Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Từ ngày 19 tháng 7 năm 2021, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16/CT-TTg) trên tinh thần “ai ở đâu ở đó”. Với sự triển khai đồng bộ, quyết liệt, tích cực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự tham gia trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân. Đến nay tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát; tuy nhiên, một số tỉnh, thành lân cận tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, là mối nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Với mục tiêu bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân, giữ vững an toàn tuyệt đối thành quả phòng, chống dịch, việc mở lại một số hoạt động trên địa bàn tỉnh theo phương châm an toàn, từng bước, có lộ trình chắc chắn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định:

Thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 15/CT-TTg) trên địa bàn tỉnh (trừ huyện Côn Đảo và các khu vực đang áp dụng lệnh phong tỏa). Thời gian bắt đầu từ 00 giờ, ngày 23 tháng 9 năm 2021 cho đến khi có thông báo mới, cụ thể như sau:

1. Tiếp tục tạm dừng các hoạt động sau:

– Các dịch vụ ăn uống có tổ chức hát với nhau; chợ đêm, nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet.

– Các cơ sở chăm sóc sức khỏe, cơ sở làm đẹp, cơ sở vật lý trị liệu, massage, spa, xông hơi; các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí; sân khấu ca nhạc; sân khấu kịch; rạp chiếu phim; khu phố đi bộ; Karaoke dưới mọi hình thức, hát với nhau; vũ trường, quán bar, pub, beer club; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, truy cập Internet.

– Các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà, ngoài trời (golf, tennis, cầu lông, bóng bàn, bóng đá, gym, fitness, billiards, yoga…); các Trung tâm thể dục thể thao và các khu tập luyện thể thao, khu vực thể dục công cộng.

– Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng (khuyến khích hình thức trực tuyến).

– Các hoạt động tắm biển.

– Các cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng.

2. Cho phép một số hoạt động:

– Cho phép các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung không quá 10 người trong 01 phòng (diện tích tối thiểu là 40m2), trường hợp cần thiết phải tổ chức với số lượng người tham dự vượt quá quy định nêu trên thì phải được lãnh đạo Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép và cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch. Không tụ tập quá 05 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 02 mét tại nơi công cộng.

– Giảm 50% số người làm việc tại cơ quan, công sở; tăng cường làm việc trực tuyến; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải có phương án phân ca theo nhóm để làm việc nhằm hạn chế lây lan khi xảy ra dịch bệnh.

– Lễ hiếu, hỉ, tang lễ cần đơn giản, gọn tuân thủ nghiêm quy định 5K và không tập trung quá 10 người.

3. Về hoạt động sản xuất, kinh doanh:

– Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp tục tổ chức các hoạt động theo các phương án sau:

+ Các cơ sở sản xuất sử dụng 100% lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn của một huyện, thị xã, thành phố thì người lao động được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc (có giấy xác nhận của chủ doanh nghiệp).

+ Các cơ sở sản xuất có sử dụng lao động cả trong và ngoài địa bàn huyện, thị xã, thành phố đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” hơn 14 ngày thì chỉ người lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố nơi doanh nghiệp đóng cơ sở sản xuất, kinh doanh được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc (có giấy xác nhận của chủ doanh nghiệp).

– Chủ doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong doanh nghiệp và xét nghiệm Covid-19 cho người lao động định kỳ 05 ngày/lần (kết quả xét nghiệm gửi online về Phòng Kinh tế hạ tầng hoặc Phòng Kinh tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện để kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch).

– Điều kiện bắt buộc là doanh nghiệp và cá nhân phải đăng ký lịch trình di chuyển của từng người lao động, thể hiện cụ thể cung đường di chuyển từ nơi cư trú đến nơi làm việc và ngược lại, được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận; người lao động phải cam kết chỉ di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc theo đúng lịch trình đã đăng ký (không dừng, đỗ dọc đường). Doanh nghiệp và người lao động phải hoàn toàn chịu trách nhiệm thực hiện đúng cung đường và lịch trình di chuyển.

– Doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 theo Phụ lục 1 và gửi về các đơn vị sau để xem xét, phê duyệt trong vòng 03 ngày:

+ Ban Quản lý các Khu công nghiệp qua địa chỉ email: [email protected] (trong khu công nghiệp);

+ Sở Công Thương qua địa chỉ email: [email protected] (cụm công nghiệp);

+ Sở Giao thông vận tải qua địa chỉ email: [email protected] (cảng biển, cảng thủy nội địa thuộc quyền quản lý);

+ Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (các cơ sở sản xuất kinh doanh bên ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cảng biển – cảng thủy nội địa do cấp huyện quản lý) qua địa chỉ email: [email protected] (trong đó abc là tên viết tắt của huyện, thị xã, thành phố. Ví dụ tại thành phố Vũng Tàu thì địa chỉ mail là: [email protected]).

4. Về hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp:

– Người lao động cam kết di chuyển trên một cung đường từ nơi ở đến nơi sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định (5K). Người lao động đi lao động, sản xuất ngoài địa bàn huyện, thị xã, thành phố thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đi có trách nhiệm xem xét thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đến.

