TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VẤN ĐỀ DÂN TỘC

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VẤN ĐỀ DÂN TỘC

Dân tộc mà Hồ Chí Minh đề cập có nội hàm: Dân tộc quốc gia. Người thường dùng khái niệm: Đồng bào Việt Nam (con cùng một mẹ, theo sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ) để nói rằng, các dân tộc trên đất nước Việt Nam đều có chung một nguồn cội: “Con Rồng, cháu Tiên; con Lạc cháu Hồng” đều là anh em một nhà, con cháu của các vua Hùng.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã cơ bản hoàn tất công cuộc xâm lược và bình định nước ta, biến Việt Nam từ một quốc gia độc lập trở thành một nước thuộc địa của Pháp. Trước cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than trong vòng nô lệ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tạm biệt quê hương, ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua hành trình gian khổ, Người đã đến nhiều nước, tìm hiểu về đời sống nhân dân thuộc địa, về chính sách đàn áp, bóc lột thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Nghiên cứu về các cuộc cách mạng tư sản, Người đã trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đấu tranh giải phóng dân tộc.

Dân tộc mà Hồ Chí Minh đề cập có nội hàm: Dân tộc quốc gia. Người thường dùng khái niệm: Đồng bào Việt Nam (con cùng một mẹ, theo sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ) để nói rằng, các dân tộc trên đất nước Việt Nam đều có chung một nguồn cội: “Con Rồng, cháu Tiên; con Lạc cháu Hồng” đều là anh em một nhà, con cháu của các vua Hùng.

Vấn đề dân tộc thuộc địa trong tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là vấn đề đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa, nhằm đánh tan sự thống trị của nước ngoài, giành độc lập dân dộc, xóa bỏ ách áp bức, bóc lột của thực dân, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập nhà nước dân tộc độc lập.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập, tự do là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc. Đối với mỗi người dân mất nước, cái quý giá nhất là độc lập, tự do của Tổ quốc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Cái mà tôi cần nhất trên đời là: “Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”. Trên con đường tìm đường cứu nước, Người đã đến nhiều nước, tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau, Người đã tìm ra chân lý “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Năm 1919, vận dụng nguyên tắc dân tộc tự quyết thiêng liêng đã được các nước đồng minh thừa nhận, đại diện cho Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi đến Hội nghị hòa bình Vécxây, yêu cầu chính quyền thực dân ở Đông Dương phải giải quyết quyền tự do, bình đẳng tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, bản Yêu sách đã không được những người đứng đầu các quốc gia đồng minh chú ý, từ thực tiễn đó, Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận “Muốn được giải phóng dân tộc chỉ có thế trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”.

Sau khi đã chuẩn bị kỹ càng về chính trị, tư tưởng, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2/1930). Trong Chánh cương vắn tắt cũng như trong lời kêu gọi sau khi thành lập Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp khởi thảo, đã xác định mục tiêu chính trị của Đảng là đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, người thay mặt chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, long trọng khẳng định trước quốc dân đồng bào và trước thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực sự đã trở thành một nước tự do và độc lập”. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền dân tộc, người ra lời kêu gọi vang dậy núi sông: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đưa ra một chân lý bất hủ, có giá trị cho mọi thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Được sự cổ vũ tinh thần của Người, nhân dân ta ở hai miền Nam Bắc đã kiên cường chiến đấu, hi sinh, buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Không có gì quý hơn độc lập tự do, không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời, cũng là nguồn động viên các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mối quan hệ dân tộc và giai cấp là mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ với nhau. Giải phóng dân tộc là giải phóng giai cấp; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Giữ vững độc lập dân tộc mình, là góp phần giữ vững sự ổn định chính trị và nền hòa bình trên thế giới, tôn trọng các dân tộc khác.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc mình, đi theo con đường cách mạng tháng Mười Nga, theo quỹ đạo của cách mạng vô sản. Hồ Chí Minh viết: “Sự nghiệp của người bản xứ gắn mật thiết với sự nghiệp của vô sản toàn thế giới; mỗi khi chủ nghĩa cộng sản giành được chút thắng lợi trong một nước nào đó…thì đó càng là thắng lợi cả cho người An Nam” tức là Hồ Chí Minh đã gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, là một bộ phận của cách mạng thế giới.

Nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc, trước những thay đổi của tình hình cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh khẳng định, nhiệm vụ đặt ra cho các nước thuộc địa không phải là làm ngay một cuộc cách mạng vô sản mà trước hết là phải đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc; có độc lập dân tộc rồi, mới có điều kiện để tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người cho rằng, nhân dân các dân tộc thuộc địa có thể tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc và giành thắng lợi ở các nước chính quốc; phải dựa vào sức của chính mình, đồng thời biết tranh thủ sự đoàn kết, ủng hộ của giai cấp vô sản và nhân dân lao động thế giới để trước hết phải đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc, rồi từ thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới.

Những quan điểm của Hồ Chí Minh khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của Người về lý luận và thực tiễn cách mạng, giải quyết mối quan hệ dân tộc với giai cấp, chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Thể hiện khát vọng của nhân dân Việt Nam về độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Những cống hiến của Người về vấn đề dân tộc, đã bổ sung cho kho tàng lý luận cách mạng thế giới, của chủ nghĩa Mác-Lênin và mãi mãi là niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam.

Thanh Huyền (Cửa Biển)

Admin

Chia sẻ:

fb

gg

tw