Nguyên nhân gây thiếu máu não và cách chữa trị hiệu quả | BvNTP
Mục Lục
1. Thiếu máu não là gì?
Thiếu máu não là tình trạng máu lên não kém, khiến tế bào não không được cung cấp đủ khí oxy và dưỡng chất cần thiết. Điều này làm cho các tế bào không đủ năng lượng để hoạt động, gây ảnh hưởng đến chức năng của não bộ.
Thiếu máu não thường khởi phát với triệu chứng nhẹ, khó nhận biết và có thể tăng dần theo thời gian. Tình trạng này thường gặp nhiều hơn ở người cao tuổi, những người mắc bệnh lý về tim mạch, huyết áp. Thế nhưng hiện nay, tỉ lệ người trẻ mắc bệnh này đang ngày một nhiều hơn.
2. Nguyên nhân gây thiếu máu não và cách chữa trị
2.1 Nguyên nhân gây thiếu máu não
Thiếu máu não thường do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có tới 80% là do tình trạng xơ vữa động mạch gây ra, các mảng xơ vữa tích tụ với nhau và làm hẹp lòng mạch, khiến lượng máu lưu thông qua khu vực đó bị tắc hẹp, gây thiếu máu lên não. Ngoài ra, thiếu máu não còn có thể xuất hiện bởi một số nguyên nhân khác như:
– Tăng huyết áp: thành mạch giãn ra, xuất hiện các tổn thương làm phình mạch, chảy máu não, hình thành các cục máu đông cản trở lưu thông máu lên não.
– Các bệnh lý về tim mạch: nguyên nhân khiến khả năng bơm máu bị ảnh hưởng và gây tình trạng thiếu máu lên não.
– Các bệnh lý cột sống, đốt sống cổ (thoát vị đĩa đệm, thoái hóa …) gây chèn ép mạch máu khiến lượng máu được đưa lên nuôi dưỡng não bị thiếu hụt.
2.2 Làm gì khi có biểu hiện thiếu máu lên não?
Thực tế rất nhiều người bệnh bị thiếu máu não nhưng lại chưa có nhận thức đúng về mức độ nguy hiểm của bệnh, cũng như không biết cách kiểm soát, điều trị như thế nào. Theo một số công bố của tổ chức Y tế thế giới, thiếu máu lên não dễ gây tình trạng đột quỵ não, dẫn tới tử vong. Đột quỵ hiện là căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng chỉ đứng sau bệnh ung thư và bệnh tim mạch.
Những bệnh nhân chưa tiến triển nặng thì việc thiếu oxy cho não cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù não có kích thước nhỏ, nhưng lại tiêu thụ đến 20% tổng lượng oxy trong cơ thể, nếu trong vòng 10 giây mà không được cung cấp oxy, các mô não sẽ bị ảnh hưởng. Nếu thiếu oxy tới 4 phút các tế bào thần kinh sẽ bắt đầu chết dần và không thể khôi phục.
Các triệu chứng của thiếu máu lên não cũng không xuất hiện thường xuyên, có thể chỉ bị đau nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, khó ngủ… Tuy nhiên, bệnh có thể dần trở nên nặng hơn nếu không được kiểm soát tốt.
Ngay khi thấy xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần tới ngay chuyên khoa nội thần kinh để được thăm khám và kiểm tra. Mặc dù chưa có các phương pháp điều trị thiếu máu não một cách triệt để, nhưng nếu điều trị tích cực cũng như thay đổi lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng khoa học thì bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh, nguyên nhân và tiền sử bệnh lý của bệnh nhân sẽ chỉ định một số loại thuốc phù hợp giúp hỗ trợ tăng lưu lượng máu lên não một cách an toàn, giúp cải thiện những triệu chứng mà thiếu máu não gây ra.
3. Phòng ngừa và cải thiện tình trạng thiếu máu não
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh cần thay đổi lối sống lành mạnh hơn để kiểm soát bệnh.
3.1 Chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng cho quá trình nuôi dưỡng và đảm bảo chức năng của não bộ, tim mạch và cả hệ tuần hoàn. Đối với bệnh nhân bị thiếu máu não, cần chú ý bổ sung các loại dinh dưỡng như:
– Sắt: Giúp thúc đẩy quá trình tạo máu, tăng chất lượng máu lên nuôi não cũng như toàn bộ cơ thể
– Chất béo Omega-3: Tăng cường hoạt động của tim và chức năng não bộ, ngăn ngừa hình thành các mảng xơ vữa. Omega-3 thường có nhiều trong các loài cá biển.
– Nitrat: Có nhiều trong cải bó xôi, rau diếp,…
– Polyphenols: Chất chống oxy hóa có nhiều trong trà, các loại đậu, cacao và các loại hạt…
Cùng với đó, người bệnh cũng nên hạn chế các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe như: Mỡ động vật, thức ăn nhanh, các chất kích thích và nước uống có cồn, thực phẩm chế biến sẵn, các loại phụ gia thực phẩm…
3.2 Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục là phương pháp hiệu quả nhất giúp tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai của cơ bắp và tăng cường tuần hoàn máu. Chính vì vậy, dù bạn đang điều trị hay phòng ngừa thiếu máu não thì bạn cũng nên tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày để cải thiện sức khỏe, có thể lựa chọn các bài tập phù hợp như: Đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga…
3.3 Nghỉ ngơi, hạn chế căng thẳng
Tâm lý không ổn định, stress, căng thẳng kéo dài gây ảnh hưởng không chỉ đến não bộ mà còn cả tim mạch và các cơ quan khác. Chính vì vậy, khi bạn căng thẳng, bực tức thì tình trạng thiếu máu não sẽ càng trở nên trầm trọng hơn, khiến người bệnh đau nhức đầu, choáng váng, thậm chí ngất xỉu hoặc đột quỵ.
Người bệnh nên dành nhiều thời gian hơn để thư giãn cơ thể, nghỉ ngơi, tránh căng thẳng và làm việc quá sức. Ngoài ra, người bệnh cần đảm bảo đủ thời gian ngủ từ 7 – 8 tiếng mỗi đêm và ngủ sớm trước 11 giờ đêm.
3.4 Sử dụng thuốc đúng chỉ định và thăm khám thường xuyên
Người bệnh nên tuân thủ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự tiện sử dụng các loại thuốc và cần kiên trì điều trị. Ngoài ra, để kiểm soát tốt cũng như đảm bảo đúng hướng điều trị, bạn cần thăm khám thường xuyên với bác sĩ nội thần kinh tại các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ tư vấn và cải thiện bệnh hiệu quả.
Các thông tin của bài viết đã giúp bạn phần nào tìm hiểu được về thiếu máu não và cách chữa trị hiệu quả. Hãy áp dụng những biện pháp này và lan tỏa đến những người xung quanh để có một sức khỏe trí não tốt nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp