Viêm tụy cấp – Rối loạn tiêu hóa – Cẩm nang MSD – Phiên bản dành cho chuyên gia

Điều trị viêm tụy cấp nặng và các biến chứng bao gồm

  • Điều trị ở khoa hồi sức tích cực (ICU)

  • Dinh dưỡng đường ruột được ưa chuộng hơn dinh dưỡng đường tĩnh mạch

  • Kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm trùng ngoài tụy và hoại tử bị nhiễm trùng

  • Cắt bỏ ổ hoại tử (lấy bỏ mô hoại tử) để điều trị hoại tử bị nhiễm trùng

  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) khi đồng thời để xem có viêm tụy cấp và viêm đường mật cấp đồng thời hay không

  • Dẫn lưu giả nang

Xử trí bệnh nhân viêm tụy cấp nặng và các biến chứng của bệnh này cần phải theo cá nhân bằng cách sử dụng phương pháp đa chuyên khoa bao gồm các chuyên gia nội soi, các chuyên gia điện quang can thiệp và bác sĩ phẫu thuật. Bệnh nhân bị viêm tụy cấp nặng phải được theo dõi chặt chẽ trong 24 đến 48 giờ đầu tiên trong ICU. Bệnh nhân có tình trạng nặng hơn hoặc biến chứng tại chỗ lan rộng cần can thiệp nên được chuyển sang các trung tâm chất lượng cao tập trung vào bệnh tụy (nếu có).

Bệnh nhân viêm tụy cấp nặng cần được hỗ trợ dinh dưỡng nhân tạo, mặc dù thời gian bắt đầu và thời gian hỗ trợ dinh dưỡng tối ưu vẫn còn chưa rõ ràng. Hướng dẫn năm 2013 của Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ (ACG) khuyến cáo sử dụng dinh dưỡng đường ruột và chỉ sử dụng dinh dưỡng tĩnh mạch nếu không thể sử dụng đường ruột, không dung nạp, hoặc không đáp ứng được các yêu cầu về calo. Đường ruột được ưu tiên vì nó

  • Giúp duy trì hàng rào niêm mạc ruột

  • Ngăn ngừa teo ruột có thể xảy ra khi ruột nghỉ ngơi kéo dài (và giúp ngăn ngừa sự di chuyển của vi khuẩn có thể làm hoại tử tuyến tụy)

  • Tránh nguy cơ nhiễm trùng catheter tĩnh mạch trung tâm

  • Rẻ hơn

Một ống thông mũi ruột non đặt quá dây chằng Treitz có thể giúp tránh kích thích giai đoạn dạ dày của quá trình tiêu hóa; việc này cần phải có dẫn hướng bằng X-quang hoặc nội soi. Nếu không thể đặt ống thông mũi hỗng tràng, nên bắt đầu bằng ống thông mũi dạ dày. Trong cả hai trường hợp, bệnh nhân nên được đặt ở tư thế thẳng đứng để làm giảm nguy cơ hít phải. Các hướng dẫn của ACG lưu ý rằng việc cho ăn mũi dạ dày và mũi hỗng tràng có vẻ tương đồng về hiệu quả và độ an toàn.

Theo Hướng dẫn năm 2013 của Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ và hướng dẫn năm 2018 của Hội Tiêu Hóa Hoa Kỳ về xử trí ban đầu viêm tụy cấp, kháng sinh dự phòng không được khuyến cáo ở những bệnh nhân viêm tụy cấp, bất kể loại bệnh hay mức độ nặng của bệnh. Tuy nhiên, kháng sinh nên được bắt đầu nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng ngoài tụy (ví dụ: viêm đường mật, viêm phổi, nhiễm trùng đường máu, nhiễm trùng đường tiết niệu) hoặc hoại tử tụy bị nhiễm trùng.

Nhiễm trùng (tụy hay ngoài tụy) nên nghi ngờ ở những bệnh nhân có dấu hiệu xấu đi (sốt, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, thay đổi ý thức, tăng bạch cầu) hoặc không cải thiện sau 7 đến 10 ngày nằm viện. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng trong hoại tử tụy đều do các vi khuẩn đơn lẻ từ ruột gây ra. Các sinh vật phổ biến nhất là vi khuẩn gram âm; vi khuẩn gram dương và nấm rất hiếm. Ở những bệnh nhân bị hoại tử có nhiễm trùng, nên dùng kháng sinh có khả năng xâm nhập vào ổ hoại tử tụy, như carbapenems, fluoroquinolones, và metronidazole.

Đối với phẫu thuật cắt bỏ ổ hoại tử (cắt bỏ mô nhiễm trùng), cách tiếp cận xâm lấn tối thiểu được ưu tiên hơn là phương pháp phẫu thuật mở và cần được xem là lựa chọn đầu tiên. Hướng dẫn năm 2013 của ACG khuyến cáo rằng nên trì hoãn dẫn lưu ổ hoại tử (bằng tiếp cận X-quang, nội soi, hoặc ngoại khoa), tốt hơn là nên kéo dài > 4 tuần ở bệnh nhân ổn định, để hóa lỏng các phần bên trong và phát triển của bao xơ xung quanh ổ hoại tử (hoại tử hóa thành).

Hơn 80% số bệnh nhân viêm tụy do sỏi mật sẽ thải loại viên sỏi một cách tự nhiên và không cần nội soi mật tụy ngược dọng (ERCP). Các bệnh nhân bị viêm tụy cấp và viêm đường mật cấp tính đồng thời phải được thực hiện ERCP sớm. Những bệnh nhân bị viêm tụy do sỏi mật nhẹ có cải thiện một cách tự nhiên nên được cắt bỏ túi mật trước khi xuất viện để ngăn ngừa các đợt tái phát.

Một giả nang giãn rộng nhanh chóng, bị nhiễm trùng, chảy máu, hoặc có khả năng vỡ cần phải được dẫn lưu. Việc dẫn lưu là cắt giả nang qua da, phẫu thuật hay nội soi có dẫn hướng siêu âm phụ thuộc vào vị trí của giả nang và chuyên môn của cơ sở.