Biên bản bàn giao TSCĐ sửa chữa lớn hoàn thành mới nhất 2020

Tài sản cố định và những vấn đề liên quan đến nguồn tài sản này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thế nào là tài sản cố định và những vấn đề liên quan đến Biên bản bàn giao TSCĐ sửa chữa lớn hoàn thành.

Hiểu thế nào là tài sản cố định?

Có thể hiểu tài sản cố định là tất cả những tài sản của doanh nghiệp có giá trị lớn, từ 30 triệu đồng trở lên; có thời gian sử dụng hoặc luân chuyển, thu hồi trên 01 năm. Theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 45/2013 của Bộ Tài chính thì tài sản cố định phải đồng thời thỏa mãn được cả 3 tiêu chuẩn dưới đây:

– Thứ nhất là phải chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng nguồn tài sản đó;

– Thứ hai là tài sản đó phải trải qua thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên;

– Thứ ba là nguyên giá tài sản phải có cơ sở xác định tin cậy và giá trị phải đạt từ 30 triệu đồng trở lên.

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 45/2013 của Bộ Tài chính thì tài sản cố định được chia ra:

– Tài sản cố định hữu hình: là loại tài sản dù tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh vẫn giữ nguyên được hình thái vật chất ban đầu như máy móc, gia súc, cây trồng, các loại thiết bị, phương tiện vận tải, nhà xưởng…

– Tài sản cố định vô hình: là loại tài sản không có hình thái vật chất cụ thể như chi phí về quyền phát hành, bằng sáng chế, bản quyền tác giả, bằng phát minh…

– Tài sản cố định thuê tài chính: là loại tài sản mà doanh nghiệp thuê của các công ty tài chính.

thế nào là tài sản cố định

Tài sản cố định trong kế toán

Hiểu thế nào là Biên bản bàn giao TSCĐ sửa chữa lớn hoàn thành?

Biên bản bàn giao tài sản cố định sửa chữa lớn hoàn thành là biểu mẫu được lập ra trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện giữa đơn vị có tài sản cố định cần sửa chữa lớn và đơn vị nhận sửa chữa tài sản cố định đó. Biên bản này dùng để xác nhận việc bàn giao tài sản cố định sau khi đã hoàn thành xong việc sửa chữa lớn, ghi lại toàn bộ các nội dung sửa chữa tài sản cố định. Đồng thời đây cũng là căn cứ để ghi sổ kế toán của đơn vị cũng như thực hiện việc thanh toán toàn bộ các chi phí cho việc sửa chữa tài sản cố định đó.

Hiện nay, các đơn vị, doanh nghiệp chủ yếu sử dụng hai mẫu Biên bản bàn giao tài sản cố định sửa chữa lớn hoàn thành theo mẫu 03-TSCĐ, được ban hành kèm theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC, ngày 22, tháng 12, năm 2014 và Thông tư số 133/2016/TT-BTC, ban hành ngày 26, tháng 8, năm 2016 của Bộ Tài chính.

Cách ghi các nội dung trong Biên bản bàn giao TSCĐ sửa chữa lớn hoàn thành?

Khi đơn vị có tài sản cố định sửa chữa lớn hoàn thành thì bắt buộc phải lập thành biên bản với sự có mặt và chữ ký của cả đại diện bên thực hiện việc sửa chữa và đại diện bên có tài sản cố định sửa chữa.

 Dưới đây, chúng tôi hướng dẫn các bạn ghi nội dung Biên bản bàn giao tài sản cố định sửa chữa lớn hoàn thành theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC, các biểu mẫu theo các Thông tư, Quyết định khác có đôi chút khác biệt nhỏ, các bạn có thể dựa trên phần hướng dẫn của chúng tôi để hoàn thành biên bản của đơn vị mình.

Phần đầu biên bản

– Góc trên bên trái của Biên bản ghi rõ tên đơn vị, tên bộ phận sử dụng hoặc đóng dấu đơn vị lên vị trí đó mà không cần ghi.

