văn học & nghệ thuật
So với các thể loại khác, tiểu thuyết xuất hiện muộn hơn. Không những thế, nó “là một thể loại văn chương đang biến chuyển và còn chưa định hình.(1) Việc nghiên cứu về thể loại tiểu thuyết là một yêu cầu chủ yếu, luôn có tính thời sự của lý luận văn học. Vì vậy, đi tìm quan niệm tiểu thuyết cũng là vấn đề có ý nghĩa về mặt lý thuyết
Ở nước ta việc nghiên cứu thể loại tiểu thuyết xuất hiện khá sớm với công trình “Bàn về tiểu thuyết” của Phạm Quỳnh trên tạp chí Nam phong năm 1921. Sau đó là các công trình chuyên khảo về tiểu thuyết: “Theo dòng” (1941) của Thạch Lam, “Khảo về tiểu thuyết”(1941) của Vũ Bằng. Ngoài ra, còn có một số công trình cũng bàn về một số vấn đề của tiểu thuyết như “Phê bình và cảo luận” (1938) của Thiếu Sơn, “Nhà văn hiện đại” (1942) của Vũ Ngọc Phan … Tuy điểm nhìn và phạm vi nghỉên cứu mỗi công trình có khác nhau nhưng với sự có mặt của chúng, lịch sử nghiên cứu thể loại tiểu thuyết đã bước đầu hình thành và đặt nền móng cho việc nghiên cứu thể loại tiểu thuyết sau này.
Ở đô thị miền Nam, giai đoạn 1954 – 1975, việc nghiên cứu thể loại tiểu thuyết cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà lý luận phê bình với một số công trình tiêu biểu như Nhân vật trong tiểu thuyết (Nhiều tác giả, Sáng tạo số 1/1960) ; Viết và đọc tiểu thuyết (Nhất Linh, Nxb Đời nay,1961) ; Hiện hữu của tiểu thuyết (Lê Tuyên, Đại học số 4/1961) ; Tiểu thuyết Việt Nam thế hệ 1932 -1945 (Thanh Lãng, Đại học số 2 tháng 4/1961) ; Tiểu thuyết hiện đại (Tràng Thiên, Nxb Thời mới, 1963 ) ; Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (Nguyễn Văn Trung, Nam sơn xb, 1965) ; Sự hình thành của tiểu thuyết mới trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Phạm Thế Ngũ, Quốc học Tùng thư xb, 1965) ; Chuyện phiếm về tiểu thuyết (Triều Sơn, Văn số 34, ra ngày 15/5/1965) ; Văn học và tiểu thuyết (Doãn Quốc Sỹ Sáng tạo xb,1973)… Ở các công trình này nhiều vấn đề lý luận về tiểu thuyết được đặt ra với một cái nhìn đa diện, đa chiều như: Quan niệm về tiểu thuyết, nhân vật và phương thức xây dựng nhân vật tiểu thuyết, cốt truyện trong tiểu thuyết…
1. Một cái nhìn đa diện về tiểu thuyết
Nếu ở những giai đoạn trước, cách hiểu tiểu thuyết còn mang tính khái quát để chỉ chung cho tác phẩm văn xuôi dù đó là truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài thì ở giai đoạn này, khi sự phân định về mặt thể loại ngày càng cụ thể hơn, khái niệm về tiểu thuyết cũng được các nhà lý luận phê bình văn học đô thị miền Nam hiểu một cách rõ ràng, sát với đặc trưng thể loại. Trong chuyên luận “xây dựng tác phẩm tiểu thuyết”, Nguyễn Văn Trung cho rằng: “yếu tính của tiểu thuyết là cái tưởng tượng, không thể kiểm chứng được”(2). Đó cũng là quan niệm của Duyên Anh “Tiểu thuyết mà thiếu tưởng tuợng không phải là tiểu thuyết. Và bắt buộc, nó khó lòng thoát lên cao. Nó chỉ là đất trên mặt cỏ” (3). Còn với Võ Phiến “tiểu thuyết là công trình giả tưởng. Màu trời, sắc nắng, cây, lá, gió, trăng, mọi hoạt động trong đó đều bịa đặt”(4). Và theo Trần Văn Nam “Tiểu thuyết là truyện bịa đặt y như sự thật.”(5). Tuy cách diễn đạt có khác nhau, song trong quan niệm của các tác giả trên đều thống nhất cho rằng yếu tính của tiểu thuyết là tưởng tượng, hư cấu. Nhưng tiểu thuyết có phải hoàn toàn là sản phẩm của tưởng tượng và hư cấu? Điều ấy chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời trong quan niệm tiểu thuyết của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam.
