Có buộc dự lễ ngày Chúa Nhật và kiêng việc xác không? – Giải đáp – https://leading10.vn
Trả lời: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi cần nói qua về ý nghĩa và mục đích cử hành Lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc trong phụng vụ của Giáo Hội.
Như chúng ta biết, trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái phải giữ ngày Sabat, tức ngày thứ bảy trong tuần như sau:
“ ngươi hãy nhớ ngày Sa-bát và coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sabát kính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó ngươi không được làm công việc gì, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi..” (Xh 20:8-10).
Đây là nguồn gốc của luật giữ ngày Chúa Nhật, các ngày lễ trọng và luật kiêng làm việc xác những ngày này trong Giáo Hội Công Giáo ngày nay.
Thật vậy, Thiên Chúa muốn cho dân Do Thái dành riêng một ngày để thờ kính Ngài và suy niệm về công trình sáng tạo vũ trụ và tạo dựng loài người cách riêng của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Ngài cũng không có ý bắt buộc họ phải giữ ngày Sabat một cách máy móc, nghiêm ngặt đến nỗi không cho ai làm bất cứ điều gì trong ngày này kể cả chữa bệnh cho người đau ốm hoặc cho người đói khát ăn uống. Đây chính là sự mù quáng của nhóm Biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu khi bọn này bắt bẻ Chúa chữa bệnh trong ngày Sabat, khiến Người đã phải nghiêm khắc nói với họ như sau: “ Ai trong các ông có con chiên độc nhất bị sa xuống hố ngày Sa bát lại không nắm lấy nó mà kéo lên sao ? Mà người thì quí hơn chiên biết mấy. Vì thế, ngày Sabat được phép làm điều lành.” (Mt 12:11-12)
Như thế cho thấy rõ là Chúa Giêsu không hài lòng về cách giữ ngày Sabat của nhóm Biệt phái và luật sĩ Do Thái vì họ hoàn toàn hiểu sai mục đích Thiên Chúa mong muốn cho dân tuân giữa ngày này. Họ giữ theo luật để bắt bẻ người khác không giữ luật cách máy móc như họ chứ không phải giữ vì lòng mến Chúa thực sự.
I- Luật buộc giữ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Trọng trong Giáo Hội ngày nay.
Người tín hữu ngày nay không buộc giữ ngày Sabat nhưng phải giữ ngày Chúa Nhật. Trước hết, theo giáo lý của Giáo Hội thì ngày Chúa Nhật được gọi là Ngày của Chúa (Dies dominica) theo tinh thần Thánh Vịnh 118: 24:
“ Đây là ngày CHÚA đã làm ra
Nào ta hãy vui mừng hoan hỉ”
Mặt khác, ngày Chúa nhật cũng là ngày kỷ niêm Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Vì thế, Giáo Hội dạy rằng : “ việc cử hành Ngày của Chúa và Hy tế Tạ Ơn của Chúa (The Eucharist) mỗi ngày Chúa Nhật là trung tâm điểm của đời sống Giáo Hội. Ngày Chúa Nhật cũng là ngày cử hành Mầu Nhiệm vượt qua theo truyền thống Tông Đồ, và phải được tuân giữ trong toàn thể Giáo Hội như ngày lễ buộc chính yếu.” (x. SGLGHCG, số 2177; giáo luật số 1246).
Như thế, ngày Chúa Nhật vữa hoàn tất tinh thần ngày Sabat ca tụng Thiên Chúa về công trình sáng tạo của Ngài vừa làm sống lại Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô qua phụng vụ thánh để nhắc nhở mọi tín hữu về sự viên mãn của công trình cứu chuộc và hy vọng vào ơn cứu độ nhờ Chúa Kitô.
Nói khác đi, tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật trước hết là để ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa về công trình sáng tạo và cứu chuộc của Ngài qua Chúa Kitô, đồng thời cũng nói lên hy vọng vào ơn cứu độ, vào sự sống chung cuộc trong Nước Thiên Chúa sau khi đã sống và làm chứng tá đích thực cho Tin Mừng Cứu Độ nơi trần thế này. Như vậy, các tín hữu phải sốt sắng và vui sướng được tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật thay vì ngần ngại hay miễn cuỡng phải giữ vì luật buộc.Nghĩa là phải coi luật buộc này như sự nhắc nhở đặc biệt của Giáo Hội về ý nghĩa và mục đích của phụng vụ thánh ngày Chúa Nhật chứ không phải sự gò bó làm mất tự do của ai.
Nói về luật buộc, thì ngoài ngày Chúa Nhật quanh năm, giáo luật cũng liệt kê thêm các ngày lễ trọng khác như lễ Giáng Sinh, Lễ Hiển Linh, lễ Phục Sinh, lễ Chúa Lên Trời, lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, lễ Đức Me là Mẹ Thiên Chúa, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, lễ Đức Mẹ lên Trời, lễ Thánh Giuse, lễ Thánh Phaolô và Phaolô Tông Đồ, lễ các Thánh nam nữ. (x. giáo luật số 1246,triệt 1)
Tuy là luật buộc, nhưng không có nghĩa là bó buộc trong mọi hoàn cảnh, không chút nhân nhượng nào như thái độ giữ ngày Sabat của nhóm Biệt phái và luật sĩ Do Thái xưa.
Nói rõ hơn, trong điều kiện bình thường, thì mọi tín hữu (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân) buộc phải tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng khác. “ Những ai lỗi phạm nghĩa vụ này cách có suy nghĩ thì phạm một tội trọng” (x.SGLGHCG số 2181). Nhưng trong những truờng hợp bất khả kháng như đau yếu, phụ nữ sinh con, người săn sóc bệnh nhân trong nhà thương hay tư gia, sinh sống ở nơi không có nhà thờ Công Giáo, bị bắt buộc phải đi làm theo lệnh hay đòi hỏi của chủ nhân trong ngày Chúa nhật, nhân viên công lực phải làm nhiệm vụ, hoặc binh sĩ tác chiến ngoài trận địa….. thì đó là những lý do chính đáng không buộc phải giữ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trọng, tức là không có tội nếu không tham dự được thánh lễ các ngày đó.
Điều quan trọng cần lưu ý là phải giữ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Trong vì lòng yêu mến Thiên Chúa, tôn kính Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Thánh ..chứ không phải vì sợ lỗi luật buộc hay sợ người ta phê bình là “khô đạo”.
II- Luật kiêng làm việc ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trong.
Source: https://evbn.org
Category : Lễ Hội