Đây là một công trình nghiên cứu quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới của ngành ngôn ngữ học Việt Nam và là một công cụ không thể thiếu đối với những người nghiên cứu ngôn ngữ.
Thực vậy, so với công trình năm 2010, Từ điển đã bổ sung nhiều nội dung mới, đề cập đến hầu hết các khái niệm cơ bản của ngôn ngữ học hiện đại, từ những khái niệm của ngôn ngữ học đại cương như phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, ngữ âm-âm vị học, hình thái-cú pháp học, từ vựng-ngữ nghĩa học, phong cách học… đến những khái niệm của ngôn ngữ học liên ngành như ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học tri nhận, ngôn ngữ học tâm lý… và cả những khái niệm của ngôn ngữ học ứng dụng như giáo dục ngôn ngữ, phiên dịch học, ngôn ngữ và lập pháp… tất cả những khái niệm đó đều được phân tích, giải thích rõ ràng, mạch lạc chứng tỏ sự làm chủ hoàn toàn của tác giả, như nhà văn Pháp Nicolas Boileau (1636-1711) đã nói “những gì tư duy thấu đáo thì sẽ diễn đạt trong sáng”.
Hai cuốn sách gần đây về Ngôn ngữ học của GS. Nguyễn Thiện Giáp
Mặt khác, nhiều khái niệm thuộc các phân ngành ngôn ngữ học mới chưa được đề cập trong “777 khái niệm” như ngôn ngữ học nhân chủng, ngôn ngữ học tri nhận, ngôn ngữ học sinh học, ngôn ngữ học thần kinh, ngôn ngữ học tính toán, ngôn ngữ học logic, ngôn ngữ học kho ngữ liệu cũng được giới thiệu.
Tổng cộng, tác giả đã định nghĩa và giải thích khoảng 1.700 khái niệm thuộc tất cả các lĩnh vực của ngôn ngữ học hiện đại. Điều đáng chú ý là công trình này còn đề cập đến những khái niệm chưa từng được giới thiệu ở Việt Nam, ví dụ, các khái niệm “tác ngữ học” (praxématique), “tác vị” (praxème), (tr.461-462) của trường phái Montpellier (Pháp) hay “hiện thực hóa” (actualisation) (tr.196) do nhà ngôn ngữ học Pháp G. Guillaume đề xuất.
Điều này một lần nữa cho thấy nhà Việt ngữ học uy tín này luôn không ngừng tìm hiểu, khám phá những lĩnh vực mới bổ sung cho trí thức vốn đã giàu có của mình: cho đến nay ông đã công bố 62 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành ở trong và ngoài nước và đã xuất bản 20 đầu sách thuộc các loại chuyên luận, giáo trình, từ điển trong lĩnh vực ngôn ngữ học.
Những con số biết nói này khiến cho những người khó tính nhất cũng phải khâm phục sức lao động phi thường, không mệt mỏi của một nhà giáo tâm huyết. Chỉ kể riêng công trình từ điển mới nhất này, tác giả đã dành nhiều năm nghiên cứu suy ngẫm để cống hiến cho ngành ngôn ngữ học một công trình vừa có chất hàn lâm vừa mang tính ứng dụng thực tiễn cao.
Thực vậy, từ những người đã là chuyên gia đến những người mới vào nghề đều sẽ thừa nhận tính hữu dụng của công trình bởi lẽ trong từ điển này hầu hết những khái niệm ngôn ngữ học quan trọng đều được định nghĩa tường minh cùng với những ví dụ minh họa thích đáng, giúp cho độc giả dễ dàng nắm bắt và vận dụng.
Điều gì đã tạo nên sức hút khoa học của Từ điển khái niệm ngôn ngữ học?
