[54] Định nghĩa “tranh chấp” trong án lệ quốc tế
Định nghĩa “tranh chấp” – Bằng chứng về tranh chấp – Phân loại tranh chấp – Tranh chấp hỗn hợp trước Toà ICJ
Khi phát sinh tranh chấp giữa các quốc gia, không phải lúc nào các bên cũng có thể trực tiếp giải quyết nội dung của tranh chấp đó. Có những tranh chấp mà bước đầu tiên các quốc gia cần làm là thuyết phục nhau rằng có tồn tại một tranh chấp như thế. Ví dụ như trong tranh chấp ở Biển Đông hiện nay Trung Quốc không công nhận có tranh chấp với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và do đó không bác bỏ việc đàm phán giải quyết tranh chấp. Có giai đoạn cả hai nước đều phủ nhận có tranh chấp với nhau ở quần đảo này khi nhất quán nhấn mạnh quan điểm chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa là “không thể tranh cãi” (undisputable). Hoặc như Nhật Bản phủ nhận có tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc. Trong những tình huống mà một hay cả hai bên đều phủ nhận có tranh chấp, vậy thực sự có tranh chấp hay không? Câu hỏi này đôi khá ngớ nhẩn nhưng cũng không phải hiếm khi các cơ quan tài phán phải đi xem xét và trả lời câu hỏi này.
Án lệ xưa nhất là Vụ Mavrommatis Palestine Concessions tại Toà án Thường trực Công lý Quốc tế (PCIJ) – tiền thân của Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) – vào những năm 1920, và gần đây nhất là Vụ Áp dụng Công ước chống phân biệt chủng tộc giữa Georgia và Nga khởi kiện năm 2008 trước Toà ICJ. Bên cạnh đó còn một số vụ tranh chấp tương tự trong giai đoạn giữa hai vụ việc.
Trong Vụ Mavrommatis Palestine Concessions, Tòa PCIJ lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về tranh chấp. Định nghĩa này cho đến hiện nay vẫn được sử dụng và có thể nói đã trở thành một trong những ý kiến pháp lý nổi tiếng nhất của Toà PCIJ.
1. Định nghĩa
Toà PCIJ và Toà ICJ trong các án lệ của mình định nghĩa rằng:
“Một tranh chấp là một sự bất đồng về một vấn đề pháp lý hay thực tế, một sự xung đột về quan điểm pháp lý hay lợi ích giữa hai bên.”[1]
Đây là một định nghĩa đủ rộng để bao quát mọi bất đồng giữa các quốc gia; đó có thể liên quan đến một vấn đề pháp lý (law), một vấn đề thực tế (fact), hay thuần tuý lợi ích (interests) giữa các bên.
Bằng chứng về sự tồn tại của tranh chấp cần cho thấy có sự xung đột quan điểm giữa hai bên,[2] hoặc cho thấy quan điểm của một bên bị bên còn lại phản đối thực sự (positively opposed).[3] Sự tồn tại của một tranh chấp cần được xác định một cách khách quan (objective determitation).[4] Việc một bên phủ nhận sự tồn tại của một tranh chấp không có giá trị pháp lý.[5] Và ngược lại, việc một bên khẳng định có tranh chấp với một bên khác cũng không đủ để chứng minh sự tồn tại của tranh chấp giữa hai bên.[6] Bằng chứng có thể trực tiếp như thông qua thư tín ngoại giao hoặc gián tiếp, ngầm định thông qua suy luận (inference). Toà ICJ từng cho rằng:
“sự bất đồng về một vấn đề pháp lý hay thực tiễn, xung đột quan điểm pháp lý hay lợi ích, hoặc việc một bên phản đối yêu sách của một bên còn lại không nhất thiết phải được thể hiện expressis verbis. Để xác định sự tồn tại của một tranh chấp… quan điểm hay thái độ của một bên có thể được xác lập thông qua suy luận, bất kể quan điểm công khai của bên đó.”[7]
Suy luận có thể dựa trên nhiều loại bằng chứng tuỳ thuộc vào từng vụ việc.