Thật vậy, dù đề cao vai trò tưởng tượng và hư cấu của tiểu thuyết, nhưng các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam cũng thấy được mối tương liên giữa tưởng tượng, hư cấu trong tiểu thuyết với hiện thực cuộc đời. Vì vậy trong quan niệm của họ, nhà văn dẫu có hư cấu cũng phải trên cơ sở tôn trọng sự thực đời sống. Bởi vì “Với sự có mặt của mình trước cuộc đời, với sự hiện hữu của mình ở trong cuộc đời, tiểu thuyết là một hình thái của nghệ thuật, một lối diễn đạt của con người gần với cuộc đời nhất”(6). Và “tiểu thuyết không phải là tả cảnh, tả tình nhưng là một suy nghĩ ( …) truyện không còn phải là một giải trí nhưng là một sự thức tỉnh đưa tới nhận định về cuộc đời.”(7). Tuy thấy được sự tương giao giữa tiểu thuyết và cuộc đời nhưng trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, hiện thực trong tiểu thuyết không phải là đời thực mà chỉ mang bóng dáng cuộc đời, là “ảo ảnh” của cuộc đời. Vì theo Nguyễn văn Trung “Tiểu thuyết không bao giờ thực mà chỉ có vẽ thực”(8). Do đó, nếu đồng nhất cuộc sống trong nghệ thuật với cuộc sống ngoài đời, sẽ làm nghèo đi cả hai hiện thực ấy. Và như thế, liệu có cần đến sự hiện hữu của văn học nữa không? Câu trả lời chắc chẳng khó lắm, khi mà không ai ngây thơ tin rằng những ông bụt, ông tiên trong truyện cổ tích là có thật!?. Theo Lê Tuyên “Tiểu thuyết phải thoát cuộc đời một chút và chỉ có thể có thực với cuộc đời, vì cuộc đời có thể là như thế.”(9). Còn nói như Nguyễn Đình Toàn “Tiểu thuyết không phải là tấm gương, phản ảnh đời sống mà là cái phần được che giấu của đời sống, cái phần không thuộc về đời sống”(10). Quả thật, tiểu thuyết cho dù là tấm gương phản ánh đời sống, cũng không bao giờ là bản sao của cuộc sống. Bởi lẽ ngoài việc phản ánh thực tại cuộc đời, tiểu thuyết còn phải phản ánh được thế giới thẳm sâu của tâm hồn con người và “giá trị của một cuốn tiểu thuyết là đi sâu vào tâm hồn người đời”(11). Vì thế, nếu chúng ta mãi băn khoăn, tiểu thuyết phản ánh được bao nhiêu phần trăm sự thật ở đời, lấy đó làm căn cứ thẩm định giá trị tác phẩm tiểu thuyết thì vô hình trung làm nghèo thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết và làm vơi đi thế giới tưởng tượng của người tiếp nhận. Giá trị tiểu thuyết cần nhất là sâu sắc và “Sâu sắc chính là ở chỗ mình diễn tả được tất cả những cái mông lung bí ẩn của tâm hồn”(12).
Như vậy quan niệm về tiểu thuyết của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam là một cái nhìn đa diện, đa chiều. Tuy họ đều thống nhất cho rằng yếu tính của tiểu thuyết là tưởng tượng, hư cấu nhưng dù là tưởng tượng, hư cấu thì tiểu thuyết cũng phải tái tạo cuộc sống, phải mang hình bóng của cuộc đời. Thoát ly cuộc đời, tiểu thuyết sẽ không còn là tiểu thuyết, sẽ đánh mất giá trị nhân bản; sẽ không thể sống trong lòng người đọc. Vì từ trong ý thức sáng tạo, nhà tiểu thuyết “bao giờ cũng muốn trình bày những con người sống thực. Mà con người sống thực bao giờ cũng có liên hệ chặt chẽ với xã hội, với quá khứ”(13).
2. về nhân vật tiểu thuyết
Một trong những thành phần quan trọng của tiểu thuyết là nhân vật. Nói đến tiểu thuyết là nói đến việc xây dựng nhân vật. Nhưng có hay không nhân vật trong tiểu thuyết, và nếu có thì vai trò, vị trí và phương thức tồn tại của nó như thế nào, đó là vấn đề lý thuyết mà mọi nền lý luận văn học đều quan tâm lý giải. Chính vì thế, cuộc thảo luận về “nhân vật tiểu thuyết” do tạp chí Sáng tạo tổ chức đã khẳng định sự quan tâm của các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam cũng như góp phần trả lời vấn đề quan niệm về nhân vật tiểu thuyết. Ở cuộc thảo luận này, vấn đề được bàn thảo nhiều nhất đó là vai trò của nhân vật trong tiểu thuyết.
Theo Trần Thanh Hiệp, trong tiểu thuyết vấn đề quan trọng “phải là vấn đề nhân vật. Người ta sẽ tìm thấy bộ mặt con người trong các nhân vật của tiểu thuyết (…) Trong tiểu thuyết, ngoài nhân vật còn có gì khác nữa, thời nhân vật cũng vừa là cá thể, vừa là linh hồn”(14). Còn Thanh Tâm Tuyền lại cho rằng trong tiểu thuyết “không khí là chính, nhân vật là phụ”.(15). Nhưng Tô Thùy Yên lại không đồng tình với Thanh Tâm Tuyền và khẳng định: “gây không khí cho tiểu thuyết là một điều kiện cần thiết nhưng chưa đầy đủ (…) không khí chỉ là môi trường cho nhân vật cử động thôi, thành thử nhân vật vẫn là trọng tâm của tiểu thuyết gia”(16). Qua cuộc thảo luận về nhân vật tiểu thuyết trên tạp chí sáng tạo, ta thấy việc xác định vai trò nhân vật tiểu thuyết trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam còn có ý kiến chưa thống nhất. Nhưng quan niệm về sự hiện hữu của nhân vật trong tiểu thuyết là một điều đã được khẳng định. Song không chỉ ở cuộc thảo luận này vấn đề nhân vật tiểu thuyết mới được nói đến mà ở một số công trình nghiên cứu về tiểu thuyết, các nhà lý luận phê bình cũng đã bày tỏ quan niệm của mình. Nhất Linh trong tác phẩm “Viết và đọc tiểu thuyết” cho rằng “Viết tiểu thuyết là tả cuộc đời mà trong đó hầu hết là tả con người”(17), mà con người trong tiểu thuyết, không gì khác đó chính là nhân vật tiểu thuyết. Với Doãn Quốc Sỹ trong công trình nghiên cứu “Văn học và tiểu thuyết” đã khẳng định:“Đối tượng của kịch cũng như tiểu thuyết là những nhân vật hành động”(18). Còn theo Võ Phiến“Người làm thơ có thể không cần biết tới ai ngoài mình, không cần nói tới ai ngoài mình (…) còn lại các nhà viết kịch, các họa sĩ và các người viết tiểu thuyết, những người này thì phải đẻ ra nhân vật”(19).
Như vậy, dù còn có những ý kiến khác nhau trong cách nhìn về vai trò của nhân vật tiểu thuyết nhưng trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, nhân vật là linh hồn, là yếu tố không thể thiếu trong tiểu thuyết, ở nhân vật có thể tìm thấy “bộ mặt con người”. Nói một cách khác, nhân vật là chiếc cầu nối giữa “cuộc đời thực” với “cuộc đời có vẻ thực” trong tiểu thuyết. Qua thế giới nhân vật, người đọc sẽ tìm thấy những vấn đề nhân sinh mà tác giả muốn gửi gắm, muốn sẻ chia. Vì vậy, quan niệm về phương thức xây dựng nhân vật tiểu thuyết cũng là một vấn đề mà khi nghiên cứu về tiểu thuyết không thể không đề cập đến.
Trong chuyên luận “xây dựng tác phẩm tiểu thuyết” Nguyễn Văn Trung cho rằng “Nhà văn nào cũng có ý nghĩ của mình về cuộc đời và khi cầm bút viết tức là muốn dựng lên một thế giới con người và sự vật nhằm thể hiện những ý nghĩ đó. Cho nên hai yếu tố cấu tạo chính của tác phẩm tiểu thuyết là nhân vật và sự vật. Vậy phải xây dựng một nhân vật thế nào trong truyện? Câu hỏi đó đặt vấn đề kỹ thuật xây dựng”(20). Và để trả lời câu hỏi này, Nguyễn văn Trung cho rằng việc xây dựng nhân vật tiểu thuyết bao giờ cũng tùy thuộc vào quan niệm về con người của nhà văn. Và ứng với mỗi quan niệm về con người là một phương thức xây dựng nhân vật tiểu thuyết. Theo ông, nếu quan niệm tiểu thuyết là một quang cảnh thì “dù khác nhau về quan điểm nhìn tất cả đều giống nhau ở chỗ: công nhận tác giả khác nhân vật.”(21). Còn nếu quan niệm tiểu thuyết là một ý thức thì “Tác giả là chính nhân vật, hay chính nhân vật nhìn cuộc đời, nhìn mình.”(22). Và nếu quan niệm tiểu thuyết là một phản tiểu thuyết thì: “Họ từ chối nhân vật vì không “có” con người trong tác phẩm, không có phân tích tâm tình, cảm nghĩ gì cả. Vì không có nhân vật nên không có “truyện” để kể, truyện hiểu theo nghĩa một câu chuyện có những tình tiết gay go, đặc biệt, li kì hay phức tạp đáng kể như trong tiểu thuyết cũ. Không có “truyện” cũng không có “tình tiết” vì chủ đích của nhà văn không phải là kể chuyện nhưng là lấy một vài sự việc nhỏ tầm thường để thể hiện một cái nhìn đặc biệt về cuộc đời bằng cách sử dụng những kỹ thuật diễn tả đặc biệt”(23)
M.Bakhtin trong tác phẩm “lý luận và thi pháp tiểu thuyết” cho rằng: “Tiểu thuyết không có những qui phạm như những thể loại khác”(24). Do đó quan niệm về phương thức xây dựng nhân vật tiểu thuyết cũng là một quan niệm không bao giờ bị “đông cứng”. Chính vì vậy trong lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, không chỉ có Nguyễn Văn Trung bàn đến vấn đề phương thức xây dựng nhân vật tiểu thuyết mà nhiều nhà nghiên cứu khác cũng quan tâm.
Trong cuộc thảo luận về “nhân vật tiểu thuyết” do Tạp chí Sáng tạo tổ chức, Duy Thanh cho rằng “nhà tiểu thuyết chỉ xây dựng những nhân vật quen thuộc với mình, những nhân vật mà mình có hiểu biết về họ, sống với họ.”(25) Chính nỗi ám ảnh về nhân vật là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhà văn “Nhân vật và nỗi ám ảnh của tác giả nó như những sự vật bị hút vào một lòng trái đất. Có thể tác giả dựng một cách khách quan nhiều nhân vật với những nết hay tật xấu khác nhau nhưng sự hiện diện của toàn thể các nhân vật đó đủ để chứng minh một cái gì. Cái gì đó chính là nỗi ám ảnh của tác giả.”(26). Còn Nhất Linh trong “Viết và đọc tiểu thuyết” thì quan niệm “Không thể nào viết truyện hay nếu nhân vật chỉ lờ mờ trong óc”(27). Vì thế, theo Nhất Linh, nhà văn trong quá trình xây dựng nhân vật tiểu thuyết cần phải chú ý đến bốn vấn đề: “tính tình, cử chỉ, lời nói, hình dáng”(28). Đây cũng chính là những yếu tố cơ bản tạo nên tính cách nhân vật tiểu thuyết.
Như vậy, trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, nhà văn chỉ có thể xây dựng nhân vật tiểu thuyết bằng chính vốn sống và sự hiểu biết về nhân vật. Và như thế, một vấn đề đặt ra trong phương thức xây dựng nhân vật tiểu thuyết, là giải quyết như thế nào mối quan hệ giữa nhân vật và tác giả. Có ý kiến cho rằng nhân vật trong tác phẩm là hình ảnh của tác giả. Nhưng cũng có ý kiến ngược lại. Vấn đề này, theo chúng tôi cần được hiểu một cách linh động hơn. Là sản phẩm do nhà văn sáng tạo, nhân vật tiểu thuyết tất nhiên phải là hình bóng, là hiện thân tư tưởng của nhà văn, vì “bản chất tiểu thuyết không có gì đố kỵ với tư tưởng, miễn là tư tưởng đừng thủ tiêu, đừng hút hết máu tươi và da thịt của nhân vật để chỉ còn lại những bộ xương khô”(29). Và “Ở những tác phẩm lớn của nhân loại về tiểu thuyết, tư tưởng cao sâu đều có cái duyên may gặp được những nhân vật sống, có cá tính, mang ra phô diễn. Nhân vật linh động là điều cần thiết, nhưng chưa đủ để làm ra tác phẩm vĩ đại.”(30). Nhưng dù nhân vật có là cái loa phát ngôn cho tư tưởng của nhà văn, thì nhân vật cũng không bao giờ là hình hài của tác giả, là đồng nhất với tác giả. Cho nên trong xây dựng nhân vật, nhà văn đừng bao giờ biến nhân vật thành chú lừa chở quá nhiều tư tưởng của mình. Vì trong quan niệm của Võ Phiến “Người đọc tiểu thuyết không thích bị đưa đi quá xa vào cái thế giới lạnh lẽo của ý tưởng thuần túy đến nỗi mất liên lạc với xã hội loài người. Đi đâu thì đi hãy để cho họ còn được tiếp xúc với cuộc sống ấm áp của những con người thực”(31). Bởi lẽ qua nhân vật, nhà văn muốn gửi gắm những ý tưởng của mình về đời người và người đời.
Tuy có mối liên hệ, gắn bó như thế nhưng trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, nhân vật tiểu thuyết dù có là “những mảnh đời”, là “nỗi ám ảnh” của tác giả thì vẫn luôn độc lập với tác giả. Bởi lẽ, khi nhà văn tạo ra nhân vật, nghĩa là đã cho nhân vật một đời sống riêng, một định mệnh riêng, từ đó nhân vật sẽ định liệu số phận của mình.Võ Phiến cho rằng “Tác giả tạo ra một nhân vật có cá tính hẳn hoi, mở đầu quyển truyện cho nhân vật khởi sự cuộc đời, rồi kết cục cuộc đời sẽ ra sao là tùy nhân vật tự định liệu lấy. Nhân vật cứ làm chủ lấy định mệnh của mình và tự do hành động theo bản tính”(32). Cho nên, khi xây dựng nhân vật tiểu thuyết, nhà văn phải tôn trọng tính độc lập của nhân vật, phải thấy được qui luật vận động nội tại của tính cách nhân vật. Bởi lẽ theo Võ Phiến “Nhân vật tiểu thuyết vốn hèn lắm, họ không chịu hi sinh cho cốt truyện, cho luận đề, cho ý tưởng cao đẹp nào cả (…) Ép họ hi sinh như thế thì họ chết non không kịp thành nhân dạng, đã thiệt hại cho họ mà “việc lớn” cũng không thành”(33). Tính độc lập của nhân vật còn thể hiện ở sự tiếp nhận nơi người đọc. Nếu chỉ là một hằng số minh họa cho tư tưởng của tác giả theo luận đề có sẵn, nhân vật tiểu thuyết sẽ không bao giờ có sức sống dài lâu. Bởi lẽ việc tiếp nhận là một biến số tương hợp với tầm đón đợi của người đọc. Do đó sẽ không bao giờ có nhân vật tiểu thuyết nào là mẫu số chung cho mọi thời mà nó luôn chuyển hóa theo sự tiếp nhận của người đọc ở mỗi thời. Muốn vậy nhà văn phải tôn trọng sự phát triển tự do của nhân vật. Đó cũng là quan điểm của Nguyễn văn Trung khi ông cho rằng “muốn cho nhân vật sống động hãy coi họ như những tự do, như những cuộc đời luôn luôn có những thay đổi bất ngờ, trong đó không một hành động nào xấu tốt có thể quyết định một cách hoàn tất cả cuộc đời đó.”(34). Nhân vật tiểu thuyết phải là một biến số, nghĩa là tự nó phải luôn có sự chuyển hóa để thích nghi với những biến sinh của đời sống thì mới tạo được sức sống trong lòng người. Đây cũng là điều Võ Phiến lưu ý nhà văn khi xây dựng nhân vật tiểu thuyết: “Nhân vật tiểu thuyết thuở đầu tiên là những kẻ phi thường, hành tung gây nên kinh ngạc. Sau đó đến một thời kì họ là những kẻ làm cho độc giả xúc động, thổn thức trong cõi lòng. Nhưng rồi đến lúc độc giả tinh tế trông thấy rõ tâm lý quá thô sơ của họ, nhân vật tiểu thuyết bèn vứt, bỏ mọi huênh hoang, hạ mình xuống làm những kẻ tầm thường như bất cứ ai ngoài đời. (…) Nhưng tầm thường rồi lại vẫn không được yên thân. Một thế hệ khác lại khám phá ra rằng họ chưa chân thực. Ngang tàng là giả dối, đắm đuối là giả dối, tầm thường trong khuôn phép lại cũng giả dối nốt. Lớp tác giả sau này phát giác rằng phía sau cái bề mặt đúng đắn, hợp lý, phía sau cái cuộc sống theo ước lệ xã hội đó – cái lớp vỏ rất mỏng ấy- còn có cái thế giới mênh mông của sinh hoạt bản năng, của những phản ứng phi lý, kì quặc, vô thường. Họ khai phá thế giới ấy và nhân vật tiểu thuyết hóa thành những kẻ dị thường, nhảm nhí, tự mâu thuẫn.”(35). Vì vậy, nếu nhà văn cứ biến nhân vật tiểu thuyết thành luận điểm minh chứng cho một luận đề có sẵn, thì nhân vật cũng chỉ là những đốm sáng nhạt nhòa, lụi tàn theo thời gian, theo những biến sinh của đời sống xã hội. Chính vì thế Nhất Linh trong tác phẩm “Viết và đọc tiểu thuyết” cho rằng việc viết tiểu thuyết luận đề “là cái lầm lớn nhất trong đời văn sĩ của tôi”(36) . Đồng thời để nói rõ hơn việc nhà văn sử dụng nhân vật minh họa cho luận thuyết tư tưởng của mình, Nhất Linh đã thành thực nhận ra: “Độ ấy tôi chỉ coi nhân vật như những quân cờ để đánh một ván bài, họ không phải là cái chính và chỉ dùng những chi tiết nào lợi cho cái ý chứng tỏ của mình không theo sát cuộc đời thực là mục đích chính của tiểu thuyết mà đổi cuộc đời thực đi để lại cho luận đề của mình”(37). Văn học bao giờ cũng là hiện thân những ngẫm ngợi của nhà văn về cuộc đời. Nhân vật tiểu thuyết không thể hằng sinh nếu nó không thực sự là những con người từ đời sống bước vào trang văn, và từ trang văn trở lại với cuộc đời “nghệ thuật không nên để vắng mặt con người thay vào những hình nộm”(38), vì theo Thanh Tâm Tuyền “tiểu thuyết là hình bóng cuộc đời. Và hình bóng còn thực hơn cả cuộc đời”(39).