Thứ nhất về kết cấu của Từ điển. Nhìn tổng thể công trình tập hợp các khái niệm thuộc ba mảng: a) Lí thuyết và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ trong đó bao gồm cả những vấn đề liên quan đến tất cả các ngôn ngữ (ngôn ngữ học đại cương) và những vấn đề liên quan đến các ngôn ngữ cụ thể (ngôn ngữ học bộ phận); b) Ngôn ngữ học ứng dụng và c) Ngôn ngữ học liên ngành. Việc phân định như vậy cho phép tác giả lập một danh sách đầy đủ các khái niệm quan trọng bao trùm tất cả các lĩnh vực của ngôn ngữ học hiện đại, đáp ứng nhu cầu tra cứu của độc giả.
Thứ hai là phương pháp tiếp cận vấn đề mà tác giả đã áp dụng. Có thể nói, đây là một đóng góp lớn của GS Nguyễn Thiện Giáp trên bình diện phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ. Thực vậy, thay vì lấy hệ thống thuật ngữ làm cơ sở biên soạn từ điển, tác giả đã dựa vào hệ thống khái niệm ngôn ngữ học làm điểm xuất phát. Đây là một điểm mới rất đáng chú ý so với các từ điển đối chiếu thuật ngữ ngôn ngữ học Anh-Pháp-Nga-Việt đã công bố trước nghiên cứu của ông.
Thực tế cho thấy rất ít trường hợp một khái niệm tương ứng với một thuật ngữ mà ngược lại trong nhiều trường hợp một khái niệm được biểu đạt bằng nhiều thuật ngữ khác nhau. Hiện tượng này là do tính đặc thù và tính không đồng nhất giữa các hệ thống thuật ngữ của mỗi nước, như tác giả đã phân tích (tr.13).
Ví dụ, hệ thống thuật ngữ tiếng Pháp phân biệt giữa “signification và sens: signification” biểu thị nội dung khái niệm của đơn vị từ ngữ trong hệ thống ngôn ngữ, còn “sens” tương ứng với nghĩa của đơn vị từ ngữ đã được hiện thực hóa trong một phát ngôn cụ thể, vì thế chúng tôi đã đề xuất dịch hai thuật ngữ này sang tiếng Việt là nghĩa ngôn ngữ và nghĩa lời nói.
Như vậy, nếu xuất phát từ hệ thống khái niệm, từ điển tường giải sẽ đưa vào mục từ chính là nghĩa cùng với những khái niệm phái sinh từ khái niệm này như “nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa biểu cảm, nghĩa hàm chỉ”…
Thứ ba, khi xuất phát từ hệ thống khái niệm ngôn ngữ học, tác giả Từ điển cũng đã chỉ rõ những khái niệm do một trường phái nghiên cứu hay một tác giả cụ thể đề xuất. Trong bức tranh khái niệm ngôn ngữ học đa màu sắc, việc chỉ rõ những khái niệm đặc thù, độc đáo do một trường phái, hay một tác giả phát biểu sẽ giúp người đọc có cái nhìn tổng thể và dễ dàng tiếp cận được những khái niệm độc đáo đó.
Chẳng hạn, khi trình bày khái niệm “nguyên vị” (monème) do nhà ngôn ngữ học Pháp Martinet đề xuất năm 1960, tác giả đã giải thích rất rõ là khái niệm này chỉ đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất, có cả nội dung và hình thức ngữ âm, không thể tách thành các đơn vị có nghĩa nhỏ hơn nữa và nếu so sánh với hệ thuật ngữ của trường phái cấu trúc luận Mỹ thì “monème” tương ứng với “morphème”.
Với lời giải thích rõ ràng như thế, người đọc đã có kiến thức về cấu trúc luận Mỹ sẽ không gặp khó khăn khi tiếp xúc với lí thuyết ngôn ngữ học chức năng của Martinet. Ví dụ khác, giải thích khái niệm “tác vị”, Từ điển cho người đọc biết đây là khái niệm do các nhà ngôn ngữ học Pháp thuộc trường phái Montpellier đề xuất, và “tác vị” được định nghĩa là đơn vị thực hành sản sinh nghĩa mà “tác ngữ họ” dùng thay cho ký hiệu ngôn ngữ.
