Vietnam Su hoc
Bài 4 – TRAO ĐỔI VỀ TRUYỆN KIỀU
CÓ NÊN PHÚ THÊM CHO THÚY VÂN NHỮNG VẺ ĐẸP NGOÀI VĂN BẢN
TRUYỆN KIỀU?
Có lẽ vì khó
giải thích cụm từ: khuôn trăng đầy đặn
và cụm từ nét ngài nở nang nên nhiều
nhà chú thích, bình giải Truyện Kiều đã vô tình phú thêm cho vẻ đẹp của Thúy
Vân là có vẻ đẹp phúc hậu hay tướng mạo phúc hậu… (Xu hướng của trào lưu chọn
nét ngài – là mày ngài) và thân hình mập mạp – cũng mang cái vẻ phúc hậu… (Xu
hướng của trào lưu chọn khuôn lưng – đầy
đặn hay nét người – nở nang).
Trên thực tế,
không ít bạn đọc cũng không thể đồng tình với cách giải thích phú thêm những vẻ
đẹp như vậy. Chúng tôi xin đơn cử một trích đoạn của tác giả Đinh Trần Cương
trong bài sau:
VÀI Ý KIẾN VỀ QUYỂN CHỮ NGHĨA TRUYỆN KIỀU
(Của NGUYỄN QUẢNG TUÂN) – Đinh Trần Cương (Tạp Chí Hán Nôm số 1/ 1992 (tr.60-64)
Đinh Trần
Cương:
“Là một
độc giả yêu mến Truyện Kiều, tôi đã tìm đọc quyển Chữ Nghĩa Truyện Kiều của
Nguyễn Quảng Tuân (NXB. KHXH, H, 1990). Qua Lời nói đầu, tôi rất tán thành quan
điểm của ông Tuân. Đọc nội dung sách, tôi tiếp thu được một lượng thông tin khá
nhiều bổ ích. Tôi lại thấy ông Tuân đề xuất yêu cầu góp ý kiến và cũng thấy NXB
KHXH cho biết sẽ in Truyện Kiều của ông, tôi xin mạnh dạn góp vài ý kiến, mong
ông cân nhắc xem có thể giúp ích gì cho quyển sách sắp xuất bản không. Về những
điều tôi muốn bàn, đã có một số trùng với những điều đã trình bày ở Tạp Chí Hán
Nôm số 2/91. Dưới đây chỉ nói đến những điều chưa nói ở số Tạp Chí trên…
(Hình bìa của tủ sách “Trăm Năm”)
…3. Trang 13
và 156: bàn về câu 20, do Trương Vĩnh Ký phiên âm là Khuôn lưng đầy đặn, nét người
nở nang, ông Tuân một mặt thừa nhận là có thể phiên âm như vậy cũng được,
nhưng về ý nghĩa thì lại phê phán là sai, mà theo ông, đúng ra phải là Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Lý của ông là trong câu ấy Nguyễn Du muốn tả cái vẻ mặt phúc hậu của Thúy Vân.
Ông Tuân đã gặp lại một số học giả trước phỏng đoán về vẻ mặt phúc hậu. Tôi nói
phỏng đoán vì người ta suy luận cho rằng Nguyễn Du muốn tả như vậy. Thực tế,
Nguyễn Du không nói ra mà ta chưa biết đúng hay sai, nên ông Tuân không chứng
minh rõ được. Về điểm này ông Nguyễn Thiện Chí đã có bài bàn ở Tạp Chí Hán Nôm
số 2/90, không đồng ý với chữ nét ngài
với các lý do:
– Vì Nguyễn Du
có gọi gái điếm là ả mày ngài, nếu
lông mày của Thúy Vân cũng là mày ngài, sợ bị đồng nhất với hạng đàn bà đĩ
điếm.
– Cũng giống
lông mày của Từ Hải (tôi bổ sung và theo ông Tuân, cả lông mày của Quan Vân
Trường, hai vị này không thể tiêu biểu cho sự phúc hậu).
– Chữ nét ngài kết hợp với nở nang là mâu thuẫn về ngữ nghĩa,
Nguyễn Du là bậc thiên tài gọt giũa từ ngữ không sơ suất như vậy được (Điểm này
ông Tuân cũng có ý kiến là tả như vậy thì “Thúy Vân đâu có đẹp gì”.)
Ông Tuân tuy có
dẫn chứng sách tướng để minh họa tướng phúc hậu, nhưng câu dẫn lại chỉ nói đến
ngọa tàm vị, và ông giải thích là vị này ở dưới con mắt chứ không phải lông
mày, vậy cũng không lấy được tướng pháp ra để tả sự phúc hậu. Xét qua những
điểm nói trên thì thấy điều ông Tuân phỏng đoán và phân tích là chưa đủ tin
cậy.
“Theo tôi (Đinh
Trần Cương) nên căn cứ vào cả đoạn thơ giới thiệu Thúy Vân và những tình tiết
liên quan đến Thúy Vân để xét. Bắt đầu giới thiệu Thúy Vân, Nguyễn Du viết: Vân xem trang trọng khác vời. Nét đầu
tiên của Thúy Vân được làm nổi lên là vẻ trang trọng chứ không phải vẻ phúc
hậu. Ở một câu sau, lại tả Thúy Vân cười nói đoan trang. Trang trọng và đoan
trang là đặc điểm chung nói lên tính cách đứng đắn của người đã lớn khôn, không
còn là trẻ con nhí nhảnh nữa. Nguyễn Du nhấn mạnh điểm này vì câu chuyện sẽ đưa
Thúy Vân ra thay chị để kết duyên với Kim Trọng. Thúy Vân là em rất có thể bị
coi là trẻ con vì Kiều là chị mà cũng còn chưa tính gì đến chuyện chồng con.
Nhưng để người ta coi là trẻ con thì câu chuyện đặt ra sẽ không ổn. Và đến khi
Kim Trọng cưới nàng, Nguyễn Du không thể khen là Trai tài gái sắc xuân đương vừa thì được. Phong cách, tính nết của Thúy
Vân đã được giới thiệu là trang trọng, đoan trang. Đó là một cách tả tổng quát.
Nếu về thể chất, cơ thể, lại chỉ tả hai chi tiết là khuôn mặt và lông mày thì
không cân đối. Khuôn mặt đầy đặn và
lông mày nở nang lại không biểu hiện
rõ được đó là người lớn hay trẻ con, như vậy là không thiết thực về ý tứ. Nét ngài là lông mày thanh nhỏ mà lại nở nang là lủng củng gợi ý thô xấu.
Trong khi với các chữ nét người nở nang
có thể nói lên vóc người đã lớn, lại rất có ý nghĩa, chữ người lại hợp vần rất sát với chữ vời ở câu lục trên. Còn chữ khuôn
lưng hay khuôn trăng, tôi chưa đủ
cơ sở để bàn…
Tôi trình bày
mấy ý kiến thô thiển trên đây, nếu có sai lầm xin được nghe lời chỉ giáo.”
***
Lời bàn:
Chúng tôi không
bàn đến vấn đề đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý của bài viết trên đây để
đi đến kết luận quan điểm nào hợp lý và nên chọn là nét ngài hay nét người.
Chúng tôi chỉ bàn đến phương pháp tư duy, phương pháp lựa chọn tiêu chí cơ sở
để giải quyết vấn đề của tác giả Đinh Trần Cương.
Tác giả bài
viết đã rất khoa học khi đặt ra vấn đề dựa vào tiêu chí nào để hiểu vẻ đẹp của
Thúy Vân.
a. Ngôn từ cần
dựa trên văn bản Truyện Kiều: Nguyễn Du chỉ viết vẻ đẹp của Thúy Vân là trang trọng khác vời và đoan trang.
Nguyễn Du không viết vẻ đẹp phúc hậu. Nguyễn Du đang tả vẻ đẹp chứ không phải
“xem tướng” cho Thúy Vân.
b. Ngôn từ –
nội dung, ngữ nghĩa của nó phải phù hợp với lứa tuổi của Thúy Vân được xác lập
trên văn bản “trên tuần cập kê”, cái tuổi có thể lấy chồng.
Chúng ta có thể
hiểu vấn đề này đơn giản như sau:
Giả sử ai đó tả
bà Vương (mẹ của Thúy Vân) và Thúy Vân như những câu dưới đây:
Bà Vương đoan
trang – Thúy Vân phúc hậu. Bà Vương ngoan hiền – Thúy Vân giàu lòng nhân ái,
nhân hậu. Bà Vương trang trọng – Thúy Vân sang trọng. Bà Vương thông minh –
Thúy Vân thông thái…
Trên đây, chúng
tôi chỉ đưa ra các ví dụ có tính tương đối để thấy được rằng, ngôn từ miêu tả
vẻ đẹp cũng cần phải đi đôi, phù hợp với lứa tuổi. Khó có thể nhận xét một cô
bé vừa mới lớn, vừa mới dậy thì lại có thể trông phúc hậu, nhân hậu, sang
trọng, thông thái…
Do đó, chúng ta
không nên áp đặt hoặc phú thêm vào những vấn đề không có trong văn bản.
LỰA CHỌN TỪ KHUÔN LƯNG HAY KHUÔN TRĂNG, NÉT NGÀI HAY
NÉT
NGƯỜI
Việc có một số
bản chép Truyện Kiều ở trong câu:
“Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở
nang” thành ra một số câu ở các bản chép Truyện Kiều như sau:
– Tự phong đầy đặn nét người nở nang: bản
(84) A.D Michels, 1884.
Tự
phong đầy đặn nét ngài nở nang: (D) bản Duy Minh Thị 1872,1879. (Trong đó,
chữ ngài bị sai nét)
– Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang: có
5 bản (Bản 71- Liễu Văn Đường 1871; Bản TH – bản Thịnh Mỹ Đường 1879; Bản Q –
bản Quan Văn Đường 1879; Bản V – VNB-60; Bản K – Kiều Oánh Mậu 1902)
– Khuôn trăng đầy đặn nét người nở nang:
có 1 bản (Bản 70 – Lâm Nọa phu chép tay 1870)
– Khuôn
lưng đầy đặn nét người nở nang: Bản Trương Vĩnh Ký, quốc ngữ 1875, 1911.
