Mạng xã hội thiên đường cho LGBTQ+ ở Trung Quốc

“Chuyển giới”, “công khai xu hướng tính dục”… là những từ khóa phổ biến trên Xiaohongshu. Đây là mạng xã hội hiếm hoi cởi mở với cộng động LGBTQ+ tại Trung Quốc.

Một ngày giữa tháng 8/2022, YEeri Wang (21 tuổi) đăng tải video đầu tiên về quá trình chuyển đổi giới tính của mình lên Xiaohongshu, nền tảng mạng xã hội kết hợp thương mại điện tử phổ biến tại xứ tỷ dân.

Sau một tháng điều trị bằng hormone, Wang đã chính thức trở thành người chuyển giới nữ và thoải mái chia sẻ về sự thay đổi cơ thể mình trên mạng xã hội. “Thay đổi dễ nhận thấy nhất là tâm trạng của tôi. Tôi dễ trở nên lo âu hơn trước đây rất nhiều. Nhưng bù lại, phần cơ vai đã dần trở nên thanh mảnh hơn”, YEeri nói trong video.

Nơi hiếm hoi người đồng tính “sống thật”

Đoạn video của cô đã gây sốt ở Trung Quốc với hơn 15.000 lượt thích và hàng trăm bình luận ủng hộ. YEeri nói cô rất bất ngờ khi video của mình không bị Xiaohongshu kiểm duyệt bởi trên nền tảng video nổi tiếng Bilibili, video tương tự của cô đã bị gắn cờ là “nội dung không phù hợp” và bị cấm vĩnh viễn.

“Trên Xiaohongshu, tôi có không gian để lan truyền sự tích cực này đến cộng đồng. Tôi nhận ra trở thành người chuyển giới cũng chẳng phải chuyện gì tuyệt vọng lắm”, cô gái chia sẻ.

Mang xa hoi cho LGBTQ+ anh 1

Tài khoản của YEeri trên Xiaohongshu. Ảnh: Rest of World.

Theo Rest of World, YEeri chính là một trong số rất nhiều người chuyển giới ở Trung Quốc chọn Xiaohongshu là nơi công khai xu hướng tính dục và chia sẻ về quá trình phẫu thuật của bản thân.

Thành lập từ năm 2013, Xiaohongshu ban đầu vốn là một ứng dụng về đời sống và mua sắm. Nền tảng này được xem là sự kết hợp giữa Instagram và Pinterest, giúp người dùng vừa có thể đăng các video hướng dẫn makeup đến đánh giá quán ăn.

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu siết luật với những nội dung liên quan đến cộng đồng LGBTQ+ như xóa các nhóm về LGBTQ+ trên WeChat, chặn các bài viết của người đồng tính trên Weibo hay hình ảnh các “tiểu thịt tươi” hay “sissy boy” – dùng để mô tả những anh chàng “xinh trai” – trên truyền thông.

Khi đó, Xiaohongshu lại trở thành nơi trú ẩn an toàn cho cộng đồng người chuyển giới như YEeri để thoải mái thể hiện bản thân. Hashtag #跨性别 (#Transgender – #Chuyểngiới) trên mạng xã hội này sở hữu 4,2 triệu lượt xem.

Trên Xiaohongshu, cộng đồng người đồng tính có thể chia sẻ mọi nội dung từ ghi lại quá trình chuyển đổi giới tính hay hướng dẫn cách công khai xu hướng tính dục với phụ huynh. Cộng đồng người chuyển giới còn dùng mạng xã hội này để tìm kiếm các thông tin thiết thực như cách thay đổi giới tính trên giấy tờ, chứng minh nhân dân, hộ chiếu.

Thuật toán đặc biệt của Xiaohongshu

Nguyên nhân Xiaohongshu mở cửa cho cộng đồng LGBTQ+ là bởi phần lớn người dùng của họ là nữ giới trẻ ở các thành phố, khu vực có nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, gần một nửa đối tượng dùng Bilibili là là nam giới.

Do đó, các bài đăng về quá trình chuyển giới của YEeri thường bị tình dục hóa và bị quấy rối. Nói với Rest of World, cô cho biết từng nhận được tin nhắn khiếm nhã từ một người đàn ông hỏi về “giá một đêm” của cô.