“Từ điển” đã nhấn mạnh nét độc đáo của lý thuyết “tác ngữ học” là nó đã xem xét lại lí thuyết ngôn ngữ học trước đó cho rằng kí hiệu ngôn ngữ là sự kết hợp của hình ảnh âm học (hình thức ngữ âm) và khái niệm (nghĩa). Khác với lý thuyết này, “tác ngữ học” coi trọng vai trò của “sở chỉ” (référent) vốn gắn liền với đơn vị ngôn ngữ, cụ thể là, “sở chỉ” không phải là yếu tố ngoài ngôn ngữ như lí thuyết kí hiệu ngôn ngữ quan niệm mà là một thành tố của quá trình hành chức của ngôn ngữ.
Đơn vị cơ bản của “tác ngữ học” là “tác vị” có chức năng thiết lập sự tương ứng giữa một dạng thức của hiện thực với một dạng thức ngôn ngữ. Với “tác ngữ học”, hoạt động ngôn ngữ không còn ở dạng nhận thức đơn thuần mà luôn gắn với thực tế khách quan và chính cái thực tế đó tác động đến quá trình sản sinh nghĩa của phát ngôn.
Đóng góp quan trọng khác của tác giả “Từ điển” thể hiện qua sự lựa chọn những thuật ngữ ngôn ngữ học thích hợp biểu đạt những khái niệm sẽ đề cập và giải thích. Có thể nói những thuật ngữ sử dụng trong từ điển này đã đạt đến sự chính xác cao và sự Việt hóa hoàn toàn.
Thực vậy, ngoài một số thuật ngữ của riêng Việt ngữ học như “tiếng, hình tiết, tình thái ngữ”…, đa số các thuật ngữ khác đều bắt nguồn từ các ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp và việc dịch sang tiếng Việt một số thuật ngữ chuyên ngành hẹp – chẳng hạn thuộc lĩnh vực dụng học, chưa đạt được sự đồng thuận giữa các nhà ngôn ngữ học: vẫn là khái niệm speech act nhưng được chuyển sang tiếng Việt là “hành động ngôn từ, hành vi ngôn ngữ”; (locutionary act) được ba nhà Việt ngữ học dịch theo ba cách khác nhau là “hành động phát ngôn, hành động tạo ngôn, hành vi tạo lời”.
Ngoài đề xuất cách dịch của mình, tác giả từ điển cũng đã rất thận trọng giới thiệu cách dịch của những nhà Việt ngữ học uy tín khác để độc giả tham khảo. Sự đa dạng về thuật ngữ tiếng Việt tương đương với thuật ngữ nước ngoài nói trên một lần nữa khẳng định việc tác giả xuất phát từ hệ thống khái niệm để xây dựng nên cuốn từ điển của mình là hoàn toàn xác đáng.
Chúng tôi được vinh dự là một trong những độc giả đầu tiên của “Từ điển khái niệm ngôn ngữ học”. Ngay từ những trang đầu, chúng tôi đã cảm nhận rõ sự cuốn hút của nó. Không chút do dự chúng tôi đã nghĩ rằng phải có sự hiểu biết sâu rộng và tâm huyết cống hiến cho khoa học đến mức nào tác giả mới có thể chế tác ra một sản phẩm đáng quý như thế. Ý nghĩ này đã thôi thúc tôi phải viết ra những cảm nhận của mình để chia sẻ với đông đảo bạn đọc và tin rằng độc giả cũng sẽ có cùng nhận xét như chúng tôi.
(*) GS.TS Nguyễn Thiện Giáp nguyên Tổng biên tập, Phó Giám đốc Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học (Khoa Ngôn ngữ học – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN); Uỷ viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học.