V.I.Lênin luận về những vấn đề cơ bản trong quan hệ quốc tế giai đoạn cuối thế kỷ XIX – Đầu thế kỷ XX

Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX là một giai đoạn khá đặc biệt trong lịch sử nhân loại. Đây là giai đoạn  chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh đi vào giai đoạn mới – độc quyền tư bản. Trình độ xã hội hóa của sản xuất và hiện đại hóa kỹ thuật ngày càng cao dẫn đến hình thành thị trường thế giới thống nhất. Đồng thời, trên thế giới cũng hình thành hai nhóm dân tộc, một là số ít dân tộc đi áp bức, bóc lột, và số đông dân tộc bị áp bức, bóc lột. Nội dung cơ bản của quan hệ quốc tế trong giai đoạn này là: Tranh giành quyền bá chủ thế giới, đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc, đấu tranh của giai cấp vô sản thế giới để tự giải phóng và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

1.       Tranh giành quyền bá chủ thế giới của các cường quốc tư bản chủ nghĩa

Chủ nghĩa tư bản với tư cách một hệ thống ra đời từ cuối thế kỷ XVIII. Đến nay, nó đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Mỗi giai đoạn, chủ nghĩa tư bản có vai trò, vị trí và những đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau nhất định. Thời kỳ đầu, chủ nghĩa tư bản có vai trò cách mạng tiến bộ thúc đẩy lịch sử, phát triển nhanh chóng. Nó đã tiêu diệt chế độ phong kiến, xóa bỏ nền sản xuất nhỏ, đi vào xây dựng một nền sản xuất lớn và thúc đẩy sự hình thành thị trường, cũng như những mối quan hệ quốc tế mới rộng lớn.(*)

Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển mạnh sang chủ nghĩa tư bản lũng đoạn. Điều đó đánh dấu thời kỳ chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn phản động, kìm hãm lịch sử. Nhân loại đã chứng kiến sự bóc lột dã man của giai cấp tư sản đối với lao động, sự ăn bám thối nát của nhà nước tư sản và bọn đầu sỏ tư bản tài chính. Các cường quốc tư bản chủ nghĩa tranh giành quyền bá chủ thế giới khá quyết liệt. Một trong những biểu hiện của vấn đề này là việc tranh giành thuộc địa, thay đổi vị trí cường quốc trước đây trong hệ thống tư bản chủ nghĩa.

Nửa đầu thế kỷ XIX, Anh là nước đã “mở tất cả các cảng của nó; nó đã phá đổ tất cả các hàng rào ngăn cách các quốc gia; nó có tới năm mươi thuộc địa, và nó chỉ chưa có mỗi thuộc địa, đó là vũ trụ…”(1). Nước Anh đó làm chủ mặt biển và mở rộng đế chế thương mại của nó ra cả thế giới với tư cách cường quốc tư bản số 1. Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, với sự vươn lên của các nền kinh tế Đức và Mỹ, hệ thống thuộc địa cũ của các nước tư bản Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… đang bị de dọa. Các nhà nước tư bản chủ nghĩa gia tăng chi phí quân sự, trong đó phần lớn nhằm mục đích bảo vệ phần lãnh thổ vốn đang được xác định là của mình và âm mưu thôn tính thuộc địa của nước khác, mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới. Các số liệu sau của học giả Michel Beaud (Anh) cho thấy sự bành trướng đế quốc của chủ nghĩa tư bản quốc gia cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ thứ XX, về căn bản, chính là nguồn gốc của cuộc Đại chiến 1914 -1918.

V.I.Lênin

Bảng 1: Sự gia tăng chi phí quân sự ở các nước tư bản chủ nghĩa(2)

 

Tên nước     Gia tăng chi phí quân sự theo đầu người(*)

(1875 (**)– 1908) Gia tăng chi phí quân sự theo đầu người (1908 đến 1913 -1914) Phần chi phí quân sự trong toàn bộ chi phí của nhà nước 1875(**) Phần chi phí quân sự trong toàn bộ chi phí của nhà nước 1908

Anh   62      29      38,6   48,0

Pháp  63      14      29,0   37,0

Đức   95      28      28,5   28,3

Mỹ    67      A       33,5   56,9

(*): tính theo %.

(**) đối với Đức, 1881 – 1882.

a: Không có số liệu.