Hiện tượng trên
đây ta có thể nói một cách dân gian rằng: đó là do “tam sao thất
bản”. Nhưng theo quan điểm chúng tôi, một phần nguyên nhân chính là vì các
học giả không giải thích được hai tiếng nét
ngài một cách hợp lý và thuyết phục, và một phần do “về chữ viết thời
bấy giờ, “ngài” và “người” viết giống nhau. Mãi về sau mới
có sự phân biệt trên văn tự “ngài”
được viết có bộ trùng ở bên:猉.”
(Nguyễn Thiện Chí). Cho nên mới xuất hiện chữ nét người và rồi xuất hiện khuôn
lưng, tự phong để phụ thêm cho cái hình dáng, tư thế con người.
Chúng tôi không
bàn đến việc lựa chọn chữ “tự phong”
bởi chữ này đi với “đầy đặn”
thì thật là khiên cưỡng và bí lối.
Bây giờ, chúng
ta hãy bàn đến hai từ: Khuôn lưng và Khuôn trăng.
Thực ra, từ lưng xuất hiện là do từ trăng (chữ Nôm )
có thể phiên âm là trăng hoặc lưng.
Từ khuôn có thể hiểu đơn giản là chỉ sự
định dạng một đối tượng nào đó. Như vậy, nói một cách khác rằng, đối tượng cần
định dạng phải là đối tượng có đặc điểm là có nhiều hình thế khác nhau. Do đó,
khi từ khuôn kết hợp với đối tượng sẽ
chỉ ra được cái hình thế đối tượng đó là thế nào.
Xét từ: khuôn + lưng (lưng ở đây là lưng con
người)
Bây giờ, chúng
ta xét đến hình thế cái lưng con người.
Lưng là một bộ
phận của con người, cũng giống như tay, chân, đầu, vai, ngực. Trong sự phát
triển của con người từ bé đến lớn, hình thế cái lưng có thay đổi nhiều không?
Chỉ có 2 dạng thái thường thấy: lưng (thẳng) của người từ trẻ, đến chớm già.
Lưng còng thường xuất hiện ở tuổi già. Trong Truyện Kiều, nói khuôn lưng ở đây là chỉ cái lưng của
Thúy Vân, một người trẻ. Ngoài ra, cái lưng còn có lưng vẹo, lưng gù… nhưng
cái hình thế này chỉ là những biến thái, dị tật của cái lưng nên không cần xét
đến.
Rõ ràng là cái
lưng của con người từ lúc trẻ thơ đến trưởng thành thì chỉ có 1 định dạng,
không đổi, nó chỉ có khác nhau, đồng dạng là lưng to, lưng nhỏ mà thôi.
Do vậy từ khuôn trong khuôn lưng trở nên thừa, bí lối. Có cần thiết định dạng một cái
hình thế không đổi hay không?
Bây giờ xét về
mặt tâm thức dân gian thể hiện qua ngôn ngữ. Chúng ta thấy ngôn ngữ thường dùng
là: lưng thẳng, lưng còng, lưng gù, lưng như tấm phản… Có cụm từ nào được
dùng là khuôn lưng (thẳng, cong,
còng, gù…) hay không?
Trên cơ thể
người, chỉ có 2 bộ phận được dùng từ khuôn
để định dạng là khuôn mặt, khuôn ngực – vì mặt (trái xoan, bầu, tròn, dài…)
và ngực (nở, lép, vuông vức…) tức là có nhiều định dạng. Như vậy, ta có thể
bác bỏ trường hợp khuôn lưng (khuôn +
lưng) vì tính bất cập của nó.
Còn từ khuôn trăng: khuôn + trăng là hoàn toàn
hợp lý bởi trăng có nhiều định dạng: trăng tròn, trăng mờ, trăng tỏ, trăng
khuyết, trăng nửa (nửa vầng trăng), trăng lưỡi liềm… Do đó, để diễn đạt cái
trăng mà nó là loại trăng nào thì việc dùng từ khuôn + trăng là hoàn toàn hợp lý.
Nét người hay nét ngài:
Như trong các
phân tích của ông An Chi, của thầy giáo Vũ Nho và đa phần các nhà nghiên cứu
Truyện Kiều, cũng như sách giáo khoa khẳng định về mặt văn bản, chữ nghĩa: nét ngài, chúng tôi không đặt ra vấn đề
lựa chọn chữ nét người nữa. Nhưng
chúng tôi đặt ra vấn đề là hiểu nội dung của nét ngài là thế nào? Và nó có thể là mày ngài hay không?
Trả lời vấn đề
này, mời các bạn xem tiếp các mục sau.
BÀN VỀ CÁCH HIỂU: KHUÔN TRĂNG LÀ KHUÔN MẶT, NÉT NGÀI LÀ MÀY NGÀI
Chúng tôi bàn
về cách hiểu, bởi vì có một thực tế là không phải ai cũng hiểu một chữ, một câu
thơ, một khổ thơ trong Truyện Kiều theo một cách giống nhau, thống nhất. Thậm
chí, các cách hiểu trái ngược nhau vẫn tồn tại đến ngày nay, không chỉ đối với
bạn đọc Truyện Kiều mà ngay đến các học giả uy tín đã từng có nhiều năm lao tâm
khổ tứ với việc nghiên cứu Truyện Kiều.
Sở dĩ có hiện
tượng trên là bởi vì có mấy nguyên nhân chính sau đây:
a. Xác định
được chữ nghĩa chuẩn trong văn bản Truyện Kiều là một khó khăn vì chưa tìm được
bản chữ Nôm do chính Nguyễn Du viết. Với đặc thù của chữ Nôm – một chữ có nhiều
cách đọc, một âm có nhiều chữ viết khác nhau – việc xác định từ nào đúng với ý
định sáng tác Nguyễn Du, đúng với ý nghĩa câu văn hoàn toàn không đơn giản.
b. Ngữ nghĩa
của các từ được dùng trong văn bản Truyện Kiều ngoài việc kiêng kỵ phạm húy còn
có vấn đề là tác giả dùng nhiều điển cố, dịch nhiều từ ngữ Hán không thông dụng
trong Việt ngữ. Mặt khác, ngôn ngữ theo thời gian cũng bị biến đổi ngữ nghĩa
nhiều và tư liệu từ điển quá hạn chế và quá ít.
c. Do đặc trưng
của Thơ giàu nhạc điệu, nhưng phải tuân thủ âm luật; số tiếng trong mỗi câu lại
bị quy định theo thể loại, nên phép đảo ngữ và phép lược ngữ (tỉnh lược) được
sử dụng nhiều. Đặc biệt là trong Truyện Kiều, việc xác định chủ ngữ, vị ngữ, bổ
ngữ… các thành phần ngữ pháp là việc hoàn toàn không dễ với bạn đọc và ngay
chính các học giả có uy tín.
Vì thế, cho đến
nay chúng ta có nhiều sách chú thích Truyện Kiều cũng chỉ chú thích về điển
tích, điển cố, từ ngữ và gợi ý cách hiểu, chứ chưa có sách nào chú thích về cú
pháp, phân tích ngữ pháp một cách hệ thống.
d. Một vấn đề
khác nữa là logic văn bản, nội dung Truyện Kiều chưa được quan tâm đúng mực.
Các chú thích trong Truyện Kiều thường tách biệt một từ, hay một câu thơ để chú
thích. Việc đặt ra vấn đề chú thích một từ, một câu cần được xem xét trong
tương quan, trong logic văn bản theo một khổ thơ, một đoạn thơ, thậm chí toàn
văn bản Truyện Kiều để xác định tính thống nhất nội dung, ngữ nghĩa chưa được
quan tâm thích đáng. (Vd: Chúng ta giải thích từ trăm năm trong câu mở đầu Truyện Kiều thì phải xét toàn văn bản
Truyện Kiều vì Nguyễn Du dùng từ này 12 lần rải rác ở những câu, những văn cảnh
khác nhau. Hay từ một hai trong câu
“Một hai nghiêng nước nghiêng thành“,
thì Nguyễn Du cũng dùng từ một hai
trong nhiều câu ở những văn cảnh khác nhau…)
Bây giờ chúng
ta xét câu:
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Giả sử, đây là
câu văn bản chuẩn, tức là chúng ta không còn băn khoăn trường hợp a và b đã nói
trên nữa.
Chúng ta hãy
bàn đến cách hiểu: Nguyễn Du tả khuôn mặt Thúy Vân với khuôn trăng là khuôn mặt
đầy đặn hay khuôn mặt đẹp như trăng tròn và nét ngài là nét mày ngài Thúy Vân
tươi tắn.
Chúng ta hãy
xét cách hiểu này trong trường hợp c và d nói trên. Tức là xét khía cạnh ngữ
pháp và logic văn bản của cách hiểu này để tìm hiểu xem có gì là bất cập.
a, Vấn đề ngữ
pháp:
Khi chúng ta
xác định rằng câu thơ trên nhằm tả khuôn mặt của Thúy Vân tức là xác định Thúy Vân
làm chủ từ. Nội dung văn bản khổ thơ sẽ là:
Vân xem trang trọng khác vời (1)
Vân (xem) khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang (2)
Vân (xem) hoa cười ngọc thốt đoan trang (3)
Vân (xem) mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
(4)
Câu hỏi đặt ra
là:
a1. (1) và (3)
là vẻ đẹp của tính cách:
Vẻ đẹp (1) trang trọng khác vời – không được giải
thích là như thế nào? (Tại sao?). Trong khi đó, vẻ đẹp (3) đoan trang – được giải thích là như vẻ đoan trang của hoa cười, đoan trang của ngọc thốt.
Như vậy, cách
hiểu này gây ra tính mất cân xứng trong việc giải thích nội dung, tạo nên một
diễn giải lủng củng, khó có thể là văn phong của Nguyễn Du.
a2. (2) và (4)
vẻ đẹp của bộ phận, hình thể:
(4) có tóc
(nước) và da (màu) được so sánh với mây, tuyết
(2) có trăng
(khuôn) nét ngài – mày ngài (tạm hiểu) được giải thích là đầy đặn, nở nang.
Tại sao, một bộ
phận cơ thể là mặt (danh từ) lại phải thay bằng hình ảnh trăng trong khổ thơ
này? trong khi các bộ phận đều được sử dụng danh từ – tên gọi trực tiếp (tóc,
da, mày ngài) chứ không phải sử dụng hình ảnh thiên nhiên để tượng trưng, ước
lệ?
Đây cũng là một
sự lủng củng, không thống nhất giữa cách sử dụng danh từ thực và hình ảnh ước
lệ.
Đó là vấn đề
bất cập khi xác định cách hiểu dựa trên việc khẳng định Nguyễn Du đang tả khuôn
mặt Thúy Vân về cấu trúc ngữ pháp. Một số ý kiến giải thích cho rằng: Nguyễn Du
tả khuôn mặt của Thúy Vân nhằm giải thích vẻ trang trọng là thế nào thì cũng
hoàn toàn mâu thuẫn vì khi xác định Thúy Vân làm chủ từ thì khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang với
trang trọng khác vời có chức năng
tương đương trong câu làm sao giải thích cho nhau được. Mặt khác, khi tả khuôn
mặt, tính chất, hình thế của nó liệu có xác định được vẻ trang trọng là thế nào
không?
B, Logic văn
bản:
Có một điểm đặc
biệt quan trọng, ít người chú ý tới là khi giới thiệu tổng quát về vẻ đẹp của
hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân, Nguyễn Du viết:
Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Mười phân vẹn mười là thành ngữ số dân
gian để xác định về vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân.
Đặc trưng của
thành ngữ số dân gian là những tổng kết, đúc kết từ thực tế sinh động cuộc sống
dưới dạng những câu nói vần điệu hết sức cô đọng và dùng con số để tạo cho
người nghe cảm nhận trực diện, nhanh chóng mà không cần phải giải thích, mô tả
nhiều. Vì vậy, sau câu thành ngữ đã dùng để tóm lược một vấn đề cuộc sống nào
đó thì người ta không diễn giải thêm về vấn đề đó nữa.
Như vậy, mười
phân vẹn mười cũng như trăm phần trăm (trong cách nói ngày nay) có nghĩa là
không còn gì để tả nữa, không còn gì để nói nữa, và không phải nói bất cứ điều
gì nữa. Điều đó cũng có nghĩa là, tuân thủ logic văn bản trên, Nguyễn Du cũng
không tả (trực diện) vẻ đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân nữa. Điều đó cũng có
nghĩa rằng, không có sự so sánh vẻ đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân là ai đẹp hơn
ai.
Vậy phải chăng
Nguyễn Du đã phạm vào nguyên tắc này khi tiếp tục tả thêm sắc đẹp của Thúy Kiều
và Thúy Vân?
Không! Hoàn
toàn không! Vì Nguyễn Du viết: một người
một vẻ
Nên Nguyễn Du
chỉ giải thích sự khác nhau của 2 vẻ đẹp ấy như thế nào mà thôi. Giải thích sự
khác nhau của 2 vẻ đẹp khác hẳn với việc chúng ta đang hiểu là Nguyễn Du tả vẻ
đẹp của riêng Thúy Vân và riêng Thúy Kiều.
Chúng tôi phân
tích điều này là để thấy rằng không có cơ sở logic văn bản nào để chúng ta
khẳng định Nguyễn Du đang tả vẻ đẹp khuôn mặt Thúy Vân (trực diện, đặc tả) như
cách trên chúng ta hiểu.
Điều đó có
nghĩa là: Cách hiểu Nguyễn Du tả khuôn mặt của Thúy Vân là không thuyết phục,
cũng có nghĩa là không thể hiểu: khuôn trăng là khuôn mặt, nét ngài là nét mày
ngài.
b1. Khi hiểu
nét ngài là nét mày ngài liệu có giải thích được câu 1213?:
Khi hiểu nét ngài là nét mày ngài thì theo logic
văn bản, với cách hiểu này phải giải nghĩa, phải giải thích được một cách rõ
ràng nội dung câu 1213: Khi khóe hạnh khi
nét ngài.
1205. Mụ rằng: -“Ai cũng như ai,“Người ta ai mất
tiền hoài đến đây?“Ở trong còn lắm điều hay,“Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng
chung.“Này con thuộc lấy làm lòng:“Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám
nghề.“Chơi cho liễu chán hoa chê, “Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời.“Khi khoé
hạnh, khi nét ngài,“Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa. “Đều là nghề nghiệp
trong nhà,“Đủ ngần ấy nết mới là người soi.”
Đây là khổ thơ
mà Tú Bà dạy cho Thúy Kiều bí quyết nghề nghiệp, hay những phương pháp chiêu
thức hành nghề. Điều chúng tôi muốn lưu ý là những chỉ dẫn của Tú Bà trên đây
mang tính hành động hay là các thao tác hành nghề. Cho nên, trong khổ thơ này
ta thấy Nguyễn Du cũng dùng một loạt động từ: Chơi… chán… chê; Lăn lóc… mê mẩn… ngâm ngợi… cười cợt.
Tuy nhiên, lại
lạc vào giữa các hành động này là câu: Khi
khoé hạnh, khi nét ngài.
Theo logic
trong văn bản, khổ thơ, thì mặc dù chúng ta chưa cần hiểu khoé hạnh, nét ngài
là nội dung của nó thế nào, ngữ nghĩa ra sao? thì tối thiểu nội dung của nó
cũng phải chỉ ra, nêu ra phương thức hành động. Do đó, ta có thể dễ dàng suy
luận khoé hạnh, nét ngài là ngôn từ hay hình ảnh ước lệ (đã được phổ thông hóa
trong dân gian hay đã được dân gian hóa, đã được sử dụng nhiều trong đời sống
thường ngày) để diễn tả nội dung mang tính hành động. Như vậy, khóe hạnh và nét
ngài không thể là danh từ chỉ các bộ phận trên khuôn mặt như khóe miệng, nét
mày ngài như các chú giải phổ biến trong Truyện Kiều. Các chú giải phổ biến
rằng: Khóe hạnh là nhoẻn miệng cười hay nét ngài là chau mày…thường là phải
phú thêm vào văn bản những từ chỉ hành động như nhoẻn miệng, nhếch mép hay chau
mày, dướn mày…mà thực tế, Nguyễn Du cũng đang dùng một loạt động từ và đâu có
viết như vậy trên văn bản. Mặt khác, những hành động nhoẻn miệng, nhếch mép,
chau mày, dướn mày… là những cử động xã giao thông thường thì làm sao có thể
là bí quyết nghề nghiệp cho được.
Do đó, việc
giải nghĩa hay hiểu nét ngài là nét mày ngài hay mày ngài là không thể thích
hợp trong câu này, và không thể giải nghĩa được nội dung câu này.
ĐỀ XUẤT KIẾN GIẢI CỦA CHÚNG TÔI
KHUÔN TRĂNG ĐẦY ĐẶN VÀ
TRANG TRỌNG KHÁC VỜI LÀ THẾ NÀO?
Về logic văn
bản:
Như trên chúng
tôi đã phân tích, khi Nguyễn Du viết: Một
người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Điều đó có
nghĩa là Nguyễn Du không tả vẻ đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân nữa và cũng không
so sánh ai đẹp hơn ai, vẻ đẹp nào hơn vẻ đẹp nào. Và Nguyễn Du có viết tiếp thì
chỉ giải thích sự khác nhau của vẻ đẹp riêng (một người một vẻ) và nguồn gốc
của vẻ đẹp đó như thế nào?. Mặt khác, nếu có sự so sánh giữa Thúy Kiều và Thúy
Vân thì đương nhiên là không thể so sánh vẻ đẹp nữa (vì đã đẹp mười phân vẹn
mười) mà chỉ có thể so sánh phẩm chất, tố chất của hai người.
Thúy Vân thì:
– Về vẻ đẹp
tính cách: Trang trọng khác vời – Khuôn
trăng đầy đặn – Nét (con) ngài nở nang. Đoan trang – Hoa cười, ngọc thốt
– Phẩm chất: Tài,
Sắc (tài năng và sự sắc sảo) – Bình thường, không nhắc đến
– Nguồn gốc vẻ
đẹp (Thiên nhiên, trời cho) – Mây thua nước tóc – Tuyết nhường màu da
Thúy Kiều thì:
– Vẻ đẹp tính
cách: Trang trọng khác vời – Sắc sảo – Mặn mà: (Làn thu thủy, nét xuân sơn)
– Phẩm chất Tài
năng (tài năng và sự sắc sảo) – Là phần hơn (ở mức có thể nghiêng nước, nghiêng
thành) – Nguồn gốc vẻ đẹp (thiên nhiên, trời cho) – Hoa ghen thua thắm – Liễu
hờn kém xanh.
Về việc xắp xếp
lại trật tự cú pháp, phân định các chức năng câu, thành phần câu, chúng tôi xin
nhờ các nhà chuyên môn ngôn ngữ, văn phạm giúp đỡ. Bởi việc phân định ngữ pháp
trong Truyện Kiều là thực sự phức tạp và đòi hỏi chuyên môn cao.
Như theo bảng
trên chúng tôi đã tổng kết thì: Câu: Vân
xem trang trọng khác vời.
Về cấu trúc ngữ
pháp thì chúng tôi xác định cụm từ khuôn
trăng đầy đặn và nét (con) ngài nở nang có chức năng giải thích vẻ trang trọng
khác vời là thế nào. Khi xác lập cấu trúc này, có nghĩa là khuôn trăng không thể
hiểu là khuôn mặt, nét ngài không thể hiểu nét mày ngài.
Tương tự như
vậy, câu: Kiều (xem) càng sắc sảo, mặn mà là câu Nguyễn Du chỉ ra đặc trưng
tính cách Thúy Kiều khác với Thúy Vân cũng có cấu trúc ngữ pháp tương tự.
