Phát triển thể chất, tinh thần cho trẻ mầm non
Tinh thần, thể chất khỏe mạnh sẽ giúp kích thích các kỹ năng quan trọng của trẻ độ tuổi mầm non, là bước đệm cho sự thành công trong tương lai.
Những năm đầu đời là khoảng thời gian phát triển nhanh của trẻ về trí tuệ, thể chất, tình cảm, xã hội và nhận thức. Trẻ cần được kích thích các kỹ năng quan trọng để chuẩn bị cho quá trình này, trong đó sức khỏe thể chất, tinh thần là yếu tố then chốt.
Tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần
Mạng lưới nuôi dạy trẻ em (Raising Children Network) định nghĩa sức khỏe tâm thần là cách trẻ suy nghĩ, cảm nhận về bản thân và thế giới xung quanh. Yếu tố này ảnh hưởng đến cách trẻ đương đầu với thách thức và căng thẳng trong cuộc sống. Trẻ có sức khỏe tinh thần tốt sẽ phát triển khỏe mạnh, cảm thấy hạnh phúc, tích cực về bản thân; tận hưởng cuộc sống. Trẻ sẽ có tinh thần học tập tốt; hòa thuận với gia đình, bạn bè; quản lý tốt cảm xúc và có khả năng phục hồi nhanh sau tổn thương.
Trong bối cảnh Covid-19, trẻ em cũng là nhóm chịu tác động về sức khỏe tinh thần. Báo cáo “Đánh giá nhanh tác động của Covid-19 đối với trẻ em và gia đình Việt Nam” do Unicef thực hiện tháng 8/2020 ghi nhận, đại dịch làm gia tăng sự căng thẳng, lo âu và trầm cảm ở trẻ em. Theo đó, hoạt động giãn cách xã hội, đóng cửa trường học khiến cuộc sống của trẻ bị xáo trộn. Sự buồn chán, thiếu động lực, căng thẳng, trầm cảm xuất hiện khi trẻ phải ở trong không gian chật hẹp thời gian dài, dẫn tới khủng hoảng tâm lý.
Tháng 9 vừa qua, Sở Giáo dục Đào tạo cũng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho trẻ em do tác động của dịch bệnh Covid-19”. Hội nghị chỉ ra, trong giãn cách xã hội, trẻ nhỏ có khuynh hướng thoái lùi, bám mẹ nhiều hơn; trẻ lớn thường cáu kỉnh, bất an, lo lắng sự chia ly. Thể chất của trẻ cũng bị ảnh hưởng do không vận động nhiều, trong khi đây là hoạt động giúp giải phóng năng lượng và trạng thái tâm thần tiêu cực. Việc tiếp cận Internet nhiều cũng dễ khiến trẻ gặp nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến nhiều hơn.
Theo giới chuyên môn, giáo viên và nhà tâm lý có vai trò hướng dẫn cha mẹ tương tác với trẻ; hướng dẫn cho trẻ thói quen vệ sinh và tự bảo vệ mình, xây dựng kế hoạch học tập trực tuyến tại nhà. Nhà trường cũng cần có chiến dịch tuyên truyền sức khỏe tâm thần cho phụ huynh, học sinh.
Đồng quan điểm, bà Tiffany Proctor – Phó hiệu trưởng trường quốc tế Saigon Pearl (ISSP) cho biết, việc chú trọng phát triển sức khỏe tinh thần và quan hệ của trẻ trong môi trường học đường góp phần tạo khả năng tái tương tác và học hỏi của trẻ. “Giáo viên cần trao đổi cởi mở hơn với trẻ, cùng thảo luận với phụ huynh, nhà trường và học sinh, nhằm tìm ra cách hỗ trợ khi trẻ quay trở lại trường”, bà Tiffany nói.
Trẻ được tự do sáng tạo cũng góp phần phát triển cảm xúc và sức khỏe tinh thần cho trẻ.
Để xây dựng sức khỏe tinh thần lành mạnh cho trẻ mầm non, trường Quốc Tế Saigon Pearl (ISSP) áp dụng phương pháp Reggio Emilia trong đào tạo giảng dạy, hướng đến phát triển toàn diện kỹ năng mềm, định hướng và sáng tạo cho trẻ ngay từ những năm đầu đời. Chương trình giáo dục tại đây nhằm tạo sự tò mò, khám phá, sáng tạo cho trẻ. Trường lấy học sinh làm trung tâm của quá trình dạy và học, thầy cô đóng vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng trẻ khám phá thế giới xung quanh.
