“Xã hội hóa y tế” là gì?

Trước tiên, hãy xem khái niệm “xã hội hóa y tế” được các nước trên thế giới hiểu và triển khai như thế nào?

Thực tế, các nước phát triển đều khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào y tế. Ở những phân khúc thị trường y tế có thể phát sinh lợi nhuận, phục vụ các đối tượng có khả năng chi trả thì tư nhân sẽ tham gia. Còn hệ thống y tế công sẽ gánh trách nhiệm chăm lo cho người thu nhập trung bình, thu nhập thấp, người nghèo. Nói cách khác, nguồn lực công được dành để đầu tư vào những lĩnh vực y tế khó phát sinh lợi nhuận hoặc ở nơi tư nhân không mặn mà như vùng sâu, vùng xa… Đó chính là ý nghĩa của “xã hội hóa y tế” mà các nước đang áp dụng và hoàn toàn không có chuyện liên doanh, liên kết với tư nhân trong các bệnh viện công.

Ở nước ta, cơ chế liên doanh, liên kết giữa các đơn vị tư nhân và bệnh viện công thời gian qua được coi là một dạng “xã hội hóa” hoặc liên kết công – tư trong lĩnh vực y tế. Nhìn lại, nguồn vốn thu hút được không đáng là bao nhưng hệ lụy vô cùng lớn. “Tư” ở trong “công”, đương nhiên bệnh viện công buộc phải chạy theo lợi nhuận, từ đó dẫn đến tình trạng nâng giá thiết bị, lạm dụng chỉ định xét nghiệm, kê đơn thuốc để thu lợi… Người bệnh bị móc túi, lãnh đạo bệnh viện dễ vướng sai phạm, đạo đức bác sĩ xuống cấp, ngành y mất uy tín trong mắt người dân.

Mặt khác, trong quá trình xã hội hóa y tế kiểu này, người nghèo, người thu nhập thấp không những không được hưởng lợi, mà còn bị thiệt thòi. Bởi vì nguồn lực công thay vì được tập trung cho họ thì lại bị chia sẻ để thực hiện các chương trình xã hội hóa và cạnh tranh trực tiếp với bệnh viện tư trong việc chăm sóc cho người có khả năng chi trả.

Khi chủ trương không được làm rõ, xã hội hóa “biến tướng” thành liên danh, liên kết giữa “công” và “tư” trong các bệnh viện công thời gian qua khiến cho người bệnh bị “móc túi”, cán bộ y tế vướng vòng lao lý, ngành y tế bị suy yếu.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vẫn chưa giải quyết được vấn đề “xã hội hóa” và những biến tướng nguy hiểm này. Như đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nói trong hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, dự thảo Luật mới chỉ “chép lại” Nghị quyết 20-NQ/TW (về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới – PV).

Trong bản thảo mới nhất, dự thảo Luật dành Điều 105 quy định về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, việc thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước gồm các hình thức: đầu tư theo hình thức đối tác công – tư và các hình thức xã hội hóa khác theo quy định của Chính phủ.

Như vậy có thể thấy dự thảo Luật vẫn cho phép liên kết công – tư trong các bệnh viện công; đồng thời chưa làm rõ nội hàm “xã hội hóa” trong lĩnh vực y tế mà dành nội dung này cho Chính phủ quy định chi tiết.

Như đã phân tích ở trên, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần làm được hai việc. Thứ nhất, cần chấm dứt việc cho phép đầu tư tư nhân vào các bệnh viện công hay duy trì mô hình hợp tác công – tư theo kiểu liên doanh, liên kết trong bệnh viện công.

Thứ hai, với những đặc thù của ngành y tế, nội hàm “xã hội hóa” cần được hiểu đúng bản chất. Đó là khuyến khích và cho phép tư nhân xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hình thức doanh nghiệp tư nhân; hoặc thành lập doanh nghiệp xã hội để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận…