Vai trò của Nhà nước trong hình thành và điều tiết kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Thứ tư, 28 Tháng 12 2022 14:44

3043 Lượt xem

(LLCT) Bài viết nêu khái quát một số học thuyết về kinh tế và chỉ rõ vai trò của nhà nước đối với kinh tế, mối quan hệ nhà nước và kinh tế. Từ đó, khẳng định vai trò tất yếu của Nhà nước Việt Nam trong quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xác định nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những năm qua, Nhà nước đã tích cực xây dựng khung khổ pháp lý, ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển nền kinh tế hàng hóa với nhiều hình thức sở hữu theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế thị trường định hướng XHCN không phải là sản phẩm chủ quan của tư duy thuần túy mà là sự tổng kết từ thực tiễn, kế thừa và phát triển các lý thuyết về kinh tế thị trường, là mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam – Ảnh: tuyengiao.vn

1. Nhà nước và vai trò kinh tế của nhà nước

Theo V.I.Lênin, khái niệm “nhà nước” là để chỉ bộ máy nhà nước trong xã hội có giai cấp: “đặc trưng của nhà nước là sự tồn tại của một giai cấp đặc biệt, tập trung quyền lực trong tay. Dĩ nhiên, không ai có thể dùng hai tiếng nhà nước để gọi một cộng đồng, trong đó tất cả mọi thành viên đều thay phiên nhau quản lý “tổ chức của trật tự”(1).

Xét về bản chất giai cấp của nhà nước thì: “Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Bất cứ đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được, thì nhà nước xuất hiện. Và ngược lại: sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hòa được”(2).

Có thể thấy, nhà nước là một tổ chức chính trị – xã hội, mang tính giai cấp, tập trung quyền lực để giải quyết những mâu thuẫn của các giai cấp trong xã hội. Xã hội càng phát triển thì vai trò của nhà nước càng tăng lên nhằm duy trì trật tự xã hội, bảo đảm sự phát triển.

Quan điểm của các trường phái về chức năng của nhà nước:

Trong giai đoạn tự do cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản:

Chủ nghĩa trọng thương ra đời vào khoảng thế kỷ XV-XVII đã đề cao vai trò quản lý kinh tế của nhà nước như: nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ, tích luỹ tiền tệ, không cho tiền (vàng) chạy ra nước ngoài.

“Thuyết bàn tay vô hình”của Adam Smith (1723-1790) cho rằng hoạt động của toàn bộ nền kinh tế là do các quy luật khách quan chi phối, với nguyên lý “Nhà nước không can thiệp” vào hoạt động kinh tế. Tuy vậy, ông không chống lại vai trò kinh tế của nhà nước mà chỉ chống lại sự can thiệp sai trái của nhà nước.

Léon Walras (1834-1910) với “Thuyết cân bằng tổng quát” định hướng nhà nước can thiệp vào quá trình sản xuất, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, hạn chế đầu cơ, ổn định giá phù hợp với tiền lương.

Trong giai đoạn của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước:

“Thuyết bàn tay hữu hình” của John Maynard Keynes (1883-1946) đã đánh giá cao vai trò của kinh tế nhà nước; các chính sách kinh tế của nhà nước tác động đến nền kinh tế thị trường.

Chủ nghĩa tự do mới được phát triển với nhiều tên gọi khác nhau như: kinh tế thị trường xã hội của Tây Đức; chủ nghĩa bảo thủ ở Mỹ; chủ nghĩa cận biên mới của Áo… là chủ trương cho nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường nhưng có sự điều tiết của nhà nước ở một mức độ nhất định. Sự can thiệp của nhà nước không được hạn chế sự phát triển của thị trường mà phải tạo điều kiện cho thị trường vận động một cách bình thường, nghĩa là phải bảo vệ sự tự do cạnh tranh(3).

Chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng: cơ chế thị trường là cơ chế tốt nhất điều tiết nền kinh tế hàng hóa một cách có hiệu quả, tuy nhiên, có nhiều khuyết tật vì vậy cần có sự quản lý của nhà nước.

Những luận điểm trên cho thấy: tất cả các nhà nước đã và đang tồn tại không có nhà nước nào phi kinh tế, đứng bên ngoài hay bên trên nền kinh tế. Sự ra đời của nhà nước bao giờ cũng có nguồn gốc từ nguyên nhân kinh tế. Bất kỳ hoạt động của nhà nước sẽ kìm hãm hoặc thúc đẩy kinh tế.

