NHỮNG ĐIỀU CHO THẤY BẠN KHÔNG PHẢI LÀ MỘT WRITER
*Bài viết này được viết dựa trên quan điểm chủ quan của tác giả, không phải là định nghĩa hay khái niệm có tính xác thực hay học thuật nào*
Trên đất nước hơn 90 triệu dân này thì dự là có đến 1 triệu người yêu thích đọc sách và viết lách. Chỉ tính trên ứng dụng wattpad nhỏ bé thôi cũng đủ thấy có đến trăm ngàn người quan tâm tới những câu chuyện được sáng tác ra mỗi ngày, mỗi giờ thậm chí là mỗi phút. Và trong số đó, những người viết trẻ đều mang trong mình một mục đích và phương hướng viết riêng. Có người viết vì yêu thích, có người viết vì đam mê, có người lại vì danh tiếng, kẻ khác lại vì cảm hứng nhất thời. Nếu trải những lý do mà người ta bắt đầu cầm bút và gõ phím chữ thì có thể nó sẽ dài đến mấy chục cây số, và vì điều gì đi chăng nữa thì sự thực họ đã đặt bút xuống ghi nên từng con chữ cũng đã mang lại cho nhiều người những câu chuyện thú vị và hấp dẫn.
Tuy nhiên, mặc dù mục đích và mục tiêu khác nhau nhưng không hẳn cứ gõ phím viết một câu truyện là bạn đã trở thành một “tác giả trẻ”. Dường như ở đâu đó đã nói rằng, hệ thống phân bậc trong viết lách được chia ra làm nhiều loại: đầu tiên là “Người viết“, kế đến là “Tác giả“, tiếp nữa là “Nhà văn” và cuối cùng là “Tác gia“. Để đạt được từng danh hiệu cũng giống như cày cấp level vậy, người viết phải bắt đầu từ những gì nhỏ nhặt nhất và trải qua nhiều giai đoạn học tập, “tiến hóa” kĩ năng viết khác nhau để có được danh hiệu mà mình mơ ước được gọi tên. Tuy nhiên đối với thị trường sách trẻ ở Việt Nam hiện tại, “danh hiệu” là một thứ gì đó rẻ rúng đến độ bất cứ ai cũng khoác lên người được. Vậy thì giữa hàng đống “tác giả trẻ”, làm sao bạn có thể nhận ra đâu mới là một “người viết” đích thực? Và, liệu BẠN có đúng là một “Người viết” hay không?
Chúa phán: “Cứ tìm sẽ thấy, cứ gõ cửa là sẽ được mở cho.”. Tương tự như thế, đã có câu hỏi thì đa số đều sẽ có câu trả lời. Những đặc điểm bên dưới đây sẽ cho bạn hiểu thế nào là một “người viết” và từ đó có thể giúp bạn nhận ra những kẻ mượn danh “Người viết” trông như thế nào.
KHÔNG TÌM HIỂU
Bạn nghĩ viết nên một câu chuyện rất đơn giản? Hoặc bạn cho rằng một câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng thì chẳng có gì mà phải đi tìm hiểu về văn hóa phong tục Việt Nam hoặc thế giới? Nếu có lần nào bạn đang suy nghĩ như thế thì nên cẩn thận, vì cách nghĩ đó không phải là điều mà một “người viết” nên có.
Dù cho bạn viết bất cứ thể loại gì, bạn đều cần có một nền tảng kiến thức nhất định về bối cảnh, tâm lý nhân vật và những chi tiết sẽ xảy ra trong truyện của bạn. Thật tệ hại nếu bạn viết rằng Cà phê Capuchino có vị chát như Matcha Nhật hoặc Nhà thờ tụng kinh tiếng Phạn trong câu chuyện của mình. Tệ hại hơn, việc không tìm hiểu các vấn đề liên quan tới bối cảnh, tình tiết, mạch truyện, tâm lý nhân vật và những điều liên quan tới câu chuyện cho thấy bạn chỉ là một kẻ lười biếng không thích suy nghĩ và tư duy, chỉ chăm chăm viết bừa viết đại và thậm chí còn không có trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình.
Thông thường đối với một người viết có để tâm đến những gì mình đang kiến tạo bằng câu chữ, họ không chỉ tìm hiểu sơ qua một vài lần rồi đặt bút mà còn đi đến các bước so sánh và đối chiếu các tư liệu để chọn ra các giả thuyết, thông tin gần với sự thật nhất. Các tác giả viết truyện liên quan tới lịch sử hoặc trinh thám thường luôn phải kiểm tra nhiều lần các dẫn chứng và tài liệu do bản thân họ không phải là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp mà thế giới mạng thì trôi nổi hàng ngàn những tư liệu thật giả lẫn lộn. Cách bạn tìm hiểu thông tin và đưa chúng vào truyện cho thấy sự nghiêm túc của bạn đối với đam mê viết lách.
Đơn cử như một vài truyện có chất lịch sử mà gần đây được đưa lên khá nhiều các confession để…tế sống như Thiên Hạ Kỳ Duyên của Ánh Tuyết Triều Dương, câu chuyện này trước đây khá nổi trên wattpad với gần 400.000 lượt đọc và hiện tại đang được đăng độc quyền tại Vinote.vn, tuy nhiên trong truyện tồn tại khá nhiều những vấn đề mà nổi trội có liên quan tới việc tìm hiểu tư liệu của tác giả như: Mô tả cà rốt cắt tỉa hình hoa cẩm tú cầu ở thế kỉ 15 (Trong khi trên thực tế, cà rốt bắt nguồn từ Afghanistan và du nhập vào Châu Mỹ vào thế kỉ 15 do người Tây Ban Nha mang đến, sau đó là Mỹ ở thế kỉ 16 và ở Việt Nam vào khoảng tầm thế kỉ 19); chơi đàn Nguyệt bằng MƯỜI ngón tay (muốn biết đàn Nguyệt là gì, mọi người có thể search google nhé. Và nó KHÔNG THỂ chơi bằng mười ngón tay được) cùng hàng loạt những lỗi sai chi tiết khác mà đã rất nhiều lần được kể trên các confession ném đá. Với một ví dụ cụ thể như trên, bạn cũng có thể thấy rằng nếu không tìm hiểu kĩ các chi tiết mà mình muốn đưa vào truyện thì sẽ xảy ra những tình huống dở khóc dở cười hoặc thậm chí là bị sỉ vả, chỉ trích ra sao. Dĩ nhiên, việc tìm hiểu các thông tin, tư liệu không chỉ gói gọn trong thể loại lịch sử hoặc trinh thám. Ngay cả các tác phẩm thuộc thể loại giả tưởng, viễn tưởng hay đời thường như tình cảm lãng mạn đều cần có sự tìm hiểu kĩ càng. Rất dễ dàng nhận ra được một câu chuyện có được trau chuốt hay không thông qua việc các tình tiết có hợp lý với bối cảnh hay không, tuy nhiên, rất đáng tiếc là đa số các bạn trẻ viết truyện hiện nay thường chỉ viết theo cảm tính và hứng thú chứ không thực sự để tâm vào việc tìm hiểu thông tin và xem xét lại mạch truyện của mình.
Do vậy, nếu bạn đặt bút xuống và viết câu chuyện của riêng mình, hãy một lần tự hỏi bản thân mình viết vì điều gì, và nếu điều đó thực sự quan trọng thì đừng tiếc một chút thời gian và công sức để tìm hiểu về những tư liệu liên quan cần thiết cho đứa con tinh thần của bạn.
