Tích hợp và dạy học tích hợp
1.1. Khái niệm
- Tích hợp
Tích hợp (tiếng Anh: Integration) có nguồn gốc từ tiếng Latinh, với nghĩa xác lập lại cái chung, cái toàn thể, cái thống nhất trên cơ sở những bộ phận riêng lẻ.
Integration (n)/ integrate (v) trong tiếng Anh có nghĩa là hợp lại thành một hệ thống thống nhất, sự bổ sung thành thể thống nhất, sự hợp nhất, sự hòa hợp với môi trường, (tiếng Anh – Mỹ còn có nghĩa sự hòa hợp chủng tộc, sự mở rộng cho mọi chủng tộc).
Trong tiếng Việt, tích hợp được ghép từ hai từ tích và hợp. Tích: (danh từ) là kết quả của phép nhân; (động từ): dồn góp từng ít cho thành số lượng đáng kể (Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học; tr 981) Hợp:(danh từ): tập hợp mọi phần tử của các tập hợp khác; (động từ): gộp chung; (tính từ): không mâu thuẫn, đúng với đòi hỏi. Tích hợp: lắp ráp, kết nối các thành phần của một hệ thống theo quan điểm tạo nên một hệ thống toàn bộ.
Như vậy, tích hợp có thể hiểu là sự kết hợp, sự hợp nhất, sự hòa nhập các bộ phận, các phần tử khác nhau thành một thể thống nhất.
- Dạy học Tích hợp
Trong giáo dục, khái niệm Tích hợp xuất hiện từ thời kỳ Khai sáng (thế kỷ XVIII) dùng để chỉ một quan niệm giáo dục toàn diện con người, chống lại hiện tượng làm cho phát triển thiếu hài hòa, cân đối. Trong dạy học các bộ môn, tích hợp được hiểu là sự kết hợp, tổ hợp các nội dung từ môn học thành “môn học” mới, như Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp thành Khoa học tự nhiên; Lịch sử, Địa lý, Xã hội học, Kinh tế học thành môn Nghiên cứu xã hội.
Tích hợp cũng có thể hiểu là sự lồng ghép các nội dung cần thiết vào nội dung vốn có của môn học, ví dụ: lồng ghép nội dung giáo dục dân số, giáo dục môi trường… vào nội dung các môn học: Địa lý, Sinh học, Giáo dục công dân…xây dựng trong các môn học truyền thống.
Về phương diện lí luận dạy học, tích hợp được hiểu là sự kết hợp một cách hữu cơ, có hệ thống các kiến thức trong một môn học hoặc giữa các môn học thành một nội dung thống nhất. Cũng có thể hiểu: Tích hợp là một hoạt động mà ở đó cần phải kết hợp, liên hệ, huy động các yếu tố, nội dung gần và giống nhau, có liên quan với nhau của nhiều lĩnh vực để giải quyết, làm sáng tỏ vấn đề và cùng một lúc đạt được nhiều mục tiêu khác nhau.
Dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp HS phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng,…thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội kiến thức và rèn luyện kỹ năng; phát triển được các năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề.
- Các mức độ tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông
Nhiều nhà chuyên môn đã phân chia các mức độ tích hợp:
+ 4 cấp độ (Xavier Roegies)
- tích hợp trong nội bộ môn học
- tích hợp đa môn
- tích hợp liên môn
- tích hợp xuyên môn
+ 5 cấp bậc: (Susan M Drake, 2007, Creating Standards – Based Integated Curriculum):
- tích hợp trong nội bộ môn học
- tích hợp lồng ghép
- tích hợp đa môn
- tích hợp liên môn
- tích hợp xuyên môn
Mục Lục
1.2.1.Truyền thống (traditional)
Từng môn học được giảng dạy, xem xét riêng rẽ, biệt lập, không có bất kỳ sự liên hệ kết nối nào như chụp ảnh cận cảnh từng đoạn – một hướng, một cách nhìn, sự tập trung hạn hẹp vào một môn riêng rẽ. VD: GV áp dụng quan điểm này trong dạy học từng môn riêng biệt, các vấn đề được giải quyết trên cơ sở kiến thức, kĩ năng của chính lĩnh vực bộ môn đó.
