Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí

Đăng ngày: 25/08/2022 – 10:46:54 AM | Lượt xem: 199 |

Đăng ngày: 25/08/2022 – 10:46:54 AM |Lượt xem: 199 | VH(st)

Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí

Cùng với 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, mới đây phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí đã được phát động, điều này có một ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần thúc đẩy các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh

Trong những năm qua, báo chí nước ta đã phát triển ngày càng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Theo số liệu tổng hợp từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 815 cơ quan báo chí in và báo chí điện tử, 72 cơ quan báo chí hoạt động phát thanh, truyền hình. Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có ba cơ quan báo chí của tỉnh là Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Phố Hiến với bốn loại hình báo chí là: Báo in, báo điện tử, báo phát thanh, báo truyền hình. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh còn có 1 cơ quan thường trú của Thông tấn xã Việt Nam; 1 phóng viên thường trú của Báo Nhân Dân; 6 phóng viên được cơ quan báo chí Trung ương cử theo dõi địa bàn tỉnh; 2 ấn phẩm đặc san gồm: Người làm báo (Hội Nhà báo tỉnh), Thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông); 21 bản tin của các sở, ban, ngành, đoàn thể hoạt động có tính chất báo chí, 10 đài truyền thanh cấp huyện và 161 đài truyền thanh cấp xã. 

Thời gian qua, báo chí cả nước nói chung và báo chí tỉnh Hưng Yên nói riêng đã thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình là đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với Nhân dân để dân hiểu, dân biết và làm theo. Báo chí tập trung phản ánh những tập thể điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, đồng thời báo chí cũng phản ánh những vấn đề bức xúc trong xã hội, những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; tham gia giám sát, phản biện xã hội, qua đó gợi mở, góp ý, bổ sung vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Với nhiệm vụ của mình, báo chí tiếp tục giữ vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của Nhân dân, chủ động, kịp thời thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, của tỉnh, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội. Đặc biệt trong hơn hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cả hệ thống báo chí đã vào cuộc, góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch bệnh… Nhờ thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình là thông tin tuyên truyền, báo chí thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân, là diễn đàn tin cậy của Nhân dân. Báo chí cũng đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng Đảng, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp to lớn, báo chí vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Ở một số cơ quan báo chí môi trường văn hóa chưa thực sự lành mạnh, một số nhà báo chạy theo giá trị vật chất, sách nhiễu tổ chức, doanh nghiệp, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Một số cơ quan báo chí, nhà báo chạy đua theo các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội dẫn đến hiện tượng đưa tin thiếu kiểm chứng. Tình trạng báo hóa tạp chí đã gây bức xúc cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương. Một số tạp chí đăng tải tin, bài hoặc cử phóng viên hoạt động tác nghiệp về những nội dung ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép. Có dấu hiệu hoạt động báo chí tư nhân thông qua việc một số cơ quan báo chí giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động. Một số nhà báo, phóng viên đi tác nghiệp thành nhóm, không liên hệ trước hoặc liên tục điện thoại, nhắn tin gây phiền hà cho cơ sở, họ cố tình khai thác những thông tin ngoài chuyên môn để viết bài đưa lên mặt báo hoặc viết bài, rút tít giật gân để câu khách… Tất cả những việc làm đó đang làm suy giảm phần nào lòng tin của bạn đọc đối với cơ quan báo chí và người làm báo.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, trong đó có nội dung xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại và thực hiện nội dung Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Bộ tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo gồm 12 điểm, trong đó có sáu điểm dành cho cơ quan báo chí và sáu điểm dành cho người làm báo. Việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo. Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa. Đồng thời, hoạt động này hướng đến thúc đẩy, lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thi đua thiết thực, ý nghĩa để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Cùng với đó, hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, góp phần xây dựng con người có nhân cách, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. 
Theo đồng chí Nguyễn Công Đán, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh: Căn cứ các tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo của Hội Nhà báo Việt Nam, thời gian tới, Hội Nhà báo tỉnh sẽ có hướng dẫn triển khai thực hiện đến từng cơ quan báo chí và các chi hội nhà báo. Đồng thời hằng năm sẽ có giám sát, biểu dương những đơn vị thực hiện tốt và nhắc nhở đơn vị chưa thực hiện tốt phong trào, từ đó góp phần xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa. Và để phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí được thực chất và hiệu quả, đòi hỏi lãnh đạo các cơ quan báo chí và mỗi người làm báo cần có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có đánh giá, kiểm tra, tổng kết đối với từng nhà báo và cơ quan báo chí. Cần đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt việc tốt, những việc làm hay… Việc tuyên truyền cần được đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Với lợi thế và đặc điểm riêng của mỗi cơ quan báo chí, hoạt động truyền thông cần có kế hoạch, trong đó ưu tiên cho hoạt động xây dựng môi trường văn hóa. Mỗi cơ quan báo chí phải là một cơ quan văn hóa, mỗi người làm báo cần luôn có ý thức nâng cao văn hóa của bản thân, đề cao thành tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm… Xác định điều đó thì phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí không chỉ là những hoạt động hình thức, thụ động mà sẽ là việc làm thực chất và hiệu quả. 

Nguồn: https://baohungyen.vn