KHÔNG QUAN TÂM TỚI LOGIC MẠCH TRUYỆN
Hãy lấy giấy bút ra và viết ra ít nhất 5 điều quan trọng để tạo thành một câu chuyện hay. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra mình ghi điều gì đầu tiên: Cốt truyện. Cốt truyện giống như là xương sống của cả thế giới mà bạn sắp đặt bút xuống và viết, thế nhưng không phải chỉ cần nghĩ ra một cốt truyện độc đáo là đã hoàn thành đủ tiêu chuẩn của một câu chuyện hay. Cốt truyện còn bao gồm cà tình tiết bên trong, ý nghĩa từng cột mốc trên sườn truyện và quan trọng nhất là logic mạch truyện. Vậy, logic mạch truyện là gì?
Logic mạch truyện là sự liên kết giữa các tình tiết – chi tiết của truyện với nhau một cách mạch lạc và rõ ràng, hợp lý. Logic mạch truyện gần như là một yếu tố quan trọng để người đọc cảm nhận được ý nghĩa và nội dung truyện của bạn, nhưng đáng tiếc thay đa số các tác giả trẻ ngày nay thường không chú ý đến điều này cho lắm. Bạn không thể viết một câu chuyện hay mà lại phi logic, logic là một dạng quy trình giống như một vòng xoay cấu tạo của chiếc đồng hồ đúng giờ nhất thế giới, nó bao gồm những bối cảnh, quy luật, tâm lý nhân vật, lịch sử dựa trên sự thật thực tiễn đã được chứng minh trên Trái Đất. Bạn có thể tạo ra một thế giới giả tưởng với cá biết bay và chim biết bơi, điều đó là sự tưởng tượng của riêng bạn. Nhưng bạn không thể đặt một con cá biết bay vào trong bối cảnh câu chuyện tình cảm hiện đại cũng như không thể đưa một chiếc điện thoại iPhone 7 cho một gã Nam tước sống ở thế kỉ 15 được. Điều đó gọi là sự vô lý và bất cập giữa bối cảnh và tình tiết xuất hiện trong bối cảnh. Trên hiện tại mình nhận ra rằng đa số các bạn trẻ viết truyện về thể loại tình cảm thường mắc phải lỗi này khá nhiều và gần như hiếm có ai xem xét, chỉnh sửa chúng trước khi đăng tải câu chuyện của mình. Lỗi logic tâm lý nhân vật cũng xuất hiện khá nhiều trong các câu chuyện và chúng khiến người đọc bị khựng lại mỗi khi đọc tới giống như giẫm phải đinh khi đang đi trên tấm thảm nhung êm mượt.
Tệ hơn nữa, có một số bạn trẻ hoàn toàn không quan tâm tới logic mạch truyện mà cứ huyên thuyên kể về câu chuyện của mình với hàng loạt các chi tiết không tưởng (nếu ai đọc truyện teen rồi thì hẳn sẽ biết nhỉ). Các bạn cứ tưởng tượng rằng logic mạch truyện chính là một sợi dây xích mắc nối với nhau và khi bạn không quan tâm tới logic mạch truyện thì bạn sẽ chẳng thể nào trói buộc được độc giả ở lại với bạn. Đơn cử là một ví dụ về truyện “Tình hận” của ScorOct_TNTD thuộc thể loại triều đấu (?), tình cảm lãng mạn (mà hiện tại bạn tác giả đã chỉnh sửa lại rất nhanh chóng, đây cũng là một điều đáng khen và khuyến khích). Phần trích dẫn bên dưới được đăng trong bài review của mình về truyện này trong topic “Review truyện các tác giả nghiệp dư”, chương 33:
“Đầu tiên là về bối cảnh. Tác giả mô tả triều đại này có truyền thống là sau khi tiên đế chết thì con cái sẽ có thể trực tiếp đấu đá nhau tới chết hoặc bỏ cuộc (?), người cuối cùng đứng vững sẽ được công nhận là vua. Và truyền thống này đã trải qua nhiều đời vua.
Lại nói đến, truyền thống này được đặt ra bởi thế tổ (Vua lập nước). Nhưng sau đó thế tổ lại muốn hủy bỏ truyền thống (??) và bị ngăn cản bởi thúc phụ (Chú của vua) là Đại tướng quân Thượng Tiễn Lôi Mẫn nên đành phải giữ lại.
