VIÊM TỤY LÀ GÌ ? CÁC TRIỆU CHỨNG VÀ NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH

1. Viêm tụy là gì?

Tụy là một tuyến lớn nằm phía sau dạ dày và cạnh ruột non. Tụy có 2 chức năng chính:

+ Tiết ra enzym tiêu hóa vào trong ruột non để hỗ trợ việc tiêu hóa thức ăn.

+ Tiết ra hóc – môn insulin và glucagon vào trong dòng máu. Những hóc môn này giúp cho cơ thể kiểm soát năng lượng từ thức ăn.

Viêm tụy là một bệnh lý mà trong đó tụy bị viêm. Bình thường các enzym được tụy tiết ra ở dạng không hoạt động, khi bài tiết vào ruột chúng mới được kích hoạt và trở nên hoạt động.Tổn thương tụy xáy ra khi các enzym tiêu hóa được kích hoạt trước khi được giải phóng vào trong ruột và tấn công tuyến tụy.

Có 2 thể viêm tụy: Viêm tụy cấp và Viêm tụy mạn.

Viêm tụy cấp: Là tình trạng viêm đột ngột diễn ra trong thời gian ngắn, có thể ở mức độ trung bình đến nặng đe dọa tính mạng. Phần lớn những bệnh nhân bị viêm tụy cấp hồi phục hoàn toàn nếu điều trị đúng.

Trong một vài trường hợp, viêm tụy cấp có thể gây nên xuất huyết trong tuyến, tổn thương mô nghiêm trọng, nhiễm trùng và hình thành nang. Viêm tụy cấp thể nặng cũng có thể gây tổn hại đến các cơ quan quan trọng như tim, phổi, thận.

Viêm tụy mạn: Việm tụy mạn là tình trạng viêm tụy diễn ra lâu dài, phần lớn xảy ra sau giai đoạn viêm tụy cấp. Uống quá nhiều rượu (nghiện rượu) là một nguyên nhân thường gặp, tổn thương tụy do rượu thường không có triệu chứng trong nhiều năm, nhưng sau đó thì có thể đột ngột xuất hiện triệu chứng viêm tụy nặng.

Viêm tụy là gì?

2. Những triệu chứng của viêm tụy là gì?

+ Triệu chứng của viêm tụy cấp:

  • Đau vùng bụng trên, lan ra sau lưng, trầm trọng hơn sau ăn đặc biệt là bữa ăn nhiều dầu mỡ.
  • Bụng chướng và đề kháng.
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Sốt
  • Tăng nhịp tim

+ Triệu chứng của viêm tụy mạn:

Triệu chứng của viêm tụy mạn tương tự viêm tụy cấp, bệnh nhân thường có cảm giác đau dai dẳng vùng bụng trên lan ra sau lưng. Những triệu chứng khác là tiểu chảy và sụt cân do sự kém hấp thu thức ăn. Sự kém hấp thu thức ăn xảy ra do tuyến tụy tiết không đủ enzym để tiêu hóa thức ăn. Tiểu đường cũng có thể xảy ra nếu những tế bào tiết insulin cũng bị tổn thương.

3. Nguyên nhân gây viêm tụy là gì?

Trong phần lớn trường hợp, viêm tụy cấp gây ra do sỏi mật hoặc uống quá nhiều rượu. Những nguyên nhân khác bao gồm thuốc, bệnh tự miễn, nhiễm trùng, chấn thương, rối loạn chuyển hóa và phẫu thuật. Có 15% số người bị viêm tụy cấp không tìm ra nguyên nhân.

Khoảng 70% số người viêm tụy mạn là do uống rượu trong thời gian dài. Những nguyên nhân khác bao gồm sỏi mật, rối loạn di truyền của tụy, xơ nang, triglyceride cao, và một số loại thuốc.

Khoảng 20 – 30% số người viêm tụy mạn thì không tìm ra được nguyên nhân.

Nguyên nhân gây viêm tụy là gì?

4. Những yếu tố nguy cơ viêm tụy

Viêm tụy có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng thường xảy phổ biến hơn ở những người có yếu tố nguy cơ nhất định.

Yếu tố nguy cơ gây viêm tụy cấp bao gồm:

  • Sỏi mật
  • Uống nhiều rượu

Viêm tụy cấp có thể là dấu hiệu đầu của sỏi mật. Sỏi mật gây tắc nghẽn ống tụy.

Những yếu tố nguy cơ viêm tụy mạn bao gồm:

  • Uống nhiều rượu trong thời gian dài
  • Những bệnh lý di truyền nào đó, như xơ nang
  • Sỏi mật
  • Những bệnh lý như glyceride cao, lupus.

Những người với viêm tụy mạn thường gặp ở nam giới trong độ tuổi 30 – 40, nhưng viêm tụy mạn cũng có thể xảy ra ở nữ.

5. Chẩn đoán viêm tụy như thể nào

Để chẩn đoán viêm tụy cấp, bác sĩ đo nồng độ trong máu 2 enzym tiêu hóa là amylase và lipase. Nồng độ 2 enzym cao gợi ý viêm tụy cấp.

Bác sĩ có thể làm những xét nghiệm khác:

  • Xét nghiệm chức năng tuyến tụy để xem tuyến tụy có tạo đủ lượng enzym tiêu hóa không.
  • Xét nghiệm dung nạp đường để đánh giá mức độ tổn thương tế bào tạo insulin.
  • Siêu âm, CT scan, và MRI để đánh giá tuyến tụy về hình ảnh và tìm kiếm nguyên nhân.
  • Chụp mật tụy ngược dòng để đánh giá ống mật và ống tụy.
  • Sinh thiết tuyến tụy.

Bác sĩ có thể sử dụng máu, nước tiểu và phân để làm xét nghiệm xác định nguyên nhân.

6. Điều trị viêm tụy như thể nào ?

+ Điều trị viêm tụy cấp:

Những người bị viêm tụy cấp được điều trị điển hình với truyền dịch và thuốc giảm đau tại bệnh viện. Ở một vài trường hợp, viêm tụy nặng thì cần được điều trị tại trung tâm chăm sóc đặc biệt (ICU). Tại ICU, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ vì viêm tụy có thể gây tổn thương tim, phổi, thận. Một vài trường hợp viêm tụy nặng gây hoại tử toàn bộ tụy. Trong những trường hợp này, phẫu thuật có thể cần thiết để loại bỏ những phần bị hoại tử nếu nhiễm trùng.

Một đợt viêm tụy cấp thường kéo dài vài ngày. Viêm tụy cấp do sỏi mật thì cần can thiệp, sau khi sỏi mật được loại bỏ thì tình trạng viêm sẽ biến mất.

+ Điều trị viêm tụy mạn:

Khó khăn trong vấn đề điều trị viêm tụy mạn. Bác sĩ sẽ cố gắng điều trị giảm đau cho bệnh nhân và cải thiện vấn đề dinh dưỡng. Bệnh nhân thường sử dụng men tụy và có thể cần insulin. Chế độ ăn ít mỡ cũng cần thiết.

Phẫu thuật có thể thực hiện trong một vài trường hợp để giúp giảm đau, phục hồi dẫn lưu hóc môn hoặc enzym tụy, điều trị viêm tụy mạn gây ra do tắc nghẽn ống tụy.

Bệnh nhân cần dừng uống rượu hoặc những loại nước có cồn, tuân thủ lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc thích hợp để giảm độ trầm trọng và số lần viêm tụy.

Điều trị viêm tụy như thể nào

7. Có thể dự phòng viêm tụy?

Bởi vì phần lớn nguyên nhân viêm tụy do lạm dụng rượu, nên việc dừng uống rượu là một cách dự phòng viêm tụy.

Nếu bạn là người uống rượu nhiều thì cần báo cho bác sĩ biết.

Ngoài ra cần đi khám định kỳ để có phát hiện những bệnh lý khác như sỏi mật để có chế độ theo dõi thích hợp.

….

Bài viết sau đây Bác sĩ Trần Quốc Khánh tại phòng khám pasteur Đà Nẵng đã nêu rõ các vấn đề liên quan đến Viêm Tụy một cách đầy đủ và chi tiết nhất.. Nếu bạn nào vẫn còn thắc mắc về bệnh này hoặc chưa hiểu rõ các vấn đề hay cần tư vấn đầy đủ hơn có thể liên hệ trực tiếp đến chuyên khoa tiêu hóa – gan mật của Pasteur để được bác sĩ tư vấn cũng như thăm khám đầy đủ hơn nhé..

Chúc bạn luôn có 1 sức khỏe tốt!

THS. BS Trần Quốc Khánh

Phòng khám đa khoa Pasteur Đà Nẵng