Vai trò của báo chí trong định hướng dư luận xã hội

 

vai tro cua bao chiTác giả: TS. Đỗ Chí Nghĩa

Số trang: 240

Giá: 41.000đ

Báo chí và dư luận xã hội có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, ảnh hưởng chặt chẽ tới nhau. Báo chí là chủ thể khơi nguồn dư luận xã hội, có vai trò không thể thay thế trong định hướng dư luận xã hội, và ngược lại, dư luận xã hội là đối tượng phản ánh của báo chí, đồng thời là thước đo để đánh giá khả năng và hiệu quả tác động của báo chí đối với xã hội. Trong xã hội hiện đại, phần lớn dư luận xã hội được châm ngòi từ báo chí.

Ở Việt Nam, các cuốn sách hay giáo trình nghiên cứu mối quan hệ giữa báo chí với dư luận xã hội mới chủ yếu đưa ra lý luận khái quát mà chưa đi vào phân tích, lý giải kỹ lưỡng. Trong điều kiện đó, với yêu cầu bức thiết của việc định hướng đúng mức, đúng cách dư luận xã hội, cuốn sách Vai trò của báo chí trong định hướng dư luận xã hội, với sự khảo sát khá công phu và nghiên cứu có tính hệ thống cả về lý luận và thực tiễn vai trò của báo chí trong công tác này, là một tài liệu tham khảo hữu ích, kịp thời đối với bạn đọc, đặc biệt là đối với các nhà khoa học, nhà báo.

Cuốn sách đã khái quát và làm rõ về mặt lý luận vai trò, chức năng và mối quan hệ mật thiết giữa báo chí và dư luận xã hội, thông qua những đánh giá của Đảng, Nhà nước và khảo sát quan điểm, nhận thức của các nhà báo về vai trò định hướng dư luận xã hội của báo chí. Qua những quan điểm, nhận thức đa dạng, phong phú và với tinh thần trách nhiệm cao của báo giới, có thể thấy sự thống nhất cao về quan điểm trong đội ngũ nhà báo, đó là: báo chí phải có trách nhiệm định hướng dư luận xã hội, bởi đó là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của người làm báo. Song cũng nhìn nhận, chỉ ra một cách thẳng thắn những nhược điểm cần khắc phục trên thực tế, như nhiều trường hợp báo chí thông tin trái chiều, mâu thuẫn, nhiều sự việc bị đẩy lên quá mức, suy diễn, làm ảnh hưởng đến uy tín của báo giới, gây thiệt hại, phương hại đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân được đề cập.

Thực trạng định hướng dư luận xã hội của báo chí được đánh giá thông qua phương pháp nghiên cứu xã hội học bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu, với phạm vi khảo sát ở đồng bằng sông Hồng. Từ đó, tác giả đưa ra những thông số ban đầu về việc dư luận xã hội chịu tác động của báo chí. Việc đánh giá thực trạng được nghiên cứu kỹ lưỡng, xét tới tất cả các yếu tố như: mức sống và trình độ nhận thức; nhu cầu, thói quen tiếp nhận thông tin báo chí; nội dung thông tin cơ bản tiếp nhận từ báo chí; khả năng định hướng dư luận xã hội của báo chí. Từ đó, những vấn đề đặt ra trong định hướng dư luận xã hội của báo chí là: khả năng tác động của báo chí vào dư luận xã hội còn chưa đồng đều, hiệu quả chưa thật rõ nét; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí trên những vấn đề nhạy cảm, bức thiết; báo giới còn thiếu phương tiện và kênh thông tin cần thiết để nắm bắt dư luận xã hội chính xác, kịp thời và hiệu quả; còn những thông tin sai sót, giật gân, làm mất uy tín của báo giới, ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội.

Trên cơ sở bám sát những ưu, nhược điểm rút ra từ khảo sát và phân tích thực tiễn, năm giải pháp được tác giả đề xuất là những giải pháp có khả năng ứng dụng, theo các hướng chính gồm: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước một cách hiệu quả, thực chất hơn; tăng cường sự liên thông, phối hợp giữa các cơ quan báo chí; nâng cao năng lực định hướng dư luận xã hội cho đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên; tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng của báo chí trong đời sống xã hội…

Theo tác giả cuốn sách, báo chí tác động vào dư luận xã hội – bộ phận dễ bị tác động nhất – bằng hai con đường: lý trí và tình cảm, trong đó tác động vào lý trí là cách thức cơ bản và quan trọng nhất bởi tác động vào lý trí, dư luận xã hội sẽ được tạo dựng bền vững và sâu sắc, còn tác động vào tình cảm sẽ tạo nên hiệu quả nhanh chóng, tức thì. Đó là lý do báo chí phải quan tâm thích đáng đến cả hai con đường này.