Sau đó tiên đế chết ở tuổi U50, và cuộc tranh quyền đoạt vị bắt đầu. Chủ yếu là giữa 2 anh em ruột Lạc vương và Thuần vương. Trong đó Lạc vương được Đại tướng quân yêu mến hơn (???).
Ở đây bối cảnh khá khó hiểu và không thể hình dung được.
1. Nếu xét theo cốt truyện, thì tác giả đã cho tiên đế đã chết của hai người Lạc vương và Thuần vương là người lập quốc. Tuy nhiên nếu như vậy thì vốn dĩ “truyền thống tranh đoạt vương vị sau khi vua trước chết” không phải là truyền thống nữa, vì nó chỉ mới tồn tại trong 1 đời vua duy nhất. Vậy khúc trên tác giả lại ghi “truyền cho những đời sau”, truyền thống qua “nhiều đời” là thế nào?
2. Theo như cốt truyện thì truyền thống chỉ tồn tại 1 đời và là lần đầu tiên thực hiện việc tranh quyền đoạt vị. Nhưng trên thực tế, sẽ chẳng ai làm vậy cả! Nhất là bà hoàng hậu. Dù cho tiên đế đã ban chiếu chỉ thì hoàng hậu vẫn có thể khống chế sử quan, bảo là trước khi tiên đế mất đã thu hồi lệnh chỉ, đồng thời chỉ định Thái tử lên làm vua là xong.
3. Hơn nữa, khi vua còn sống thì Đại tướng quân đã đủ quyền lực đến nỗi ép được tiên đế không thể phế bỏ điều luật kia được. Vậy thì tại sao khi tiên đế vừa mất, ông chú này không đưa ra lý do các hoàng tử còn trẻ dại và nhảy lên nhiếp chính? Hoặc có thể đảo chính lên tiếm quyền luôn còn được nữa là! Tại sao lại từ quan sau khi vua chết nửa năm trong khi đang trong thời hỗn loạn, chúa chết còn chưa xác định được leader lãnh đạo?
4. Hơn nữa điều kì lạ là thế tổ (ông vua vừa chết ý) lại yếu đuối đến mức để cho một ông chú của mình ép đến mức không thể xóa bỏ điều luật mình lập ra? Thế tổ là người lập quốc, theo mô tả đầu truyện cũng thấy là kẻ có tài thao lược, vậy mà lại bị điều khiển, ép buộc?
5. Không rõ lý do vì sao ông thế tổ này ra cái truyền thống ngộ vậy. Vì chính xác là cái truyền thống này rất dễ để cho đất nước nội loạn hoặc ngoại xâm. 1 là khi vua băng hà, nội chiến không chỉ nằm trong vùng con cái của vua mà còn kéo theo họ hàng bên ngoại, nội, họ hàng xa hoặc đứa ất ơ nào đó muốn đoạt quyền. Đâu phải đất nước nào cũng trên dưới một lòng tuân theo ý chỉ của hoàng đế? Hơn nữa, truyền thống kì quặc như này còn dễ bị ngoại bang dòm ngó. Bởi lẽ đang chăm chăm lo đấu đá nhau thì làm sao phòng bị trước giặc ngoài? Cuối cùng, truyền thống có khi còn dẫn tới việc tuyệt tử tuyệt tôn. Vì theo như trong truyện chưa thấy vị hoàng tử nào có con, nếu nhỡ khi chỉ còn 2 người mà cả hai đều chơi trò lưỡng bại câu thương hoặc vô tình chết ráo trọi thì có phải là dâng triều đại này cho kẻ ngoại tộc hay không?
6. Lại nói đến, bối cảnh phong kiến thì thời đó chưa có thuốc men y tế như hiện tại, người sống tới 60 tuổi đã gọi là thọ. Nên vua chết lúc ngoài 40 cũng được cho gần trọn đời người rồi. Bởi thế không phải hồi xưa thích loli hay dân là pedobear đâu mờ hay tảo hôn lúc 12-13 tuổi ý ‘_’
Tóm lại, chỉ mới non nửa đoạn đầu của chương 1 là đã có khá nhiều lỗ hổng trong cốt truyện.”
Ví dụ trên cho thấy sự sai chệch tính hợp lý trong câu chuyện của bạn sẽ khiến truyện trở nên nhàm chán và thiếu hấp dẫn độc giả hơn, vì họ cứ ngắc ngứ mãi ở một đoạn mà không thể dồn hết tâm trí để đọc tiếp các phân đoạn sau của câu chuyện được nữa. Trong câu truyện “Tình hận” còn chứa khá nhiều plot hole (lỗi lỗ hổng trong mạch truyện) khi mình chỉ mới đọc có vài ba chương đầu của truyện, điều này gây khó chịu rất nhiều cho những người đọc như mình.
Việc thiếu logic mạch truyện có thể chỉnh sửa được bằng cách tạo thói quen viết dàn truyện, sườn truyện hoặc thường xuyên đọc lại truyện của mình cũng như nhờ review ở những người có kinh nghiệm. Điều này có thể giúp bạn giảm thiểu đến tối đa các lỗi logic có trong truyện và dĩ nhiên cũng cần bổ sung kiến thức và rèn luyện tư duy tốt hơn để tránh sa đà vào việc viết cảm tính mà bỏ qua tính liên kết của câu chuyện nữa 🙂
KHÔNG ĐỂ TÂM TỚI VIỆC TRÌNH BÀY
Mặc dù đã có nhiều người phản bác rằng tác giả viết truyện đầu tiên là cho bản thân trước đã, rồi mới đến người đọc và làm di sản sau cuối. Nhưng trên thực tế thì không ai muốn ăn một chiếc bánh trông như vừa vớt lên từ nồi nấu thuốc của bà phù thủy cả, đối với độc giả cũng như thế. Có rất nhiều người viết cầm bút chỉ để thỏa mãn đam mê và không quan tâm tới việc có chia sẻ đến với người đọc hay không, nhưng đa số các bạn trẻ gõ phím từng câu chữ trên mạng hiện tại đều viết với tâm thế “chia sẻ” đến với cộng đồng. Nếu không, bạn đăng truyện publish để làm gì nè? 😀 Vì vậy, dưới góc độ “người được chia sẻ” thì chắc chắn là chẳng mấy ai lại thích một câu chuyện trình bày rối rắm, loạn mắt và gây khó chịu cho nhãn quan của người đọc cả đâu.
Sự chỉnh chu trong trình bày văn phạm đã trở thành một môn học bắt buộc trong nhà trường và chuyên ngành viết lách, không phải ngẫu nhiên mà văn phạm tiếng Việt yêu cầu các bạn phải viết hoa đầu dòng hay bỏ trích dẫn vào trong ngoặc kép. Nó được gọi là “quy chuẩn” và ngay cả khi bạn muốn phá cách thì hãy phá cách làm sao cho nó trở thành một chuẩn mực mới với đầy đủ chân thiện mỹ. Có rất nhiều các bạn trẻ cầm bút (mà đa số lựa chọn thể loại Truyện teen để bắt đầu) gần như không quan tâm tới sự trình bày mạch lạc của câu chuyện. Những đoạn hội thoại dài dằng dặc hay mô tả cụt lủn là điều dễ nhận ra ở những tác giả này, bên cạnh đó còn có nhiều lỗi chính tả (không tính tới lỗi typo) và dùng nhiều câu cú ngớ ngẩn khiến độc giả dễ tính nhất cũng phải chau mày khó chịu.
Người ta nói rằng nhân loại thời nay đã tiến hóa hơn hẳn rồi, họ không còn ở mức tiêu chuẩn thấp như “ăn no mặc ấm” nữa mà đã nâng cấp nhu cầu của mình lên “ăn ngon mặc đẹp”. Và cũng tương tự như thế ở việc chọn lựa một tác phẩm để đọc và đồng hành cùng, một chiếc bánh ngon có thể có hương thơm và vị ngọt nhưng nếu hình thức quá tệ hại và nhìn như cục cứ* thì kẻ gan dạ nhất cũng sẽ phải chần chừ trước khi lao vào ngấu nghiến nó.
