Về luận điểm của V. I. Lê-nin: Cách mạng xã hội chủ nghĩa là một thời đại

Năm 1915, trong tác phẩm “Bàn về khẩu hiệu Liên bang châu Âu”, V. I. Lê-nin đã đưa ra luận điểm có giá trị khoa học và phát triển sáng tạo học thuyết Mác về chủ nghĩa tư bản và cách mạng vô sản: “người ta không thể coi cách mạng xã hội chủ nghĩa là một công cuộc làm một lần thì xong, mà phải coi đó là một thời đại chấn động vũ bão về chính trị và kinh tế”(1). Đó là thời đại đấu tranh giai cấp gay gắt nhất, thời đại cách mạng và phản cách mạng và nhất định “phải xảy ra các cuộc cách mạng chính trị”. Cách mạng chính trị lật đổ giai cấp thống trị là sự khởi đầu của quá trình cách mạng để thiết lập chế độ chính trị, chế độ kinh tế và xây dựng, hoàn thiện chế độ ấy.

Theo V. I. Lê-nin, “sự phát triển không đồng đều về kinh tế và chính trị là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Do đó, chúng ta thấy rằng chủ nghĩa xã hội có thể thắng trước hết là trong một số ít nước tư bản chủ nghĩa hoặc thậm chí chỉ trong một nước tư bản chủ nghĩa”(2). Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) do V. I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích lãnh đạo là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đã nổ ra và thắng lợi ở một nước như thế. Song để bảo đảm cho thắng lợi hoàn toàn, vững chắc của chủ nghĩa xã hội thì không thể chỉ làm một lần thế là xong, mà phải là cả một quá trình lâu dài để cải biến toàn diện cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa để tạo dựng một xã hội hoàn toàn mới – xã hội xã hội chủ nghĩa. 

Cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội là một quá trình lịch sử lâu dài, là một thời đại theo quan niệm của V. I. Lê-nin. Có thể thấy rõ quan niệm đó trên mấy nội dung thiết yếu.

Nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa là xây dựng, phát triển kinh tế

Sau Cách mạng Tháng Mười, giai cấp vô sản đã thiết lập được một kiểu nhà nước cao nhất là Chính quyền Xô-viết. “Nhưng chúng ta tuyệt đối không thể tự mãn với những thành quả đã đạt được, vì chúng ta chỉ mới bắt đầu chuyển lên chủ nghĩa xã hội; và về phương diện đó, điều quyết định vẫn chưa được thực hiện”(3). V. I. Lê-nin nhấn mạnh tới điều kiện vật chất thứ hai để chuyển lên chủ nghĩa xã hội là phát triển kinh tế “nâng cao năng suất lao động trên phạm vi cả nước”. Nhà nước mạnh và nền sản xuất với năng suất lao động cao là điều kiện vật chất để bảo đảm thiết lập chủ nghĩa xã hội. Cần phải động viên, tổ chức quần chúng nhân dân lao động có trật tự, có kỷ luật.

Biện pháp tịch thu tư liệu sản xuất của các nhà tư bản, xóa bỏ sở hữu tư bản và quan hệ sản xuất tư bản là những biện pháp thường thấy sau khi nổ ra cách mạng chính trị. Nhưng V. I. Lê-nin không thiên về vấn đề đó. Phê phán “những người cộng sản cánh tả” “ấu trĩ” chỉ quan tâm tới việc kiên quyết “quốc hữu hóa”, “tịch thu”, “đập tan” tất cả những gì của chủ nghĩa tư bản, V. I. Lê-nin cho rằng “sao mà họ lắm tính kiên quyết đến thế… và lại ít chịu suy nghĩ đến thế!”(4). Không phải cứ tịch thu, quốc hữu hóa là có chủ nghĩa xã hội. Vấn đề biết suy nghĩ, tính toán để phát triển sản xuất, phát triển nền kinh tế thế nào cho có hiệu quả. V. I. Lê-nin nhấn mạnh một thực tế đáng buồn vừa “tả khuynh” vừa “ấu trĩ” tiểu tư sản: “Chúng ta đã quốc hữu hóa, đã tịch thu, đã đánh đổ, đã đập tan nhiều hơn là đã kịp tính toán. Mà xã hội hóa khác với tịch thu giản đơn chính là ở chỗ tịch thu chỉ cần có “tính kiên quyết”, không cần biết tính toán một cách đúng đắn và phân phối một cách đúng đắn cũng được, còn xã hội hóa mà không biết làm điều đó thì không xong”(5).

V. I. Lê-nin đã làm sâu sắc và nghiêm túc hơn nội dung về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhất là nội dung kinh tế của thời kỳ này. Người nhấn mạnh tính chất quá độ của nền kinh tế: “danh từ nước Cộng hòa xô-viết xã hội chủ nghĩa có nghĩa là Chính quyền xô-viết quyết tâm thực hiện bước chuyển lên chủ nghĩa xã hội, chứ hoàn toàn không có nghĩa là đã thừa nhận chế độ kinh tế mới là chế độ xã hội chủ nghĩa.

Vậy thì danh từ quá độ có nghĩa là gì? Vận dụng vào kinh tế, có phải nó có nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội không? Bất cứ ai cũng đều thừa nhận là có”(6). V. I. Lê-nin đã nêu rõ các thành phần kinh tế ở nước Nga lúc đó là:

1) Kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nghĩa là một bộ phận lớn có tính chất tự nhiên; 

2) Sản xuất hàng hóa nhỏ (trong đó bao gồm đại đa số nông dân bán lúa mì);

3) Chủ nghĩa tư bản tư nhân;

4) Chủ nghĩa tư bản nhà nước;

5) Chủ nghĩa xã hội.

Các thành phần kinh tế tồn tại, phát triển đan xen trong suốt thời kỳ quá độ. Theo quan niệm của V. I. Lê-nin, sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế là một đặc trưng cơ bản của thời kỳ quá độ. 

Về kinh tế, để xây dựng chủ nghĩa xã hội cần phải sử dụng đúng đắn và phát huy vai trò của các thành phần kinh tế kể cả kinh tế tư bản tư nhân và nhất là kinh tế tư bản nhà nước. Phải kế thừa và sử dụng có hiệu quả thành quả kỹ thuật, khoa học, công nghệ của chủ nghĩa tư bản. “Không có kỹ thuật tư bản chủ nghĩa quy mô lớn được xây dựng trên những phát minh mới nhất của khoa học hiện đại, không có một tổ chức nhà nước có kế hoạch có thể khiến cho hàng chục triệu người phải tuân theo hết sức nghiêm khắc một tiêu chuẩn thống nhất trong công việc sản xuất và phân phối sản phẩm, thì không thể nói đến chủ nghĩa xã hội được”(7).

V. I. Lê-nin cũng nhấn mạnh việc học tập nghiêm túc cách tổ chức, quản lý nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản. “Chỉ có những người nào hiểu rằng không học tập những kẻ tổ chức ra tơ-rớt thì không thể tạo ra hoặc thực hiện chủ nghĩa xã hội, chỉ những người đó mới đáng gọi là người cộng sản. Bởi vì chủ nghĩa xã hội đâu phải là điều bịa ra, mà nó là kết quả của việc đội tiền phong của giai cấp vô sản, sau khi cướp được chính quyền, nắm lấy và vận dụng những cái mà các tơ-rớt đã tạo ra. Đảng vô sản chúng ta sẽ không lấy được ở đâu ra cái năng lực tổ chức nền sản xuất cực kỳ lớn theo kiểu tơ-rớt và như tơ-rớt, nếu không lấy năng lực đó ở các chuyên gia hạng nhất của chủ nghĩa tư bản”(8).

Chỉ với những người lao động được bảo đảm lợi ích kinh tế của họ, được đào tạo, với nền khoa học, kỹ thuật phát triển và trình độ cao về tổ chức quản lý toàn bộ nền kinh tế và ở từng đơn vị kinh tế, mới có thể tạo ra năng suất cao trong lao động sản xuất và mang lại kết quả, hiệu quả kinh tế thiết thực. Theo V. I. Lê-nin, năng suất lao động cao là điều phải được đặc biệt coi trọng trong xây dựng và bảo đảm thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. “Xét đến cùng, thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ xã hội mới. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một năng suất lao động chưa từng thấy dưới chế độ nông nô. Chủ nghĩa tư bản có thể bị đánh bại hẳn, và sẽ bị đánh bại hẳn, vì chủ nghĩa xã hội tạo ra một năng suất lao động mới, cao hơn nhiều. Đó là sự nghiệp rất khó khăn và rất lâu dài, nhưng sự nghiệp đó đã bắt đầu, và đấy là điều chủ yếu”(9). 

Ở một nước mà kinh tế tiểu nông là phổ biến, chưa phát triển chủ nghĩa tư bản, thì việc tạo ra năng suất lao động cao là vô cùng khó khăn, đòi hỏi phải có cách tổ chức và giải pháp quản lý ở trình độ ngày càng cao và đội ngũ những người lao động được đào tạo và rèn luyện kỷ luật trong quá trình xây dựng nền đại công nghiệp.

V. I. Lê-nin là người khởi xướng chính sách kinh tế mới. Chính sách đó đã làm rõ thêm những vấn đề của thời kỳ quá độ, nhất là quá độ kinh tế. V. I. Lê-nin nhấn mạnh chính sách phát triển nhiều thành phần kinh tế, làm cho mọi thành phần phát huy cao nhất vai trò, mặt tích cực của nó. Chú trọng phát triển kinh tế thị trường, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Coi trọng lợi ích kinh tế của các giai cấp, tầng lớp những người lao động để thúc đẩy kinh tế phát triển. Chú trọng học tập mô hình và cách tổ chức quản lý kinh tế của các nước tư bản phát triển, nhất là tiếp nhận những thành quả khoa học, kỹ thuật của chủ nghĩa tư bản.

Xây dựng nền kinh tế theo con đường xã hội chủ nghĩa phải bắt đầu từ những chính sách như thế. Phải suy nghĩ nghiêm túc để có nhận thức đúng đắn về cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhất là những bước đi trong chính sách kinh tế. Nhận thức quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là vấn đề hàng đầu. Trong hơn 6 năm lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga (1917 – 1924), V. I. Lê-nin đã nhìn nhận thấu đáo các đặc trưng, quy luật khách quan của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đề ra những quan điểm, chính sách đúng đắn cả về kinh tế, chính trị và xã hội. 

Vai trò của đảng cầm quyền và nhà nước xã hội chủ nghĩa trong cách mạng xã hội chủ nghĩa

Khi xác định từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản có một thời kỳ cách mạng, C. Mác đã xác định tương ứng với thời kỳ đó là chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản. Đó là hình thức quá độ chính trị. Cuộc cách mạng chính trị của giai cấp vô sản nổ ra, thiết lập một hình thức nhà nước cách mạng kiểu mới do đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Đó là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho thắng lợi của quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa. Công xã Pa-ri (18-3-1871) là cuộc cách mạng vô sản nhưng đã không duy trì được thắng lợi vì không có được một đảng cách mạng – đội tiên phong lãnh đạo. Đó là một bài học lớn của Công xã. Cách mạng Tháng Mười thắng lợi nhờ sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích của V. I. Lê-nin dày dạn kinh nghiệm, có lý luận tiên phong hướng dẫn, có trình độ tổ chức, lòng trung thành với giai cấp và dân tộc, Tổ quốc. Sau này, chủ nghĩa xã hội thất bại ở Liên Xô (năm 1991) xét đến cùng là vì Đảng không còn đủ uy tín chính trị, năng lực lãnh đạo và cầm quyền.

Trong những năm tháng sau Cách mạng Tháng Mười, V. I. Lê-nin đặc biệt quan tâm đến những vấn đề kinh tế và chính trị. Năm 1919, V. I. Lê-nin viết tác phẩm Kinh tế và chính trị trong thời đại chuyên chính vô sản. Thời đại  của cách mạng xã hội chủ nghĩa, về chính trị không có gì khác là chuyên chính vô sản. Nhiều người đã không hiểu đúng hoặc xuyên tạc khái niệm về chuyên chính vô sản. V. I. Lê-nin nhiều lần nêu rõ, về lý luận, giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội có một thời kỳ quá độ với những đặc điểm, đặc trưng về kinh tế, chính trị, xã hội.

Việc thiết lập, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa vững mạnh là vấn đề thiết yếu vì chính quyền nhà nước là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng. Cần phải công khai khẳng định bản chất giai cấp vô sản của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhà nước đó có chức năng, nhiệm vụ tổ chức, xây dựng chủ nghĩa xã hội vì lợi ích của giai cấp vô sản và nhân dân lao động. Nhà nước đó thực hiện nền dân chủ vô sản hay dân chủ xã hội chủ nghĩa đối với số đông nhân dân và cũng cần trấn áp sự phản kháng của thế lực thống trị đã bị đánh đổ. “Chuyên chính vô sản là sự lãnh đạo chính trị của giai cấp vô sản”(10). Giai cấp vô sản với tư cách là giai cấp lãnh đạo, thông qua vai trò của đội tiên phong của mình là đảng cộng sản cầm quyền phải biết hướng chính sách vào việc thực hiện những vấn đề cấp thiết nhất về kinh tế, xã hội. Đó là nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị lớn lao đối với nhân dân. Thực hiện có kết quả những vấn đề cấp thiết đó chính là thực hiện chuyên chính vô sản. Việc tổ chức thực hiện ngày càng có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa là chức năng, bản chất của chuyên chính vô sản. Đó là hình thức chính trị rốt cuộc đã tìm thấy trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản như C. Mác đã khẳng định.

Sự tồn tại của các giai cấp trong thời đại cách mạng xã hội chủ nghĩa

Trong thời kỳ quá độ hay thời đại cách mạng xã hội chủ nghĩa, các giai cấp vẫn tồn tại liên kết với nhau vì sự nghiệp xây dựng và sáng tạo xã hội mới. C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã từng nêu rõ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là xóa bỏ tư hữu, xóa bỏ các giai cấp. Nhưng khi vẫn tồn tại chế độ tư hữu, nhiều chế độ sở hữu và nhiều thành phần kinh tế thì tất yếu tồn tại lâu dài các giai cấp, lực lượng xã hội. V. I. Lê-nin cho rằng: “Không thể nào ngay một lúc mà xóa bỏ được giai cấp.

Và các giai cấp vẫn tồn tại và sẽ tồn tại trong suốt thời đại chuyên chính vô sản… Trong thời đại chuyên chính vô sản, các giai cấp vẫn tồn tại, nhưng bộ mặt của mỗi một giai cấp đều có thay đổi; quan hệ qua lại giữa các giai cấp cũng biến đổi. Cuộc đấu tranh giai cấp chưa chấm dứt dưới thời chuyên chính vô sản, nó chỉ diễn biến ra dưới những hình thức khác mà thôi”(11). V. I. Lê-nin đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của sự liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Cùng với những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội hay cách mạng xã hội là một thời đại, V. I. Lê-nin đã đề cập tới vấn đề thời gian của quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là khoảng thời gian rất dài. Năm 1921, V. I. Lê-nin nêu rõ “Các thời hạn đều dài hơn, như đã giả định hồi đó” (năm 1918 – TG). 

Quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thời kỳ rất khó khăn và lâu dài, phải trải qua nhiều chặng đường, bước đi quá độ khác nhau, phải tính đến những chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội và phải tính đến đặc điểm của bất kỳ một bước quá độ nào. “Nhưng làm thế nào trên thực tế thực hiện được bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản cũ, quen thuộc, mà mọi người đã từng biết, sang chủ nghĩa xã hội mới chưa hình thành hẳn, chưa có một cơ sở vững chắc – đó là nhiệm vụ khó nhất. Trong trường hợp tốt nhất thì bước quá độ ấy cũng chiếm mất nhiều năm. Suốt cả thời kỳ đó, trong chính sách của chúng ta, lại chia ra thành nhiều bước quá độ nhỏ hơn nữa. Và tất cả cái khó khăn của nhiệm vụ chúng ta phải làm, tất cả cái khó khăn của chính sách và tất cả sự khéo léo của chính sách là ở chỗ biết tính đến những nhiệm vụ đặc thù của từng bước quá độ đó”(12).

Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga được chuyển lên từ cách mạng dân chủ tư sản (Cách mạng Tháng Hai). Có những nhiệm vụ của cả hai cuộc cách mạng đó, Đảng Bôn-sê-vích và những người cộng sản Nga phải thực hiện ngay sau khi nổ ra cách mạng chính trị. Ở đây có mối quan hệ giữa cách mạng dân chủ tư sản và cách mạng xã hội chủ nghĩa. “Cuộc cách mạng thứ nhất chuyển thành cuộc cách mạng thứ hai. Cuộc cách mạng thứ hai, nhân tiện, giải quyết luôn cả những vấn đề của cuộc cách mạng thứ nhất. Cuộc cách mạng thứ hai củng cố sự nghiệp của cuộc cách mạng thứ nhất”. “Chế độ xô-viết chính là một trong những cái xác minh hoặc biểu hiện rất rõ ràng việc chuyển biến đó từ cuộc cách mạng này thành cuộc cách mạng kia. Chế độ xô-viết là chế độ dân chủ ở mức cao nhất cho công nhân và nông dân; đồng thời, nó có nghĩa là sự đoạn tuyệt với chế độ dân chủ tư sản và sự xuất hiện, trong lịch sử thế giới, một chế độ dân chủ kiểu mới, tức là chế độ dân chủ vô sản hay là chuyên chính vô sản”(13). Đó là luận điểm cách mạng không ngừng của V. I. Lê-nin. Luận điểm đó phù hợp với cách mạng Việt Nam khi tất yếu chuyển từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Sự vận dụng ở Việt Nam

Cần nhấn mạnh rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng thành công những bài học, giá trị lý luận của Cách mạng Tháng Mười và những chỉ dẫn của V. I. Lê-nin để hoàn thành giải phóng dân tộc, hoàn thành trọn vẹn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc từ năm 1954 và trên cả nước từ năm 1975. Trong lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng đã khắc phục bệnh chủ quan, nóng vội, duy ý chí, giáo điều khi học tập kinh nghiệm nước ngoài. Với tư duy mới, Đảng đã nhận thức đúng đắn hơn những luận điểm của V. I. Lê-nin về thời đại cách mạng xã hội chủ nghĩa, vận dụng đúng đắn những đặc trưng và quy luật của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vào thực tiễn Việt Nam để đề ra đường lối đổi mới và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhất là công cuộc đổi mới đã làm cho nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn. Sáng tỏ hơn về mục tiêu và mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với 8 đặc trưng mà Cương lĩnh bổ sung, phát triển tại Đại hội XI của Đảng (tháng 1-2011) đã xác định. Mô hình đó đã thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng; thể hiện rõ cơ sở kinh tế và kiến trúc thượng tầng, quyền làm chủ của nhân dân, lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ; quyền sống và điều kiện phát triển con người; những vấn đề về văn hóa, xã hội và quan hệ quốc tế. Mô hình đó là sự phát triển hoàn chỉnh khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng về cơ bản. Thực tiễn cũng làm sáng tỏ hơn những vấn đề về quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bước phát triển quá độ đó về kinh tế là phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều chế độ sở hữu và nhiều loại thị trường khác nhau. Về chính trị là tăng cường vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo; thực hiện tốt hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa. Về xã hội, củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường liên minh vững chắc giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước đi và chính sách thích hợp. Về văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Thời kỳ quá độ ở Việt Nam cũng được nhận thức là một thời kỳ dài và phải trải qua nhiều chặng đường với hình thức, bước đi khác nhau.

Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hoàn toàn có khả năng bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa: bỏ qua việc xác lập kiến trúc thượng tầng và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và có thể kế thừa nhiều thành quả của nhân loại đã được tạo ra dưới chủ nghĩa tư bản, nhất là khoa học, công nghệ. Trong thời đại ngày nay, mỗi quốc gia, dân tộc có quyền lựa chọn con đường phát triển riêng của mình nhưng vẫn có thể tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào quá trình hội nhập quốc tế. Trên cơ sở học thuyết lý luận về chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã tổng kết, đồng thời, từ những kinh nghiệm và thành quả thực tiễn của công cuộc đổi mới, Đảng và nhân dân ta luôn vững tin vào con đường xã hội chủ nghĩa – con đường tất yếu của lịch sử mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn ngay từ năm 1930./.

——————————————

(1)V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 26, tr. 444

(2) V. I. Lê-nin: Sđd, t. 26, tr. 447

(3) V. I. Lê-nin: Sđd, t. 36, tr. 213

(4) V. I. Lê-nin: Sđd, t. 36, tr. 359

(5) V. I. Lê-nin: Sđd, t. 36, tr. 360

(6) V. I. Lê-nin: Sđd, t. 36. tr. 362

(7) V. I. Lê-nin: Sđd, t. 36, tr. 368

(8) V. I. Lê-nin: Sđd, t. 36, tr. 382

(9) V. I. Lê-nin: Sđd, t. 39, tr. 25

(10) V. I. Lê-nin: Sđd, t. 43, tr. 263

(11) V. I. Lê-nin: Sđd, t. 39, tr. 318

(12) V. I. Lê-nin: Sđd, t. 40, tr. 119-120

(13) V. I. Lê-nin: Sđd, t. 44, tr. 184

 

PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh