23/03/2022 15:01
Một trong những nội dung quan trọng được Luật sửa đổi là tăng thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của một số chức danh, trong đó có các chức danh thuộc lực lượng Quản lý thị trường (QLTT).
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022; đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều, trong đó, 16 điều được sửa đổi, bổ sung toàn diện; sửa kỹ thuật 11/142 điều; bổ sung 04 điều; bãi bỏ 03 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Một trong những nội dung quan trọng được sửa đổi là tăng thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của một số chức danh nhằm giảm số lượng hồ sơ các vụ việc vượt thẩm quyền phải trình, chuyển cấp trên dẫn đến thời gian xử phạt vi phạm hành chính bị kéo dài, trong đó có các chức danh thuộc lực lượng Quản lý thị trường (QLTT).
Theo đó, Cục trưởng Cục QLTT cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành phương tiện theo hướng không phụ thuộc giá trị. Đối với chức danh Đội trưởng Đội QLTT:
“2. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường có thẩm quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này” (Văn bản hợp nhất số: 31/VBHN-VPQH ngày 07 tháng 12 năm 2020 của Văn phòng Quốc hội, sau đây gọi tắt là Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc Luật).
Cùng với đó, theo Điều 52 Luật: “Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ 38 đến 51 của Luật này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân…”.
Các quy định này đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong việc xác định thẩm quyền tịch thu của Đội trưởng Đội QLTT:
Thứ nhất, thẩm quyền tịch thu của Đội trưởng Đội QLTT tối đa 50 triệu đồng đối với cả trường hợp tổ chức và cá nhân vi phạm.
Thứ hai, thẩm quyền tịch thu của Đội trưởng Đội QLTT tối đa 50 triệu đồng đối trường hợp cá nhân vi phạm và 100 triệu đồng đối với trường hợp tổ chức vi phạm.
Sự không thống nhất về cách thức quy định tại các Nghị định xử phạt
Thực tế, các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính cũng có những cách thức quy định khác nhau, không thống nhất càng làm cho việc hiểu và áp dụng trong thực tế gặp khó khăn, gây nhiều lúng túng khi xử lý vụ việc. Điểm qua các Nghị định có thể nhóm thành 4 cách thức quy định về thẩm quyền tịch thu đối với Đội trưởng Đội QLTT:
– Quy định “nhắc lại” Luật Xử lý vi phạm hành chính
Đối với cách thức quy định này, điều khoản quy định về thẩm quyền tịch thu của Đội trưởng Đội QLTT hoàn toàn không có sự khác biệt so với Luật Xử lý vi phạm hành chính, đơn thuần chỉ là sự “sao chép” lại các quy định trong Luật.
Ví dụ: Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 55/2021/NĐ-CP); Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP); Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 143/2021/NĐ-CP)….
– Quy định mức tối đa thẩm quyền tịch thu 50 triệu đồng, không xác định đối tượng vi phạm là cá nhân hay tổ chức
Chiếm số lượng lớn các Nghị định có thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường được quy định theo cách thức này.
Ví dụ: Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (đều được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP); Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 08 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 126/2021/NĐ-CP)…
– Quy định mức tối đa thẩm quyền tịch thu đối với vi phạm của tổ chức là 100 triệu đồng, không quy định thẩm quyền tịch thu đối với vi phạm của cá nhân
Trong trường hợp này, Nghị định quy định thẩm quyền phạt tiền của tất cả các các chức danh là thẩm quyền áp dụng đối với vi phạm hành chính của tổ chức, thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân bằng 1/2 thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức.
Ví dụ: Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP).
