Cao Sao Vàng: “Chìm nghỉm” thị trường nội địa, nước ngoài sẵn sàng trả giá gấp 40 lần, kinh doanh khởi sắc

Từng có thời gian làm mưa làm gió tại thị trường nội địa nhưng do cạnh tranh từ các dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân đa dạng nên Cao Sao Vàng không còn được ưa chuộng tại thị trường trong nước.

Thương hiệu vang bóng một thời

Trong kháng chiến chống Pháp và những năm sau năm 1954, tại Việt Nam đã có một sản phẩm thông dụng là dầu cù là, trong đó phổ biến nhất là nhãn hiệu Con Hổ (Tiger Balm). Sau năm 1954, miền Bắc Việt Nam xây dựng lại hệ thống y tế, khuyến khích và đẩy mạnh sản xuất thuốc từ dược liệu sẵn có trong nước.

Vốn là một sản phẩm thông dụng từ trước, dầu cù là là một trong những sản phẩm được nghiên cứu đưa vào sản xuất đại trà. Việc nghiên cứu và đưa vào sản xuất ở thời điểm đó không dễ dàng. Đến khoảng năm 1968-1969, sản phẩm sau một thời gian nghiên cứu và thử nghiệm sản xuất mới được coi là ổn định về chất lượng với tính chất bền trong các điều kiện thời tiết khác nhau, mặt cao mịn, có màu vàng nhạt với tên thương phẩm là Cao Sao Vàng.

Thời gian đầu, mặt hàng này được Nhà nước giao cho Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 3, nay là Công ty Dược phẩm Trung ương 3 (Hải Phòng) sản xuất. Từ năm 1969, sản phẩm cao xoa có thương hiệu Sao Vàng chính thức được tung ra thị trường, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Có một nguồn thông tin khác, cha đẻ của Cao Sao Vàng là lương y Phó Đức Thành. Ông Phó Đức Thành sinh năm 1880 tại Ninh Bình, quê gốc ở tỉnh Hưng Yên. Năm 1926, khi đang là một công chức lục lộ và chủ một cơ sở kinh doanh nhỏ ở Huế, ông đã ra Vinh lập nghiệp. Ông lập nên hiệu thuốc Vĩnh Hưng Tường, đứng số 1 về đông nam dược với hệ thống đại lý khắp vùng Bắc, Trung, Nam.

Trong thời chiến, thuốc men cực kỳ thiếu thốn, hộp dầu cao Sao vàng dùng để chữa khá nhiều bệnh và hiệu quả không ngờ. Từ nhức đầu, sổ mũi, say nắng, ho cho đến bôi ngoài những vết thương bầm tím tụ máu, côn trùng cắn đều thấy hiệu nghiệm.

Vật dụng quen thuộc ấy có mặt trong tất cả mọi gia đình. Lúc đó, vỏ hộp bằng nhôm được chế tạo thô sơ rất khó mở, người lớn dạy trẻ con mở bằng cách thả rơi nó xuống nền gạch nhiều lần. Với ưu điểm nhỏ gọn, người ta dễ dàng mang đi bất cứ nơi đâu. Một ưu điểm nữa là chất dầu trong hộp đặc hơn dầu nhập ngoại, dùng được khá lâu và trời nóng không bị chảy.

Với đặc tính làm nóng cơ thể, những người Việt khi đi công tác, học tập ở các nước Đông Âu thời đó thường mang theo cao Sao Vàng để sử dụng. Ngoài ra với tác dụng chống rét và gọn nhẹ, cao còn được dùng để làm quà. Do đó cao Sao Vàng được người dân một số nước Đông Âu biết tới.

Sau năm 1975, Việt Nam và Liên Xô đẩy mạnh trao đổi hàng hóa. Cao Sao Vàng là một trong những mặt hàng xuất khẩu sang Liên Xô. Sản phẩm được giao cho 5 xí nghiệp dược sản xuất. Riêng xí nghiệp dược ở Đà Nẵng đã được giao chỉ tiêu sản xuất mỗi năm trung bình 10 đến 15 triệu hộp. Đỉnh cao là 1983, với sản lượng được giao 20 triệu hộp, thấp nhất là năm 1986, năm cuối cùng có chỉ tiêu sản xuất với 4 triệu hộp.