Quả thật, nhân vật tiểu thuyết luôn có mối liên hệ với cuộc đời. Nó là hình bóng của con người, có tác động đến lối sống của con người.Cho nên trong phương thức xây dựng nhân vật, dù theo quan niệm nào, phương thức nào thì nhân vật tiểu thuyết cũng bắt nguồn từ cuộc đời thực và phải độc lập với tác giả. Nhân vật tiểu thuyết phải có đời sống riêng, số phận riêng phù hợp với sự phát triển tính cách của nhân vật và logíc của đời sống. Có như thế nhân vật mới có sức sống lâu dài trong lòng người người đọc. Cho nên, theo Thanh Tâm Tuyền, nếu đem nhân vật tiểu thuyết kiểm chứng ở ngoài đời sẽ thấy lối sống của nhân vật đã thấm vào người đời, “lối sống ấy càng bền bao nhiêu, tiểu thuyết càng sống lâu bấy nhiêu, và nhân vật hiện hình ở rất nhiều người ngoài đời”(40). Vì nói như Lê Tuyên: “Nhà tiểu thuyết sống với cuộc đời và mỗi nhịp sống như thế là một căn bản sáng tạo. Chính vì tiểu thuyết bao hàm sự sống nên vấn đề sống đối với sáng tạo tiểu thuyết rất quan trọng vì có sống mới đưa được cuộc đời từ ngoại giới vào nội tâm để làm chất liệu sáng tạo.”(41)
Đúng thế, cuộc sống vẫn luôn là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn của văn học. Nhà tiểu thuyết luôn tìm thấy ở cuộc đời những chất liệu để xây dựng tác phẩm, xây dựng nhân vật. Cho nên nhân vật tiểu thuyết vừa là sản phẩm lại vừa là chủ thể tác động đến cuộc sống. Trong cuộc đời không hiếm những con người lấy nhân vật tiểu thuyết làm khuôn mẫu, làm lẽ sống. Những nhân vật lý tưởng trong tiểu thuyết nhiều khi có sức ám ảnh rất lớn đối với con người ngoài cuộc đời. Nhưng không vì thế mà đồng nhất nhân vật tiểu thuyết với con người ngoài cuộc đời. Bởi vì nhân vật tiểu thuyết là nhân vật của hư cấu và tưởng tượng, là nhân vật có tính chất điển hình được xây dựng theo quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Vì theo Nguyễn Sỹ Tế, “Nhân vật tiểu thuyết là nhân vật của một thời đại nhất định nhưng nó cũng là nhân vật của mọi thời đại, nghĩa là nó vượt lên trên “thời đại tính” để đạt đến “trường cửu tính”(42).
Quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam cho rằng, nhân vật tiểu thuyết không hề tách rời cuộc đời là một quan niệm đúng đắn, có giá trị nhân văn. Đây không phải là một quan niệm mang tính khai phá, đó là sự tiếp biến quan niệm tiểu thuyết của lý luận phê bình văn học phương Tây và của dân tộc. Tuy nhiên nó vẫn có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn, góp phần hình thành hệ thống lý luận văn học ở đô thị miền Nam.
3. về cốt truyện tiểu thuyết
Cùng với nhân vật, cốt truyện cũng là một trong những yếu tố nghệ thuật cấu thành tác phẩm tiểu thuyết. Trong tác phẩm Viết và đọc tiểu thuyết, Nhất Linh cho rằng khi “chọn được đầu đề rồi, mình nghĩ qua cốt truyện”. Như vậy, Nhất Linh đã mặc nhiên thừa nhận yếu tố cốt truyện trong quá trình viết tiểu thuyết. Song trong quan niệm của mình, ông lại không coi trọng yếu tố cốt truyện.Vì theo ông “cái truyện” hay “cốt truyện” trong một tiểu thuyết không có gì quan trọng cả. Và nếu vẫn viết với ý định tạo ra một cuốn sách hay và lâu bền thì tốt hơn là đừng nghĩ đến truyện, đừng mất công xây dựng “truyện” một cách tài tình, khéo léo. Cần có ngay cái đại cương là đủ rồi.”(43). Xuất phát từ quan niệm coi nhẹ vai trò của cốt truyện, nên Nhất Linh cho rằng giá trị của tiểu thuyết không phải ở cốt truyện mà chính ở tài năng của tác giả trong việc xây dựng nhân vật, “cuốn Kiều sống mãi vì có những nhân vật sống như ở đời người thực từ ý nghĩ đến lời nói, cử chỉ”(44). Quan niệm của Nhất Linh có những điểm tương hợp với quan niệm lý luận văn học hiện đại về cốt truyện trong tiểu thuyết. Nghĩa là trong tiểu thuyết hiện đại không nhất thiết phải có cốt truyện như tiểu thuyết truyền thống.