Mỗi thể chế kinh tế đòi hỏi một tổ chức nhà nước riêng phù hợp với yêu cầu của nó. Nhà nước phải tổ chức bộ máy, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ của mình với sự vận động biến đối của nền kinh tế.

2. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Kinh tế thị trường là nền kinh tế trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường và mục đích của các chủ thể kinh tế là tìm kiếm lợi nhuận theo sự dẫn dắt của giá cả thị trường.

Kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa phát triển ở trình độ cao. Khi tất cả các quan hệ kinh tế trong quá trình tái sản xuất xã hội đều được tiền tệ hóa, các yếu tố của sản xuất như: đất đai và tài nguyên, vốn bằng tiền và vốn vật chất, sức lao động, công nghệ và quản lý, các sản phẩm dịch vụ tạo ra, chất xám đều là hàng hóa.

Hai vấn đề quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường là nền kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường theo Samuelson là một hình thức tổ chức kinh tế trong đó cá nhân người tiêu dùng và các nhà kinh doanh tác động lẫn nhau trên thị trường để xác định ba vấn đề trung tâm của tổ chức kinh tế đó là: sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai. Như vậy, nền kinh tế thị trường là một cơ chế tinh vi để phối hợp một cách không tự giác nhân dân và doanh nghiệp thông qua hệ thống giá cả và thị trường. Nó là một phương tiện để tập hợp tri thức và hành động của hàng triệu cá nhân khác nhau, không có bộ não trung tâm nó vẫn giải được bài toán mà máy tính lớn nhất ngày nay cũng không thể giải nổi.

Tại Đại hội IX, Đảng chỉ rõ, cơ chế thị trường là cơ chế tự điều tiết nền kinh tế hàng hóa do sự tác động của các quy luật kinh tế vốn có của nó, cơ chế đó giải quyết ba vấn đề cơ bản của tổ chức kinh tế là cái gì, như thế nào và cho ai. Cơ chế thị trường bao gồm các yếu tố cơ bản là cung, cầu và giá cả hàng hóa.

Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một kiểu tổ chức kinh tế của một xã hội đang trong quá trình chuyển biến từ nền kinh tế có trình độ thấp sang nền kinh tế có trình độ cao hơn – xã hội XHCN. Đây là nền kinh tế thị trường có tổ chức, có sự lãnh đạo của đảng cộng sản và sự quản lý của nhà nước XHCN, được định hướng cao về mặt xã hội, hạn chế tối đa những khuyết điểm của tính tự phát thị trường, nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích của đại đa số nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Đảng ta chỉ rõ, mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN là tiền đề cần thiết cho sự phát triển của đất nước: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội”(4). Đồng thời, Đảng ta cũng nhấn mạnh mục đích phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là: “phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân…”(5).

Kinh tế thị trường định hướng XHCN không phải là sản phẩm chủ quan của tư duy thuần túy mà là sự tổng kết từ thực tiễn, kế thừa và phát triển các lý thuyết về kinh tế thị trường và là mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam(6). Kinh tế thị trường định hướng XHCN là tên gọi một hệ thống kinh tế được Đảng Cộng sản Việt Nam sáng tạo và chủ trương triển khai tại Việt Nam từ thập niên 1990.

Kế thừa và phát triển nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN qua các đại hội Đảng từ khi đổi mới đến nay, Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta… Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế… phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”(7).

3. Thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Trong suốt 35 năm qua, kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; nợ công giảm, nợ xấu được kiểm soát. Mặc dù năm cuối nhiệm kỳ (2016-2020), đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền Trung đã tác động nặng nề tới mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn này vẫn đạt khoảng 6%/năm (riêng năm 2020 tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,91%, là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới). Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên (năm 2020, GDP đạt 271,2 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD/người). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 – 2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016 – 2020(8).

Đạt được những thành tựu nêu trên là do đã phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, năng động, sáng tạo của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị, sự quản lý điều hành hiệu quả của Nhà nước dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Đại hội XIII của Đảng cũng khách quan, thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế như:

 

Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một kiểu tổ chức kinh tế của một xã hội đang trong quá trình chuyển biến từ nền kinh tế có trình độ thấp sang nền kinh tế có trình độ cao hơn – xã hội XHCN. Đây là nền kinh tế thị trường có tổ chức, có sự lãnh đạo của đảng cộng sản và sự quản lý của nhà nước XHCN, được định hướng cao về mặt xã hội, hạn chế tối đa những khuyết điểm của tính tự phát thị trường, nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích của đại đa số nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn chưa hoàn thiện. Chất lượng luật pháp và chính sách ở một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự thông thoáng.

Trình độ công nghệ của nền kinh tế nhìn chung còn thấp. Nhiều doanh nghiệp nhà nước chậm thực hiện cơ cấu lại và đổi mới cơ chế quản trị. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính và quản trị chưa hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài công nghệ trung bình, gia công, lắp ráp, thiếu gắn kết, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác còn chậm, nhiều hợp tác xã chưa làm tốt vai trò liên kết, hỗ trợ kinh tế hộ.

Thực hiện cơ chế thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ công còn nhiều lúng túng. Một số loại thị trường, phương thức giao dịch thị trường hiện đại chậm hình thành và phát triển, vận hành còn chưa hiệu quả, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đồng bộ. Hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế có mặt chưa cao.

Vốn vay nước ngoài giải ngân chậm và sử dụng vẫn còn hạn chế. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thiếu chọn lọc; sự kết nối và chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế…

Từ những thành tựu, hạn chế của nền kinh tế nước ta trong thời gian qua, thấy rõ vai trò của Nhà nước, vai trò của kinh tế thị trường trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế:

Thứ nhất, góp phần hạn chế mặt trái của kinh tế thị trường; thực hiện xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện công bằng xã hội: “Bảo đảm cơ bản an sinh xã hội, quan tâm nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân; thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách đối với người có công; tiếp tục cải thiện chính sách tiền lương; mở rộng bảo hiểm xã hội; tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt trên 90%. Hệ thống tổ chức y tế tiếp tục được kiện toàn. Quy mô, năng lực, chất lượng y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân có bước phát triển, tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%; nhà ở xã hội được quan tâm”(9).

Thứ hai, góp phần quan trọng trong công tác quản lý nền kinh tế thị trường, định hướng nền kinh tế nước ta phát triển theo “đúng quỹ đạo” của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN: “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động; điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường”(10).

Thứ ba, trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở nước ta, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước: kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Đây là chức năng quan trọng của kinh tế nhà nước, đồng thời cũng là điểm đặc trưng khác biệt, tiến bộ của kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam. 

Việc xác lập vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là vấn đề có tính nguyên tắc và là sự khác biệt cơ bản giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN với kinh tế thị trường tư bản.

Thứ tư, tính định hướng XHCN của kinh tế thị trường ở nước ta đã quy định kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần. Bởi lẽ, mỗi một chế độ xã hội đều có một cơ sở kinh tế tương ứng, kinh tế nhà nước dựa trên chế độ công hữu, bao gồm kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác, tạo cơ sở kinh tế cho chế độ xã hội mới – XHCN.

4. Gợi ý chính sách

Trên cơ sở phân tích bối cảnh và định hướng chiến lược phát triển kinh tế theo định hướng XHCN ở Việt Nam trong giai đoạn tới, cần quan tâm một số chính sách sau:

Thứ nhất, phát huy dân chủ, sức mạnh dân tộc, tạo môi trường tự do cạnh tranh, tự do hoạt động và phát triển kinh tế, đa dạng hóa vấn đề sở hữu.

Thứ hai, phát triển bền vững nền kinh tế vĩ mô và bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.

Thứ ba, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong công tác quản lý kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Thứ năm, đào tạo nguồn nhân lực về chất lượng và số lượng.

Thứ sáu, chú trọng phát triển kinh tế với việc giải quyết các vấn đề xã hội, làm cho dân giàu,nước mạnh gắn với thực hiện dân chủ và công bằng xã hội.

Thứ bảy, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xử lý tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là một động lực phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

_________________

Ngày nhận bài: 16-4-2022; Ngày bình duyệt: 25-4-2022; Ngày duyệt đăng: 27- 12-2022.

 

(1) V.I. Lênin: Toàn tập, t.1, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.550.

(2) V.I. Lênin: Toàn tập, t.33,Sđd, tr.9.

(3) Lịch sử các học thuyết kinh tế, Nxb Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2007, tr.247.

(4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.23, 86-87.

(7), (8), (9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.128-129, 128-129, 65, 130-131.

(6) http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/kinh-te-thi-truong-XHCN/2012/15650/Kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-Su.aspx

TS NGUYỄN PHƯỚC TÀI

Đại học FPT Cần Thơ

ThS THÁI NGỌC NHƯ QUỲNH

Đại học Đà Lạt