Viêm tụy mạn – Rối loạn tiêu hóa – Cẩm nang MSD – Phiên bản dành cho chuyên gia
Kiểm soát đau là nhiệm vụ khó khăn nhất trong việc xử trí bệnh nhân viêm tụy mạn. Đầu tiên, cần nỗ lực tích cực và giới thiệu thích hợp để khuyến khích bỏ thuốc lá và kiêng rượu đối với bệnh nhân viêm tụy mạn nhằm cố gắng làm chậm sự tiến triển của bệnh càng sớm càng tốt. Thứ hai, cần tìm các biến chứng có thể điều trị được của viêm tụy mạn như là tắc nghẽn tá tràng hoặc tắc mật có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Bệnh nhân nên ăn một chế độ ăn ít chất béo (< 25 g/ngày) để giảm sự tiết ra các enzyme tụy. Những bệnh nhân bị viêm tụy mạn nên được học về thực hành lối sống lành mạnh, và điều này cần được củng cố trong mỗi lần khám.
Bổ sung men tụy có thể làm giảm đau mạn tính bằng cách ngăn chặn sự giải phóng cholecystokinin từ tá tràng, do đó làm giảm sự tiết ra các enzyme của tụy. Điều trị bằng enzym có nhiều khả năng thành công hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh ít tiến triển, ở phụ nữ và ở những bệnh nhân bị viêm tụy tự phát hơn là ở những bệnh nhân bị viêm tụy do rượu. Mặc dù liệu pháp enzym thường được thử dùng vì độ an toàn và tác dụng bất lợi không đáng kể, nhưng nó có thể không mang lại lợi ích đáng kể trong việc cải thiện cơn đau.
Thường thì các biện pháp này không giảm đau, cần phải tăng lượng opioid, điều này làm tăng nguy cơ nghiện. Thuốc giảm đau hỗ trợ, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm ba vòng, gabapentin, pregabalin và thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin, đã được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với opioid để kiểm soát đau mạn tính; kết quả có thể thay đổi. Thuốc điều trị triệu chứng đau ở viêm tụy mạn thường không đạt yêu cầu.
Glucocorticoid có thể được sử dụng để điều trị viêm tụy tự miễn.
Các phương pháp điều trị khác bao gồm điều trị bằng nội soi, thủ thuật tán sỏi, phong bế đám rối thần kinh tạng, và phẫu thuật.
Liệu pháp nội soi là nhằm mục đích giải phóng ống tụy bị tắc nghẽn do hẹp, do sỏi, hoặc cả hai và có thể làm giảm đau ở những bệnh nhân được lựa chọn cẩn thận với giải phẫu ống tụy thích hợp. Nếu có sự hẹp đáng kể ở chỗ cơ nhú hoặc đầu xa của ống tụy, nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) kèm theo phẫu thuật mở cơ thắt, đặt stent, hoặc nong có thể có hiệu quả. Các giả nang có thể gây ra đau mạn tính. Một số giả nang có thể được dẫn lưu bằng nội soi.
Thủ thuật tán sỏi (tán sỏi ngoài cơ thể hoặc tán sỏi trong ống tụy) thường cần thiết để điều trị các khối sỏi tụy lớn hoặc sỏi tụy đút nút.
Phong bế dây thần kinh dưới da hoặc dưới dẫn hướng của siêu âm nội soi đối với đám rối tạng bằng corticosteroid và thuốc tê tác dụng kéo dài có thể giúp giảm đau ngắn hạn ở một số bệnh nhân bị viêm tụy mạn.
Điều trị bằng phẫu thuật có thể có hiệu quả để giảm đau. Phương án phẫu thuật nên được chỉ định cho những bệnh nhân đã ngừng uống rượu và có thể kiểm soát được bệnh đái tháo đường bằng cách cắt tụy. Một loạt các phương án phẫu thuật bao gồm cắt bỏ và/hoặc giải chèn ép. Việc lựa chọn thủ thuật ngoại khoa phụ thuộc vào giải phẫu của ống tụy, xem xét các biến chứng tại chỗ, tiền sử phẫu thuật của bệnh nhân và trình độ chuyên môn của cơ sở địa phương. Ví dụ, nếu ống tụy chính giãn > 5 đến 8 mm, phẫu thuật mở thông tụy hỗng tràng bên (thủ thuật Puestow) hoặc thủ thuật Puetow sửa đổi là thủ thuật Partington-Rochelle làm giảm đau ở khoảng 70 đến 80% số bệnh nhân. Nếu ống tụy không bị giãn thì có thể thực hiện một biến thể của thủ thuật Puestow sửa đổi gọi là thủ thuật V-plasty hoặc thủ thuật Hamburg.
Các phương pháp tiếp cận bằng phẫu thuật khác bao gồm phẫu thuật cắt bán phần như phẫu thuật cắt tụy đầu xa (đối với bệnh lan tỏa ở đuôi tụy), thủ thuật Whipple (đối với bệnh lan tỏa ở đầu tụy), phẫu thuật cắt bỏ tụy tá tràng trừ môn vị (tương tự như thủ thuật Whipple), cắt bỏ đầu tụy bảo tồn tá tràng (thủ thuật Beger) hoặc phẫu thuật cắt bỏ tụy toàn phần kèm theo cấy ghép tự thân đảo tụy. Nhìn chung, phẫu thuật dẫn lưu có hiệu quả hơn so với phương pháp nội soi để làm giảm tắc nghẽn và làm giảm đau (1 Tài liệu tham khảo về điều trị Viêm tụy mạn là viêm tụy dai dẳng dẫn đến tổn thương cấu trúc vĩnh viễn kèm theo xơ hóa và chít hẹp ống dẫn, tiếp theo là giảm chức năng ngoại tiết và nội tiết (suy tụy). Uống rượu và hút thuốc… đọc thêm ).