Kiều (xem) càng sắc sảo, mặn mà.
Chúng tôi cũng
xác định cụm từ làn thu thủy và nét xuân sơn có chức năng giải thích nội
dung vẻ sắc sảo, mặn mà là thế nào. Điều này cũng có nghĩa là làn thu thủy
không thể giải thích là ánh mắt… và nét xuân sơn không thể giải thích là lông
mày…
Như vậy, 2 vẻ
sắc sảo và mặn mà của Thúy Kiều tương đồng với 2 vẻ của Thúy Vân là trang trọng
và đoan trang về mặt cấu trúc nội dung.
Trước khi giải
nghĩa nội dung các vẻ tính cách của hai chị em, chúng ta cần điểm qua cái vẻ
đoan trang của Thúy Vân.
Nguyễn Du viết:
Hoa cười ngọc thốt đoan trang.
Nhiều bình
luận, diễn giải câu này là Vân cười tươi hay đẹp như hoa, nói lời đẹp như ngọc.
Thực ra, đó là cách hiểu nôm na, đại ý và cách hiểu đó đã biến Vân thành chủ
ngữ là không đúng trên văn bản: Hoa cười – hoa là chủ ngữ và ngọc thốt – ngọc
là chủ ngữ. Vậy hiểu đúng câu này là Vân có vẻ đoan trang như cái vẻ đoan trang
của hoa cười và ngọc thốt. Sự khác nhau của hai cách hiểu này ở chỗ vẻ đoan
trang của chính hoa khi cười và chính ngọc khi thốt nó tinh túy, cao diệu và
đúng sự diễn tả tinh tế của Nguyễn Du hơn việc chúng ta hiểu nôm na là Vân cười
như hoa, nói đẹp như ngọc.
+ Vẻ trang
trọng khác vời của Thúy Vân được giải thích như thế nào?
Thông thường,
các chú thích câu này trong Truyện Kiều là như sau:
Trang trọng:
Trang là đoan
trang, bệ vệ, đứng đắn. Trọng là trọng hậu, phương phi. Trang tả tính tình lộ
ra cử chỉ, trọng tả tầm vóc người. Khác vời là khác vì, nói trạnh ra. Vì dịch
chữ vị là ngôi; là vị, là bậc, là chỗ, như ngôi sao, ngôi vua, vi sao, ba vì,
(núi Ba Vì), một vì (nhà, ngôi nhà) ba vì táo quần, trị vì… làm vì… thay
vì. Chữ vị chữ Hán lại hàm nghĩa là chỗ ở, chỗ ngồi, địa vị thường và chung cho
cả một loại. Khác vì tức là khác các ngôi thường thấy ở loại đó. Ngôi lại có
nghĩa là người, như ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai (văn phạm). Vân xem trong trọng
khác vời, là xem nàng Vân thấy có vẻ trang trọng khác những người cùng một vì
(cùng một địa vị, một trà lứa) với nàng, tức là khác những con gái thường thấy,
vào tuổi nàng. Ý nói Thuý Vân đứng đắn và phương phi phúc hậu khác hẳn các cô
gái cùng lứa tuổi nàng. (Chú giải của ông: Vân Hạc Lê Văn Hòe).
Tóm lại, chúng
ta có thể hiểu đơn giản là: Trang trọng là đứng đắn nghiêm trang. Khác vời là
khác xa.
Theo ý kiến
chúng tôi, trong trường hợp này, hiểu câu khác vời là khác xa với người bình
thường hay với các cô gái đồng lứa với Thúy Vân là chưa hết ý nghĩa của chữ
này. Bởi nó chỉ phản ánh mối liên hệ tương quan giữa Vân với cái bên ngoài –
bạn bè, trang lứa. Còn một ý nghĩa hết sức quan trọng và là thâm ý của Nguyễn
Du là ở chỗ: Vân khác vời với chính cái bên trong – tức là với chính Thúy Vân.
Điều này hết sức đơn giản là vì Vân đã bước sang tuổi cập kê, cái tuổi 15-16
trăng tròn là cái tuổi về hình thể người con gái có những chuyển biến rõ rệt,
về tâm sinh lý cũng có những thay đổi có tính chất bước ngoặt của một đời
người. Điều đó phản ánh Vân không còn là một cô bé trẻ con, Vân đã là một thiếu
nữ đến tuổi phát dục, có thể lấy chồng và thế giới mới đang mở rộng ra trước
mắt, trước ngưỡng cửa cuộc đời một thiếu nữ.
Vậy vẻ trang
trọng khác vời của Thúy Vân nó như thế nào? Chúng ta hãy xác lập cách tư duy,
cách hiểu về ẩn dụ của Nguyễn Du đơn giản giống như cách hiểu vẻ đoan trang của
Thúy Vân mà chúng tôi đã phân tích trên. Tức là vẻ trang trọng khác vời của Thúy
Vân nó như cái vẻ trang trọng khác vời của cái Trăng – mà cái trăng có khuôn,
đầy đặn. Điều chúng ta cần mường tượng, cần cảm nhận về cái hình ảnh thiên
nhiên: Trăng – nó ra sao khi có khuôn và đầy đặn.
Như đã biết,
trăng có rất nhiều định dạng như trăng mờ, trăng tỏ, trăng lấp ló, trăng non,
trăng khuyết, trăng nửa và trăng tròn… Vì vậy, khuôn trăng đầy đặn là loại
trăng tròn, to, ở trên cao không bị che khuất vì ánh sáng rất mạnh nên nó tạo
ra vành trăng, một đường viền đa màu sắc rõ ràng tách biệt hẳn với nền trời
đêm. Vẻ của loại trăng này lừng lững trên bầu trời và tỏa sáng, soi tỏ khắp
không gian đêm.
Do đó, dễ dàng
suy luận rằng trăng này là trăng rằm. Vì nó ở trên cao, tròn, lừng lững, bệ vệ
nên trông nó trang trọng và khác vời tức là khác với chính nó, khác với các
hình ảnh khác của nó trong quá trình nó thường xuất hiện mà ta quan sát thấy.
Sở dĩ Nguyễn Du so sánh vẻ trang trọng khác vời của Thúy Vân với loại trăng này
vì nó có nét tương đồng với Thúy Vân – một cô gái 15-16 tuổi (mà theo tâm thức
dân gian gọi là tuổi tròn trăng), cái tuổi cập kê, chuyển giai đoạn cuộc đời từ
cô gái bé bỏng thành thiếu nữ xuân thì.
Một chi tiết
khá thú vị nữa để ta có thể hiểu thêm về cái trăng này.
Trong khổ thơ
tả vẻ khác nhau của 2 chị em, Nguyễn Du đã dùng chất liệu thiên nhiên mang đặc
trưng cơ bản: Tuyết (mùa Đông), làn thu thủy (mùa Thu), nét xuân sơn (mùa
Xuân). Nên, ta dễ dàng nhận thấy khuôn trăng đầy đặn sẽ là trăng (mùa Hè).
Vấn đề đặt ra
là: Tại sao Nguyễn Du đã so sánh vẻ trang trọng khác vời của Vân với vẻ trang
trọng khác vời của trăng mùa Hè lại còn so sánh thêm với nét ngài nở nang. Đây
cũng là điều hết sức thú vị để ta có thể hiểu thêm nhãn quan tinh tế của Nguyễn
Du khi quan sát giới tự nhiên. Thực ra, vẻ trang trọng khác vời của trăng hè là
một vẻ đẹp tĩnh. Vì là tĩnh nên nó chưa lột tả hết cái vẻ động của con người,
của Thúy Vân nên ông đã tiếp tục so sánh với nét trang trọng khác vời của con
ngài – con bướm ngài, là con vật có sức ảnh hưởng lớn tới đời sống và giá trị
thẩm mỹ của con người.
Như vậy, chúng
ta cũng cần tìm hiểu và quan sát con ngài, hình ảnh của nó và tập tính loài của
nó có những nét đặc trưng nào ảnh hưởng tới giá trị thẩm mỹ của con người.
NGÀI
ĐỰC, NGÀI CÁI VÀ NÉT NGÀI
Tằm là một loài
côn trùng biến thái vòng đời trải qua 4 giai đoạn phát dục: Trứng, tằm, nhộng
(kén), ngài. Trứng nở thành tằm, rồi tằm ăn lá dâu (loại tằm ăn lá dâu), khoảng
trên 23 ngày thì tằm không ăn nữa bắt đầu nhả tơ. Tằm nhả tơ ra từ miệng của nó
và nhả từ ngoài vào trong. Lúc này tằm không còn là tằm nữa mà đã chuyển hóa
thành nhộng. Khoảng 7 ngày sau nhộng chuyển hóa thành ngài và đục lỗ chui ra
(Ngài là tên con bướm của tằm, màu trắng ngà).
Ngài đực sẽ tìm
ngài cái giao phối. Sau khi giao phối xong thì ngài đực chết và ngài cái tiếp
tục thiên chức của mình là đẻ trứng, đẻ trứng xong thì ngài cái cũng chết. Và
vòng đời của tằm lại tiếp tục. Có nhiều loại tằm, ngài. Ví dụ, ngoài loại tằm
ăn lá dâu còn có loại tằm cây sồi ăn lá sồi (xưa còn gọi là sòi) thì ngài
(bướm) màu nâu, lớn hơn nhiều so với ngài (bướm) ăn lá dâu. Tơ của loại tằm này
thô xấu nên áo sồi sợi thô, dày chứ không đẹp như lụa (tơ tằm ăn dâu). Người
xưa, khi ươm tơ, tơ đẹp thì dệt lụa, còn tơ xấu thì cũng gọi là “sồi”
để ví với loại kém chất lượng giống như tơ của tằm ăn lá sồi. Cây sồi cao to
nhưng lá nó nhỏ, bề ngang lá khoảng 2 đốt ngón tay, quả nó nhỏ cỡ hạt ngô, hạt
lạc, tròn và từng chùm nhỏ. Người ta lấy lá, vò lá để nhuộm quần áo màu đen.
