Quảng Ngãi: Làm giàu từ nấm bào ngư
07/11/2022
Chị Phan Thị Lơ nhận thấy nấm bào ngư là loại thức ăn ngon, dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh, thị trường tiêu thụ khá rộng nên đã vay vốn đầu tư. Đến nay, mô hình nấm bào ngư của gia đình chị đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Phan Thị Lơ chăm sóc vườn rau của gia đình
Bắt đầu từ nuôi bò, làm vườn
Chúng tôi tới thôn Bình Đông (xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa, Quãng Ngãi) thăm gia đình chị Phan Thị Lơ (thôn Bình Đông) khi đã xế chiều. Lúc này, chị Lơ đang làm vườn. Mảnh vườn 2.000m2 mà vợ chồng chị tạo lập khiến cho mọi người cảm giác yêu thích, thanh bình. Mảnh vườn mấy năm trước cũng bình thường như mọi mảnh vườn trong thôn, giờ đã là vườn rau an toàn xanh mướt quanh năm được che chở bởi lưới râm và khung sắt.
Chia sẻ về mô hình kinh tế mới, chị Lơ cho biết, trước đây, hai vợ chồng chị đều không có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Cũng vì thế, việc ăn học các con cũng bị ảnh hưởng. Chị Lơ luôn trăn trở, tìm cách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, vợ chồng chị loay hoay làm đủ nghề cũng chỉ đủ cái ăn, chẳng dư dả được đồng nào.
Năm 2016, chị Lơ được Hội LHPN xã Nghĩa Hà khuyến khích, động viên tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn cận nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội để nuôi bò sinh sản. Đồng thời, mời chị tham gia vào thành viên của Tổ hợp tác trồng hoa ươm mầm của Hội. Sau khi bàn bạc với với gia đình, chị mạnh dạn vay mượn mua 02 con bê cái và hăng hái tham gia mô hình.
Mô hình trồng nấm bào ngư sạch của gia đình chị Lơ
Mặc dù những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với đức tính cần cù, chịu khó, chị Lơ luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, trên sách, báo và thông qua các lớp tập huấn. Từ đó, chị mạnh dạn, sáng tạo áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào khâu chọn giống cây, con tốt, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Nhờ đó, mô hình của chị ngày càng phát triển ổn định.
Đến nay, vườn của chị trồng phong phú các loại như rau cải, xà lách, dền, mồng tươi … thu hái quanh năm, cung cấp cho các điểm buôn bán trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là cung cấp rau cho siêu thị Coopmat. Đàn bò nhà chị cũng phát triển tốt với trên 10 con, trong đó có 5 con bò cái sinh sản. Ngoài ra, hàng ngày chị còn cùng chồng làm nghề đúc bi, trụ bê tông bán cho bà con trong và ngoài xã. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng.
Mô hình nấm bào ngư
Không bằng lòng với thành quả trồng rau nuôi bò đã có, chị Lơ vẫn luôn không ngừng tìm tòi hướng đi mới để tiếp tục phát huy hiệu quả mảnh vườn rộng hiện có. Từ thực tế, chị thấy nấm bào ngư là loại thức ăn ngon, có giá trị dinh dưỡng khá cao, lại là một trong những loại nấm dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh, thị trường tiêu thụ khá rộng.
Trồng nấm bào ngư không khó, cho hiệu quả kinh tế lại cao
Nhờ sự tạo điều kiện hỗ trợ của Hội LHPN xã Nghĩa Hà, chị được tiếp cận và vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội. Cùng với số vốn tích lũy được, chị Lơ đã mạnh dạn mở trang trại trồng nấm bào ngư sạch có diện tích khoảng 500m2 với 02 trại nấm. Hiệu quả bước đầu, cứ 3 ngày chị thu hoạch được 15kg nấm bào ngư bán ra thị trường. Mô hình kinh tế trồng nấm bào ngư sạch của chị đã tạo việc làm bán thời gian cho 04 chị em phụ nữ tại thôn.
Theo chị Lơ, trồng nấm bào ngư bên cạnh kỹ thuật thì còn phải giữ uy tín, đảm bảo chất lượng thì khách hàng mới an tâm và quay trở lại những lần tiếp theo.
Nấm bào ngư có thị trường tiêu thụ rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao
Lấy từ trên kệ bịch phôi đang ra nấm, chị Lơ tiếp lời: “Khi mình nhập phôi về, tùy theo độ phôi mà đơn vị cung cấp cấy bao nhiêu ngày. Thường nhập về ủ 60 ngày, tùy theo độ mát của trại, nếu thích hợp sẽ kéo tơ sớm. Mỗi tháng, các nhà nấm của tôi cho thu hoạch 2 lần. Tôi cho nấm ra xoay vòng, cứ cách 3 ngày thu hoạch 1 lần. Nhờ vậy, lúc nào cũng có nấm phục vụ khách hàng”.
Chị Lơ cũng cho biết, trồng nấm bào ngư không khó và trồng được quanh năm. Song, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật và theo dõi thường xuyên để có biện pháp xử lý kịp thời. Một trong những yêu cầu quan trọng là nhà trồng nấm phải có nhiệt độ thích hợp, thông thoáng, ánh sáng phù hợp. Phôi nấm ngoài việc được treo trên giá thể còn có thể đặt trên kệ. Giàn kệ phải đủ vững để chịu sức nặng của các bịch phôi.
Trồng nấm bào ngư xám thì rất sạch, chỉ tưới phun sương bằng nước máy. Nếu trời nóng tưới nước nóc nhà và nền nhà, nấm bào ngư chịu mát, lạnh và gió sẽ làm nấm bị xoăn. Để trồng nấm, đầu tiên là làm trại, nhập phôi về chất lên kệ, chất chồng lên nhiều lớp. Nuôi tơ, khi già gỡ bông gòn ra, đậy nắp lại. Đúng 7 ngày sau mở nắp ra tưới. Khi già, bịch phôi sẽ kéo tơ trắng hết, sẽ mở nắp cho nấm phát triển. Tưới vào ban ngày từ 4 đến 5 lần. Ngoài ra, tôi còn mở rộng, có hướng dẫn làm trại, cung cấp phôi giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, chị Lơ chia sẻ thêm.
Nấm bào ngư xám thường bị bệnh mốc xanh, bệnh này dễ lây nhiễm, nếu phát hiện bệnh, bịch phôi ấy sẽ phải bỏ. Do đó, sau mỗi lần thu hoạch nấm, chị Lơ phải diệt khuẩn, rửa nền và phơi nền để đảm bảo an toàn cho các lần sản xuất sau.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Lơ còn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của Hội phụ nữ địa phương phát động. Chị thường xuyên tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế của bản thân mình, đồng thời tạo mọi điều kiện về vốn, cây, con giống cho những hội viên khác muốn phát triển kinh tế, giảm nghèo. Gia đình chị cũng là một gia đình mẫu mực, nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hóa. Các con của chị đều chăm ngoan, học giỏi, ra trường có việc làm ổn định.
Hội LHPN xã Nghĩa Hà cho biết, chị Phan Thị Lơ là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng gia đình hạnh phúc. Chị đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ hiện đại luôn năng động sáng tạo, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.
Hướng tới, Hội LHPN xã Nghĩa Hà sẽ tổ chức cho chị em phụ nữ trong xã đến tham quan mô hình kinh tế gia đình chị Lơ. Đồng thời tìm các nguồn vốn hỗ trợ cho gia đình chị em phụ nữ có nhu cầu đầu tư nhân rộng mô hình kinh tế, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống.