Trợ cấp xã hội là gì? Đối tượng được trợ cấp xã hội gồm những ai?

Dưới góc nhìn pháp lý thì trợ cấp xã hội được xem như một chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội do nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau. Luật Minh Khuê phân tích cụ thể:

1. Khái niệm trợ cấp xã hội

Trợ cấp xã hội là khoản tiền hoặc tài sản khác do Nhà nước hoặc các tổ chức phi chính phủ cấp cho các thành viên của xã hội trong trường hợp những thành viên này gặp rủi ro, hiểm nghèo, nghèo đói, bất nạnh nhằm giúp họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

 

2. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

Theo Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:

 

2.1. Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng

Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:

– Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;

– Mồ côi cả cha và mẹ;

– Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật;

– Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

– Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

– Cả cha và mẹ mất tích theo quy định của pháp luật;

– Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

– Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

– Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

– Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

– Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 

2.2. Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi

Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP, người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.

 

2.3. Trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo  

Trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác.

 

2.4. Người đơn thân nghèo đang nuôi con

Người thuộc hộ nghèo không có chồng hoặc không có vợ; có chồng hoặc vợ đã chết; có chồng hoặc vợ mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 tuổi đến 22 tuổi nhưng người con đó đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.

 

2.5. Người cao tuổi

Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng;

– Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại Điểm a Khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

– Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.

 

2.6. Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật

Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.

 

3. Mức hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

Theo Điều 6 Nghị định 136/2013/NĐ-CP, Đối tượng được trợ cấp xã hội hàng tháng với mức thấp nhất bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội là 270.000 đồng nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:

a) Hệ số 2,5 đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này dưới 04 tuổi;

b) Hệ số 1,5 đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này từ 04 tuổi trở lên;

c) Hệ số 1,5 đối với đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định này;

d) Hệ số 2,5 đối với đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định này dưới 04 tuổi;

đ) Hệ số 2,0 đối với đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định này từ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi.

e) Hệ số 1,5 đối với đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định này từ 16 tuổi trở lên;

g) Hệ số 1,0 đối với đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này đang nuôi 01 con;

h) Hệ số 2,0 đối với đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này đang nuôi từ 02 con trở lên;

i) Hệ số 1,5 đối với đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 5 Nghị định này từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi;

k) Hệ số 2,0 đối với đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 5 Nghị định này từ đủ 80 tuổi trở lên;

l) Hệ số 1,0 đối với đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 5 Nghị định này;

m) Hệ số 3,0 đối với đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều 5 Nghị định này;

n) Hệ số đối với đối tượng quy định tại Khoản 6 Điều 5 Nghị định này thực hiện theo quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật (sau đây gọi chung là Nghị định số 28/2012/NĐ-CP).

Lưu ý: Trường hợp đối tượng thuộc diện hưởng các mức theo hệ số khác nhau thì chỉ được hưởng một mức cao nhất. Riêng người đơn thân nghèo đang nuôi con đồng thời là đối tượng quy định tại các khoản 3, 5 và 6 Điều 5 Nghị định này thì ngoài chế độ đối với người đơn thân nghèo đang nuôi con còn được hưởng chế độ đối với đối tượng quy định tại Khoản 3 hoặc Khoản 5 hoặc Khoản 6 Điều 5 Nghị định này.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến chính sách trợ cấp xã hội, Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại. Trân trọng cảm ơn!