2. Một số loại bằng chứng về sự tồn tại của tranh chấp
-
Thư tín và trao đổi ngoại giao có thể có giá trị chứng minh các bên đang có tranh chấp với nhau. Trong
Vụ Giải thích các Hiệp ước Hoà bình với Bulgari, Hungary và Rumani,
Toà ICJ đã xem xét các thư tín ngoại giao mà các bên trình trước Toà. Cụ thể, Toà cho rằng thông qua các thư tín ngoại giao mà Anh (cùng đại diện cho Australia, Canada và New Zealand) và Mỹ gửi cho Bulgaria, Hungary và Romania cáo buộc Chính phủ ba nước này đã vi phạm các quy định về nhân quyền và các quyền tự do cơ bản trong các Hiệp ước Hoà bình và kêu gọi ba nước có các biện pháp khắc phục để tuân thủ đúng các quy định của các Hiệp ước. Chính phủ ba nước đã bác bỏ các các buộc trên. Qua các trao đổi ngoại giao này Toà cho rằng đã tồn tại quan điểm xung đột nhau giữa hai bên liên quan đến việc tuân thủ hay không tuân thủ các quy định điều ước quốc tế và qua đó cho thấy sự tồn tại một tranh chấp giữa các bên.
[8]
Một ví dụ khác là trong
Vụ liên quan đến Một số tài sản
(Liechtenstein v. Đức), Toà đã dựa vào quan điểm trong các cuộc đàm phán song phương và thư từ ngoại giao để xác định sự tồn tại của tranh chấp giữa hai nước.
[9]
-
Quan điểm thể hiện qua các tuyên bố, văn bản đưa ra bởi các bên cũng có giá trị bằng chứng về sự tồn tại của tranh chấp. Trong Vụ Georgia v. Nga, Tòa ICJ xem xét hàng loại các tuyên bố và văn bản thuộc nhiều loại khác nhau, một số được đưa ra bởi quan chức hành pháp các bên (như Tổng thống, Ngoại trưởng, Bộ Ngoại giao hay các bộ khác), một số khác do Nghị viện thông qua và các nghị sĩ đưa ra, một số là thông cáo báo chí, biên bản phỏng vấn, biên bản họp nội bộ của các bên, một số được các bên gửi cho quan chức của nhau, cho tổ chức quốc tế hay quan chức của Liên hợp quốc (Tổng thư ký, Chủ tịch Hội đồng Bảo an), một số là báo cáo các bên đệ trình cho các ủy ban nhân quyền,…
[10]
Các tuyên bố của nhánh hành pháp sẽ được chú trọng hơn do nhìn chung trong luật quốc tế và thực tiễn, nhánh hành pháp của một quốc gia thường đại diện cho quốc gia đó trong quan hệ quốc tế và thể hiện quan điểm của quốc gia đó trên trường quốc tế.
[11]
Tóm lại, mọi tuyên bố, văn bản do quan chức hoặc cơ quan nhà nước của các bên cũng có thể là bằng chứng cho thấy sự tồn tại tranh chấp giữa hai bên.
-
Quan điểm về nội dung vụ kiện thể hiện khi tranh tụng trước Toà. Trong Vụ liên quan đến Một số tài sản (Liechtenstain v. Đức),
[12]
Liechtenstein cho rằng có tranh chấp liên quan đến việc Đức vi phạm chủ quyền và quy chế trung lập của nước này thông qua việc năm 1995 toà án Đức đã áp quy chế tài sản công ở nước ngoài cho một số tài sản của Liechtenstein. Đức phản đối cáo buộc này và thay vào đó cho rằng nội dung thực sự của tranh chấp là việc Tiệp Khắc tịch biên một số tài sản của Liechtenstein mà không bồi thường vào năm 1945. Như vậy hai bên có quan điểm khác nhau về thực sự hai nước tranh chấp gì và đây là bằng chứng cho thấy có tồn tại tranh chấp giữa hai bên. Và theo đó việc của Toà là xác định nội dung thực sự của tranh chấp giữa hai bên. Một ví dụ khác là
Vụ liên quan đến biên giới đất liền và trên biển giữa Cameroon và Nigeria.[13]
Trong vụ này Toà cũng dựa vào quan điểm mà Nigeria thể hiện trước Toà để đi đến kết luận rằng có tranh chấp giữa hai nước liên quan đến biên giới. Điểm thú vị của vụ này là trong khi Cameroon cho rằng có tồn tại tranh chấp, Nigeria lại có quan điểm rất mập mờ. Nigeria rất cẩn trọng và không rõ ràng, “nước đôi” trong các phát biểu trước Toà. Toà đã phải bóc tách các câu chữ trong phát biển của Nigeria và so sánh với quan điểm của Cameroon để đi đến kết luận.
3. Phân loại tranh chấp?
Có thể có ý kiến phân loại tranh chấp thành các nhóm khác nhau, như tranh chấp pháp lý, tranh chấp chính trị, tranh chấp ngoại giao,… Một tranh chấp giữa các quốc gia thông thường có nhiều khía cạnh và mang tính hỗn hợp. Một tranh chấp có thể có cả khía cạnh pháp lý và khía cạnh chính trị-ngoại giao (ví dụ tranh chấp biển đảo trên Biển Đông hiện nay). Sự phân loại này, về mặt pháp lý, không có nhiều ý nghĩa nhưng nó giúp làm sáng rõ hơn các khía cạnh khác nhau trong một tranh chấp. Qua đó, nắm được bản chất tranh chấp và áp dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp phù hợp cho cả tranh chấp hay từng khía cạnh của tranh chấp phức tạp.