Đó là 2 loại
tằm chính ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dệt lụa, làm vải ở miền Bắc Việt Nam
và ảnh hưởng đến giá trị thẩm mỹ của con người mà chúng tôi sẽ nhắc lại ở mục
sau.
Còn đặc tính
con ngài (bướm ngài) nói chung có mấy điểm chính và khác với bướm thông thường
như sau:
a. Râu xúc
giác: xúc giác của con ngài thường có dạng sợi, dạng lược hoặc dạng cánh (vì
thế người ta ví đôi lông mày như mày ngài). Xúc giác của con bướm đều có dạng
chùy, tức đầu trên của xúc giác phình to rõ ràng.
b. Phần bụng:
phần bụng của con ngài thì tương đối to, béo hơn bụng con bướm gầy, nhỏ, dài,
mỏng manh.
c. Tư thế của
cánh khi chúng đậu: ngài đậu thì 2 cánh ngang với lưng còn bướm đậu thì 2 cánh
dựng đứng trên lưng.
d. Hành vi: đa
số ngài hoạt động ban đêm và có tính hướng sáng tương đối mạnh, thường có hành
vi “vồ đèn” giống thiêu thân. Đặc tính là bay cực nhanh, thường ít
đậu và có đậu cũng chỉ vài giây rồi bay tiếp. Còn đa số bướm đều hoạt động ban
ngày, bay lượn rập rờn, khi đậu thì rất lâu.
Giữa ngài đực
và ngài cái có sự khác nhau:
Con ngài đực
thân hình và bụng thuôn nhỏ hơn con ngài cái, còn ngài cái có thân hình mập mạp
và cái bụng to hơn, nở nang hơn để chứa trứng thực hiện chức năng sinh sản.
Phương thức tìm bạn tình của ngài cái rất độc đáo. Trên thân thể của ngài cái
có một chất hoá học đặc biệt có tính kích thích hướng ngoại. Thông qua sự lan
toả của chất này, nó dẫn dụ ngài đực ở nơi xa tới, sau đó giao phối. Theo thống
kê, một con ngài cái chỉ tiết ra 1,2 mg chất kích thích đã có thể hấp dẫn một
triệu con ngài đực bay tới. Có người đã từng thí nghiệm, khi tốc độ gió là
100m/ giây, ngài đực vẫn có thể cảm thấy chất kích thích hướng ngoại của một
con ngài cái ở cách xa 4,5 km.
Như vậy, ta có
thể kết luận đặc tính cơ bản của con ngài cái như sau:
Ngài cái to lớn
hơn, phần bụng nở hơn ngài đực – tức là nở nang. Nó hấp dẫn, lôi cuốn và tỏa
hương đặc biệt thu hút bạn tình. Liên tục bay nhanh, đậu ít giây rồi lại bay.
Chúng ta hãy
bàn qua về kinh nghiệm chăn nuôi tằm để lấy tơ. Sự phân biệt con ngài đực và
con ngài cái cũng có ý nghĩa quyết định trong kỹ thuật nhân giống tốt để tăng
số lượng, chất lượng tơ và các yếu tố liên quan đến nghề nuôi tằm. Theo kinh
nghiệm dân gian, người ta chọn những chiếc kén to và đều để riêng ra một nơi
làm giống. Những con nhộng tằm trong kén khi đủ lớn và đủ thời gian hóa thành
con bướm ngài có cánh. Con ngài cắn tổ kén chui ra ngoài. Người nuôi tằm đặt
con ngài cái trên tờ giấy bản rồi úp một chiếc bát để giữ nó chỉ đi lại trong
vòng cái bát. Con ngài đẻ trứng trong vòng cái bát được úp, rồi trứng lại nở ra
tằm. Bên cạnh việc chọn giống tốt, người ta lại cần phải chọn con đực, bắt riêng
ra để làm thuốc. Theo người xưa, những con đực thường đồng loạt chui ra khỏi
kén trước con cái và thường vào khoảng 5 giờ sáng. Còn con cái chui ra khỏi kén
muộn hơn khoảng 1 tiếng sau.
Tuy biết đặc
tính ngài đực và ngài cái về thời gian là vậy, nhưng cũng vẫn phải để chúng
giao phối để con cái thực hiện thiên chức sinh sản của mình. Nên việc lựa chọn
con đực, con cái theo thời gian cũng không phải là phương cách hữu hiệu. Mặt
khác, thói quen tính thời gian xưa không như chúng ta ngày nay, từ 5h -7 h sáng
là giờ Mão, nên vô hình trung việc tính giờ chui ra khỏi kén của con đực và con
cái đều là giờ Mão cả, nên việc căn cứ vào giờ để chọn con đực không có giá trị
lắm mà vẫn phải căn cứ vào hình thể của chúng để phân biệt con đực, con cái.
Tức là nhìn thấy con nào có cái bụng nở nang và thân hình to, mập mạp thì biết
ngay đó là con cái và con gầy hơn là con đực. Do vậy, khi dân gian gọi con ngài
cái là – con ngài nở nang – là xuất phát từ nghề nghiệp và kết quả của kinh
nghiệm nghề nghiệp vậy.
Thế nào là nét
ngài:
Vì con ngài
quan trọng như vậy trong đời sống con người mà nó gần gũi với con người. Những
đặc tính của nó ăn hằn trong tâm trí người lao động và trở thành giá trị thẩm
mỹ, cách nói ví von, ước lệ về những đặc tính của nó trong đời sống tinh thần
con người.
Từ sự quan sát
cái cách bay nhanh của con ngài giống con thiêu thân lao vào ánh sáng và cứ đậu
vài giây rồi lại bay không ngừng nghỉ nên nó tạo cho người quan sát một hình
ảnh thẩm mỹ: Vui tươi, nhí nhảnh. Và nó vui tươi, nhí nhảnh vì có được một thế
giới mới tươi đẹp, một không gian rộng mở và một giai đoạn mới cuộc đời của
tằm.
Một đặc điểm
quan trọng nữa trong tập tính loài của con ngài là khi chui ra khỏi kén, con
đực đủ lông, cánh sẽ lao đi tìm con cái khi con cái tỏa mùi hương thu hút bạn
tình và chúng xúm xít, quấn quýt, quây quần nhau để giao phối.
Vì vậy hình
thành một cách nói ước lệ: Nét ngài – nhằm diễn tả cái nội dung tươi vui, nhí
nhảnh và quấn quýt, quây quần bên nhau của con người.
Do đó, khi ví
von ai đó, hay những nam thanh nữ tú mà muốn diễn tả cái vui tươi, nhí nhảnh,
quấn quýt nhau của họ, người ta có thể dùng ngôn từ hay hình ảnh ước lệ: Nét
ngài.
Điều này là hết
sức đơn giản và phổ biến trong ngôn ngữ dân gian mà ngày nay vẫn hình thành
cách nói hình ảnh hay ngôn từ ước lệ này (điều này nó cũng giống quy luật muôn
đời, ở thời nào cũng đều tồn tại cách dùng ngôn từ ước lệ – diễn tả một giá trị
thẩm mỹ).
Ví dụ: Thời
nay, để diễn ta ai đó có vẻ thơ ngây, đáng yêu hay đặc biệt là các cô gái mới
lớn, còn ngây thơ trong trắng thì chúng ta có thể nói: cô ấy có vẻ “thỏ
non”, cô ấy có vẻ “nai tơ”, hay nói ngắn hơn là cô ấy “thỏ
non” quá, hay “nai tơ” quá. Hoặc, để phê phán ai đó quá lứa mà
còn làm bộ thơ ngây, trong trắng thì nói “giả nai” thay vì “cưa
sừng làm nghé”. Hay để phê phán trong quan hệ, ai đó có tính bắng nhắng
thì người ta nói: anh (cô) có nét khỉ đấy. Tức là ví với nét tính cách đặc
trưng của khỉ – bắng nhắng, mà người ta hay quan sát thấy. Chúng ta có thể thấy
một loạt ngôn từ ước lệ dạng này trong đời sống thường ngày như: Cậu
“ếch” nó vừa thôi; Đúng là sư tử (cái) Hà Đông…
Thế nào là nét ngài nở nang?
Con ngài nở
nang là con ngài cái, nên nói nét ngài nở
nang là nét ngài cái. Bởi ngài cái có thêm một đặc tính hết sức nổi bật.
Ngoài cái vẻ cần ước lệ là – vui tươi, nhí nhảnh của tính cách con ngài nói
chung, thì ngài cái có mùi hương và sức hấp hấp dẫn, quyến rũ, thu hút bạn
tình, bạn khác giới rất mạnh. Như vậy khi nói nét ngài là người ta nhấn mạnh yếu tố: vui tươi, nhí nhảnh, quyến
rũ, hấp dẫn.
Và đương nhiên,
khi sử dụng hình ảnh hay ngôn từ ước lệ này, người ta phải dùng trong trường
hợp cần phân định, cần xác định giới tính trong quan hệ, hoàn cảnh cụ thể. Tức
là, không ai dùng nét ngài cho trường hợp nam giới cả.
Hiện tượng dùng
hình ảnh, ngôn từ ước lệ cho phạm vi chung và cho phạm vi riêng theo giới tính
không phải là không phổ biến trong dân gian.
Ví dụ: Khi
chúng ta sử dụng thành ngữ “ba chìm bảy nổi” để diễn đạt cái thân
phận long đong lận đận của con người, của đời sống nói chung là không có vấn đề
gì phải bàn cãi. Nhưng tùy trường hợp, văn cảnh cụ thể, trong bối cảnh cần phân
biệt nam, nữ thì người ta phải dùng chính xác là: với nam, đàn ông – “ba
chìm bảy nổi” và với phụ nữ, đàn bà thì dùng – “ba chìm chín lênh
đênh”.
Chúng tôi xin
đơn cử một ví dụ sử dụng thành ngữ này, như Phan Khôi đã dùng với chính ông –
một người đàn ông trong bài “chép gửi người tri kỷ” như sau:
Gẫm thân thế ba chìm bảy nổi – Lại phen này
lạc lối tới đây – Một đêm cảnh vội đổi thay – Rồi ra sao nữa sau này trăm năm.
