Một số quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính
Ngày 05/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2013/NĐ-CP về các nội dung: Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản. Đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tuc hành chính. Trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; thu, nộp, quản lý, sử dụng chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hết thời hạn tạm giữ.
Theo đó, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có một trong các điều kiện dưới đây thì người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ, cụ thể:
Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện;
Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.
Với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông có nơi đăng ký thường trú hoặc có nơi đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức hoặc có địa chỉ hoạt động rõ ràng và có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.
Trong trường hợp giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản thì họ phải làm đơn gửi cơ quan của người có thẩm quyền đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện. Trong đơn ghi rõ thông tin về người và phương tiện vi phạm. Đồng thời gửi kèm theo bản có công chứng, chứng thực hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc CMND, Thẻ căn cước…
Trong thời hạn không quá 02 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.
Nghị định cũng bãi bỏ khoản 4 Điều 7, khoản 1 Điều 19 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2020.
Nghị định ban hành kèm theo Phụ lục Mẫu quyết định về việc khấu trừ tiền đặt bảo lãnh.
Hungyen.gov.vn