Kỹ thuật trồng nấm Bào ngư

        Nấm bào ngư (Pleurotus.sp) là thực phẩm thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao như: Protein, các Vitamin và khoáng. Tại Việt Nam, việc phát triển trồng nấm bào ngư được khuyến khích vì đây là loại nấm có thể tận dụng nguồn phụ phẩm nông lâm nghiệp như: Mùn cưa, rơm rạ, cùi bắp, bã mía, … hạn chế ô nhiễm môi trường. Do có nhiều ưu thế nên nấm bào ngư được trồng phổ biến, và là sản phẩm phong phú trên thị trường hiện nay. Để giúp nông dân có tư liệu kỹ thuật trồng nấm, bài viết sẽ hướng dẫn quy trình trồng nấm bào ngư như sau:

Thứ nhất: Chuẩn bị nguyên liệu

        Nguyên liệu chính làm môi trường nuôi nấm là các loại phụ phẩm nông nghiệp giàu chất cenluloz như: Rơm rạ, mùn cưa thuộc loại gỗ mềm và không có nhựa ngăn meo nấm phát triển như gỗ cao su, xoài, so đũa, thân bắp, cùi bắp…..

        Nguyên liệu sau khi qua xử lý, ủ chín, phối trộn chất dinh dưỡng, vô bịch, hấp thanh trùng/ tiệt trùng, cấy meo giống. Sau 20 – 25 ngày tơ nấm mọc đầy bịch phôi, lúc này bịch phôi được đem ra nhà nấm chăm sóc thu hoạch quả thể.

Thứ 2: Chuẩn bị nhà nấm

        Vật liệu: Làm nhà nấm bằng tre, lá, lưới, ny lon. Có thể tận dụng sàn nhà để treo bịch phôi nấm, xung quanh nhà trồng nấm có thể bao lưới cước hoặc nylon để giữ ẩm độ, hạn chế côn trùng giúp cho nấm phát triển tốt.

        Nhà trồng nấm: Phải sạch sẽ, cao ráo, thoáng khí, thoát nước và giữ được độ ẩm. Các  bịch phôi nấm có thể xếp đặt trên các bệ (bằng tre hay sắt) hoặc treo dưới các thanh ngang, mỗi hàng cách nhau 20 – 30cm, mỗi dây cách nhau 20 – 25cm, mỗi dây có thể treo từ 6 – 10 bịch phôi. Tốt nhất bố trí dàn treo theo từng khối một, mỗi khối rộng từ 1,4 – 1,6m, chiều dài tùy theo nhà trồng. Mỗi khối chừa các lối đi để tiện chăm sóc và thu hái.

       Trước khi đưa nấm vào nhà nuôi trồng ta cần khử trùng nhà nấm bằng vôi bột cứ 100gr vôi bột/1m2 rãi đều xung quanh nền nhà nấm.

          Sau khi nhà nấm chuẩn bị xong ta tiến hành đưa bịch phôi nấm vào chăm sóc.

Thứ 3: Đưa bịch phôi nấm vào nhà trồng và chăm sóc

        Chọn những bịch có sợi tơ nấm mọc trắng đều bịch, sau đó tiến hành tháo nút bông phía trên miệng bịch phôi hoặc dùng dao lam rạch từ 3 – 4 đường dài khoảng 3 – 4cm trên bịch phôi, sau khi rạch bịch để ngày hôm sau mới phun tưới nước.

        Nước tưới nấm phải sạch, không phèn, không nhiễm mặn, không chứa chất độc hại nấm và nên tưới bằng bình phun sương hay vòi phun thật mịn. Tưới nước nhiều hay ít tùy theo ẩm độ không khí của nhà nuôi nấm. Bình quân 2 lần/ngày, nếu khô thì từ 3 – 4lần/ngày.

         Độ ẩm môi trường không khí nơi trồng nấm đạt 85-90%. Nhiệt độ thích hợp 25-32oC, nhiệt độ tối ưu 27-28oC. Ánh sáng khuyếch tán (có thể đọc sách được) đây là điều kiện thích hợp nhất để quả thẻ của nấm có thể hình thành và phát triển.

        Cách tưới: Không tưới thẳng lên bịch phôi mà phun xịt tạo mưa nhẹ rơi từ trên xuống, tưới ướt các vách, nóc và nền nhà để tạo độ ẩm không khí cần thiết cho nhà trồng nấm. Tùy theo thời tiết mà tưới nhiều hay ít để tạo ẩm cho nhà trồng nấm, mỗi ngày tưới 2 – 4 lần (khi mưa dầm ẩm ướt, không cần tưới). Lưu ý là không để giọt nước bắn thẳng vào nụ nấm mà làm hư hỏng nó.

Thứ 4: Thu hoạch nấm bào ngư

        Sau khi rạch bịch phôi nấm khoảng từ 7 – 10 ngày nấm bắt đầu kết quả thể, xuất hiện nụ nấm dạng phểu chuyển sang dạng lá lục bình, ta tiến hành thu hái nấm, thu hái nấm 2 đến 3 lần 1 ngày, khi hái nấm nên hái hết cả cụm, không nên để sót lại phần chân nấm vì nó dễ gây nhiễm, làm các lần thu hoạch kế tiếp sẽ không cho tai nấm tốt, năng suất giảm.