Nhưng cũng
chính với Phan Khôi khi lên tiếng bảo vệ cho nữ quyền với ý nghĩa đàn ông chẳng
là cái gì đáng để đàn bà chiều chuộng, hầu hạ, ông cũng sử dụng thành ngữ trên,
nhưng cho nữ giới, ông dùng vế “ba chìm chín lênh đênh” và lấy số 9
để diễn đạt:
Chính chuyên lấy được chín chồng, – Vò viên
bỏ lọ gánh gồng đi chơi. – Không ngờ quang đứt lọ rơi, – Bò ra lổm ngổm chín
nơi chín chồng.
Tuy nhiên, bạn
đọc sẽ còn phân vân và thắc mắc với từ nét
trong nét ngài. Tức là vấn đề ngôn
ngữ, khả năng kết hợp ngữ nghĩa của từ nét
trong nét ngài có vẻ khó hiểu với
thời nay. Đây cũng là điều hết sức bình thường bởi sự phát triển của ngôn ngữ
ngày nay khiến chúng ta có quá nhiều từ để diễn đạt và phương cách diễn đạt,
quen dùng cũng khác đi nhiều.
Mặt khác, đối
với giới nghiên cứu ngôn ngữ thì có một vấn đề khó khăn là: từ nét là từ Nôm và chỉ có trong chữ Nôm
(không có trong chữ Hán) nên trong từ điển, ngữ nghĩa của từ nét còn nhiều hạn chế. Nên chữ nét ngài cũng trở thành khó hiểu với
chính giới ngôn ngữ.
Giải quyết,
phân tích rõ vấn đề này, chúng tôi xin trình bày ở trương mục sau.
TRANG TRỌNG KHÁC VỜI VÀ NÉT NGÀI NỞ NANG
Như trên, chúng
tôi đã phân tích: vẻ trang trọng khác vời của trăng Hè là một vẻ đẹp tĩnh. Vì
là tĩnh nên nó chưa lột tả hết cái vẻ động của con người, của Thúy Vân nên
Nguyễn Du đã tiếp tục so sánh với nét trang trọng khác vời của con ngài – con
bướm ngài, mà cụ thể là con ngài cái – ngài nở nang.
Điều đó nghĩa
là vẻ trang trọng khác vời của Thúy Vân còn mang thêm (được giải thích thêm) vẻ
động là nó tươi vui, nhí nhảnh, sôi động và đặc biệt hấp dẫn, thu hút, quyến rũ
với các chàng trai.
Sở dĩ Nguyễn Du
so sánh vẻ đẹp tính cách của Thúy Vân với vẻ đẹp mang giá trị thẩm mỹ của con
ngài cái là vì giữa Thúy Vân – một cô gái xuân vừa đương thì có những nét tương
đồng với con ngài cái.
Vân khác vời
(khác với chính mình) tức là Vân chuyển giai đoạn của đời người từ thiếu nhi
thành thiếu nữ – một thế giới mới mở ra trước mắt. Con ngài cũng khác vời, nó
được chuyển hóa, thoát thai từ tằm – cũng khác với chính mình (tằm), một giai
đoạn mới của đời tằm là ngài và thế giới mới rộng mở trước mắt ngài.
Vân ở tuổi
15-16, tuổi cập kê sắp thực hiện thiên chức phụ nữ là lấy chồng, sinh con, duy
trì nòi giống. Con ngài cái cũng vậy, giai đoạn ngài của đời tằm là chuẩn bị
tìm bạn tình, giao phối, đẻ trứng duy trì nòi giống.
Vân ở giai đoạn
mới cuộc đời là phát dục, hình thể và tâm sinh lý thay đổi nên ở giai đoạn này,
người thiếu nữ có những vẻ đẹp và sức quyến rũ kỳ lạ thu hút bạn khác giới. Con
ngài cái cũng vậy, hình thể thay đổi, có cánh, tươi vui, nhí nhảnh và tỏa mùi
hương, hấp dẫn bạn tình để giao phối.
Hình ảnh con
ngài cái nó trang trọng khác vời thế nào với những giá trị thẩm mỹ ước lệ của
con ngài cái mà con người phú cho nó thì vẻ trang trọng khác vời của Thúy Vân
cũng tương đồng như vậy.
VẺ
ĐẸP CỦA THÚY KIỀU SẮC SẢO, MẶN MÀ NHƯ THẾ NÀO
Thúy Kiều khác
với Thúy Vân mà Nguyễn Du đã chỉ ra rằng:
Kiều càng sắc sảo mặn mà.
Và cái vẻ sắc
sảo, mặn mà ấy được Nguyễn Du giải thích nó giống như làn nước mùa Thu, nó mang
nét (đặc trưng) của núi khi vào Xuân.
Như vậy, muốn
hiểu được vẻ sắc sảo, mặn mà này ta phải quan sát và cảm nhận được cái làn nước
mùa Thu, cái núi khi vào Xuân nó đẹp thế nào, nó gợi những cảm xúc mạnh mẽ, đặc
trưng nào cho thẩm mỹ của con người. Điều này phụ thuộc vào sự cảm nhận trực
tiếp và sự tinh tế xúc cảm của người quan sát nó.
Ví dụ:
– Làn nước Thu
so với làn nước các mùa thế nào, nó uyển chuyển, mềm mại, nó lững lờ, mát mẻ,
sáng trong, trong veo khơi gợi lòng người thổn thức ra sao?…
– Núi vào Xuân
thì nó khác hẳn với núi các mùa ra sao. Nếu núi vào các mùa như vẻ sừng sững
mùa Hè, khô trọc, héo tàn mùa Thu, âm u, im lìm ghê sợ mùa Đông thì nó trở nên
gần gũi, tươi sáng, đằm thắm, thanh đạm, dịu dàng, bừng lên hương sắc mùa Xuân
ra sao?…
Đương nhiên,
hai vẻ đẹp của làn nước Thu và núi vào Xuân là tài sản thẩm mỹ thiên nhiên tác
động mạnh đến thơ ca xưa. Nên nhiều nhà thơ đã dùng nó để ví von với vẻ đẹp của
con người, với cảm xúc, tính cách , tâm trạng con người. Tùy sự tinh tế của nhà
thơ khi quan sát mà khai thác. Người thì ví với ánh mắt, đôi mắt, khóe mắt,
lông mày, người thí ví với tâm trạng nhân vật…
Bài thơ Đề mỹ
nhân đồ của Viên Giác đời Nguyên có câu:
“Vọng hạnh mâu ngưng thu thủy, Ỷ sầu mi thốc
xuân sơn”
(Khóe mắt đẹp
đang ngóng trông, như đọng làn nước mùa thu; lông mày buồn trĩu xuống như núi
xuân chụm lại).
Bài thơ Đường Nhi
Ca của Lý Hạ đời Đường có câu:
“Nhất song đồng nhãn tiễn thu thủy“.
(Một cặp mắt
như cắt vào nước mùa Thu).
Bản N5: “Nhãn quang thu thủy, mi đạm xuân sơn”
(Mắt sáng như
nước Thu, mày thanh đạm như núi Xuân).
Trong truyện
Tây Sương: “Tha vọng xuyên liễu
doanh doanh thu thủy, túc tổn liễu đạm đạm xuân sơn”
(Người ấy trông mong mòn mỏi cả nước mùa Thu đầy
đầy, buồn bã héo cả núi mùa Xuân nhàn nhạt).
Điều chúng tôi
muốn lưu ý là các câu thơ trích dẫn trên không phải là một khuôn thước, giống
như nhau và nội dung của nó cũng khác nhau một trời một vực. Do đó, không thể
giải thích theo kiểu cho rằng Nguyễn Du đã mượn câu thơ của ai đó để tả vẻ đẹp
Thúy Kiều và suy diễn Nguyễn Du tả đôi mắt và lông mày cũng giống họ.
Việc quan trọng
là cần tìm hiểu Nguyễn Du đã khai thác hình ảnh đặc sản thiên nhiên ấy ở khía
cạnh nào và dùng nó để ví von với cái gì của con người: vẻ đẹp tính cách, tâm
trạng, vẻ đẹp bộ phận cơ thể như mắt, ánh mắt, khóe mắt, lông mày…
Với chúng tôi:
Vẻ sắc sảo, mặn mà của Thúy Kiều mềm mại, uyển chuyển và trong sáng như làn
nước mùa Thu. Nó gần gũi, đằm thắm và quyến rũ như núi vào Xuân.
(Nguyễn Du đã
dùng hai hình ảnh, chất liệu thiên nhiên này để tả vẻ đẹp tính cách của Thúy
Kiều chứ không phải để ước lệ hay tả đôi mắt và lông mày Thúy Kiều vì trong câu
thơ của Nguyễn Du không có danh từ mắt, khóe mắt hay mày làm chủ từ).
Còn thực sự nó
ra sao thì tùy vào sự cảm nhận và quan sát tinh tế của bạn đọc khi quan sát hai
hình ảnh thiên nhiên này.
KHI KHÓE HẠNH KHI NÉT NGÀI
LÀ NHƯ THẾ NÀO?
