Hồng (5.775 trang trại, chủ yếu là chăn nuôi). Khu vực Miền núi phía Bắc nơi có diện tích đất đai rộng nhưng số trang trại lại ít, trong khi Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ quy mô diện tích đất thấp nhưng số lượng trang trại lại nhiều hơn.

Hiệu quả kinh tế của tích tụ ruộng đất là rõ rệt nhưng có sự khác nhau giữa các vùng (ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi kinh tế hàng hóa phát triển thì sự tích tụ cao hơn so với vùng trung du miền núi và vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi kinh tế hộ gia đình có quy mô nhỏ là chủ yếu).

Tích tụ ruộng đất chưa gắn với phân công lại lao động trong nông thôn, nông nghiệp một cách chặt chẽ: các trang trại trồng trọt có quy mô trong mức hạn điền hầu như chỉ sử dụng lao động gia đình là chính, kết hợp với thuê máy móc làm đất, gặt đập (ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long) hoặc sử dụng lao động chủ yếu của gia đình kết hợp với thuê lao động cấy, gặt theo thời vụ (ở vùng trung du miền núi và vùng đồng bằng Bắc Bộ). Một số trang trại trồng trọt, kinh doanh tổng hợp có quy mô lớn trên mức hạn điền thì thường kết hợp trang bị máy móc (máy cày, máy gặt đập liên hợp) với thuê lao động thường xuyên (ở mức khoảng 10 người) và lao động mùa vụ.

nguồn: monre.gov.vn