Trừ phi đó là phong cách riêng của bạn và việc sử dụng cách trình bày như thế khiến lột tả hết nội dung câu chuyện và làm nó trở nên hấp dẫn hơn, thì việc trình bày câu cú xuềnh xoàng cũng cho thấy mức độ nghiêm túc của người viết đối với tác phẩm của mình. Cách trình bày có thể chỉnh sửa bằng cách đọc nhiều các tiểu thuyết và sách văn học cũng như học lại/tìm hiểu lại một khóa về trình bày văn phạm đồng thời cũng nên rèn luyện theo thời gian để nâng cấp kĩ năng viết của mình hơn.
KHÔNG CÓ TINH THẦN CẦU THỊ
Khi đến với viết lách thì có nghĩa là bạn đã có một đam mê và lòng nhiệt huyết nhất định đối với những con chữ và từng câu chuyện, tuy nhiên một khi gặp được lời góp ý dù thuận hay trái chiều, hãy để ý thái độ phản hồi của bạn để biết đam mê của bạn đối với nghiệp viết lách sâu và dày đến đâu. Hầu hết tất cả những người thực sự yêu thích viết lách rất thích tranh luận, họ tranh luận về những nhân vật, tình tiết, tính logic và mạch truyện đẩy theo hướng nào cùng những lỗi sai mà họ đã mắc phải trong quá trình viết lách. Việc tranh luận và tiếp nhận phản hồi trái chiều là thứ mà bất cứ người viết thực sự nào cũng yêu thích, bởi lẽ chính từ những phản hồi, góp ý đó mà họ có thể dễ dàng nhìn nhận ra tác phẩm của mình còn thiếu sót gì trong con mắt của độc giả. Điều này rất quan trọng vì bất cứ ai nếu đã bắt đầu viết truyện đều thích câu chuyện của mình thật hoàn hảo và có nội dung sâu sắc, lắng đọng. Vậy thì còn gì hơn việc bạn đã có sẵn một beta reader chỉ ra hàng loạt lỗi sai cho câu chuyện của bạn?
Tuy nhiên, không hẳn tất cả các tác giả đều yêu thích những luồng ý kiến trái chiều. Hẳn nhiên với việc bị góp ý, bị chê bai thậm chí là chỉ trích tác phẩm mà bản thân đã hao công tốn thời gian viết ra thì chẳng ai mà không cảm thấy có chút khó chịu cả. Sự cách biệt giữa một “người viết” và một “tác giả” nằm ở chỗ họ phản hồi lại độc giả đưa nhận xét trái chiều với tâm thế ra sao.
Một số (khá là nhiều) bạn trẻ lựa chọn cách…cãi tay đôi với độc giả vì cho rằng họ cảm nhận sai về nội dung truyện của mình và cho rằng người đọc chưa thực sự hiểu được ý định của tác giả, tuy nhiên họ lại quên mất rằng trên thực tế chẳng ai có thể hiểu được ai cả. Bởi lẽ mỗi người là một cá nhân độc lập vì vậy cảm nhận của họ cũng hoàn toàn khác nhau, và đôi khi chính nhờ những cảm nhận về truyện đó lại có thể giúp bạn hoàn thiện đưa con tinh thần của mình nhanh chóng và sớm đạt tới sự hoàn hảo nhất. Hãy lưu tâm rằng nếu người đọc chỉ đưa ra một lời bình luận mơ hồ cho rằng truyện bạn không hay thì đó chỉ là những nhận xét vu vơ thuộc về cảm xúc, nhưng nếu người ta chỉ rõ được những lỗi sai, tính logic kèm theo dẫn chứng đầy đủ thì đó được xem như một sự góp ý chân thành và bạn rất may mắn mới có được nó.