– Các phương tiện vận chuyển hàng hóa, hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản được hoạt động nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch theo quy định.

– Đối với hoạt động dịch vụ hậu cần và khai thác đánh bắt hải sản: Cho phép các cảng cá, tàu đánh cá và ngư dân hoạt động trở lại khi đáp ứng đủ các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định.

5. Về hoạt động thương mại – dịch vụ, du lịch:

a) Các loại hình được phép hoạt động kinh doanh trở lại khi bảo đảm quy định về phòng, chống dịch

– Siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ phải thực hiện đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch trước khi được phép hoạt động trở lại theo Quyết định số 2225/QĐ-BCĐQG ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị” (theo hướng dẫn tại Phụ lục 2).

– Các chợ truyền thống tổ chức hoạt động trở lại chỉ kinh doanh các hàng hóa thiết yếu khi đáp ứng đầy đủ điều kiện về phòng, chống dịch theo quy định tại Quyết định số 238A/QĐ-BCĐ ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh về việc ban hành hướng dẫn đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ trên địa bàn tỉnh và Công văn số 4728/BCT-TTTN ngày 05 tháng 8 năm 2021 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn bố trí địa điểm tạm thời và mở lại chợ sau thời gian tạm thời đóng cửa để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19; kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp hàng hóa của tiểu thương thông qua điểm tập kết hàng hóa, xét nghiệm định kỳ theo quy định đối với tiểu thương và kiểm soát số lượng người vào chợ, bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quy định cụ thể thời gian và phương thức hoạt động chợ phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn. Việc đi chợ áp dụng hình thức phát phiếu, có chia khung giờ theo khu phố, thôn, ấp (theo các Phụ lục từ 3.1 đến 3.9).

– Các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ kinh doanh mặt hàng thiết yếu phải thực hiện đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 trước khi hoạt động trở lại theo hướng dẫn tại Phụ lục 4.1 và 4.2.

– Các cơ sở dịch vụ nhà hàng; cơ sở dịch vụ ăn, uống được hoạt động thông qua hình thức đặt hàng trực tuyến, không bán trực tiếp cho khách hàng, người giao hàng là nhân viên của các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ phải bảo đảm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Cửa hàng sau khi được thẩm định đủ điều kiện sẽ gắn bảng hộ kinh doanh “xanh” hoặc hộ kinh doanh an toàn. Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện; các cơ sở kinh doanh phải thực hiện đánh giá an toàn phòng, chống dịch trước khi hoạt động trở lại theo các Phụ lục 5.1, 5.2 và 5.3.

b) Đối với hoạt động du lịch

Cho phép thí điểm các khách sạn có dịch vụ khép kín, có phương án bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch đối với các khách sạn: Melia Hồ Tràm, Hồ Tràm Strip, Suối nước nóng Bình Châu và Six Senses Côn Đảo theo hướng dẫn tại Phụ lục 6.

6. Đối với hoạt động giao thông vận tải:

– Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 11325/UBND-VP ngày 26 tháng 8 năm 2021 và Công văn số 11994/UBND-VP ngày 03 tháng 9 năm 2021 và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Kiểm tra chặt chẽ lái xe và người đi theo xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu (kể cả bên trong xe) và thực hiện nghiêm các quy định về công tác phòng, chống dịch theo các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.

– Tăng cường hiệu quả hoạt động các Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại các tuyến quốc lộ, đường mòn, lối mở, các đường biên giáp ranh giữa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với các tỉnh, thành phố khác, tiếp tục quản lý chặt chẽ tất cả người, phương tiện ra, vào địa bàn.

– Sắp xếp, bố trí lại các trạm, chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 một cách khoa học và có sự thống nhất giữa các địa phương với nhau; thực hiện việc test nhanh theo quy định.

7. Về hoạt động đầu tư xây dựng:

– Các công trình xây dựng hoạt động trở lại (công nhân, lao động được áp dụng như quy định tại Điểm 3 công văn này).

– Đối với nhà ở riêng lẽ được phép thi công với điều kiện có hàng rào che chắn xung quanh khu vực xây dựng (với số lượng công nhân không quá 10 người), sử dụng người lao động là người dân sinh sống tại địa bàn của một huyện, thị xã, thành phố.

– Chủ đầu tư, đơn vị thi công tổ chức triển khai thi công xây dựng phải bảo đảm các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19 tại các công trình theo quy định tại Phụ lục 7.

