Bernard Arnault là ai? Cuộc đời, sự nghiệp của Bernard Arnault

Nhắc đến “ông trùm” đứng sau Dior, Louis Vuitton hay Bvlgari… là chúng ta đang nhắc đến Bernard Arnault – một trong những tỷ phú thế giới với khối tài sản kếch sù và là một trong những công dân Pháp hiếm hoi có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Vậy Bernard Arnault là ai? Cuộc đời, sự nghiệp của Bernard Arnault có gì đáng chú ý? Đừng bỏ lỡ những thông tin thú vị về vị tỷ phú người Pháp này qua bài viết sau đây bạn nhé!

Bernard Arnault là ai?

Bernard Arnault tên đầy đủ là Bernard Jean Étienne Arnault sinh ngày 5 tháng 3 năm 1949 là một ông trùm kinh doanh, một nhà đầu tư danh tiếng và nhà sưu tầm nghệ thuật người Pháp.

Bernard Arnault là Chủ tịch và Giám đốc điều hành (CEO) của LVMH – Tập đoàn số một thế giới về xa xỉ phẩm với 70 thương hiệu cao cấp cùng khoảng 4000 nhà bán lẻ, hoạt động trong 6 lĩnh vực nổi bật; sở hữu những thương hiệu lớn như: Louis Vuitton, Christian Dior, Givenchy… và các nhãn hiệu đồng hồ, trang sức cao cấp như Bvlgari, Hublot, Zenith và Tah Heuer.

Theo tạp chí Forbes, với giá trị tài sản ròng lên đến 92,7 tỷ USD tính đến tháng 10 năm 2019, ông là người giàu nhất Châu Âu và giàu thứ 3 thế giới. Vào tháng 4 năm 2018, “vượt mặt” Amancio Ortega – “ông trùm” thương hiệu “thời trang nhanh” Zara, danh hiệu người giàu nhất trong lĩnh vực thời trang cũng như ở Châu Âu đã gọi tên Bernard Arnault.

Tóm tắt tiểu sử

Bernard Arnault đã chứng tỏ được khả năng kinh doanh táo bạo của mình ngay từ khi còn rất trẻ. Sau khi tốt nghiệp bằng kĩ sư tại ngôi trường Đại học danh tiếng trên đất Pháp Ecole Polytechnique năm 1971, ở tuổi 25, ông về làm việc tại công ty kỹ thuật xây dựng dân dụng của gia đình mà cha ông, ông Jean Leon Arnault làm Chủ tịch.

Đến khi tròn 30 tuổi, ông đã kế nhiệm cha mình trở thành Chủ tịch Công ty của gia đình năm 1979. Tuy nhiên, một số biến động trong chính trường Pháp đã khiến gia đình Arnault quyết định rời khỏi quê hương, di cư đến đất Mỹ xa xôi để ổn định cuộc sống.

Sự nghiệp

– Sự nghiệp lừng lẫy của Bernard Arnault bắt đầu thực sự khởi sắc khi ông trở về quê hương Pháp thân yêu. Bernard Arnault và gia đình sau vài năm sống trên đất Mỹ đã quay trở lại Pháp vào năm 1983. Lúc này, ông nhận thấy cơ hội lớn khi mua lại Công ty Dệt Boussac Saint – Freres – một công ty vốn sở hữu cổ phần tại nhà mốt cao cấp Christian Dior.

– Nhận thấy tiềm năng của Boussac Saint – Freres, ông quyết định dùng 95 triệu USD trong đó 15 triệu USD của cá nhân ông và 80 triệu USD kêu gọi bên ngoài để trở thành chủ sở hữu của công ty dệt này. Sau khi thương vụ Boussac Saint – Freres hoàn thất, ông giao bán các nhà máy dệt và tài sản khác và chỉ giữ lại Christian Dior. Năm 1985, Bernard Arnault trở thành Giám đốc điều hành CEO của Dior.

– Ở thời điểm này, Bernard Arnault có dư trong tay khoảng 400 triệu USD. Với tài năng, danh tiếng và khối tài sản không hề nhỏ của mình, Bernard Arnault nhận được lời mời đầu tư vào LVMH Group mới được thành lập từ Louis Vuitton và Moet Hennessy của Chủ tịch LVMH Henri Racamier.

– Quá trình từ năm 1989 đến năm 1990 là khoảng thời gian Bernard Arnault giải quyết những thương vụ nội bộ và cả những tranh chấp tại tòa án một cách không khoan nhượng để cuối cùng, ông sở hữu 43,5% cổ phần của LVMH, 35% quyền biểu quyết và chính thức ngồi lên chiếc ghế Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành LVMH.

“Hành trình” thống nhất LVMH một cách quyết liệt và không khoan nhượng của ông được xem là một tronhg những thương vụ thâu tóm cam go nhất trong lịch sử doanh nghiệp tại Pháp, khiến cho danh tiếng của Bernard Arnault được nhắc nhiều như “nỗi sợ hãi của các đối thủ kinh doanh” và sau đó, người ta nhìn ông với ánh mắt đầy nể phục với sự quyết đoán, bản lĩnh vững vàng của một doanh nhân “lão luyện”.

– Từ khi ngồi lên chiếc ghế Chủ tịch và đảm nhận cả vị trí CEO, Bernard Arnault có tham vọng đưa LVMH trở thành một trong những tập đoàn xa xỉ phẩm lớn nhất thế giới, để sánh ngang hàng với hai tên tuổi trong ngành là Richemont người Thụy Sỹ và Kering người Pháp.

– Dưới sự lèo lái của tỷ phú người Pháp này, trị giá thị trường của LVMH đã tăng lên ít nhất 15 lần, cả doanh thu và lợi nhuận tăng lên 500% chỉ trong vòng 11 năm. Nguyên lí quản lí tập đoàn của ông rất khác biệt: các thương hiệu thuộc tập đoàn LVMH sau khi được mua về sẽ vẫn hoạt động với vai trò là những công ty độc lập, theo văn hóa và bản sắc lịch sử riêng. tập đoàn LVMH đóng vai trò hỗ trợ những lợi ích chung cho các thương hiệu. Phương châm này giúp cho sức sống của các thương hiệu riêng thuộc Tập đoàn LVMH phát triển bền vững và giữ được truyền thống trong bối cảnh kinh tế luôn nhiều biến động.

Bernard Arnault được nhắc đến là một CEO “khét tiếng”, sẵn sàng thẳng tay sa thải những nhân sự cao cấp khi họ mắc những sai lầm gây tổn thất và thiệt hại lớn cho Tập đoàn.

– LVMH dưới sự điều hành của Bernard Arnault tiếp tục thâu tóm thêm Celine năm 1988; Berluti và Kenzo năm 1993; Guerlain năm 1994, Marc Jacobs và Sephora năm 1997… và mới đây nhất là toàn bộ nhà mốt Christian Dior vào tháng 4 năm 2017.

Những năm gần đây, LVMH vẫn tiếp tục thâu tóm các thương hiệu khác trong cả lĩnh vực đồng hồ xa xỉ như Zenith, Tag Heuer và Hublot. Đáng chú ý là cú bắt tay lịch sử giữa Bernard Arnault và “phù thủy” ngành đồng hồ Jean – Claude Biver.

Trên đây là toàn bộ những tổng hợp của chúng tôi về cuộc đời, sự nghiệp của doanh nhân dannh tiếng người Pháp Bernard Arnault. Hi vọng đây sẽ là những thông tin tham khảo hữu ích dành cho bạn.

Liên kết:Xổ số miền Bắc