Thông thường,
các chú giải Truyện Kiều về câu này là:
“Chơi cho liễu chán hoa chê,“Cho lăn lóc đá,
cho mê mẩn đời.1
“Khi khoé hạnh, khi nét ngài,2 “Khi ngâm
ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa.3
“Đều là nghề nghiệp trong nhà,4 “Đủ ngần ấy
nết mới là người soi.”5
Chúng ta hãy
bàn về chữ khóe. Khóe, hiểu đơn giản là những đường, những nét bắt góc, xuất
phát từ một điểm. Để nói về những cái khóe trên cơ thể người thì có rất nhiều
như khóe chân, khóe tay và trên khuôn mặt thì có 3 cái khóe cơ bản là khóe mắt,
khóe miệng, khóe má (lúm đồng tiền). Nguyễn Du chỉ viết khóe hạnh tức là khóe
của hoa hạnh chứ Nguyễn Du không nói về hoa hạnh. Điều mà các chú giải trong các
bản Truyện Kiều có một đặc điểm chung là liên tưởng tới các cái khóe trên khuôn
mặt và cho rằng chữ hạnh là để ví cái khóe đó đẹp như hoa hạnh. Khi liên tưởng
như thế chúng ta khó có thể đưa ra một đáp án chính xác nào cho những cái khóe
trên cơ thể người nên sự mâu thuẫn trong các chú giải trên khó có thể giải
quyết. Chúng tôi không bác bỏ rằng chức năng thi ca và văn chương là gợi sự
liên tưởng và tư duy bằng hình ảnh. Nhưng thực sự các cách liên tưởng truyền
thống trong các chú giải trên có thích hợp không, bởi sự liên tưởng đó đi đến
kết luận là giải thích khóe hạnh là khóe mắt hay khóe miệng, nét ngài là nét
lông mày tức là về mặt văn phạm là danh từ chỉ bộ phận trên cơ thể người. Rồi
sau đó lại phải giải thích thêm và phú thêm vào văn bản các động từ như nhoẻn,
nhếch ( miệng) hay liếc, đánh (mắt), nhíu, dướn (mày) mà Nguyễn Du không hề
viết như vậy trên văn bản, cũng như sự bất cập của vấn đề này chúng tôi đã phân
tích ở mục trên.
Vậy, chúng ta
hãy xét nghĩa khóe hạnh một cách đơn giản là khóe của hoa hạnh và tư duy bằng
hình ảnh để hiểu khóe hạnh là hình ảnh ước lệ ra sao và có thể diễn giải theo
phương thức hành động như thế nào?
Tên Việt: ngân
hạnh
Tên Hoa: 銀杏 (ngân hạnh),
公孫樹 (công tôn thụ),
白果樹 (bạch quả thụ)
Tên Anh:
ginkgo, maidenhair tree
Tên Pháp:
ginkgo
Tên khoa học: Ginkgo biloba L.
Họ: Ginkgoaceae
銀 ngân [sc 银] bộ kim (金) 1. Bạc, một loài kim sắc
trắng dùng để đúc tiền và làm đồ trang sức. 2. Trắng. Như ngân hạnh 銀杏 hạnh trắng. 3. Họ Ngân.
杏 hạnh – bộ mộc (木) 1. Cây hạnh. 2. Ngân hạnh 銀杏 cây ngân hạnh, quả ăn
được, hạt nó gọi là bạch quả 白果. 3. Đức
Khổng Tử ngồi dạy học ở giàn hạnh, vì thế nên thường dùng chữ hạnh 杏 để gọi về cửa thầy học.
4. Hạnh viên 杏園 vườn hạnh. Nhà Đường
cho các học trò đỗ tiến sĩ vào ăn yến ở vườn hạnh nên tục mới gọi các người đỗ
là hạnh lâm 杏林. (Nguồn: Tự Điển
Thiều Chửu Online)
Rõ ràng, nhìn
hình ảnh này ta có thể cảm nhận các đặc trưng của khóe hạnh như sau: Biến hóa,
biến ảo, phong phú đa dạng hay cảm nhận theo phương thức động: lúc thế này, lúc
thế nọ và lúc thế kia.
Vì vậy, trong
dân gian nói khóe hạnh (khóe của hoa hạnh) là dùng tính chất đặc trưng của nó
để ước lệ cho sự biến hóa da dạng, cho sự phong phú không nhàm chán và cho sự
nhấm nhẳng, đòi hỏi lúc thế này, lúc thế nọ, lúc thế kia của cái tính nhấm
nhẳng, nhõng nhẽo, khó chiều của ai đó mà thường là của các cô gái hay nũng
nịu, või vĩnh không đâu…
Như vậy, chúng
ta có thể hiểu đơn giản:
Khi khóe hạnh:
là Tú Bà dạy cho Thúy Kiều và các cô gái ở lầu xanh rằng phải thể hiện phong
cách như khóe hạnh, cái vẻ phong phú, đa dạng, biến hóa lúc thế này, thế nọ,
thế kia, hay nũng nịu, vòi vĩnh một cách thơ ngây, mộng mơ, đáng yêu.
Khi nét ngài:
là phải tỏ ra vui tươi, nhí nhảnh, hấp dẫn và quấn quýt bên khách.
TỔNG KẾT CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA CHÚNG TÔI
1. Không có cơ
sở logic văn bản Truyện Kiều để khẳng định Nguyễn Du đặc tả trực diện vẻ đẹp
của Thúy Kiều và Thúy Vân vì đã dùng thành ngữ đẹp “mười phân vẹn
mười” – có nghĩa là không phải giải thích và miêu tả gì nữa.
Do đó:
+ Không thể cho
rằng Nguyễn Du tả khuôn mặt của Thúy Kiều và Thúy Vân.
+ Không thể
giải thích nét ngài là nét mày ngài hay nét lông mày
+ Không thể
giải thích nét xuân sơn là lông mày đẹp hoặc thanh đạm như núi vào xuân…
+ Không thể
hiểu khuôn trăng là khuôn mặt
+ Không thể
hiểu làn thuy thủy là ánh mắt, khóe mắt…
2. Nguyễn Du
chỉ giải thích sự khác nhau về tính cách của hai chị em và sự khác nhau về phẩm
chất của họ.
+ Giải thích
nguồn gốc vẻ đẹp là từ thiên nhiên (bằng cách so sánh với cái đẹp của thiên
nhiên) – tiêu chí về cái đẹp, giá trị thẩm mỹ trong cổ thi Việt Nam.
3. Nét ngài và
khóe hạnh là ngôn từ ước lệ, hình ảnh ước lệ
+ Ngài nở nang
là con ngài cái và nét ngài nở nang là nét ngài cái.
Nét ngài: Diễn
tả cái vui tươi, nhí nhảnh, quấn quýt bên nhau.
Nét ngài cái:
Diễn tả cái vui tươi, nhí nhảnh, hấp dẫn, quyến rũ các chàng trai.
+ Khóe hạnh là
khóe của hoa hạnh, không phải là khóe mắt, khóe miệng, khóe má…
Khóe hạnh: Diễn
tả cái phong cách đa dạng, phong phú hay nũng nịu lúc thế này, lúc thế nọ, lúc
thế kia của các cô gái.
4. Vẻ đẹp trong
và ngoài, tính cách và hình thức bên ngoài của Thúy Vân và Thúy Kiều là bức
tranh thiên nhiên bốn mùa, là thể loại tranh Tứ Quý: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Mùa Xuân – núi
vào xuân, Mùa Hè – trăng rằm, con bướm ngài, Mùa Thu – làn nước Thu, Mùa Đông –
tuyết
Như vậy:
Từ mày ngài trong Truyện Kiều chỉ có ở câu:
Câu 927: Bên thì mấy ả mày ngài, Câu 2167: Râu hùm, hàm én, mày ngài, Câu 2274: Hãy còn hàm én mày ngài như xưa.
Còn các câu: nét ngài, nét xuân sơn, nét thu… là
đúng tinh thần văn bản, viết thế nào thì hiểu thế đó chứ không phải là nét mày
ngài hay mày ngài hay nét lông mày hoặc khóe mắt, ánh mắt…
ĐÔI ĐIỀU VỀ KHẢ NĂNG
KẾT HỢP NGỮ NGHĨA CỦA TỪ NÉT TRONG TRUYỆN KIỀU
Như trên chúng
tôi đẵ trình bày rằng, đối với giới nghiên cứu ngôn ngữ thì có một vấn đề khó
khăn là: từ nét là từ Nôm và chỉ có trong chữ Nôm (không có trong chữ Hán) nên
trong từ điển, ngữ nghĩa của từ nét còn nhiều hạn chế. Nên chữ nét ngài cũng
trở thành khó hiểu với chính giới ngôn ngữ.
Sự phát triển
ngữ nghĩa của từ nét hay khả năng kết
hợp ngữ nghĩa từ nét với các từ khác cũng là một vấn đề mang tính lịch sử. Điều
này thể hiện rõ nét trong Từ điển.
Đại Nam Quốc Âm
Tự Vị là quyển từ điển Việt Nam đầu tiên và do người Việt đầu tiên soạn, ấn
hành năm 1895 và 1896. Đó là ông Huỳnh Tịnh Của . Trước thời điểm này, có mấy
từ điển là: Việt Bồ La của Đắc Lộ 1651, Việt La của Taberd 1838, Việt Pháp của
Legrand de la Liraye, 1868, Việt La của Theurel-Taberd 1877, La Việt của Ravier
1880, Pháp Việt của Trương Vĩnh Ký 1887, Việt Pháp của Génibrel 1893.
Theo Huỳnh Tịnh
Của, ban đầu, ông muốn làm tự vị Việt Pháp. Sau khi viết xong phần tiếng Việt
và dự định cộng tác với mấy người Pháp để viết phần tiếng Pháp. Thế nhưng công
việc gặp nhiều khó khăn và đòi hỏi một thời gian quá dài. Vì thế nên bỏ ý định
ban đầu mà chỉ để phần tiếng Việt để thành Tự Vị hay là từ điển tiếng Việt mà
thôi. Tự vị được hoàn chỉnh sau hơn bốn năm kiên trì làm việc.
Đây là thành
công, một danh dự lớn lao, vẻ vang của người Việt, đánh dấu sự phát triển quan
trọng trong việc sử dụng chữ Quốc Ngữ Việt Nam.
Tờ báo sử dụng
Việt Ngữ đầu tiên là tờ Gia Định Báo được phát hành năm 1865. 30 năm sau, Đại
Nam Quốc Âm Tự Vị ra đời, mở đường cho những từ điển tiếng Việt phát triển về
sau. Đại Nam Quốc Âm Tự Vị được soạn theo tiếng nói miền cực Nam – Việt Nam,
một vùng đất mới trong thời kỳ đó, cho nên nó mang nhiều tiếng địa phương và có
những hạn chế nhất định.