 

Những số liệu trên hoàn toàn phù hợp với số liệu mà V.I.Lênin đưa ra trong tác phẩm “Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”. Những cuộc xâm chiếm thuộc địa ngày càng gia tăng mạnh mẽ, cuộc đấu tranh để phân chia lãnh thổ(1)trên thế giới cũng trở nên vô cùng gay gắt. Điều đó biểu hiện ở sự thay đổi diện tích sở hữu thuộc địa của các cường quốc lúc đó được nêu trong tác phẩm trên của V.I.Lênin:

 

Bảng 2: Thuộc địa của các đại cường quốc

(tính theo triệu km2 và triệu người)(3)

 

Tên nước     Thuộc địa    Chính quốc Tổng cộng

          1876  1914  1914  1914

          km2   người km2   người km2   người km2   người

Anh   22,5   251,9 33,5   393,5 0,3     46,5   33,8   440,0

Nga   17,0   15,9   17,4   33,2   5,4     136,2 22,8   169,4

Pháp  0,9     6,0     10,6   55,5   0,5     39,6   11,1   95,1

Đức   –        –        2,9     12,3   0,5     64,9   3,4     77,2

Mỹ    –        –        0,3     9,7     9,4     97,0   9,7     106,7

Nhật  –        –        0,3     19,2   0,4     53,0   0,7     72,2

Tổng cộng 6 cường quốc 40,4   273,8 65,0   523,4 16,5   437,2 81,5   960,6

Thuộc địa của các cường quốc khác (Bỉ, Hà Lan…) 9,9     45,3

Nửa thuộc đại (Ba Tư, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ…) 14,5   361,2

Các nước khác      28,0   289.9

Toàn bộ trái đất    133,9 1657,0

 

 

Từ thực tế đó, V.I.Lênin đặt ra hai vấn đề: Một là, ở thời đại tư bản tài chính, chính sách thực dân có được tăng cường và sự tranh giành thuộc địa gay gắt? Những số liệu trên đã cho phép ông đi đến kết luận: “Bước vào thế kỷ XX việc phân chia thế giới đã kết thúc”(4), nhưng “bành trướng thuộc địa chênh lệch nhau rất lớn”(5) dưới tác động của quy luật phát triển không đồng đều, những đế quốc trẻ phát triển nhanh chóng, đế quốc già phát triển chậm và do vậy, tất yếu đấu tranh đòi chia lại thế giới. Hai là, thế giới được phân chia như thế nào? Sự phân chia không đồng đều bởi chính sách thực dân hình thành trên cơ sở độc quyền và độc quyền có bản chất là: Chiếm đoạt hết thảy nguồn nguyên, vật liệu; kiến trúc thượng tầng xây dựng trên cơ sở tư bản tài chính làm xu hướng xâm chiếm thuộc địa tăng; khó khăn trong đời sống của công nhân ngày càng tăng, tạo nên phong trào đấu tranh mạnh và đó là nguyên nhân thúc đẩy việc mở rộng chính sách thực dân và chính sách thực dân đã tạo ra nhiều sự lệ thuộc.(4)

 

Từ việc phân tích những đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc, V.I.Lênin đã chỉ ra bản chất kinh tế, chính trị và địa vị lịch sử của nó. Điều này tác động sâu sắc tới quan hệ quốc tế đương đại, đó là mối quan hệ giữa các nước đế quốc với nhau. Chủ nghĩa đế quốc đã làm chủ sự chi phối đời sống chính trị quốc tế: “Chủ nghĩa đế quốc có nghĩa là tư bản đã vượt ra khỏi phạm vi các quốc gia dân tộc, là sự áp bức dân tộc đang lan rộng và ngày càng trở thành nặng nề trên một cơ sở lịch sử mới…”(6); “chủ nghĩa đế quốc là sự áp bức ngày càng tăng của một dúm cường quốc lớn đối với các dân tộc trên thế giới, là thời đại những cuộc chiến tranh giữa các cường quốc lớn ấy để mở rộng và củng cố ách áp bức đó đối với các dân tộc…”; “chủ nghĩa đế quốc trong thời đại chúng ta đã dẫn tới chỗ là tình trạng các cường quốc lớn đi áp bức các dân tộc trở thành một hiện tượng phổ biến…”(7).