8. Đối với huyện Côn Đảo:

Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Côn Đảo, thời gian bắt đầu từ 00 giờ, ngày 23 tháng 9 năm 2021 đến khi có thông báo mới. Yêu cầu kiểm soát chặt, chưa cho phép các phương tiện vận tải hành khách ra, vào Côn Đảo; khuyến cáo người dân không chủ quan, thực hiện nghiêm 5K. Riêng tuyến vận tải hàng hóa bằng đường thủy đến Côn Đảo được phép hoạt động nhưng phải kiểm soát chặt chẽ số người làm việc trên tàu; trước khi rời tàu lên bờ, tất cả mọi người phải thực hiện kiểm dịch y tế, thực hiện cách ly y tế theo quy định trong thời gian chờ phương tiện xuất bến để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

9. Đề nghị người dân:

– Thực hiện nghiêm 5K, khai báo y tế hàng ngày trên website: www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone, VNeID. Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác…

– Tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, cùng với các lực lượng tuyến đầu quyết tâm mở rộng, bảo vệ vùng xanh; Tuyên truyền vận động người thân, gia đình và mọi người xung quanh cùng đồng thuận, đồng lòng thực hiện tốt quy định về phòng, chống dịch để chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh.

– Nghiêm túc chấp hành thực hiện giãn cách xã hội. Hạn chế tối đa ra khỏi nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.

– Thường xuyên lau rửa nhà cửa để giữ thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh.

– Bảo vệ sức khỏe cho bản thân, người thân gia đình, cộng đồng và xã hội.

10. Yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ được phép hoạt động khi có phương án phòng, chống dịch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra vi phạm, làm lây lan dịch bệnh.

11. Tổ chức thực hiện:

11.1. Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố

– Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm soát sự di biến động của người dân tại địa bàn.

– Bảo vệ vững chắc, không để dịch bệnh lây lan. Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch; sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch.

– Chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới đến tận địa bàn khu phố, thôn, ấp, người dân để nắm bắt đầy đủ và thực hiện có hiệu quả trên thực tế.

– Rà soát cụ thể từng trường hợp người dân gặp khó khăn tại các điểm phong tỏa để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, không để sót, không công bằng, xử lý kịp thời các chế độ, chính sách, an sinh xã hội cho người dân, không để người dân thiếu thốn lương thực, thực phẩm.

– Tăng cường kiểm tra, tuần tra để nắm tình hình, chỉ đạo, phát hiện xử lý kịp thời vi phạm

– Huy động Mặt trận, Đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân bình tĩnh, đồng thuận, ủng hộ, hợp tác cùng cấp ủy, chính quyền địa phương; chấp hành nghiêm các quy định giãn cách xã hội.

11.2. Sở Y tế

– Tổ chức tiêm vắc xin nhanh nhất theo số lượng phân bổ của Chính phủ.

– Tiếp tục chỉ đạo việc xét nghiệm, tầm soát tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh.

– Bám sát tình hình dịch bệnh các tỉnh lân cận và tại các địa phương để dự báo kịp thời tham mưu, điều chỉnh các biện pháp, bảo đảm chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

– Nâng cao năng lực y tế các tuyến về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, đồng thời triển khai các trạm y tế lưu động có hiệu quả để đáp ứng tốt công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19.

11.3. Công an tỉnh

– Tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát ra/vào tỉnh như hiện nay; phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành về tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa, di chuyển của người dân bảo đảm thống nhất, thông suốt trong thực hiện và an toàn phòng, chống dịch Covid-19; không quy định thêm các thủ tục cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và phục vụ sản xuất; tránh ùn tắc giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phân luồng từ trước, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện quy định phòng, chống dịch Covid-19.

– Chỉ đạo công an huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn kiểm soát chặt di biến động người dân; phối hợp với lực lượng chức năng khác kiểm soát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch tại địa bàn.

– Tăng cường chỉ đạo việc bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.

11.4. Sở Công Thương

– Tổ chức hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, các tiêu chí an toàn trong hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh, tại các hệ thống phân phối (cơ sở kinh doanh thực phẩm thiết yếu, chợ dân sinh, các chợ đầu mối) được hoạt động.

– Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh bảo đảm việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thông suốt; bảo đảm cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn; triển khai các giải pháp kích cầu hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, liên kết hợp tác với các tỉnh bảo đảm nguồn cung hàng hóa trên địa bàn.

11.5. Sở Giao thông vận tải

– Tổ chức lại hoạt động vận tải; phối hợp với Sở Công Thương bảo đảm việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thông suốt.

– Phối hợp với Công an tỉnh kiểm soát tại các chốt kiểm dịch ra/vào tỉnh. 

– Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, thống nhất Phương án tổ chức lại giao thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

11.6. Sở Du lịch

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc kiểm tra cơ sở vật chất, phương án phòng, chống dịch của Melia Hồ Tràm, Hồ Tràm Strip, Suối nước nóng Bình Châu để xác nhận đủ điều kiện trước khi cho phép hoạt động.

11.7. Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo

– Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân huyện, Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch bệnh Côn Đảo tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời nắm tình hình, xử lý những vấn đề phát sinh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh các vấn đề vượt thẩm quyền; chú trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức các hoạt động khi trở lại trạng thái bình thường mới.

– Kiểm tra cơ sở vật chất, phương án phòng, chống dịch của Six Senses Côn Đảo trình Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi thực hiện.

11.8. Giao các sở, ngành: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm triển khai thực hiện các nội dung tại công văn này.

(Công văn này thay thế Công văn 12538/UBND-VP ngày 12 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

Nguồn: Công văn số 13417/UBND-VP