Chúng tôi chép
lại mục chữ nét trong Quốc Âm Tự Vị
để chúng ta tiện đối chiếu (lưu ý: năm 1895 tức là sau năm sinh Nguyễn Du –
1765 là 130 năm).
Như vậy, với
nội dung ngữ nghĩa chữ nét trong Quốc
Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của liệu có thể giải thích các trường hợp kết hợp ngữ
nghĩa của từ nét mà Nguyễn Du đã dùng
trong Truyện Kiều hay không?
Câu 20 -1213:
…nét ngài nở nang; …khi nét ngài
(ngài: tỷ dụ
lông mày – nét mày ngài? và ngài là con ngài – nét con ngài)
Câu 25: …nét xuân sơn (xuân sơn: tỷ dụ cho cái
gì? xuân sơn: núi vào xuân – nét núi vào xuân)
Câu 104: Lại càng ủ dột nét hoa (hoa: tỷ dụ cho
mặt người đẹp? – nét mặt?. Hoa: là bông hoa – nét bông hoa – nét hoa)
Câu 280: Có hiên lãm thúy nét vàng chưa phai. (hiên
lãm thúy có hoa văn, có chữ kẻ vẽ màu vàng: – nét màu vàng của hoa văn, chữ
viết)
Câu 348: Chiều Xuân dễ khiến nét Thu ngại ngùng.
(Mùa Thu: tỷ dụ cho cái gì? Mùa Thu – nét mùa Thu).
Câu 400: Mặt khen nét bút càng tươi.
Câu 638: Nét buồn như cúc điệu gầy như mai.
Câu 1218: Dường chau nét nguyệt, dường phai vẻ hồng.
(Nguyệt: tỷ dụ cho cái gì? mặt hay lông mày? (nét mặt, nét lông mày?). Nguyệt:
trăng – nét trăng
Câu 1245: Đôi phen nét vẽ câu thơ
Câu 638: Nét buồn như cúc điệu gầy như mai…
Rõ ràng là từ
điển của Huỳnh Tịnh Của với nội dung ngữ nghĩa của từ nét chủ yếu là “đường,
vạch bằng bút” và điều, phép… (yếu tố, thuộc tính của đối tượng) không thể
giải thích rõ ràng các trường hợp sử dụng từ nét của Nguyễn Du mặc dù ra đời
sau Truyện Kiều khoảng 100 năm.
Nếu hiểu nội
dung ngữ nghĩa trong Từ điển là sách ghi từ ngữ, cách sử dụng và tiếng nói của
một thời đại. Nó phản ảnh tri thức của một thời đại. Trong hoàn cảnh sách viết
của chúng ta không có nhiều, thì Quốc Âm Tự Vị của chúng ta như kim chỉ nam
giải nghĩa. Cho nên, các học giả chú thích Truyện Kiều cùng thời Huỳnh Tịnh Của
và sau đó ít năm vướng mắc trong việc chú thích chữ nghĩa Truyện Kiều nói chung
và chữ nét trong nét ngài, nét nguyệt, nét thu, nét xuân sơn là hoàn toàn dễ
hiểu. Và vì thế, các tranh luận ngữ nghĩa trong Truyện Kiều vẫn còn tồn tại đến
ngày nay.
Và đương nhiên,
từ nét không thể mất đi trong tiếng Việt. Nó tiếp tục phát triển, được sử dụng
trong thời đại chúng ta như nội hàm và ngoại diên vốn có của nó. Và nó được các
nhà biên soạn từ điển, ghi chép tiếng nói của thời đại bổ xung, được giải nghĩa
đa dạng và rõ ràng hơn. Và với ngữ nghĩa của từ nét trong từ điển bây giờ,
chúng ta có thể giải thích rõ ràng khả năng kết hợp của từ nét trong Truyện
Kiều mà Nguyễn Du đã sử dụng. (Chúng tôi trích dẫn mục ngữ nghĩa từ nét trong
Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên dưới đây.)
Điều này cho
thấy Nguyễn Du là nhà ngôn ngữ học vĩ đại đến nhường nào. Điều đó cho thấy tư
duy logic trong ngôn ngữ của Nguyễn Du đi trước thời đại của chính ông.
Bây giờ, ta hãy
xét khả năng kết hợp ngữ nghĩa của từ nét trong mục 4 của Từ điển tiếng Việt –
Hoàng Phê chủ biên. Tức là, khi từ nét kết hợp với chủ thể đối tượng nhằm chỉ
ra cái điểm cơ bản tạo nên, khắc họa nên cái chung của đối tượng. Ví dụ: nét +
tác phẩm → nét chính của tác phẩm.
Nét: Đối tượng –
Điểm cơ bản tạo nên, khắc họa nên cái chung đối tượng
– nét nổ bật của đối tượng
+ Con ngài Tập tính loài của con ngài – bay nhanh, ít ngừng nghỉ,
hướng
sáng, xúm xít giao phối…
+ Con ngài cái (ngài nở nang)
– Tập tính loài ngài, toát ra chất
hóa học,
hương vị cực mạnh thu hút ngài đực.
+ Con người – Tập tính loài người: sinh tồn, có trí tuệ, hành vi xã hội
– đạo đức, văn minh (có tính người).
+ Người khỏe mạnh
– Da dẻ hồng hào, hành động dứt
khoát, hừng hực,
nhanh chóng…
+ Người ốm yếu
– Da dẻ tái nhợt, hành động lờ đờ,
lề mề…
+ Mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông
– Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu tàn,
Đông tàng.
– Tính chất ước lệ với giá trị thẩm
mỹ con người:
Xuân vui.., Thu sầu, buồn, nhớ
nhung, tương tư…
Đông cô đơn, lạnh lẽo, cách trở…
+ Hoa, bông hoa
– Đẹp, tươi thắm sắc màu, rạng rỡ,
ngát hương…
+ Phụ nữ, con gái
– Mềm mại, uyển chuyển, yếu đuối.
+ Đàn ông, con trai
– Cứng cáp, thô, mạnh mẽ.
Ví dụ: trong
đời sống thường ngày, ta nhận xét một chàng trai mà lại có một số biểu hiện của
phụ nữ: cậu ấy có cái vẻ con gái – tức là nói đến cái bộc lộ ra bên ngoài hay
cậu cấy có cái nét con gái – tức là nói cả cái vẻ bên ngoài và đặc trưng bên
trong – yếu đuối…
Hoặc có một
loài sinh vật ngoài hành tinh xâm nhập vào trái đất. Vẻ ngoài không giống bất
kỳ động vật nào hay con người trên trái đất. Nhưng lại có hành vi cư xử văn
minh, có trí tuệ… thì ta nói: nó có nét người, tính người – tức là có đặc
trưng của con người. Vì thế, ta gọi là người ngoài hành tinh.
Bây giờ chúng
ta phân tích câu:
Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng.
Trước tiên,
chúng ta hãy điểm qua đôi chút tâm trạng Kiều gặp Kim Trọng trong tiết Thanh
minh. Khi về, một mình lặng ngắm bóng nga, Kiều nghĩ về Kim Trọng – rộn đường gần với nỗi xa bời bời (tâm
trạng rối bời bời):
Người mà đến thế (Kim Trọng) thì thôi, – Đời phồn hoa (Thúy Kiều) cũng là đời bỏ đi. (Sao lại có người
trai đến thế chứ! Thế này thì đời phồn hoa cũng chẳng ý nghĩa gì, bỏ đi mà
thôi!)
Rồi nàng than,
băn khoăn:
Người đâu gặp gỡ làm chi? (Để khổ một
đời hoa chăng?) Trăm năm (1) biết có duyên gì hay không? (Trời có
định duyên cho ta với người này không? Hay đây có phải là cái duyên Trời định
không?)
(1)Trăm năm =
trời định. Xin xem mục Trăm năm: Truyện Kiều dưới cái nhìn con số và thành ngữ
số dân gian – Trần Gia Anh – Trần Đình Tuấn. NXB Thanh Hóa.
Cái tâm trạng
khởi điểm một cảm xúc yêu đương, bén màu tương tư này của Thúy Kiều mang nỗi
băn khoăn lo buồn chỉ sợ mình không xứng đôi, chỉ sợ Trời không định. Cái tâm
trạng này còn bị đau khổ, sầu thảm hơn nữa khi gặp phải giấc mơ con ma Đạm Tiên
ám ảnh:
Cứ trong mộng triệu mà suy, Phận con thôi có
ra gì mai sau! Cho nên, nỗi riêng,
riêng chạnh tấc riêng một mình.
Toàn bộ cái tâm
trạng dấy lên một nỗi niềm yêu đương, sầu lo, tương tư ấy của Thúy Kiều cho đến
khi gặp Kim Trọng được Nguyễn Du khắc họa lại bằng hai tiếng: nét thu, trong câu Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng.
Chữ chiều
ở câu này không phải là buổi chiều Xuân mà là chiều (hướng) Xuân, nó giống cái
chữ chiều trong câu “Có chiều phong vận có chiều thanh tân“.
Chiều xuân là cái vẻ Xuân, là cái men
tình, sự ham muốn và những rung động tình yêu đang đốt cháy con tim, lộ ra ở
đôi mắt, ở giọng nói, nụ cười, cử chỉ, dáng điệu và là cái niềm vui, mừng rỡ
khi đã tìm ra, vượt qua được nấc thang đầu tiên “một cái cớ – cái kim
thoa” để đôi trai gái có tình ý được gặp nhau.
Như vậy, cái chiều Xuân, chiều vui tươi, mừng rỡ đang
xóa đi cái tâm trạng sầu lo, băn khoăn của Thúy Kiều.
Do đó, nét Thu là cái nét nổi bật, đặc trưng,
khắc họa lên tính chất Thu – sầu, buồn, nhớ nhung, tương tư trong Thúy Kiều
đương nhiên sẽ phải ngại ngùng (ngượng ngùng) nhường chỗ cho niềm vui, hân hoan
đang lớn dần trong đôi uyên ương.
Xem tiếp Bài 5…