Về mặt luật pháp quốc tế, tất cả các tranh chấp đều cần được giải quyết bằng các biện pháp hoà bình, bao gồm biện pháp ngoại giao (đàm phán, trung gian, hoà giải, điều tra, sử dụng các dàn xếp khu vực hay quốc tế) và biện pháp tài phán (toà án và trọng tài).[14] Trong khi biện pháp ngoại giao không có bất kỳ giới hạn nào về loại tranh chấp, biện pháp tài phán chủ yếu chỉ có thể áp dụng để giải quyết các tranh chấp pháp lý hoặc các khía cạnh pháp lý của một tranh chấp hỗn hợp.
Tranh chấp pháp lý ở đây được hiểu là tranh chấp về liên quan đến các quy định của luật pháp quốc tế, ví dụ như: tranh chấp về giải thích và áp dụng một quy định của điều ước quốc tế, tranh chấp về việc vi phạm hay không vi phạm luật pháp quốc tế, tranh chấp về việc liệu có hay không có một quy định nào đó trong luật pháp quốc tế. Tranh chấp thuần tuý phi-pháp lý vẫn có thể được các cơ quan tài phán thụ lý và xem xét, nhưng kết quả có thể là một phán quyết tuyên bố không có luật điều chỉnh (non liquet) hoặc một phán quyết không dựa trên luật (ex aequo et bono) nếu các bên đồng ý. Trong trường hợp một phán quyết tuyên bố non liquet thực chất không giải quyết được tranh chấp. Có thể nói mọi tranh chấp đều có thể được thụ lý và xem xét bởi các cơ quan tài phán quốc tế và việc của các cơ quan tài phán là xem xét các tranh chấp đó dưới lăng kính luật pháp quốc tế. Thật khó để nói rằng có bất kỳ tranh chấp nào không thể được xem xét dưới góc độ pháp lý.
4. Tranh chấp hỗn hợp trước Toà ICJ
Như đã nói ở trên, các tranh chấp thông thường mang tính hỗn hợp chính trị-ngoại giao-pháp lý, và các biện pháp tài phán có thể được sử dụng để giải quyết khía cạnh pháp lý trong các tranh chấp hỗn hợp đó. Mặc dù, Điều 36(2) Quy chế Tòa ICJ chỉ dẫn chiếu đến thẩm quyền giải quyết “tất cả các tranh chấp pháp lý” giữa các quốc gia, nhưng việc tồn tại nhiều khía cạnh phi-pháp lý trong một tranh chấp không cản trở Tòa thụ lý và đưa ra phán quyết theo luật pháp quốc tế.
Trong Vụ liên quan đến nhân viên ngoại giao và lãnh sự Mỹ tại Tehran (Mỹ v. Iran), đáp lại việc Mỹ khởi kiện chống lại Iran trước Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) liên quan đến việc bắt giữ làm con tin nhân viên ngoại giao, lãnh sự Mỹ tại Tehran trong Cánh mạng Hồi giáo Iran năm 1979, Iran cho rằng Toà ICJ không thể và không nên thụ lý vụ kiện bởi vì vụ việc này:
“… chỉ thể hiện một khía cạnh phái sinh bên lề của một vấn đề tổng thể hơn, vấn đề này không thể được xem xét riêng biệt, và liên quan đến hơn 25 năm Mỹ liên tục can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Iran, bóc lột không biết xấu hỗ đất nước chúng tôi, và hàng loạt các tội ác chống lại nhân dân Iran, trái và đi ngược lại với tất cả các quy phạm nhân đạo và quốc tế.
