03/04/2023 18:31
Trong thời gian qua, nhiều ý kiến băn khoăn về nội dung thời hiệu, thời hạn trong xử lý vi phạm hành chính dẫn đến việc áp dụng còn có nhiều quan điểm khác nhau. Nhất là cách tính thời hạn, thời hiệu; thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực, hàng hóa .v.v. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin phép chia sẻ một số nội dung liên quan đến thời hiệu, thời hạn trong xử lý vi phạm hành chính.
Thứ nhất, các quy định về thời hiệu, thời hạn trong Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành
– Tại khoản 1 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây: Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm. Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
b) Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được quy định như sau: Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
c) Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
d) Trong thời hạn được quy định tại điểm a và điểm b khoản này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
– Tại khoản 1 Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính: Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính:
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
– Tại Điều 8 Luật xử lý vi phạm hành chính: Cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính
+ Cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự, trừ trường hợp trong Luật này có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc.
+ Thời gian ban đêm được tính từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau.
Thứ hai, về các quy định về thời hiệu, thời hạn trong Luật dân sự hiện hành
– Tại Điều 144 Luật dân sự: Thời hạn
+ Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác.
+ Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.
– Tại Điều 145 Luật dân sự: Áp dụng cách tính thời hạn
+ Cách tính thời hạn được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
+ Thời hạn được tính theo dương lịch, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Tại Điều 146 Luật dân sự: Quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn
+ Trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:
a) Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày;
b) Nửa năm là sáu tháng;
c) Một tháng là ba mươi ngày;
d) Nửa tháng là mười lăm ngày;
đ) Một tuần là bảy ngày;
e) Một ngày là hai mươi tư giờ;
g) Một giờ là sáu mươi phút;
h) Một phút là sáu mươi giây.
+ Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng thì thời điểm đó được quy định như sau:
a) Đầu tháng là ngày đầu tiên của tháng;
b) Giữa tháng là ngày thứ mười lăm của tháng;
c) Cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.
+ Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu năm, giữa năm, cuối năm thì thời điểm đó được quy định như sau:
a) Đầu năm là ngày đầu tiên của tháng một;
b) Giữa năm là ngày cuối cùng của tháng sáu;
c) Cuối năm là ngày cuối cùng của tháng mười hai.
– Tại Điều 147 Luật dân sự: Thời điểm bắt đầu thời hạn
+ Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.
+ Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.
+ Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó.
– Tại Điều 148 Luật dân sự: Kết thúc thời hạn
+ Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.
+ Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.
+ Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.
+ Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.
+ Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
+ Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.
– Tại Điều 149 Luật dân sự: Thời hiệu
Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.
– Tại Điều 151 Luật dân sự: Cách tính thời hiệu
Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.
Thứ ba, quan điểm về cách hiểu đối với một số nội dung liên quan thời hiệu, thời hạn trong xử lý vi phạm hành chính
– Tại khoản 1 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định hiện hành này thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây: Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Đối với nội dung này vẫn còn một số quan điểm khác nhau. Tuy nhiên theo quan điểm tác giả, hiện nay Luật xử lý vi phạm hành chính quy định các vấn đề về: Thời hiệu, mức phạt tiền tối đa, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính theo “lĩnh vực quản lý nhà nước”, không theo “tiêu chí khác”. Do vậy quá trình nghiên cứu, áp dụng các bạn nên xem xét, cân nhắc để xác định đúng hướng.
b) Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được quy định như sau: Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
c) Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
d) Trong thời hạn được quy định tại điểm a và điểm b khoản này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
– Tại Điều 8 Luật xử lý vi phạm hành chính: Cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính
Cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự, trừ trường hợp trong Luật này có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc.
Với cách quy định này thì hiện nay vẫn có một số cách hiểu khác nhau như: Tính thời hạn, thời hiệu theo luật dân sự; tính thời hạn, thời hiệu theo Luật xử lý vi phạm hành chính vì Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả thì tinh thần của Luật xử lý vi phạm hành chính là cách tính thời hạn, thời hiệu được áp dụng theo quy định của bộ luật dân sự. Luật xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định về thời hạn theo ngày làm việc, còn thời điểm xác định thời hạn, kết thúc thời hạn .v.v. thì Luật xử lý vi phạm hành chính không quy định, do đó sẽ thực hiện việc tính “thời điểm bắt đầu thời hạn” và “kết thúc thời hạn” theo quy định của bộ luật dân sự, cụ thể như:
+ Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.
+ Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.
+ Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.
+ Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
+ Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.
Để cụ thể hóa các nội dung nói trên, chúng ta cùng đi đến một ví dụ cụ thể như sau:
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ. Vậy nếu ngày tạm giữ là thứ 2 ngày 27/3/2023 thì thời hạn tạm giữ sẽ kết thúc vào thời điểm nào? Chiếu theo quy định ở trên thì chúng ta sẽ tính như sau:
Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm (không phải giờ, phút) thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định. Vậy với ví dụ trên ta sẽ có ngày đầu tiên của thời hạn là ngày 27/3/2023 (lý do: Kể từ ngày tạm giữ) nhưng khi tính thời hạn theo ngày thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định. Vậy ta sẽ tính thời hạn bắt đầu từ ngày 28/3/2023 là ngày thứ nhất của thời hạn 07 ngày làm việc. Ngày thứ hai sẽ là 29/3/2023. Ngày thứ ba sẽ là 30/3/2023. Ngày thứ tư sẽ là 31/3/2023 (thứ 6). Thời hạn tạm giữ tính theo ngày làm việc, vậy chúng ta sẽ bỏ qua ngày thứ 7 (01/4) và ngày chủ nhật (02/4). Ngày thứ năm sẽ là 03/4/2023. Ngày thứ sáu sẽ là 04/4/2023. Ngày thứ bảy sẽ là 05/4/2023. Ngày cuối cùng của thời hạn là ngày 05/4/2023. Theo quy định khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó. Vậy chúng ta có thể tạm giữ đến 24h của ngày 05/4/2023 (chính đêm 05/4). Giả sử với trường hợp ngày 05/4/2023 rơi vào ngày thứ 7 hoặc chủ nhật hoặc nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó, tức là chúng ta sẽ được tạm giữ đến 24h của ngày thứ hai tiếp theo hoặc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ lễ đó.
Nếu chúng ta không bám vào cách tính của luật dân sự thì chúng ta sẽ có phương án ngày 04/4 do chúng ta bắt đầu tính từ ngày 27/3. Do vậy phương án này sẽ không chính xác.
Thực tiễn “ngày làm việc” là một đơn vị thời gian có sự cách quãng nếu “bị” xen giữa ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ và theo tinh thần của Bộ Luật lao động. “Ngày” là một đơn vị thời gian theo quy định của Bộ luật dân sự. Do không có sự thoả thuận giữa các bên (trong quan hệ pháp luật hành chính) nên các thời hạn có liên quan đến đơn vị thời gian là “ngày” được “tính” theo quy định tại Bộ Luật dân sự hiện hành.
Trên đây là một số chia sẽ của tác giả về thời hạn, thời hiệu, cách hiểu và áp dụng. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về mail [email protected]