VẤN ĐỀ PHỤ NỮ VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – Khoa lý luận cơ sở – Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong

     1. Một trong những vấn đề xuyên suốt của các cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong lịch sử và cho đến nay nó vẫn là một trong những vấn đề nổi bật của thời đại chúng ta đó là quyền con người. Quyền con người, dĩ nhiên trước hết là quyền cho mỗi cá nhân, quyền được khẳng định mình là một chủ thể với những quyền lợi, nghĩa vụ như mọi người khác. Thế nhưng loài người đã từng vạch đôi xã hội, một nửa là nam giới, nửa kia là phụ nữ, trong đó phụ nữ đã từng bị hạn chế hoặc bị loại trừ khỏi những quyền con người cơ bản. Chính vì lẽ đó, vấn đề giải phóng con người, đặc biệt là giải phóng phụ nữ luôn được các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa quan tâm và ngày nay nó là vấn đề chung của toàn nhân loại, bởi lẽ, quan tâm đến phụ nữ cũng có nghĩa là quan tâm đến nguồn lực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người.

     Lịch sử xã hội đã chứng minh rằng sự tiến bộ của xã hội sẽ chậm lại nếu trong xã hội có một bộ phận đông đảo người bị áp bức bóc lột, bị hạn chế hoặc bị loại trừ. Vì vậy vấn đề giải phóng phụ nữ đã được đặt ra từ rất lâu. Từ giữa thế kỷ thứ XIX, chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời đã góp phần rất quan trọng trong việc giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ (bình đẳng giới) như là một trong những nội dung của cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đây cũng là một trong những đóng góp vĩ đại của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với sự phát triển của khoa học Giới trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

     Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, phụ nữ luôn giữ vị trí quan trọng và có những cống hiến to lớn, góp phần xây dựng truyền thống vẻ vang của dân tộc, đồng thời cũng tạo nên truyền thống của chính giới mình. Những tấm gương chói ngời của những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do cho dân tộc, cho đất nước như Bà Trưng, Bà Triệu; nữ tướng Bùi Thị Xuân, bà Nguyễn Thị Định, chị Út Tịch… Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ Việt Nam đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du…

     Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Điều này thể hiện Đảng ta đã quan tâm đến quyền bình đẳng của phụ nữ, sớm nhận rõ phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ. Chính vì vậy “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”1.

     Vì tầm quan trọng của phụ nữ với cách mạng, Đảng ta đặt vấn đề: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng như công hội, nông hội và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Vì thế, ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam chính thức được thành lập. Để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hàng năm làm ngày truyền thống của phụ nữ Việt Nam, đồng thời cũng xem đây là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày Phụ nữ Việt Nam”.

     2. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhiều bước đột phá về nhận thức và hành động, từ khía cạnh luật pháp, chính sách đến thực tiễn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng hơn 20 năm qua. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Ngay từ năm 1946, trong Hiến pháp đầu tiên của chế độ mới, mục tiêu bình đẳng giới đã được ghi nhận. Tiếp đó, trong các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, việc bảo đảm bình đẳng giới đều được quy định rõ ràng. Hiến pháp năm 2013 quy định “công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới” và “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Bên cạnh đó, Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007) được triển khai thực hiện. Nhiều bộ luật khác có liên quan mật thiết đến quyền lợi của nam giới và nữ giới như Luật Phòng, chống mua bán người (năm 2012), Bộ luật Lao động (năm 2012), Luật Việc làm (năm 2013),… đều được lồng ghép vấn đề giới. Bên cạnh đó, có nhiều Nghị định và văn bản dưới luật được ban hành để cụ thể hóa các nội dung của Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

     Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, bộ máy quốc gia về bình đẳng giới cũng được củng cố. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới trên phạm vi toàn quốc. Để thực hiện chức năng này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thành lập Vụ Bình đẳng giới. Các bộ, ngành khác phân công đầu mối tham mưu công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Ở địa phương, các tỉnh, thành phố đã thành lập phòng bình đẳng giới hoặc bố trí 1 cán bộ đầu mối làm công tác bình đẳng giới. Đối với cấp huyện và cấp xã, hầu hết cán bộ phòng lao động – thương binh và xã hội và cán bộ văn hóa xã hội được phân công làm kiêm nhiệm công tác này. Ngoài ra, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam – một tổ chức phối hợp liên ngành thành lập từ năm 1993, vẫn tiếp tục được kiện toàn và nâng cao chất lượng, gồm các thành viên là đại diện của nhiều bộ, ngành và cơ quan Trung ương, giúp phối hợp hoạt động có hiệu quả từ các ban, ngành vì mục tiêu bình đẳng giới. 

