Vì sao nhiều người dừng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ?

Từ năm 2022, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tối thiểu tăng lên, đồng nghĩa với quyền lợi của người tham gia được nâng lên. Tuy nhiên, do chưa hiểu rõ ý nghĩa của vấn đề này, nên người lao động còn e ngại, chần chừ, thậm chí dừng tham gia.

Tuyên truyền về những thay đổi của chính sách BHXH tự nguyện cần được quan tâm, triển khai sâu rộng hơn.

Do mức đóng tăng hay lý do khác ?

Kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc mua bán hàng ngày, nhưng chị N.T.H., ở phường III, thành phố Vị Thanh dành dụm tham gia BHXH tự nguyện gần hai năm nay, với mong muốn sau này có lương hưu như cán bộ nhà nước. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2022, thực hiện theo Nghị định số 07/2021 của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thì mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất tăng lên, nên chị dừng tham gia. “Trước đây, tôi chọn mức đóng thấp 138.600 mỗi tháng (đã trừ số tiền Nhà nước hỗ trợ) để dành dụm tham gia, bây giờ mức đóng tăng lên 297.000 đồng mỗi tháng, tăng 158.400 đồng so với mức đóng BHXH tự nguyện năm 2021, rồi thêm giá cả hàng hóa tăng. Vì vậy, tôi quyết định dừng tham gia, đợi khi kinh tế ổn định hơn mới tiếp tục tham gia lại”, chị H. chia sẻ.

Việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu nên nhiều người đắn đo, ngần ngại trong việc tham gia. Từ đó, dẫn đến tỷ lệ người dân tham gia chính sách này giảm ở một số địa phương. Ông Võ Hoàng Thâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, cho biết: “BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức, với mục đích giúp những người lao động tự do có lương hưu hàng tháng sau khi hết tuổi lao động, ổn định cuộc sống, bớt phải phụ thuộc vào con cháu. Cuối năm 2021, qua tuyên truyền, vận động thị trấn có 106 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt chỉ tiêu được giao. Đầu năm 2022, mức đóng tăng lên, dù địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền về sự thay đổi mức đóng này cũng như mức hỗ trợ của Nhà nước cũng tăng thêm nhưng số người tham gia giảm, cụ thể có 41 người dừng tham gia”.

Còn bà Nguyễn Thị Nguyệt, đại lý thu BHXH, BHYT ở phường III, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Trước sự thay đổi mức đóng BHXH tự nguyện, tôi cũng nắm bắt thông tin và tăng cường tuyên truyền đến người dân, để mọi người tiếp tục tham gia chính sách an sinh này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do đến nay có gần 30 người quyết định dừng, khi đã tham gia được khoảng 1 năm”.

Qua tìm hiểu, nhiều người làm nghề lao động tự do đã tham gia BHXH tự nguyện nhằm tích lũy cho tương lai cũng bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn không biết có đủ khả năng tài chính để tham gia tiếp được hay không khi mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng. Điều này đặt ra bài toán khó cho ngành BHXH và các địa phương trong công tác duy trì và phát triển tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Theo số liệu từ BHXH tỉnh, tính đến cuối tháng 3, toàn tỉnh có 9.404 người tham gia BHXH tự nguyện.

Tuyên truyền sâu để mọi người hiểu: Tăng mức đóng – Tăng quyền lợi

Năm 2022, thực hiện theo Nghị định số 07 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tiêu chí thu nhập khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng mỗi tháng (trước đây là 700.000 đồng), do đó, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu cũng phải tăng theo. Điều này tác động trực tiếp đến những người đang tham gia BHXH tự nguyện mức thấp nhất và đặt ra những khó khăn trong công tác duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới. Chính vì vậy, để thực hiện chỉ tiêu 19.800 người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2022 ngành BHXH và các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể.

Theo ông Nguyễn Hồng Châu, Giám đốc BHXH huyện Châu Thành A: Đến cuối tháng 3, huyện có 1.135 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt hơn 40% chỉ tiêu được giao. Để thực hiện tốt chỉ tiêu vận động 2.833 người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2022, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về sự thay đổi mức đóng, mức hỗ trợ của Nhà nước, rồi lương hưu được hưởng để người dân hiểu rõ. Bên cạnh đó, tiếp tục trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho các đại lý thu BHXH, BHYT, các cộng tác viên, để mọi người thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, góp phần đưa chính sách đến gần với người dân.

Cùng với việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu thì mức tiền Nhà nước hỗ trợ cũng tăng lên tương ứng với tỷ lệ theo quy định. Cụ thể, người tham gia sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng hàng tháng bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo tương đương 99.000 đồng, 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo tương đương 82.500 đồng và 10% đối với các đối tượng khác tương đương 33.000 đồng. Để người dân nắm bắt được thông tin này, BHXH huyện Long Mỹ đã tăng cường công tác tuyên truyền. Ông Lam Minh Tâm, Giám đốc BHXH huyện Long Mỹ, cho biết: “BHXH huyện đã phối hợp với các ngành, đoàn thể và tích cực tuyên truyền, giải thích cho người tham gia hiểu rõ về những thay đổi trong mức đóng. Cùng với đó, phát huy vai trò của các đại lý thu BHXH, BHYT ở các xã, thị trấn. Bởi đây là cầu nối trực tiếp, hiểu rõ hoàn cảnh các gia đình, từ đó nắm bắt, giải thích để mọi người hiểu về chính sách mà đồng thuận tham gia”.

Những thay đổi về mức đóng tối thiểu của chính sách BHXH tự nguyện là tất yếu, đảm bảo cho người lao động khi về già có mức lương hưu cao hơn, đáp ứng nhu cầu cuộc sống tương lai. Ngành chức năng cũng chia sẻ mong người lao động hãy yên tâm, tích cực tham gia chính sách này, để được Nhà nước chăm sóc khi hết tuổi lao động…

Bài, ảnh: THÁI VÂN