Khác với Nhất Linh, Doãn Quốc Sỹ trong “Văn học và tiểu thuyết”, không đề cao cũng không coi nhẹ cốt truyện mà thừa nhận cốt truyện là một trong những yếu tố chính của tiểu thuyết. Theo ông “Nhân vật với cốt truyện như hình với bóng”(45). Chính vì vậy mà “rất khó phân biệt cho riêng rẽ giữa cốt truyện (hay tình tiết) với nhân vật”(46). Doãn Quốc Sỹ quan niệm “cốt truyện là gì, nếu không là hành động, những phản ứng của các nhân vật với nhau, hoặc giữa các nhân vật với hoàn cảnh đương đại (…) có những chuyện chú trọng nhiều đến hành động bên ngoài của nhân vật. Có những truyện lại chú trọng về những suy tư, những biến chuyển nội tâm của nhân vật, nhưng dù hành động bên ngoài hay suy tư bên trong thì truyện vẫn phải có cốt truyện (tình tiết) và nhân vật”(47)
Như vậy, theo Doãn Quốc Sỹ, tiểu thuyết bao giờ cũng có cốt truyện. Và cốt truyện luôn gắn với những chuyển biến nội tâm của nhân vật. Và “để kích thích tò mò của độc giả, tác giả thường dựng lên những tình tiết u uẩn hồi hộp khiến độc giả đọc tới đấy tự nhiên thấy thắc mắc mà tự hỏi rồi việc gì sẽ xảy ra.”(48). Đây chính là yếu tố tạo nên lực hút nơi độc giả. Cốt truyện càng rắc rối tính hấp dẫn càng tăng cao. Vì thế “Ngoài việc cốt truyện làm độc giả thắc mắc việc gì sẽ xảy ra, tác giả còn làm độc giả thắc mắc khi nêu thành vấn đề cần giải quyết, có khi cốt truyện rắc rối hơn, truyện này lăng líu tới truyện nọ, vấn đề này vừa giải quyết vấn đề khác đã xuất hiện trầm trọng hơn, cứ như vậy độc giả bị cuốn dẫn đến tột điểm kịch bản (climax) của cốt truyện”(49). Rõ ràng “cốt truyện” trong quan niệm của Doãn Quốc Sỹ là yếu tố làm nên giá trị của tiểu thuyết, là một phương diện thể hiện tài năng của nhà văn và tạo nên lực hấp dẫn đối với người đọc trong việc tiếp nhận tác phẩm tiểu thuyết. Đây là quan niệm lý luận văn học truyền thống, một quan niệm đề cao vai trò của cốt truyện như một đơn vị cấu thành tác phẩm tiểu thuyết.
Còn Võ Phiến, trong tác phẩm “Tiểu thuyết hiện đại”, trên cơ sở phân tích tiến trình vận động của cốt truyện trong tiểu thuyết, tác giả cho rằng giá trị của tiểu thuyết liên quan đến sự thay đổi trong quan niệm về cốt truyện. “Đã có một thời cái giá trị ấy ở chỗ nó làm ta hồi hộp vì truyện li kì, có thời nó ở chỗ làm ta thấm thía vì những nhận xét thấu đáo sâu sắc, tại sao vào một thời kì khác nó lại không thể ở chỗ gây cho ta sự hoang mang nghĩ ngợi về vấn đề triết lý siêu hình”(50). Chính vì vậy, theo tác giả, người đọc cần có quan niệm đúng đắn về vai trò của cốt truyện phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kì trong sự vận động của thể loại, không thể “đi thưởng thức tác phẩm của giai đoạn sau này với quan niệm của các giai đoạn trước”(51). Theo ông, sự thay đổi trong quan niệm về tiểu thuyết sẽ là tiền đề dẫn đến sự thay đổi trong quan niệm về vai trò của cốt truyện. Trong quá trình vận động của tiểu thuyết, vai trò cốt truyện ngày càng mờ nhạt và có thể sẽ mất hẳn trong loại “tiểu thuyết mới” khi mà “tiểu thuyết tới đây không còn là vẽ lại cuộc đời nữa mà chuyện đặt ra những băn khoăn hỏi về cuộc đời”(52). Vì vậy theo tác giả nếu vẫn giữ quan niệm tiểu thuyết bao giờ cũng phải có cốt truyện thì “những độc giả đi tìm cốt truyện có khi ngơ ngác hoặc trước cảnh đầu Ngô mình Sở; hoặc trước chút truyện quá nghèo nàn, hoặc trước một câu chuyện quá đỗi vô lý; có khi cũng vẫn có thể tìm thấy một truyện có đầu có đuôi, nhưng không lấy gì làm hồi hộp lý thú. Còn những độc giả đi tìm sự thực linh động vẫn có thể gặp ít nhiều sự việc có thực, nhưng không hề được phân tích sâu xa, trình bày tỉ mỉ cho xứng ý. Họ chỉ có thể thực sự thưởng thức những tác phẩm như thế khi họ chấp nhận quan điểm của chính lớp tiểu thuyết gia giai đoạn này.”(53). Vì thế, theo Võ Phiến để có cái nhìn phù hợp với sự vận động của tiểu thuyết, người đọc cũng phải trang bị cho mình những tri thức hiện đại về tiểu thuyết, cũng như phải tự điều chỉnh quan niệm của mình, chuẩn bị một tầm đón đợi mới, có như thế mới tránh được những ngộ nhận đáng tiếc vì “lấy tiêu chuẩn của giai đoạn này mà phán đoán tác phẩm của giai đoạn kia, thế nào cũng không vừa ý. Lấy con mắt của người đọc Tây Du Ký mà nhìn vào Bướm trắng của Nhất Linh tất phải kêu là không phải tiểu thuyết chân chính. Cũng như lấy con mắt của kẻ quen đọc Bướm trắng mà nhìn vào Tòa lâu đài của Kafka tự nhiên cũng có cảm tưởng như thế.”(54). Rõ ràng, quan niệm của võ Phiến về cốt truyện là quan niệm của lý luận văn học hiện đại, ảnh hưởng trào lưu tiểu thuyết mới của phương Tây. Đó là trào lưu mà trong quan niệm của họ, nhân vật và cốt truyện không là yếu tố nhà văn quan tâm khi xây dựng tác phẩm tiểu thuyết.