     Có thể nói, việc bảo đảm quyền bình đẳng giới đạt được nhiều thành tựu lớn. Hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện. Cấp ủy, chính quyền các cấp có chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về thực hiện bình đẳng giới. Quyền bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, bảo vệ sức khỏe, đời sống gia đình,… được thực hiện đầy đủ hơn.

     Tuy nhiên, khoảng cách giới còn tồn tại khá lớn trong một số lĩnh vực của cuộc sống. Trước hết là sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung và so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ. Định kiến giới truyền thống về vai trò của phụ nữ, gắn phụ nữ với công việc chăm sóc gia đình và nam giới với việc kiếm tiền giúp gia đình vẫn còn tồn tại. Chính sách, cơ chế công tác cán bộ nữ chưa triển khai đồng bộ, thiếu một lộ trình tạo nguồn cán bộ cụ thể.

     Trong lĩnh vực kinh tế, cơ hội của phụ nữ tiếp cận việc làm có thu nhập cao và các nguồn lực kinh tế vẫn còn thấp hơn so với nam giới. Một số chỉ tiêu đặt ra ở Chiến lược quốc gia bình đẳng giới về lao động, đào tạo,… vẫn chưa đạt được. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 11,8% năm 2013, bằng gần một nửa so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các công việc dễ bị tổn thương cao hơn nam giới; phụ nữ chiếm tỷ lệ cao hơn trong khu vực phi chính thức của thị trường lao động. Họ kiếm được ít thu nhập hơn và ít được pháp luật về lao động bảo vệ và ít được tiếp cận trực tiếp với sự bảo trợ xã hội. 

     Về mặt chăm sóc sức khỏe, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế. Tỷ suất tử vong mẹ còn cao so với một số nước trong khu vực. Định kiến giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn khá phổ biến. Phụ nữ vẫn được coi là người đảm nhận chính công việc chăm sóc gia đình, nam giới vẫn được kỳ vọng trở thành người thành đạt, bảo đảm kinh tế cho gia đình. Mặc dù phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các quyết định trong gia đình, song nam giới vẫn là người ra các quyết định chính. Điều này đang tạo ra những rào cản đối với sự lựa chọn các cơ hội phát triển của cả nam và nữ. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ tồn tại khá nghiêm trọng. Nhận thức về pháp luật của cán bộ và người dân về phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế. Tại không ít địa phương, các cấp chính quyền, cộng đồng coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư của mỗi gia đình. Chế tài thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa mạnh, chưa xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình.

     Về mặt luật pháp, một số văn bản hướng dẫn, thể chế hóa quy định của pháp luật liên quan đến bình đẳng giới chậm được ban hành. Việc triển khai quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đạt kết quả chưa cao.

     Nhìn chung, việc bảo đảm quyền bình đẳng giới ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có tiến bộ vượt bậc so với trước. Phụ nữ và nam giới có sự bình đẳng về thực chất trên các lĩnh vực cuộc sống, tuy nhiên, việc thực hiện quyền bình đẳng giữa nam và nữ còn nhiều hạn chế. Vậy làm thế nào để thực hiện tốt hơn nữa bình đẳng giới ở nước ta hiện nay, theo tôi cần tập trung làm tốt một số giải pháp như: Thay đổi nhận thức về giới trong xã hội; thực hiện bình đẳng giới trên lĩnh vực kinh tế; xây dựng chính sách, pháp luật có trách nhiệm giới; tăng cường vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về phụ nữ…

     Có thể nói ở nước ta, trong giai đoạn hiện nay phụ nữ muốn được bình đẳng, được phát triển, hoàn thành tốt trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội thì công tác nghiên cứu về phụ nữ phải được đặt ra một cách nghiêm túc, với sự nỗ lực của toàn đảng, của các cấp, các ngành có liên quan đặc biệt là các nhà khoa học nghiên cứu về phụ nữ. Bên cạnh đó không thể thiếu vai trò, sự nỗ lực của chính phụ nữ./.

TS Nguyễn Thị Thu – Khoa Lý luận cơ sở

1Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb Phụ nữ, 1970, tr.33.