        Sau khi thu hoạch nấm đợt 1 thì ngưng tưới 1-2 ngày. Nếu thấy bịch phôi xốp nhẹ thì có thể dồn nén bịch lại, sau đó ta rạch thêm xung quanh bịch phôi 1-2 đường, mỗi đường dài khoảng 3-4 cm và tiếp tục chăm sóc tưới nước giống như ban đầu để thu hoạch nấm tiếp các đợt sau. Nên vệ sinh phần cổ bịch (đối với phương pháp thu ở cổ bịch) sâu mỗi đợt thu hoạch.

        Việc thu hái nấm bào ngư nên tiến hành ở giai đoạn trưởng thành, đó là lúc tai nấm chuyển từ dạng phễu lệch sang dạng lá lục bình (mũ nấm mỏng lại và căng rộng ra, mép hơi quằn xuống – nếu mép cong lên là nấm già). Nấm thu ở giai đoạn này, ngoài chất lượng dinh dưỡng cao, ít bị hư hỏng (không gãy bìa mép khi thu hái) và dễ bảo quản (giữ được lâu ở dạng tươi).

        Khi hái nên hái từng chùm (nếu dạng chùm) không nên tách tai lẽ và vì vậy cần tính toán sao cho có lợi nhất. Lưu ý là cần làm vệ sinh sạch sẽ gốc nấm còn sót lại trong bịch nấm. Nấm hái xong, nên cắt gốc cho sạch và cho vào túi nylon hàn/ buộc kín miệng (nên lấy không khí làm cho bich căng phồng trước khi hàn/buộc kín miệng) sẽ hạn chế hư hỏng trong quá trình vận chuyển cũng như bảo quản trong tủ lạnh lâu hơn.

        Tùy theo giống nấm, có thể thu hoạch khoảng 6 – 12 đợt, mỗi đợt cách nhau chừng 15 – 20 ngày trong khoảng 2 – 8 tháng (giống bào ngư Nhật khoảng hơn 8 tháng) khi bịch đen và tóp lại thì ngưng.

        Một bịch phôi nấm nặng 1 – 1,2kg sẽ cho khoảng 250 – 400gr nấm tươi trong suốt thời gian thu hoạch.

Thứ 5: Bảo quản chế biến nấm bào ngư

        Nấm sau khi thu hoạch nên bảo quản trong bịch nilong hàn/buộc kín miệng (nên lấy không khí làm cho bịch căng phồng trước khi hàn/buộc kín miệng) sẽ hạn chế hư hỏng trong quá trình vận chuyển cũng như bảo quản trong tủ lạnh lâu hơn. Việc bảo quản trong túi nilong đục lỗ là không tốt cho sản phẩm vì dễ dập tai nấm gây hư hỏng hoặc bị khô do điều kiện trong tủ lạnh.

        Nấm bào ngư trong điều kiện được giữ lạnh ở 5 – 8oC, có thể giữ tươi từ 5 – 7 ngày. Ở điều kiện gia đình có tủ lạnh, nấm bào ngư nên được bảo quản ở ngăn rau.

        Nấm bào ngư dễ làm khô, chỉ cần dàn mỏng để nơi thoáng có gió là nấm khô quéo lại. Nếu phơi và sấy thì thời gian càng nhanh hơn. Nhiệt độ sấy khoảng 50oC. Thường nấm khô có mùi thơm đặc trưng hơn nhưng không giòn, ngọt như nấm tươi. Tỷ lệ nấm khô/nấm tươi là 1/10 (10 kg tươi thu được 1kg nấm khô).

Thứ 6: Những bệnh thường gặp

         Nấm bào ngư có sức sống rất mạnh. Tuy nhiên, nấm lại rất nhạy cảm với môi trường, như nhiệt độ lên xuống đột ngột cũng có thể làm nấm ngừng tăng trưởng, không mọc hoặc héo nhũn. Nước tưới bị phèn, bị mặn cũng làm nấm không phát triển được. Quá trình cung cấp nước cho nấm, nếu giọt tưới lớn sẽ dễ làm chết các tai nấm đang phát triển. Tai nấm trong trường hợp này, nhũn ra và rũ xuống.

          Đối với bệnh nhiễm, thì có hai bệnh chủ yếu: Mốc xanh (Trichoderma.sp) và ấu trùng ruồi.

         Trichoderma.sp là loài mốc phát triển trên các cơ chất có chất gỗ, làm bịch nấm thâm đen lại, ảnh hưởng đến năng suất nấm. Để hạn chế sự phát triển của loài mốc này, cần khử trùng tốt nguyên liệu trồng nấm.

        Trường hợp ấu trùng ruồi (dòi), chúng chui vào các khe cửa phiến nấm, cắn phá làm hư hại nấm. Tốc độ sinh sản chúng lại rất nhanh, nên thiệt hại không phải nhỏ. Nhà trồng vì vậy nên làm lưới chắn, để cho chúng không lọt vào. Tuy nhiên, vấn đề chính là vệ sinh nhà trại, không để ổ dịch.

P.Thảo