Khái niệm quyền của người được thi hành án dân sự

Thi hành án dân sự (THADS) là một trong những hoạt động quan trọng của bộ máy nhà nước nhằm đảm bảo cho các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án, Trọng tài thương mại, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh được thi hành trên thực tế. Hoạt động THADS có hiệu quả góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và lợi ích của Nhà nước, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người.

Để bước đầu định nghĩa về quyền của người được THADS, trước hết chúng ta cần làm rõ những khái niệm có liên quan như sau:
1. Khái niệm thi hành án dân sự
Theo quy định tại Điều 1 và 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014), THADS là hoạt động của nhiều tổ chức và cá nhân, bao gồm cả cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và Trọng tài thương mại.
Các bản án, quyết định được THADS bao gồm: bản án, quyết định về dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án, quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại hoặc những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành án ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị.
Hoạt động THADS được thực hiện theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục theo quy định của Luật THADS, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm phát luật có liên quan.
Như vậy, thi hành án dân sự là hoạt động của nhiều tổ chức và cá nhân được thực hiện theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật THADS và pháp luật có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và Trọng tài thương mại.
2. Khái niệm người được thi hành án dân sự
Khoản 2 Điều 3 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: “Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành”.
Thực tế hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm phát sinh khái niệm người được thi hành án, cụ thể:
Thứ nhất, khái niệm người được thi hành án phát sinh tại thời điểm cơ quan THADS thụ lý yêu cầu thi hành án. Yêu cầu thi hành án làm phát sinh quá trình tổ chức thi hành án, đồng thời cũng làm phát sinh quyền, nghĩa vụ thi hành án của các đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đặc biệt là quyền, lợi ích của người được thi hành án theo nội dung bản án, quyết định của Tòa án (trừ trường hợp chủ động tổ chức thi hành án). Do vậy, khái niệm người được thi hành án cũng phát sinh từ thời điểm đó.
Thứ hai, khái niệm người được thi hành án phát sinh sau thời điểm hết thời gian tự nguyện thi hành án. Theo quan điểm này, khái niệm người được thi hành án chỉ phát sinh sau thời gian người phải thi hành án tự nguyện thi hành, trừ trường hợp có việc tẩu tán tài sản như quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Trước và trong thời gian tự nguyện thi hành án, cá nhân, tổ chức có quyền, lợi ích theo bản án, quyết định phải thi hành án chưa có quyền yêu cầu thực hiện bản án, quyết định đó.
Thứ ba, khái niệm người được thi hành án phát sinh từ rất sớm, tại thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực thi hành hoặc chưa có hiệu lực thi hành nhưng thuộc trường hợp phải thi hành ngay. Quan điểm này cho rằng, dù cá nhân, tổ chức có quyền, lợi ích tự đôn đốc thi hành hay cơ quan có thẩm quyền đôn đốc thi hành án; dù bản án được thi hành thông qua thủ tục tự nguyện hay không tự nguyện thi hành án. Trong các vụ án dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình có các tên gọi như nguyên đơn, bị đơn; trong án hình sự có các tên gọi như bị can, bị cáo, người bị hại… Dù tên gọi khác nhau nhưng sau khi bản án, quyết định được đưa ra thi hành thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được hưởng quyền lợi được gọi là bên được thi hành án và ngược lại, cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ, trách nhiệm phải thi hành được gọi là bên phải thi hành án.
Quan điểm này còn trích dẫn Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS, quy định về thanh toán, chi, trả tiền, tài sản thi hành án: “Trường hợp bản án, quyết định đang do cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành xác định nhiều người được thi hành án nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu thi hành án mà tài sản của người phải thi hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo bản án, quyết định thì cơ quan thi hành án dân sự thanh toán cho người đã yêu cầu thi hành án theo tỷ lệ mà họ được nhận, số tiền còn lại gửi vào ngân hàng theo loại tiền gửi kỳ hạn 01 tháng, đồng thời thông báo và ấn định thời hạn không quá 01 tháng cho những người được thi hành án chưa yêu cầu về quyền yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp đã hết thời hiệu”. Như vậy, theo quy định này thì khái niệm người được thi hành án phát sinh ngay cả khi cá nhân, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích theo bản án, quyết định chưa yêu cầu thi hành án.
Người được thi hành án được đề cập nhiều trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Tuy nhiên, thời điểm phát sinh khái niệm người được thi hành án có quan điểm khác nhau, mỗi quan điểm đều có lý lẽ riêng. Tác giả đồng tình với quan thứ ba, theo đó, khái niệm người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành phát sinh từ khi có bản án, quyết định có hiệu lực thi hành án hoặc chưa có hiệu lực nhưng được cho thi hành án ngay, bởi sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực hoặc chưa có hiệu lực nhưng được cho thi hành án thì quyền, lợi ích của một bên đã được xác định cụ thể, đồng thời xác lập nghĩa vụ, trách nhiệm đối với bên kia gọi là bên được thi hành án.
3. Khái niệm quyền của người được thi hành án dân sự
Quyền con người (human rights) là một phạm trù đa diện, vì vậy có nhiều định nghĩa khác nhau, mỗi định nghĩa tiếp cận vấn đề từ một góc độ nhất định, chỉ ra một số thuộc tính, nhưng không định nghĩa nào bao hàm được tất cả các thuộc tính của quyền con người. Tuy nhiên, ở cấp độ quốc tế, có một định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người (Office of High Commissioner for Human Rights – OHCHR) được trích dẫn bởi nhiều nhà nghiên cứu. Theo định nghĩa này, quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu (universal legal guarantees) có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động (actions) hoặc sự bỏ mặc (omissions) mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép (entitlements) và tự do cơ bản (fundamental freedoms) của con người. Đứng ở góc độ chủ thể thụ hưởng quyền, có thể hiểu quyền con người là khả năng mà con người được bảo vệ trước những hành động hoặc không hành động mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người.
Xét ở góc độ nghiên cứu khoa học, người được THADS là con người, vì thế quyền của người được THADS cũng là một phạm trù thuộc về quyền con người. Ở những giai đoạn khác nhau trước và trong quá trình tổ chức thi hành án, người được THADS cũng có những tâm lý, yêu cầu khác nhau, do vậy, ở mỗi giai đoạn, cần đáp ứng những yếu tố, điều kiện thích hợp, đảm bảo để người được THADS có thể thụ hưởng các quyền, lợi ích hợp pháp của mình một cách đầy đủ và toàn diện nhất.
Như vậy, có thể hiểu quyền của người được THADS là khả năng mà người được THADS có thể khôi phục, thụ hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp của mình đầy đủ và toàn diện nhất, bao gồm cả những quyền, lợi ích hợp pháp được tuyên trong bản án, quyết định của Tòa án và cả những quyền trong quá trình tổ chức thi hành án.
 

ThS. Nguyễn Phúc Đạt
Ủy viên Ban chấp hành Đoàn cơ sở Tổng cục THADS

 
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
2. Luật Tố tụng hành chính năm 2015;
3. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014);
4. Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS;
5. Giáo trình lý luận và pháp luật về Quyền con người, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Chính trị Quốc gia (2015);
6. Khái niệm người được thi hành án có từ khi nào, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/dien-dan-cong-tac-tu-phap.aspx?ItemID=114
 

1. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;2. Luật Tố tụng hành chính năm 2015;3. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014);4. Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS;5. Giáo trình lý luận và pháp luật về Quyền con người, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Chính trị Quốc gia (2015);6. Khái niệm người được thi hành án có từ khi nào, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/dien-dan-cong-tac-tu-phap.aspx?ItemID=114