Tiếng cười – Báo Đại biểu Nhân dân

Có nhiều cách để nói về sự hài hước, nhưng hôm nay tôi thích nói về nó theo cách trìu mến nhất và khoái chí nhất (tất nhiên, của mình).

Theo tôi, có hai tố chất tiên quyết của sự hài hước, đó là: nhã và phũ.

Nhã, để sự hài hước đứng xa sự đùa cợt.

Và phũ, để nó làm bật lên tiếng cười.

Nguồn: ITN

1. Tiếng cười khác tiếng khóc thế nào ?

Người ta có thể nghe mãi một câu chuyện buồn, và lòng trắc ẩn làm ta rơi nước mắt, và cứ mỗi khi nhớ lại, nỗi thương cảm lại dường như nhân lên gấp bội, và nước mắt lại rơi.

Làm cho người khác khóc, vì thế, không quá khó. Và tự mình muốn khóc, vì thế, cũng không quá khó. Cứ nghĩ đi, cứ để mình chìm đắm mãi đi, vào sự thương cảm, rồi sẽ khóc.

Cái cười thì trái lại. Nó bất ngờ và duy nhất. Nó đến một lần, nhanh như tia chớp và dứt khoát như nhát gươm. Ai có thể cười bật lên thành tiếng khi nghe lại một câu chuyện ? 

Khi tiếng cười bật lên, mọi mặt nạ rơi xuống. Nơi đó luồng khí trong trẻo nhất, vun vút nhất lướt qua. Thật dễ phân biệt sao tiếng cười sảng khoái tự do dạt dào khoáng đạt với cái cười gượng gạo cù lần đần đần rỗng tuếch.

2. Vì sao phũ?

Tạo nên sự bất ngờ là một điều vô cùng khó. Bao thuộc tính của sự vật, của con người đã trở nên quen thuộc, tìm đâu ra cái bất ngờ ? Chỉ khi nào ta chạm vào được cái góc khuất xa xôi, cái phần tinh tuý ẩn sâu dưới bao lớp hình thức đẹp đẽ, ta mới có thể làm nên khám phá. Mà những góc khuất ấy, hiển nhiên thay, lại là những góc tối. Rất có thể là những phần muốn được che giấu một cách cố ý. Hoặc có thể đang mờ lấp chưa được phát lộ.   

Việc lôi cái phần khuất ấy ra ánh sáng, nhiều khi làm nổi bật sự mâu thuẫn giữa hình thức và nội dung, giữa cái ta luôn tưởng tượng và cái hôm nay ta nhìn thấy rõ ràng, có nhiều khi là một việc phũ phàng.

3. Vì sao nhã?

Làm sao có thể cảm nhận được góc tối của người khác nếu ta không có sự cảm thông ? Sự yếu đuối của anh cũng là sự yếu đuối của tôi. Và việc tôi lôi ra ánh sáng sự yếu đuối của anh cũng là trình ra ánh sáng khả năng cảm nhận của tôi. Khả năng mà qua đó chứng tỏ sự cảm thông của tôi. Hôm nay đây, tiếng cười, mà có khi mang phần giễu nhại này đây, tôi dành cho anh, cũng chính là tiếng cười tôi dành cho tôi, cho chúng ta.

 4.Trong tiểu thuyết “Lời hứa lúc bình minh”, Romain Gary viết:  “Khi một người đưa bàn tay của Sự hài hước ra là đã chứa biết bao trìu mến, sẻ chia, mà nếu nó không được đón nhận thì sẽ là một sự bẽ bàng không kham nổi”.

Phải cùng với trải nghiệm cuộc đời, ta mới thấm hết điều này. Bởi vì sự hài hước không bao giờ chỉ là lời nói. Bởi vì hơn tất cả, sự hài hước ẩn chứa cả sự riêng tư. 

Tôi muốn nói về sự sẻ chia riêng tư đó, có lẽ chính là sự sẻ chia mà Romain Gary đã viết. 

Giữa một đám đông, khi một người mang sự hài hước đến cho một người, mặc kệ xung quanh; thì trong sự hài hước đó đã chứa một thế giới của hoài niệm. Tiếng cười không chỉ là trên mặt chữ, không chỉ là trên những vi vu của lời nói; mà tiếng cười đến từ những ký ức xưa, riêng tư giữa hai người. Ngày hôm nay đây, giữa đám đông xa lạ ồn ào này, bất chấp tất cả những hiểu nhầm mà lời nói gây ra, bất chấp tất cả những ngạc nhiên và có thể cả cảm giác xa lạ mà lời nói gây ra, với đám đông, với tất cả đám đông; tôi mang đến cho bạn một tiếng cười, chỉ riêng bạn hiểu, vì đó là tiếng cười của sự sẻ chia một thế giới xưa.

Nhưng nếu ngay giây phút đầu tiên khi lời được cất lên ấy, bạn không nhận ra, thì có nghĩa là ký ức xưa không còn trong bạn nữa. 

Chính vì thế, mà hơn bao giờ hết, nếu như sự hài hước được đón nhận, nếu như lời nói ra làm bật lên tiếng cười như gió, như mây, như suối reo, như thông hát, thì đó không chỉ là sự sẻ chia của tình cảm mến thương ngày hôm nay, mà đó là sự sẻ chia của cả dòng thời gian đã trôi qua, đang trôi qua.

Chính vì thế, mà tiếng cười không chỉ là trí thông minh, không chỉ là sự hóm hỉnh, không chỉ là sự khám phá; mà tiếng cười là sự mở rộng cõi lòng để bước vào thế giới của nhau.

Tiếng cười – chính vì thế là biểu hiện đẹp nhất của tình yêu thương.