– Ghi rõ ngày tháng năm lập biên bản, số biên bản, nợ, có.

– Ghi cụ thể căn cứ lập số Biên bản bàn giao tài sản cố định sửa chữa lớn hoàn thành theo quyết định số mấy, ngày tháng năm nào, ai ký.

– Thông tin cụ thể của đơn vị sửa chữa và đơn vị có tài sản cố định: Tên đại diện, chức vụ, tên đơn vị.

 Biên bản bàn giao TSCĐ sửa chữa lớn hoàn thành

Mẫu biên bản

Phần nội dung chính biên bản

– Ghi rõ tên, ký hiệu mã, quy cách (cấp hạng) tài sản cố định.

– Ghi rõ số hiệu tài sản cố định sửa chữa, số thẻ tài sản cố định .

– Ghi tên bộ phận quản lý sử dụng tài sản cố định.

– Ghi rõ thời gian bắt đầu sửa chữa và thời gian hoàn thành việc sửa chữa tài sản cố định đó.

– Ghi cụ thể về thông tin các bộ phận sửa chữa tài sản cố định:

+ Tại cột A: Ghi rõ tên của từng bộ phận cần phải sửa chữa của tài sản cố định.

+ Tại cột B: Ghi rõ nội dung hoặc mức độ của công việc sửa chữa tài sản cố định như thay thế mới, sửa chữa hay tân trang lại…

+ Tại cột 1: Ghi rõ giá dự toán. Nếu đơn vị tự làm thì ghi rõ giá kế hoạch, còn nếu đơn vị thuê ngoài sửa chữa thì ghi giá hợp đồng mà hai bên đã thỏa thuận đối với từng bộ phận cần sửa chữa.

+ Tại cột 2: Nếu đơn vị tự sửa chữa thì ghi số chi phí thực tế sửa chữa đã chi cho từng bộ phận sửa chữa. Nếu đơn vị thuê ngoài sửa chữa thì chỉ ghi vào cột này khi phát sinh sự thay đổi về giá cả so với giá ghi trên hợp đồng mà hai bên đã ký kết từ trước và cần phải được bên có tài sản cố định sửa chữa chấp nhận thanh toán.

+ Tại cột 3: Ghi rõ kết quả kiểm tra của từng bộ phận sau khi đã sửa chữa xong có đạt yêu cầu hay không.

– Dòng cộng: Tính tổng toàn bộ chi phí dự toán và chi phí thực tế của tất cả các bộ phận sửa chữa.

Phần cuối biên bản

– Kết luận chung: Ghi rõ ý kiến nhận xét tổng thể nhất về việc sửa chữa lớn tài sản cố định của Hội đồng giao nhận.

– Các bên liên quan cùng ký, ghi rõ họ tên vào Biên bản bàn giao tài sản cố định sửa chữa lớn hoàn thành: kế toán trưởng, đại diện đơn vị nhận, đại diện đơn vị giao.

Biên bản bàn giao tài sản cố định sửa chữa lớn hoàn thành cần phải lập thành 2 bản, bên giao giữ một bản, bên nhận giữ một bản. Bên nhận tài sản cố định sau khi sửa chữa lớn hoàn thành sẽ chuyển biên bản cho kế toán trưởng soát xét và lưu tại phòng kế toán đơn vị.

Tải mẫu Biên bản bàn giao TSCĐ sửa chữa lớn hoàn thành 2020 mới nhất

Dưới đây là một số biểu mẫu Biên bản bàn giao tài sản cố định sửa chữa lớn hoàn thành dành cho các bạn tham khảo:

Mẫu 1: Biên bản bàn giao tài sản cố định sửa chữa lớn hoàn thành theo Quyết định số 48/2006/QĐ- BTC.

[download id=”3623″]

Mẫu 2: Biên bản bàn giao tài sản cố định sửa chữa lớn hoàn thành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC.

[download id=”3624″]

Mẫu 3: Biên bản bàn giao tài sản cố định sửa chữa lớn hoàn thành theo Thông tư số Thông tư số 133/2016/TT-BTC.

[download id=”3625″]