Như vậy, trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam cốt truyện dù có hay không có, dù quan trọng hay không quan trọng, thì vẫn là yếu tố trong hình thức nghệ thuật của tiểu thuyết. Đồng thời cốt truyện cũng luôn vận động và phát triển theo quá trình vận động của thể loại tiểu thuyết. Đây là quan niệm đan xen giữa lý luận văn học truyền thống và hiện đại. Việc nhìn nhận sự biến đổi của cốt truyện gắn với sự biến đổi quan niệm tiểu thuyết hoàn toàn phù hợp với tư tưởng hiện đại của khuynh hướng phê bình tiểu thuyết mới trong những giai đoạn trước cũng như các loại tiểu thuyết thời kì hậu hiện đại.
Rõ ràng, từ quan niệm của loại tiểu thuyết có cốt truyện đến quan niệm của thể loại tiểu thuyết không có cốt truyện và vắng bóng con người là một quá trình tiệm tiến trong sự vận động và phát triển của tiểu thuyết – một thể loại không bao giờ bị “đông cứng” theo quan niệm của Bakhtin. Và như vậy quan niệm về tiểu thuyêt của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền nam 1954-1975 cũng là một quan niệm luôn vận động và phát triển trong tư duy lý luận. Nó góp phần hoàn thiện quan niệm tiểu thuyết cũng như xác lập hệ thống quan niệm về thể loại văn học trong lý luận phê bình dân tộc trên hành trình tiếp cận với tư duy lý luận phê bình hiện đại của thế giới./.
Chú thích
(1) (24) M.Bakhtin lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch), Nxb Hội nhà văn, H, 2003, tr.23, tr.24
(2) (7) (8) (20) (21) (22) (23) (34) Nguyễn Văn Trung, Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn, 1965, tr.69 tr.168, tr.168, tr.78, tr.154, .tr.162, tr.179, tr.157
(3)Huỳnh Phan Anh, Duyên Anh tuổi trẻ mộng và thực, Vàng son xb,1972, tr.238
(4) Võ Phiến, Bách Khoa số 302, ra ngày 1/8/1969, tr.67
(5) Trần Văn Nam, Đi tìm một lối viết tiểu thuyết qua cuốn Đò dọc, Thời tập 10/10/1974, tr.13
(6)(9)(41) Lê Tuyên, Hiện hữu của tiểu thuyết, Đại học (tháng 4/1961), tr.154, tr.159, tr.161.
.(10) Nguyễn Đình Toàn, Văn số 120 ra ngày 15/12/1968, tr. 95.
(11)(12).(17)(27)(28)(36) (37)(43)(44) Nhất Linh, Viết và đọc tiểu thuyết, Đời nay xuất bản, Sài Gòn 1961, tr73, tr. 72, tr.52, tr.52, tr.53, tr.20, tr.21, tr.65, tr.63
(13) (29)(30) (38) Võ Phiến, Tạp bút, Thời mới xuất bản, Sài Gòn 1969, tr.20, tr.30, tr.30, tr. 27
(14) Trần Thanh Hiệp, Nhân vật trong tiểu thuyết, Sáng tạo, Sài Gòn 1965, tr. 93-94)
(15) Thanh Tâm Tuyền, Nhân vật trong tiểu thuyết, Sáng tạo, Sài Gòn 1965, tr.95)
(16) Tô Thùy Yên, Nhân vật trong tiểu thuyết, Sáng tạo, Sài Gòn, 1965, tr. 96)
(18) (45) (46) (47) (48) (49) Doãn Quốc Sỹ, Văn học và tiểu thuyết, Sáng tạo xuất bản ,Sài Gòn, 1973, tr.156, tr.169, tr.164 , tr.165,tr.166, tr.166
(19)(31)(32)(33) Võ Phiến, Nhân vật tiểu thuyết, Văn nghệ số1 tháng 2/1961, tr.78, tr.80, tr. 80, tr.81
(25) Duy Thanh, Nhân vật tiểu thuyết, Sáng tạo, Sài Gòn, 1965 tr.100
(26) Doãn Quốc Sỹ, Nhân vật trong tiểu thuyết, Sáng tạo, Sài Gòn, 1965 tr.103
(35)(50)(51)(52) (53) (54) Tràng Thiên, Tiểu thuyết hiện đại, Thời mới xuất bản 1963, tr.72-73, tr.34, tr.37, tr.37, tr.38, tr. 39..
(39)(40) Thanh Tâm Tuyền, Nhân vật trong tiểu thuyết, Sáng tạo, Sài Gòn, 1965 tr.102, tr. 112
(42) Nguyễn Sỹ Tế, Nhân vật trong tiểu thuyết, Sáng tạo, Sài Gòn, 1965 tr.113