Bên cạnh số đông bạn trẻ tuổi phản ứng một cách gay gắt với những phản hồi thì còn có một kiểu khác là bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng. Theo đúng nghĩa, vì khôn khéo hơn và có một số kinh nghiệm nhất định, họ biết được rằng việc cãi tay đôi với độc giả chẳng có ích lợi gì cho mình nên đã lựa chọn cách an toàn hơn: cứ cám ơn và nêu vài lí do linh tinh nào đó mà bản thân nghĩ rằng hợp lý, và mặc kệ lời góp ý của độc giả. Điều này thể hiện rất rõ ở cách bạn tác giả truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên trả lời những phản hồi góp ý cho truyện bằng lý do “Viết cho xong rồi sửa một lượt” và từ đó đến nay nghe đâu cũng 1-2 năm có lẻ mà vẫn chưa thấy bạn sửa cái gì. Một lần khác tiêu biểu là Mio, cựu leader của nhóm BIY với các tác phẩm có lượt views, vote và được đánh giá khá cao tại wattpad khi được nhận xét truyện với lời biện chứng “Đây chỉ mới là những chương đầu và tôi thường để những lỗ hổng đó để gây bất ngờ cho độc giả về sau” hay đại loại như thế. Cách phản hồi này cũng tạo ra một phản ứng khó chịu đối với độc giả vì các bạn nên nhớ rằng trên đời này chẳng mấy ai ngu hơn ai cả, dù không hiểu ẩn ý nhưng trực giác của con người cũng dễ dàng nhận ra sự thảo mai bên trong từng câu chữ và hẳn nhiên, cả hai trường hợp trên đều từng bị độc giả khó tính phản ứng gay gắt đồng thời chịu nhiều sự chỉ trích về thái độ không cầu tiến.
Nếu nhìn về một phía nào đó, thì những bình luận trái chiều mang tính góp ý đều mang lại lợi ích thực tiễn và to lớn cho tác giả trong việc viết lách của mình. Và thử nhớ lại xem, bạn đã phản hồi những góp ý của ngược đọc với tâm thế ra sao?
CÓP NHẶT Ý TƯỞNG
Mặc dù khá giống với hình thức “lấy cảm hứng” nhưng trên thực tế đây cũng được liệt vào một trong những hành vi đạo văn với dạng tinh vi hơn. Đáng tiếc là hiện tại có rất nhiều bạn trẻ lẫn “già” đều chưa thực sự hiểu rõ khái niệm đạo văn là gì, do vậy khi bị phát hiện ra bản thân “vay mượn” ý tưởng từ đâu đó, phản ứng của tác giả thường là khẳng định mình không sai và tỏ ra khá gay gắt với việc mình bị gán cho danh phận “đạo tặc”. Trên thực tế, ý tưởng là một thứ rất, rất mỏng manh và thường hay lan tỏa. Ranh giới giữa việc cóp nhặt ý tưởng và lấy cảm hứng rất mong manh, “lấy cảm hứng” là việc mà bạn dựa trên một sự việc, câu chuyện nào đó và triển khai ra một câu chuyện mới mang nhiều ý nghĩa riêng mà bạn thổi hồn vào. Còn ngược lại, việc cóp nhặt ý tưởng là hành động lấy y nguyên những tình tiết đó đưa vào câu chuyện của mình với một chút biến tấu nho nhỏ. Gần đây nhất là một chuyện mình được nghe kể lại với một cô bé viết fanfic Harry Potter bị phát hiện cóp nhặt tình tiết từ 4 bộ truyện khác nhau cho vào fanfic của mình, và khi được độc giả chỉ ra thì lại đưa lí do là “Lúc đó bí quá nên lấy chứ giờ đâu có lấy nữa đâu.”. Nói cách khác, ý thức bản quyền và kiến thức để phân biệt đạo văn và lấy cảm hứng của các bạn trẻ hiện nay khá tệ, hay nói đúng hơn là gần như một con số 0 tròn trĩnh. Vì vậy nhiều trường hợp đạo văn diễn ra mà người đọc không biết đã đành, ngay cả người viết…cũng không biết luôn.