Cụ thể, các hoạt động và trò chơi tại trường thống nhất theo quan điểm “tiếng nói của trẻ cần được lắng nghe và tôn trọng”. Chương trình học cũng được xây dựng nhằm tạo ra trải nghiệm đích thực cho trẻ. Cụ thể, với một khái niệm lớn, giáo viên sẽ chia thành nhiều chủ đề nhỏ hơn nhằm trang bị cho trẻ kiến thức và kỹ năng ở đa dạng khía cạnh khác nhau. Sau đó, trẻ được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoài trời như gieo hạt trồng cây, chơi với bùn và nước, vẽ tranh thiên nhiên… Qua đó, trẻ sẽ chủ động sử dụng đồng thời các giác quan, cảm xúc và trí tưởng tượng, phát triển khả năng toán học, khoa học và các kỹ năng quan trọng khác.
Tại trường ISSP, giáo viên có vai trò hỗ trợ giúp trẻ phát triển toàn diện các kỹ năng mềm.
Ngoài ra, trường còn tổ chức sự kiện “Đêm Từ Thiện Bingo Night” gây quỹ cho trẻ em đường phố, hoạt động diễu hành, lễ hội ẩm thực, Tết Trung Thu. Các chương trình ngoại khóa này được triển khai cả trong giai đoạn giãn cách xã hội và học trực tuyến, nhằm đảm bảo tiến độ phát triển sức khỏe tinh thần cần thiết cho trẻ.
Rèn luyện thể chất cho trẻ
Cùng với sức khỏe tinh thần, trẻ mầm non còn cần được đồng thời phát triển thể chất. Theo Trung tâm nghiên cứu Tuổi thơ (CREC), rèn luyện thể chất cho trẻ sẽ gồm phát triển khả năng sử dụng cơ bắp, các bộ phận cơ thể cho kỹ năng vận động thô (vận động cơ lớn) và vận động tinh (vận động nhỏ).
Đây cũng một trong ba lĩnh vực học tập chính trong khung chương trình giáo dục sớm (EYFS). Theo đó, các chương trình giáo dục sớm phải tạo cơ hội cho trẻ hoạt động, tương tác; phát triển khả năng phối hợp, kiểm soát và vận động. Trẻ cũng cần được giúp đỡ để hiểu tầm quan trọng của hoạt động này, từ đó đưa ra lựa chọn lành mạnh trong ăn uống, vận động.
CREC cũng khuyến nghị một số hoạt động thích hợp cho trẻ mầm non. Theo đó, cha mẹ có thể xác định các cột mốc thể chất cho trẻ theo từng giai đoạn tuổi, lập danh sách hoạt động phù hợp cho con theo từng cột mốc, đồng thời khuyến khích trẻ vận động độc lập như tự đi bộ, tự xúc ăn… Phụ huynh có thể cho trẻ tham gia hoạt động âm nhạc, vận động ngoài trời và tăng cường kỹ năng vận động tinh thông qua trải nghiệm nghệ thuật, xúc giác.
Tại trường Mầm non và Tiểu học Quốc tế Saigon Pearl (ISSP), các tiết học thể dục hằng ngày được xem là hình thức giáo dục thể chất quan trọng giúp phát triển vận động cho trẻ mầm non. Các bài tập được thiết kế để hỗ trợ khả năng vận động từ tự do, rời rạc sang vận động chủ động, để học sinh biết cách phối hợp các động tác nhịp nhàng. Theo cô Holly Younglove – Giáo viên bộ môn thể chất của trường, hoạt động thể chất còn tác động tích cực đến sinh lý cơ thể. Cơ bắp trẻ hoạt động sẽ giúp tăng cường trao đổi chất, hỗ trợ hệ tuần hoàn, hệ hô hấp làm việc tốt hơn.
Học sinh trường ISSP được tham gia nhiều hoạt động vận động để rèn luyện thể chất.
Trường Quốc tế Saigon Pearl (ISSP) còn thiết kế nhiều hoạt động thể thao theo từng độ tuổi của trẻ, tổ chức trò chơi nhóm để tạo gắn kết, giúp phát triển toàn diện thể chất và kỹ năng. Cùng với đó là các lớp học ngoại khóa sau giờ học dành cho trẻ 3 tuổi trở lên, với hơn 70 lớp cùng nhiều môn học chuyên về rèn luyện thể chất.
Các chuyến tham quan, du lịch dã ngoại dài ngày, giao lưu kết nối cũng nằm trong chương trình rèn luyện thể chất của trường ISSP. Nổi bật trong số đó là hoạt động giao lưu đá bóng, giao lưu các đội hợp xướng, đội múa lân giữa trường ISSP với các trường cùng tập đoàn Cognita (Anh Quốc).
“Các hoạt động thể chất này được thiết kế phù hợp với khả năng của trẻ, mang lại sự thích thú và là cơ hội để trẻ phát triển sở thích, kỹ năng mới, kết nối nhiều hơn với bạn bè, giáo viên”, cô Holly cho biết.
Hà Thanh (Ảnh: ISSP)