Nghề trồng ấu ở Hưng Yên

Hàng năm, cứ độ cuối thu đầu đông, khi gió heo may về, trên các cánh đồng, ao hồ, đầm trũng ở nhiều địa phương của Hưng Yên, nông dân lại bắt đầu vào mùa thu hoạch ấu. Củ ấu có vẻ ngoài đen đúa, xấu xí, gai góc nhưng bên trong lại trắng nõn, ngọt bùi chắt chiu từ “một nắng hai sương” nhọc nhằn của người trồng ấu.

Nông dân xã Cương Chính (Tiên Lữ) chèo thuyền thu hái củ ấu

Nông dân xã Cương Chính (Tiên Lữ) chèo thuyền thu hái củ ấu

Trước đây, cây ấu được nông dân các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên trồng nhiều ở các ao, hồ, đầm trũng. Những năm gần đây, diện tích ao, hồ trên địa bàn tỉnh ngày một thu hẹp, diện tích trồng cây ấu giảm. Dù vậy, tại một số địa phương như: Tam Đa (Phù Cừ); Phương Chiểu, Thụy Lôi, Cương Chính (Tiên Lữ), Hồng Nam, Quảng Châu (thành phố Hưng Yên)… người dân vẫn tận dụng diện tích ao, hồ trồng ấu để có thêm thu nhập.

 

Ấu là cây thuỷ sinh, thích hợp sống ở các ao, đầm và những chân ruộng có nước quanh năm. Lá ấu mọc so le nổi trên mặt nước, hình tròn, mép có răng cưa thưa, sức vươn khá tốt. Ấu có thể xuống giống bằng dây hoặc trồng bằng củ. Hàng năm, vào khoảng tháng 2 âm lịch, tiết trời ấm áp, người dân lấy dây ấu để trồng. Cách đơn giản hơn nữa là vào cuối vụ ấu của năm trước, người ta lấy củ ấu già, vo tròn trong nắm đất, thả xuống ao, ruộng… đến năm sau ấu có thể nảy mầm, phát triển. Ðối với các ao, đầm đã trồng ấu từ vụ trước, củ ấu già chưa kịp hái sẽ rụng xuống bùn, đến mùa xuân ấm áp lại ngoi nước mà trổ cây, nước có cao đến mấy cây ấu cũng có thể ngoi lên mà ra lá, tỏa rễ và làm củ.

 

Cuối xuân sang hè, ấu khép tán xanh mặt nước và nở hoa. Khi ấu trưởng thành, hoa mọc ra từ cuống nhỏ tí xíu, trắng tinh. Hoa ấu nở chỉ trong một ngày rồi tàn, tự thụ phấn thành quả rồi rũ chìm trong nước và cứ thế ăn các chất dinh dưỡng từ cây và nước để phát triển.

 

Bà Nguyễn Thị Thơm, người có kinh nghiệm trên 20 năm trồng ấu ở xã Thuỵ Lôi (Tiên Lữ), cho biết: “Ấu rất dễ trồng, vốn đầu tư ít, chỉ cần mua dây giống về thả. Khi chăm sóc, chỉ cần bón phân, đạm và phun thuốc trừ sâu ăn lá, phòng bệnh cháy lá là đủ”.

 

Trồng ấu không khó, tuy vậy, việc thu hoạch ấu lại rất vất vả. Ấu thường chín rộ vào cuối thu đầu đông, lúc trời bắt đầu chuyển rét. Để thu hoạch ấu, người nông dân phải ngâm mình cả ngày dưới ruộng để hái củ. Những ruộng sâu, người hái ấu phải ngồi trên thuyền để thu hoạch. Nếu không kịp hái, chậm vài ngày, củ ấu già sẽ rụng và chìm xuống bùn. Lúc đó, người hái phải vục tay xuống bùn sâu để mò ấu. Chị Bùi Thị Hậu, ở xã Cương Chính (Tiên Lữ) cho biết: “Hàng ngày tôi chèo thuyền đi thu hoạch củ ấu từ sáng sớm. Hái ấu vào ngày trời rét thì tay, chân lạnh cóng, vào hôm trời nắng hanh thì mùi ấu sực lên khó chịu, nếu hôm nào quên không đeo găng tay hái ấu thì cả bàn tay hôm ấy đen sì, có khi còn bị gai củ ấu đâm cho tứa máu”.

 

Thường thì mỗi cây ấu ra được 5 – 7 củ. Củ ấu non có màu hồng, khi chín chuyển sang màu đen. Theo kinh nghiệm của người trồng, để biết củ ấu non hay ấu già chỉ cần nhấc cây ấu lên, nếu củ ấu rụng xuống chứng tỏ ấu đã đủ độ chín để thu hoạch. Cây ấu sẽ ít củ dần và tàn lụi sau 6 – 7 đợt thu hoạch.

 

Mỗi vụ ấu, nhà trồng nhiều thu hoạch lên tới hàng tấn củ ấu. Năm nay củ ấu mua tại ruộng có giá dao động từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi sào trồng ấu có thể cho thu lãi từ 3 – 5 triệu đồng, cao hơn so với cấy lúa. Một số hộ dân sau khi thu hoạch ấu tự vận chuyển rồi bán ngay trên đường đê sông Luộc.

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Bình ở thôn Đặng Xá, xã Cương Chính (Tiên Lữ) có cách trồng ấu kết hợp với thả cá. Với diện tích 10 mẫu ao, hàng năm, cuối xuân, chị xuống giống ấu rồi chờ cây khép tán kín mặt nước mới thả cá vì lúc này cây ấu đã lớn, không sợ bị cá ăn. Chị Bình cho biết: “Trồng ấu kết hợp thả cá là cách làm mang lại hiệu quả “kép”, lá ấu phát triển tốt sẽ hứng nắng, làm giảm nhiệt độ, hạn chế tình trạng cá chết do nắng nóng vào mùa hè. Mặt khác, cá sục bùn tìm mồi ở đáy ruộng sẽ diệt cỏ dại, côn trùng, sâu bệnh hại ấu. Đồng thời, phân cá thải ra còn là nguồn dinh dưỡng để cây ấu phát triển…” Với cách làm này, mỗi năm gia đình chị thu được từ 5 – 10 tấn củ ấu bán với giá 10.000 – 15.000 đồng/kg và 2 – 3 tấn cá bán với giá trung bình 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí cho lãi từ 150 – 200 triệu đồng.

 

Ngoài các hộ trực tiếp trồng ấu, những người không trồng ấu cũng có thêm thu nhập từ việc hái thuê hoặc mua bán ấu. Trung bình một ngày, mỗi lao động hái được khoảng 20 – 30kg, thu nhập 100.000 đồng.

 

Mùa củ ấu không kéo dài như những loại củ, quả khác. Chính vì vậy nên cứ mỗi mùa ấu về là những người chuộng thứ quà quê này lại không quên mua một túi mỗi buổi đi chợ về.

baohungyen.vn