2.       Đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc

Nhận diện nội dung này trước hết phải kể đến các tác phẩm “Về quyền dân tộc tự quyết”, “Về sự liên minh dân tộc trong thời đại cách mạng vô sản”, “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” (1920) của V.I.Lênin. Trên cơ sở xác định đúng đắn, khoa học vấn đề quốc gia dân tộc và mối quan hệ giữa các dân tộc trong một quốc gia, phù hợp với đặc điểm trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và sự phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc, V.I.Lênin đã đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia dân tộc, trong đó có quyền bình đẳng giữa các dân tộc và quyền dân tộc tự quyết. Đây chính là cơ sở để giải quyết các quan hệ quốc gia dân tộc trên thế giới và nó được luật pháp quốc gia và công pháp quốc tế ghi nhận.(6)

Đề cập đến quyền tự quyết của các dân tộc, V.I.Lênin cho rằng, đó là nói đến nền độc lập chính trị của các dân tộc đó. Chủ nghĩa đế quốc chủ trương phá hoại nền độc lập chính trị của các dân tộc, vì khi đã thực hiện được sự thôn tính về chính trị thì sự thôn tính về kinh tế thường thuận lợi hơn, đỡ tốn kém hơn, dễ hơn và chắc chắn hơn. Vì vậy, theo ông, “Cương lĩnh dân tộc của phái dân chủ công nhân là: hoàn toàn xóa bỏ mọi đặc quyền của bất cứ dân tộc nào, cũng như của bất cứ ngôn ngữ nào: dùng biện pháp hoàn toàn tự do, dân chủ để giải quyết vấn đề quyền tự quyết về chính trị của các dân tộc, nghĩa là quyền phân lập quốc gia; ban bố một đạo luật chung của nhà nước quy định rằng bất cứ biện pháp nào (của hội đồng địa phương, của thị chính, của công xã, v.v.) nhằm trao bất cứ đặc quyền gì cho một dân tộc, mà vi phạm quyền bình đẳng giữa các dân tộc hay quyền của dân tộc thiểu số thì đều bị coi là bất hợp pháp, là vô hiệu, và bất cứ công dân nào trong nước cũng có quyền đòi xóa bỏ biện pháp trái hiến pháp đó…”(8). “Chủ nghĩa xã hội thắng lợi nhất thiết phải thực hiện chế độ dân chủ hoàn toàn và do đó, không những làm cho các dân tộc hoàn toàn bình quyền với nhau, mà còn thực hành quyền tự quyết của các dân tộc bị áp bức, tức là quyền do phân lập về mặt chính trị. Cả hiện nay lẫn trong thời kỳ cách mạng, và sau khi cách mạng thắng lợi, các đảng xã hội chủ nghĩa nào mà không chứng minh bằng toàn bộ hoạt động của mình rằng họ sẽ chỉ giải phóng các dân tộc bị nô dịch và sẽ xây dựng những quan hệ của mình với các dân tộc đó trên cơ sở một liên minh tự do – và liên minh tự do sẽ là một lời dối trá nếu nó không bao hàm quyền tự do phân lập – thì các đảng đó sẽ phản bội chủ nghĩa xã hội”(9).

Về vấn đề dân tộc và thuộc địa và sự liên minh dân tộc trong thời đại cách mạng vô sản, theo V.I.Lênin, chiến thắng tư sản trong từng nước không thể không có liên minh của công nhân với nông dân, cũng như chiến thắng đối với chủ nghĩa đế quốc thế giới không thể có được nếu thiếu liên minh của giai cấp vô sản với phong trào giải phóng dân tộc: “Nếu không có sự đoàn kết hoàn toàn và hết sức chặt chẽ trong cuộc đấu tranh của công nhân chống tư bản ở  châu Âu và châu Mỹ với hàng trăm triệu người nô lệ “ở thuộc địa” bị bọn tư bản ấy áp bức, thì phong trào cách mạng ở các nước tiên tiến, trên thực tế, chỉ là một sự lường gạt mà thôi”(10). Theo đó, có thể nói, ông đã nhìn nhận vấn đề dân tộc và thuộc địa như sự mở rộng nguyên tắc liên minh công nông trên quy mô toàn thế giới, tạo nên dòng thác cách mạng thống nhất trong phong trào cộng sản ở chính quốc với phong trào giải phóng dân tộc.(8)