Sau khi việc xuất khẩu sang Liên Xô kết thúc, sản lượng tiêu thụ của cao Sao Vàng sút giảm. Nhiều đơn vị đăng ký sản xuất cao Sao Vàng, tuy nhiên ít doanh nghiệp giữ được sản lượng ổn định.

Cao Sao Vàng Thương hiệu quốc dân 1 thời chật vật tìm chỗ đứng trong nước
Cao Sao Vàng từng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.

Hiện nay, do sự cạnh tranh lớn từ các dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân đa dạng, như dầu gió, dầu khuynh diệp, dầu tràm…, hộp Cao Sao Vàng dường như đã trở thành sản phẩm “vang bóng một thời” ở thị trường nội địa.

Giá bán gần 6.000 đồng tuy rẻ, nhưng qua nhiều năm phát triển và sản xuất không có nhiều cải tiến về cả chất lượng, lẫn mẫu mã, vô hình trung tạo cảm giác nhàm chán. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt luôn mang tâm lý sính ngoại nên những sản phẩm thuần Việt như Cao Sao Vàng dần dần bị rơi vào quên lãng.

Được yêu thích tại thị trường nước ngoài

Tại thị trường Việt Nam, Cao Sao Vàng gần như “mất tích” và được bán với “giá bèo” (5.000 đồng). Tuy nhiên, trên các thị trường quốc tế, mặt hàng lại khá được ưa chuộng.

Từ năm 2013 tới nay, Cao Sao Vàng bỗng “bật dậy” trở lại thị trường quốc tế, với số lượng bán ra luôn trong tình trạng “sắp hết” hoặc “cháy hàng” tại các website bán hàng trực tuyến nổi tiếng như eBay hay Amazon, các gian hàng dược phẩm online ở nhiều nước như Anh, Mỹ, Úc…

Điển hình, tại Amazon Trung Quốc, một hộp có trọng lượng 3g bán trên Ebay có giá khoảng 70.000 đồng/hộp, trên Amazon có giá khoảng 40.000 đồng/hộp. 

Cao Sao Vàng Thương hiệu quốc dân 1 thời chật vật tìm chỗ đứng trong nước
Giá bán Cao Sao Vàng trên sàn eBay của Mỹ.

Rất nhiều ý kiến đánh giá công khai của người dùng ngoại trên các trang web này cho thấy, ngay cả phải mua với mức giá bán lẻ trên dưới 40.000 đồng mỗi hộp, đắt gấp 10 lần giá bán nội địa, chưa kể phí vận chuyển 5 USD mỗi lượt giao hàng, khách vẫn chấp nhận.

Tại Nga hiện nay, cao Sao Vàng đã không còn phổ biến, “phát cuồng” như thời Xô Viết, song nó vẫn tiếp tục được sử dụng khá rộng rãi trong xã hội Nga.

Video được tài khoản Youtube “Gromkie Rybưi” phát hành vào tháng 7/2020, có tựa đề “Cao Sao Vàng – liệu pháp trị liệu mát lành sảng khoái”. Trong đoạn video dài 40 giây, các bạn trẻ Nga thay nhau mở nắp và cảm nhận mùi hương đặc trưng tỏa ra từ chiếc hộp nhỏ cao Sao Vàng trong nhiều bối cảnh khác nhau.

Đoạn video hiện đã được hơn 52.000 lượt xem và được cộng đồng mạng Nga và Việt Nam đặc biệt quan tâm, chia sẻ.

Chia sẻ trên nhiều diễn đàn MXH Nga, nhiều người cho rằng, mùi hương và sự mát lạnh của cao Sao Vàng mang lại, tạo cho người dùng có cảm giác dễ chịu và sảng khoái. Tất nhiên nhiều người cũng khuyến cáo rằng, việc sử dụng quá liều lượng có thể dẫn đến hiệu quả không như mong muốn và có thể xảy ra hiện tượng dị ứng.