Nhưng trên Xiaohongshu, với 88% người dùng là nữ, YEeri thường nhận được lời động viên bên dưới phần bình luận. Một khảo sát năm 2017 cũng chỉ ra những người được khảo sát là nữ thường thể hiện thái độ tích cực với cộng đồng người chuyển giới hơn.

Mang xa hoi cho LGBTQ+ anh 2

Nhiều mạng xã hội Trung Quốc bị chính quyền siết nội dung về LGBTQ+. Ảnh: EPA.

Một nguyên nhân khác khiến Xiaohongshu nổi tiếng với nhóm người LGBTQ+ là vì thuật toán đề xuất nội dung của nó, giúp đẩy các nội dung và nhóm người dùng phù hợp dựa trên sở thích của mỗi người.

Người dùng sẽ dễ dàng tiếp cận với những nhóm người có cùng mối quan tâm, xu hướng tính dục của mình thông qua các hashtag như #Plus-sizedGirls, #WomenwithADHD, #Transgender hay #ComingOut.

Đơn cử như nhờ Xiaohongshu, nhóm hoạt động nhân quyền Queer Squad đã quảng bá sự kiện của mình đến những người có quan tâm đến vấn đề của cộng đồng LGBTQ+ và nữ quyền. Họ có thể tiếp cận với rất nhiều đối tượng người xem thông qua các bài viết được thuật toán thúc đẩy trên trang chủ Xiaohongshu.

Trong khi đó, ở WeChat, nội dung của Queer Squad chỉ hiển thị cho những người đang theo dõi. Nhờ đó, số người tham gia sự kiện của Queer Squad đã tăng gấp đôi kể từ khi lập tài khoản Xiaohongshu.

“Trên Weibo, chỉ có một vài người dùng mới được chú ý. Còn ở Xiaohongshu, ngay cả những tài khoản mới lập như tôi cũng có thể trở nên nổi tiếng”, Fannan, một người chuyển giới nữ và hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nói với Rest of World.

Cui Xinyi, cựu kỹ sư phần mềm tại Xiaohongshu, cho biết văn hóa làm việc tại đây rất cởi mở so với những công ty công nghệ khác bởi phần lớn nhân viên đều đã du học nước ngoài, tiếp cận với đa dạng môi trường nên không giữ tâm lý kỳ thị người đồng tính.

Mang xa hoi cho LGBTQ+ anh 3

Nhóm Queer Advocacy Online bị khóa trên WeChat. Ảnh: AP.

Xiaohongshu cũng là một trong rất ít mạng xã hội đề cập đến từ khóa “đa dạng”, “bình đẳng giới” trong quy tắc cộng đồng, đồng thời người khuyến khích người dùng “bảo vệ nhân phẩm của những nhóm người bên lề xã hội (marginalized groups).

Mặt trái của mạng xã hội dành cho LGBTQ+

Theo Rest of World, mặc dù được tự do thể hiện xu hướng tính dục bản thân trên Xiaohongshu, YEeri cũng nhận ra nhiều hạn chế của nền tảng này. Cô gái cho biết người dùng Xiaohongshu bị ám ảnh với những tiêu chuẩn thẩm mỹ độc hại.

“Mọi người rất chú trọng đến ngoại hình. Trên Xiaohongshu, chỉ có chuyển giới nữ ngoại hình tốt hoặc phù hợp với tiêu chuẩn cái đẹp thông thường mới có thể sống một cuộc sống bình thường”, YEeri nói.

Còn với tính năng thương mại điện tử của Xiaohongshu, YEeri và Fannan kiếm tiền bằng cách trở thành đại diện thương hiệu cho các nhãn hàng. YEeri hợp tác hãng mỹ phẩm để tiếp thị sản phẩm chăm sóc da và kính áp tròng, trong khi Fannan lại được nhận 500 nhân dân tệ (khoảng 73 USD) cho mỗi bài viết giới thiệu công ty chăm sóc thú cưng.

Song, nói với Rest of World, YEeri và Fannan lại cho rằng những nhãn hàng này hợp tác với họ vì có thể tận dụng lượng người theo dõi khổng lồ trên Xiaohongshu chứ không thật sự ủng hộ cộng đồng chuyển giới. “Các nhãn hàng không hợp tác với tôi vì tôi là người chuyển giới mà đơn giản chỉ vì giá dịch vụ của tôi thấp hơn những người nổi tiếng khác”, YEeri chia sẻ.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.