Thực tiễn cho thấy, cách mạng Nga ngay từ năm 1905 đã từng thúc đẩy các cuộc cách mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Trung Quốc, làm cho bọn đế quốc chủ nghĩa Anh và Đức lâm vào một tình thế rất khó khăn, và nó đã thực hiện được một sự liên minh thực sự cách mạng với công nhân và nông dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa chống lại bọn chuyên chế, vua chúa, đuổi quân Đức ra khỏi Thổ Nhĩ Kỹ, quân Anh ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, ấn Độ, Ai Cập, v.v.. Vì vậy, giai đoạn này, nhiều lãnh tụ trong phong trào công nhân quốc tế đã nhận thức được điều này qua lý luận của V.I.Lênin: “Liên minh với bọn đế quốc, nghĩa là lệ thuộc một cách nhục nhã vào chúng, đó là chính sách đối ngoại của bọn tư bản và của bọn tiểu tư sản. Liên minh với những người cách mạng trong các nước tiên tiến và với các dân tộc bị áp bức chống bọn đế quốc chủ nghĩa thuộc bất cứ loại nào, đó là chính sách đối ngoại của giai cấp vô sản”(11).

Từ quan điểm đó, những người cộng sản Nga đã giúp đỡ cách mạng phương Đông. Họ nhận thức được cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ không phải chỉ là và chủ yếu là một cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản cách mạng ở từng nước chống lại giai cấp tư sản ở nước mình, mà đó còn là cuộc đấu tranh của tất cả các dân tộc thuộc địa và những nước bị chủ nghĩa đế quốc áp bức, của tất cả các nước phụ thuộc chống lại chủ nghĩa đế quốc quốc tế. Vì vậy, “phải liên hợp với vô sản ở các nước khác để cùng nhau đấu tranh”. Muốn làm được điều đó, những người vô sản Nga cần liên minh chặt chẽ với đội tiên phong của tất cả những người lao động ở các nước khác, đồng thời phải biết cách đối xử đúng đắn với các dân tộc phương Đông.

Bên cạnh đó, các nước phương Đông cũng nhận thức được tầm quan trọng của liên minh các nước trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc: “Chỉ khi nào sự liên minh đó sẽ mở rộng tới tất cả những người lao động ở phương Đông; chỉ khi nào công nông ở ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ tay cầm tay và sát cánh nhau tiến lên đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng chung của họ, thì mới đảm bảo triệt để chiến thắng bọn bóc lột”(12).

Nguồn: Internet

3.       Đấu tranh của giai cấp vô sản thế giới để tự giải phóng và xây dựng chủ nghĩa xã hội

Giai cấp vô sản bị đẩy xuống đáy tận cùng của các nấc thang xã hội, do đó, nó trở thành “tụ điểm” của mọi nguyện vọng được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột mà tất cả những người lao động có thể gửi gắm, ủy thác. Giai cấp vô sản chỉ được giải phóng khi tất cả những người lao động bị áp bức, bóc lột trong xã hội tư bản được giải phóng. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản trùng hợp khách quan với cuộc đấu tranh giải phóng xã hội. Giai cấp vô sản có quyền nhân danh lợi ích toàn xã hội đứng ra tập hợp các giai cấp, các tầng lớp bị áp bức, bóc lột và những phần tử tiên tiến trong cuộc đấu tranh đó – đây cũng chính là một đặc điểm cơ bản nhất của giai cấp vô sản. Vì vậy, sự phát triển của giai cấp vô sản, cuộc đấu tranh của họ chống lại giai cấp tư sản phù hợp với nhu cầu phát triển của lịch sử và được tiến trình lịch sử thúc đẩy.(12) 

Như vậy, có thể nói, chính sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những nhân tố phủ định bản thân nó. Chính giai cấp tư sản cũng phải thừa nhận rằng, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất mang tính chất xã hội và quan hệ sản xuất dựa trên sự chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất ngày càng trở nên gay gắt. Giai cấp này tìm cách giải quyết mâu thuẫn đó trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản trên cơ sở duy trì địa vị thống trị của giai cấp tư sản, nhưng mọi thủ đoạn của nó đều thất bại. Bởi lẽ, chỉ có một phương thức duy nhất để giải quyết mâu thuẫn đó – phương thức của cách mạng xã hội chủ nghĩa: Thủ tiêu chế độ tư hữu và chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

Trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới cần phân biệt ba loại nước chủ yếu để từ đó, thiết lập mối quan hệ quốc tế có hiệu quả. Một là, các nước tư bản chủ nghĩa tiên tiến ở Tây Âu và Mỹ. Tại các nước này, các phong trào dân tộc tiến bộ tư sản đã kết thúc từ lâu. Mỗi dân tộc “lớn” đó đều áp bức các dân tộc khác ở các thuộc địa và ngay trong chính quốc. Vì vậy, “nhiệm vụ của giai cấp vô sản thuộc các dân tộc thống trị cũng giống như nhiệm vụ của giai cấp vô sản ở Anh trong thế kỷ XIX đối với Airơlen”, tức là vô sản chính quốc cần giúp đỡ vô sản ở thuộc địa. Giúp đỡ không phải chỉ trên tinh thần, mà cần thể hiện cả trong hành động. Hai là, Đông Âu, áo, các nước vùng Ban Căng và nhất là nước Nga là những nơi đặc biệt phát triển các phong trào dân tộc dân chủ – tư sản ở các nước đó và làm gay gắt thêm cuộc đấu tranh dân tộc ở đấy. Nhiệm vụ của giai cấp vô sản ở đây là vừa hoàn thành cách mạng dân chủ – tư sản, vừa giúp đỡ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở các nước khác. Mặt khác, cần hợp nhất cuộc đấu tranh giai cấp của công nhân thuộc các dân tộc ở chính quốc với cuộc đấu tranh giai cấp của công nhân thuộc địa. Ba là, các nước nửa thuộc địa, như Trung Quốc, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, và tất cả những nước thuộc địa mới chỉ bắt đầu phong trào dân chủ – tư sản, khả năng kết thúc còn rất lâu. Do đó, những người xã hội chủ nghĩa không những đòi cho các thuộc địa được giải phóng ngay tức khắc, không điều kiện và không phải chuộc lại (về mặt chính trị, yêu sách đó không phải là cái gì khác mà chỉ là thừa nhận quyền tự quyết thôi), mà còn phải ủng hộ một cách kiên quyết nhất những phần tử cách mạng nhất trong các phong trào dân chủ – tư sản đòi giải phóng dân tộc ở các nước đó và phải giúp họ tiến hành khởi nghĩa (hoặc nếu có dịp thì phải giúp họ tiến hành một cuộc chiến tranh cách mạng) chống lại các cường quốc đang áp bức họ.

Có thể nói, nghiên cứu những nội dung cơ bản trong quan hệ quốc tế giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX cho thấy thực tiễn của đời sống quốc tế đương đại. Ba vấn đề cần quan tâm trong quan hệ quốc tế, như V.I.Lênin đã nêu trên, là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh lịch sử khi đó. Các luận điểm này vẫn còn giá trị đối với các nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện nay khi xây dựng chính sách đối ngoại và hội nhập với thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Gợi ý cho giới nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị ở Việt Nam cần quan tâm đến các vấn đề, như sự tranh giành, thỏa hiệp về quyền lực của các nước lớn hiện nay, đấu tranh củng cố độc lập dân tộc của các nước đang phát triển nói chung, của Việt Nam nói riêng, sứ mệnh của giai cấp vô sản trong thời đại mới. 

 

 

                 

(*) Tiến sĩ, Học viện Chính trị Công an nhân dân.

(1) Michel Beaud. Lịch sử chủ nghĩa tư bản từ 1500 đến 2000. Nxb Thế giới, Hà Nội, 2002,  tr.172.

(2) Michel Beaud. Sđd., tr.244.

(3) V.I.Lênin. Toàn tập, t.27. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.478.

(4) V.I.Lênin. Sđd., t.27, tr.479.

(5) V.I.Lênin. Sđd., t.27, tr.479.

(6) V.I.Lênin. Sđd., t.27, tr.77-78.

(7) V.I.Lênin. Sđd., t.27, tr.82.

(8) V.I.Lênin. Sđd., t.24, tr.151.

(9) V.I.Lênin. Sđd., t.27, tr.323 – 324.

(10) V.I.Lênin. Sđd., t.41, tr.328.

(11) V.I.Lênin. Sđd., t.32, tr.424 – 425.

(12) V.I.Lênin. Sđd., t.41, tr.149.