Do đó vấn đề liên quan trong xung đột giữa Iran và Mỹ không phải là một vụ việc về giải thích và áp dụng điều ước quốc tế mà Đơn kiện của Mỹ dựa vào, mà là kết quả của bối cảnh chung chứa đựng các yếu tố phức tạp và quan trọng hơn. Theo đó, Toà không thể xem xét Đơn kiện của Mỹ mà tách rời khỏi bối cảnh của vụ việc, cụ thể là toàn cảnh quan hệ chính trị tổng thể giữa Iran và Mỹ trong 25 năm qua.”[15]
Tuy nhiên, Toà ICJ đã bác bỏ lập luận trên và cho rằng không có bất kỳ quy định nào trong “yêu cầu Toà nên từ chối thụ lý một khía cạnh của một tranh chấp chỉ bởi vì tranh chấp đó có các khía cạnh khác, dù cho các khía cạnh đó có quan trọng như thế nào đi nữa.”[16] Toà đưa ra nhận định chung rất đúng đắn rằng:
“các tranh chấp pháp lý giữa các Quốc gia có chủ quyền về bản chất thường phát sinh trong bối cảnh chính trị, và thường chỉ là một khía cạnh trong một tranh chấp chính trị lâu dài và rộng lớn hơn giữa các Quốc gia liên quan. Tuy nhiên, chưa bao giờ tồn tại một quan điểm rằng, bởi vì một tranh chấp pháp lý được đệ trình lên Toà chỉ là một khía cạnh của một tranh chấp chính trị, Toà nên từ chối giải quyết cho các bên các câu hỏi pháp lý liên quan giữa các bên. Và cũng không có bất kỳ căn cứ nào cho quan điểm trên về chức năng và thẩm quyền của Toà trong Hiến chương hay Quy chế của Toà; nếu Toà chấp nhận quan điểm đó, trái với án lệ nhất quán của mình, Toà sẽ đã áp đặt một giới hạn vô căn cứ và có tác động lâu dài lên vai trò của Toà trong việc giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế.”[17]
Có thể thấy việc phân loại tranh chấp chỉ mang tính chất tham khảo và giúp nhìn rõ hơn các khía cạnh phức tạp trong một tranh chấp giữa các quốc gia. Sự phân loại không thể ngăn cản các cơ quan tài phán có thể xem xét và giải quyết các khía cạnh pháp lý trong tranh chấp.
Trần H. D. Minh
English summary: This article looks into the definition of “a dispute” under jurisprudence of international courts and tribunals. It provides a brief definition of disputes, types of evidence of their existence, categories of disputes and how the ICJ dealt with mixed disputes of legal-political-diplomatic nature.
————————————————————————
[1] Vụ Mavrommatis Palestine Concessions (Hi Lạp v. Anh), Phán quyết của Toà PCIJ, ngày 30/8/1924, tr. 11. Nguyên tăn tiếng Anh: “A dispute is a disagreement on a point of law or fact, a conflict of legal views or of interests between two persons”. Trong bản tiếng Pháp, định nghĩa trên còn thêm từ “mâu thuẫn” (une contradiction); nguyên văn tiếng Pháp: “Un différend est un désaccord sur un point de droit ou de fait, une contradiction, une opposition de thèses juridiques ou d’intérêts entre deux personnes”.
[2] Vụ Giải thích các hiệp ước hoà bình với Bulgaria, Hungary và Rumani, Ý kiến tư vấn của Toà ICJ, ngày 30/03/1950, tr. 74.
[3] Vụ South West Africa (Ethiopia v. Nam Phi; Liberia v. Nam Phi), Phán quyết về thẩm quyền của Toà ICJ năm 1962, tr. 328.
[4] Vụ Giải thích các Hiệp ước Hoà bình với Bulgaria, Hungary và Rumani, tr. 74. [5] Như trên.
[6] Phán quyết về thẩm quyền của Toà ICJ năm 1962, xem chú thích 3, tr. 328.
[7] Vụ liên quan đến biên giới đất liền và trên biển giữa Cameroon và Nigeria (Cameroon v. Nigeria), Phán quyết về thẩm quyền của Toà ICJ năm 1998, đoạn 89.
[8] Ý kiến tư vấn của Toà ICJ năm 1950, xem chú thích 2, tr. 74.
[9] Vụ Certain Property (Liechtenstein v. Đức), Phán quyết của Toà ICJ năm 2005, đoạn 25.
[10] Vụ Georgia v. Nga, Phán quyết về thẩm quyền của Tòa ICJ năm 2011, đoạn 35. [11] Như trên, đoạn 37.
[12] Phán quyết của Tòa ICJ năm 2005, xem chú thích 9.
[13] Phán quyết về thẩm quyền của Toà ICJ năm 1998, xem chú thích 7, đoạn 91 – 92.
[14] Trần Hữu Duy Minh, Nhìn lại nguyên tắc hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế trong luật pháp quốc tế và vấn đề Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 1 (108), tháng 03/2017, tr. 129 – 144, xem online tại đây.
[15] Thư của Bộ trưởng Ngoại giao Iran gửi cho Toà vào ngày 16/03/1980, trích lại trong Vụ liên quan đến nhân viên ngoại giao và lãnh sự Mỹ tại Tehran, Phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế năm 1980, đoạn 10.
[16] Như trên, đoạn 34. [17] Như trên, đoạn 37.
Chia sẻ:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…