Lý do Cao Sao Vàng được người nước ngoài “săn đón” như vậy trước hết bởi sản phẩm có tác dụng phòng và trị bệnh thật sự, lại được sử dụng với nhiều bệnh khác nhau. Ngoài ra, hộp cao có kiểu dáng nhỏ gọn, dễ dàng mang đi khắp nơi.

Mức giá của sản phẩm được xem là quá rẻ so với thu nhập của người nước ngoài. Thêm vào đó, thương hiệu Cao Sao Vàng tuy quen với ta, nhưng lại lạ với người nước ngoài nên sẽ thu hút sự quan tâm, tò mò muốn khám phá dùng thử.

Cao Sao Vàng Thương hiệu quốc dân 1 thời chật vật tìm chỗ đứng trong nước
Giá bán Cao Sao Vàng trên sàn thương mại Shoppe chỉ dao động từ 3.000 – 5.000 đồng/hộp 4gr.

Chủ sở hữu Cao Sao Vàng kinh doanh tăng trưởng ấn tượng

Theo báo cáo tài chính tổng hợp, năm 2021, doanh thu thuần ghi nhận hơn 381 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện năm trước và lãi ròng hơn 94 tỷ đồng, giảm 18%.

Năm 2021, DP3 dự kiến đem về 420 tỷ đồng doanh thu và 72 tỷ đồng lãi trước thuế. Như vậy, so với kế hoạch đề ra, đơn vị đã vượt 64% mục tiêu lãi trước thuế 2021.

Cao Sao Vàng Thương hiệu quốc dân 1 thời chật vật tìm chỗ đứng trong nước
Dược phẩm Trung ương 3 là chủ sở hữu của sản phẩm “quốc dân” cao Sao Vàng.

Đáng chú ý, trong 10 năm gần đây, Dược phẩm Trung ương 3 đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng. Năm 2011, doanh thu chỉ ở mức hai con số 99 tỷ đồng. Từ giai đoạn 2012-2017, doanh thu tăng trưởng ổn định từ 122 tỷ đồng năm 2012 lên 328 tỷ đồng năm 2017. Doanh thu năm 2018 đạt con số ấn tượng 479 tỷ đồng. 

Về lợi nhuận, chỉ từ mức lợi nhuận sau thuế dưới 10 tỷ năm 2013 đã tăng lên gấp đôi đạt 16 tỷ đồng vào năm 2015. Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng vọt, đạt 80 tỷ đồng, tăng 41 tỷ đồng so với năm 2017. Năm 2019, đà tăng lợi nhuận sau thuế có phần chững lại, chỉ tăng thêm 3 tỷ đồng so với năm 2018.

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 412 tỷ đồng giảm 10 tỷ đồng so với năm 2019. 

Với giá vốn hàng bán giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái (ở mức 122 tỷ đồng) nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 5%, đạt 274 tỷ đồng.

Trong năm 2020, doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 4 lần, đạt 12 tỷ đồng. Công ty cho biết chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay. Bên cạnh đó, Dược phẩm Trung ương 3 cũng cắt giảm được 28 tỷ đồng từ chi phí bán hàng. 

Sau khi khấu trừ các chi phí liên quan, chủ sở hữu cao Sao Vàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2020 tăng 37%, từ mức 83 tỷ đồng lên 114 tỷ đồng, tức mỗi ngày DP3 thu về khoảng 312 triệu đồng tiền lãi.

Tại thời điểm 31/12/2020, công ty có tổng tài sản là 441 tỷ đồng, tăng 72 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng từ 105 tỷ đồng lên 120 tỷ; các khoản phải thu ngắn tăng từ 22 tỷ đồng lên 34 tỷ.

Tài sản dài hạn cũng tăng mạnh, từ 127 tỷ đồng lên 186 tỷ. Biến động chủ yếu đến từ mức tăng 65 tỷ đồng của chi phí xây dựng dở dang.

Giá bán gần 6.000 đồng tuy rẻ, nhưng qua nhiều năm phát triển và sản xuất không có nhiều cải tiến về cả chất lượng, lẫn mẫu mã, vô hình trung tạo cảm giác nhàm chán. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt luôn mang tâm lý sính ngoại nên những sản phẩm thuần Việt như Cao Sao Vàng dần dần bị rơi vào quên lãng.

Trung Hiếu