1.2.2. Kết hợp/ lồng ghép ( fusion)
Một nội dung nào đó được kết hợp vào chương trình đã có sẵn. Ở nước ta, trong nhiều năm qua đã tích hợp, lồng ghép các chủ đề về dân số, môi trường, an toàn giao thông, sức khỏe sinh sản, kĩ năng sống…vào các lĩnh vực môn học như Địa lý, Sinh học, Đạo đức, Giáo dục Công dân…
1.2.3. Tích hợp trong một môn học (nội môn)
Tích hợp trong nội bộ môn học. Tích hợp những nội dung của các phân môn, các lĩnh vực nội dung môn thuộc cùng một môn học theo những chủ đề, chương, bài cụ thể nhất định. Như trong môn Hóa học: tích hợp nội dung Hóa học vô cơ, Hóa học hữu cơ trong chương Hóa học và các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường. Trong môn Toán: tích hợp Đại số, Hình học và Lượng giác tại một số thời điểm. Trong môn Lịch sử, tích hợp kiến thức lịch sử thế giớ, Lịch sử Việt Nam và Lịch sử địa phương trong cùng một bài học. Ví dụ: Dạy về Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Việt Nam: kiến thức Lịch sử thế giới có trong Thời cơ cách mạng; trong diễn biến khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước, GV đề cập đến khởi nghĩa giành chính ở địa phương.
Các môn học riêng biệt nhưng có những liên kết có chủ đích giữa các môn học và trong từng môn bởi các chủ đề hay vấn đề chung.1.2.4. Tích hợp đa môn (multidisciplinary)
Khi HS nghiên cứu về một vấn đề nào đó, các em được đồng thời tiếp cận từ nhiều môn học khác nhau. Ví như, chủ đề Truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam, HS có thể được tiếp cận trong môn Lịch sử, môn Văn học, môn GDCD, Âm nhạc. Từ cách tiếp cận đa môn này, GV không cần thay đổi nhiều nội dung môn học, nội dung và đánh giá vẫn theo bộ môn, HS có thể tạo ra những kết nối giữa các bộ môn để giải quyết vấn đề.
1.2.5. Tích hợp liên môn (interdisciplinary)
Các môn học được liên hợp với nhau và giữa chúng có các chủ đề, các vấn đề, những khái niệm lớn và những ý tưởng lớn. Chương trình liên môn tạo ra những kết nối rõ rệt giữa các môn học. Chương trình xoay quanh các chủ đề/ vấn đề chung nhưng các khái niệm hoặc các kĩ năng liên môn được nhấn mạnh giữa các môn chứ không phải trong từng môn riêng biệt.
1.2.6. Tích hợp xuyên môn (transdisciplinary)
Cách tiếp cận những vấn đề từ cuộc sống thực và có ý nghĩa đối với HS mà không xuất phát từ các khoa học tương ứng với môn học, từ đó xây dựng nên các môn học mới khác với môn học truyền thống. Cac tiếp cận này bắt đầu từ ngữ cảnh cuộc sống thực (real – life context). Điều quan tâm nhất ở đây chính là sự phù hợp đối với HS.
Điểm khác tích hợp liên môn ở chỗ: nó xuất phát từ ngữ cảnh cuộc sống thực và sở thích của HS.
VD: Xuất phát từ bối cảnh “Ô nhiễm môi trường và cần làm trong sạch môi trường thành phố”, nhà trường đưa ra một chương trình tích hợp phong phú, HS lựa chọn các vấn đề về môi trường và tiến hành thu thập thông tin, nghiên cứu và đề xuất các biện pháp làm trong sạch môi trường.
Tóm lại, dạy học tích hợp tuy còn là khái niệm mới, song trong thực tế, việc dạy học tích hợp đã xuất hiện đây đó, dù chưa được hệ thống và toàn diện. Tùy theo nhu cầu thực tế, và mục tiêu của chương trình giáo dục mà mức độ tích hợp được vận dụng linh hoạt.
Share this:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…