– Quy định thẩm quyền tịch thu 50 triệu đồng với cá nhân vi phạm và 100 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm (trên cơ sở quy định cụ thể thẩm quyền phạt tiền theo cá nhân và tổ chức)
Ví dụ: Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 124/2021/NĐ-CP); Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (được sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2021/NĐ-CP)…
Một số Nghị định khác mà QLTT không có thẩm quyền xử phạt cũng được quy định theo cách thức này như Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 102/2021/NĐ-CP). Trong đó, nhóm chức danh có thẩm quyền xử phạt “tương tự” Đội trưởng Đội QLTT là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và tương đương, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh và tương đương. Các chức danh này có thẩm quyền:
“b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân; phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức;
c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân, 100.000.000 đồng đối với tổ chức” (Điều 29).
Cơ sở nào cho những khác biệt
– Việc xác định thẩm quyền tịch thu tối đa 50 triệu đồng, không phân biệt đối tượng vi phạm là cá nhân hay tổ chức, dựa trên quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật, là kết quả của phép nhân 25 triệu đồng lên 2 lần và thay thế cụm từ “02 lần mức tiền phạt quy định tại điểm b khoản này ˮ ở Luật thành “50 triệu đồng” tại các Nghị định. Trên thực tế, cách thức quy định này, xét về bản chất, không có gì mới, không cụ thể hóa mà chỉ dừng ở mức độ “nhắc lại”, “thay thế”.
Và, việc quy định gián tiếp (nhân 2 lần) như vậy không chỉ đối với chức danh Đội trưởng Đội QLTT mà còn với rất nhiều chức danh khác như Chủ tịch UBND cấp xã, các chức danh của Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Thanh tra….
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu xác định thẩm quyền giới hạn ở mức 50 triệu đồng, tại sao phải sử dụng một cụm từ dài với cách quy định gián tiếp (nhân 2 lần) và dẫn chiếu sang một điểm khoản khác mà Luật không quy định trực tiếp bằng con số tuyệt đối, 50 triệu đồng. Việc quy định gián tiếp này rườm rà và không phù hợp về mặt kỹ thuật lập pháp.
– Việc xác định thẩm quyền tịch thu theo mức tối đa 50 triệu đồng đối trường hợp cá nhân vi phạm và 100 triệu đồng đối với trường hợp tổ chức vi phạm được xác định thông qua 2 bước, trước hết “bóc tách” mức phạt tiền cá nhân và tổ chức sau đó mới thực hiện việc nhân 2 lần.
Cơ sở cho hướng tiếp cận này là quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật: “Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ 38 đến 51 của Luật này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân …”.
Từ đó, nếu bỏ qua yếu tố kỹ thuật lập pháp, khoản 2 Điều 45 Luật sẽ tách thành khoản 2a, 2b gắn với đối tượng là cá nhân , tổ chức. Theo đó, tại điểm b của mỗi khoản quy định mức phạt tiền tối đa là 25 triệu và 50 triệu; điểm c giữ nguyên nội dung “có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này” nên sẽ có sự thay đổi theo từng đối tượng vi phạm:
2a. Đối với vi phạm hành chính của cá nhân, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;…
(hoặc: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50 triệu đồng;…).
2b. Đối với vi phạm hành chính của tổ chức, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính của tổ chức;
c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;…
(hoặc: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100 triệu đồng;…).
Đánh giá
Rõ ràng, việc các Bộ, ngành xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt trình Chính phủ ban hành nhưng có sự khác biệt trong cách thức quy định, cụ thể hóa các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính là một việc không nên xảy ra trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang đặt quyết tâm cao cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra một số giải pháp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, một trong những giải pháp là “Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định,…”.
Việc không thống nhất, cụ thể trong các quy định dẫn đến nhiều khó khăn, lúng túng và thậm chí là rủi ro pháp lý cho các cơ quan thực thi, đặc biệt là các chức danh có thẩm quyền xử phạt có liên quan.
Trong thời gian tới, cần thiết phải có văn bản giải thích pháp luật hoặc hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền đối với các quy định liên quan đến trị giá tang vật, phương tiện bị tịch thu của các chức danh nói chung, Đội trưởng Đội QLTT nói riêng.