Một trường hợp khác tệ hơn là tác giả truyện đó BIẾT rằng bản thân đang lấy tình tiết từ truyện khác, nhưng với sự thiếu kiến thức về vấn đề bản quyền có thể khiến bạn trở nên dễ dãi với chính bản thân bằng lời phân bua “nhưng có viết giống tất tật đâu, chỉ là tình tiết giống thôi mà.” Điều này không chỉ là hành vi phạm pháp nữa mà đâu đó còn cho người khác thấy nhân phẩm của bạn nằm ở mức nào trên nấc thang tiêu chuẩn đạo đức của xã hội nữa.
Tựu chung, việc lấy ý tưởng và triển khai cốt truyện mới thực chất không hẳn là xấu, vì ý tưởng không phải cứ khơi khơi xuất hiện. Nhưng các bạn trẻ nên tìm hiểu rõ về tác quyền cũng như công ước Bern hoặc hiệp ước PP về luật bản quyền để nắm rõ ranh giới mỏng manh giữa Lấy cảm hứng – lấy ý tưởng và đạo văn.
ĐẠO VĂN
Cái này chắc là cũng không cần phải nói gì nhiều, bởi lẽ đạo văn là thể loại mà bất cứ ai cũng cảm thấy không nên tồn tại. Nếu bạn đang có ý định sử dụng một cốt truyện xưa cũ nào đó để chỉnh sửa lại, hãy thử tìm đến bài phốt đạo văn của Mio (nay là PoMio) để tham khảo các phản ứng của độc giả và hậu quả của việc đạo văn mang lại. Bạn không chỉ mất tất cả danh dự mà thậm chí còn tự tay hất thẳng bạn bè thân thiết của mình khỏi cuộc đời riêng, các tác phẩm sau này của bạn dù có hay đến mấy cũng sẽ luôn bị soi mói, dè bỉu và chỉ trích. Nên nhớ rằng trăm năm bia đá cũng mòn nhưng ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Hành vi đạo văn là một cách để bạn chứng tỏ cho người ta thấy lương tâm bản thân đã mục nát đến cỡ nào, và nếu khi bị phát hiện mà bạn vẫn còn phản ứng lại với những lời chỉ trích thì có lẽ cũng chẳng còn gì có thể giúp bạn được nữa rồi.
Các hành vi đạo văn từ đơn giản như lấy toàn bộ cốt truyện từ nơi khác rồi viết lại như Ác ma của Mio, hay cóp nhặt mỗi nơi mỗi chút trọn bộ không sai một dấu chấm phẩy như Thành Kỳ Ý của Lê Ngọc Linh cho tới việc đạo tinh vi như phóng tác lại các câu chuyện của nhà văn sáng tác quyển Hãy chăm sóc mẹ, tương tự còn có vụ việc đạo thơ trong tập thơ Sẹo độc lập (bài Bạch lộ – Đối ẩm với Lã Bất Vi) và đạt giải thưởng của Hội nhà văn của Phan Huyền Thư (đạo bài thơ Buổi sáng của tác giả Phan Ngọc Thường Đoan) đều có chung một kết cục là bị dư luận lên án, chỉ trích và chửi bới thậm tệ cùng lúc với việc danh dự và uy tín của tác giả tụt dốc không phanh.
Thiết nghĩ, khi đã đến với văn chương thì lòng nhiệt huyết và đam mê chính là mái chèo vững chắc nhất cho bạn trước những cơn sóng dữ, vậy mà trong một phút giây nào đó bạn lại tự tay vứt bỏ mái chèo của mình và phạm vào những vùng xoáy kể trên, thì liệu bạn còn có đủ can đảm để tự nhận mình có đủ sự xứng đáng để mang danh hai tiếng “tác giả” được nữa chăng?
Share this:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…