Vai trò của triết học trong đời sống xã hội

1. Vai trò thế giới quan 

+ Thế giới quan là toàn bộ những quan niệm của con người về thế giới, về vị trí con người trong thế giới cũng như về bản thân cuộc sống con người. Thế giới quan có vai trò quan trọng trong việc định hướng hoạt động của con người trong cuộc sống của mình ; bởi lẽ trong thế giới quan bao gồm không chỉ yếu tố tri thức mà trong đó còn có cả yếu tố tình cảm, niềm tin, lý tưởng, biểu hiện thái độ sống của con người.

Trong thế giới quan, mặc dù có cả các yếu tố khác như niềm tin, lý tưởng nhưng yếu tố tri thức đóng vai trò quyết định. Bởi lẽ, tri thức chính là nền tảng, cơ sở của sự xác lập niềm tin và lý tưởng.  Niềm tin của con người cần phải dựa trên cơ sở tri thức. Nếu niềm tin không được xây dựng trên cơ sở tri thức thì niềm tin đó sẽ biến thành niềm tin mù quáng. Tương tự, lý tưởng cũng phải dựa trên cơ sở tri thức. Nếu lý tưởng không dựa vào tri thức thì lý tưởng đó sẽ biến thành sự cuồng tín.

Tuy nhiên, tự bản thân tri thức chưa phải là thế giới quan. Tri thức chỉ gia nhập thế quan, trở thành một bộ phận của thế quan chừng nào nó chuyển thành niềm tin và cao hơn, chuyển thành lý tưởng sống của con người, mà vì lý tưởng sống đó, người ta sẵn sàng hy sinh bản thân mình. Bởi lẽ, chỉ khi nào tri thức chuyển thành niềm tin, lý tưởng thì tri thức đó mới trở nên bền vững, trở thành cơ  sở cho mọi hoạt động của con người.

 Như vậy có thể nói, thế giới quan có một kết cấu khá phức tạp, trong đó các yếu tố tri thức, niềm tin, lý tưởng của thế giới quan không tách rời nhau mà hoà quyện vào nhau, tạo thành một thể thống nhất trên cơ sở của tri thức để định hướng mọi hoạt động của con người. Thế giới quan đúng đắn là tiền đề quan trọng để xác lập một nhân sinh quan tích cực, biểu hiện bằng thái độ sống tích cực. Vì thế, trình độ phát triển của thế giới quan là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá về mức độ phát triển, trưởng thành của một cá nhân cũng như một cộng đồng nhất định. Chẳng hạn, thời kỳ nguyên thủy, con người nguyên thủy có thế giới quan huyền thoại chứa đựng nhiều tư tưởng phi thực tế, phi khoa học, điều đó cho thấy trình độ quá lạc lậu, mông muội của họ.

+ Khi nói tới tri thức trong thế  giới quan, người ta cần phải nói tới toàn bộ tri thức ở mọi lĩnh vực, bao gồm tri thức khoa học tự nhiên, tri thức khoa học xã hội và cả tri thức triết học, cũng như cả kinh nghiệm sống của con  người. Tuy nhiên, trong tất cả các tri thức đó, tri thức triết học chính là nhân tố cốt lõi nhất, trực tiếp nhất tạo nên thế giới quan. Sở dĩ vậy bởi lẽ, xuất phát từ bản chất của mình, triết học và chỉ có triết học mới đặt ra, một cách trực tiếp, rõ ràng  để rồi tìm lời giải đáp cho các vấn đề mang tính thế giới quan như bản chất thế giới là gì? Con người có quan hệ thế nào với thế giới? Con nguời có vị trí và vai trò gì trong thế giới  này? v.v… Mặt khác, với nét đặc thù của mình là một loại hình lý luận, triết học đã cho phép diễn tả thế giới quan của con người dưới dạng một hệ thống các phạm trù trừu tượng, khái quát. Qua đó, triết học đã tạo nên một hệ thống lý luận bao gồm những quan điểm chung nhất về thế giới như một chỉnh thể, trong đó có con người và mối quan hệ giữa con người với thế giới xung quanh.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, mặc dù trong thế giới quan ngoài yếu tố tri thức còn có niềm tin, lý tưởng v.v…, hơn nữa trong yếu tố tri thức của thế giới quan không phải chỉ có tri thức triết học mà còn có cả các tri thức khác (bao gồm tri thức khoa học cụ thể và tri thức kinh nghiệm), song tri thức triết học đóng vai trò là hạt nhân lý luận của thế giới quan.

+ Triết học, với tư cách là hạt nhân lý luận của thế giới quan, khi ra đời đã đem lại cho thế giới quan một sự thay đổi sâu sắc. Với những đặc điểm đặc thù của mình, triết học đã làm cho sự phát triển của thế giới quan chuyển từ trình độ tự phát, thiếu căn cứ thực tiễn, phi khoa học, nặng về cảm tính, lên trình độ tự giác, có cơ sở thực tiễn và cơ sở khoa học, giàu tính trí tuệ, lý tính.  Điều đó tạo cơ sở để con người có thể xây dựng, một thái độ sống đúng đắn, tích cực, biểu hiện ở việc giải quyết các vấn đề thực tiễn nảy sinh trong cuộc sống của mình.

Có thể khẳng định, việc tìm hiểu, học tập triết học là một tiền đề quan trọng để nâng cao hiểu biết, trình độ và năng lực tư duy lý luận để từ đó xây dựng được một thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của thế giới và của thời đại.

2. Vai trò phương pháp luận 

+ Phương pháp luận được hiểu ngắn gọn là lý luận về phương pháp. Phương pháp luận biểu hiện là một hệ thống những quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người.

+ Triết học với tư cách là hệ thống quan điểm lý luận về thế giới, không chỉ biểu hiện là một thế giới quan nhất định mà còn biểu hiện là một phương pháp luận phổ biến chỉ đạo mọi hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người. Bởi vì, bất kỳ một lý luận triết học nào ra đời, thể hiện một quan điểm, một sự lý giải nhất định về các sự vật, hiện tượng thì đồng thời cũng bộc lộ một phương pháp xem xét cụ thể (biện chứng hay siêu hình) về sự vật, hiện tượng đó. Hơn nữa, lý luận triết học đó còn biểu hiện là một quan điểm chỉ đạo về phương pháp. Nói cách khác, mỗi một quan điểm lý luận triết học đồng thời là một nguyên tắc trong việc xác định phương pháp, là lý luận về phương pháp. Một học thuyết triết học đồng thời là một hệ thống các nguyên tắc chung, cơ bản nhất, là xuất phát điểm chỉ đạo mọi hoạt động nhận thức và thực tiễn.

Vai trò, chức năng phương pháp luận của một học thuyết triết học đối với đời sống con người càng to lớn khi học thuyết đó phản ánh đúng đắn, khoa học trạng thái tồn tại của thế giới khách quan. Việc tìm hiểu, học tập triết học không chỉ góp phần xây dựng một thế giới quan đúng đắn mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành một phương pháp luận chung thật sự đúng đắn, có thể đem lại kết quả tích cực trong hoạt động nhận thức và thực tiễn của mỗi con người.

Tóm lại, triết học đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của đời sống xã hội. Việc tìm hiểu, vận dụng triết học là một điều kiện không thể thiếu của việc nâng cao hiểu biết và năng lực tư duy lý luận, là điều kiện quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng dân tộc. Ph.Ăngghen đã từng khẳng định: “Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận” ( ). Đồng thời ông cũng chỉ rõ “Nhưng tư duy lý luận chỉ là một đặc tính bẩm sinh dưới dạng năng lực của con người ta mà có thôi. Năng lực ấy cần phải được phát triển hoàn thiện, và muốn hoàn thiện nó thì cho tới nay, không có một cách nào khác hơn là nghiên cứu toàn bộ triết học thời trước” ( ).