Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua lần thứ 4 tại Hà Nội tháng 1/1967. Ảnh tư liệu. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội được bắt đầu hình thành từ khi Nguyễn Ái Quốc phát hiện ra đường lối giải phóng dân tộc, đặt cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội. Từ đó, trong cuộc đời cách mạng phong phú vừa đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác – Lênin, vừa làm công tác thực tế, nhận thức của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ngày càng hoàn thiện, sáng tỏ hơn.

Con đường hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là trong quá trình nhận thức và chuyển biến tư tưởng từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận chủ nghĩa xã hội từ chủ nghĩa yêu nước và truyền thống văn hóa dân tộc. Đó là từ: lập trường yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc; phương diện đạo đức; và, từ truyền thống lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Chính từ các cách tiếp cận này đã tạo nên bản sắc đặc thù về bản chất và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội có các điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thống nhất về bản chất với lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học, nhưng được Việt Nam hóa, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; Thứ hai, tư tưởng của Người về chủ nghĩa xã hội lại rất phong phú và đa dạng; Thứ ba, chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tới đó là chủ nghĩa xã hội thực tế, gần gũi với đời sống, vì con người, do con người và cho con người; Thứ tư, chủ nghĩa xã hội theo Người là dựa trên nền tảng lý luận Mác – Lênin, thấm nhuần truyền thống văn hóa dân tộc và kết tinh những giá trị nhân văn của văn hóa nhân loại.

Là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về chủ nghĩa xã hội của Người cũng có một quá trình hình thành và phát triển hoàn thiện. Thật vậy, chẳng hạn về những quan niệm cụ thể như: chủ nghĩa xã hội là gì? Xây dựng chủ nghĩa xã hội ra sao? Chỉ từ năm 1954, khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nghĩa là chủ nghĩa xã hội đã trở thành mục tiêu trực tiếp, Hồ Chí Minh mới có điều kiện đi sâu nghiên cứu.

Với câu hỏi, chủ nghĩa xã hội là gì, Người đã giải thích một cách vắn tắt như sau: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh” (1); “Chủ nghĩa xã hội là gì? Là mọi người ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do.”;(2) “Chủ nghĩa xã hội là công bằng hợp lý: Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”(3); “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội là trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”(4); “Chủ nghĩa xã hội là mọi người dân được áo ấm cơm no, nhà ở tử tế, được học hành”(5); “Chủ nghĩa xã hội là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng”(6); “Chủ nghĩa xã hội là mọi người cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no mặc ấm và có nhà ở sạch sẽ”(7) …

Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo cách của riêng mình đã chỉ rõ “Chủ nghĩa xã hội là gì?”. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, theo Người, đó là xã hội do nhân dân lao động làm chủ, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, là xã hội dân giàu, nước mạnh; một xã hội luôn chăm lo đến lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần của mỗi người; nơi kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân với tập thể và lợi ích xã hội; nơi giải quyết thỏa đáng giữa cống hiến và hưởng thụ; nơi mà sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người; hạt nhân lãnh đạo của xã hội ấy là Đảng cộng sản – Đảng của giai cấp công nhân, theo chủ nghĩa Mác – Lênin.

Tư tưởng của Người về chủ nghĩa xã hội ngày càng được thể hiện rõ cả về lý luận và thực tiễn. Những điểm chung đó là: chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một chế độ xã hội dân chủ, do nhân dân làm chủ; là xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân và có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ; là xã hội dân giàu, nước mạnh, nền kinh tế phát triển cao với chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu; là một xã hội phát triển cao về văn hóa và đạo đức con người; là một xã hội được xây dựng theo nguyên tắc công bằng, hợp lý; là do quần chúng nhân dân tự xây dựng nên và dưới sự lãnh đạo của Đảng; là các dân tộc đều bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tự bản chủ nghĩa (thời kỳ 1920-1945)

Trong tác phẩm Con đường dẫn tôi đến với chủ nghĩa Lênin (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác – Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(8). Trước đó, vào các năm 1923 – 1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc, cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới”(9). Vậy là, sau khi đọc Luận cương của Lênin, trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã hình thành nên quan điểm: cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản.

Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng (1930), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “… tư bản bản xứ không có thế lực gì ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được, chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa nên chủ trương làm tư bản dân quyền C.M và thổ địa C.M để đi tới xã hội cộng sản”(10). Như vậy, theo Người, mục tiêu cao nhất của con đường cách mạng vô sản là “đi tới xã hội cộng sản”. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam (thời kỳ 1945-1954)

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành quả lớn nhất của cuộc cách mạng Tháng Tám là tuyên bố sự ra đời của chế độ xã hội mới – chế độ dân chủ nhân dân: “Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt. Chúng ta làm cách mạng để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến, để xây dựng dân chủ mới”(11).

Tuy nhiên, khi khẳng định Cách mạng Tháng Tám khai sinh chế độ dân chủ nhân dân thì một vấn đề nảy sinh: mục tiêu tổng quát của cuộc cách mạng mà toàn thể nhân dân Việt Nam tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định một cách rõ ràng là “chế độ cộng sản”, là “xã hội cộng sản”, vậy tại sao sau khi cách mạng thành công lại không bắt tay thực hiện ngay mục tiêu ấy mà lại phải trải qua xây dựng chế độ dân chủ nhân dân?. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chế độ dân chủ nhân dân không phải là chế độ xã hội chủ nghĩa, song đó là chế độ xã hội hướng tới xã hội chủ nghĩa, hay nói cách khác, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sẽ ra đời từ chế độ dân chủ nhân dân. 

Năm 1954, miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Tức là bắt tay “xây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội, tiến lên thực hiện chủ nghĩa xã hội”(12), song đây là xây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội ngay trong lòng chế độ dân chủ nhân dân. Từ 1945, Người luôn khẳng định chế độ ta là chế độ dân chủ nhân dân, đặc biệt là về phương diện chế độ chính trị. Trong những năm 1954-1955, Hồ Chí Minh nhiều lần nói rõ: “chế độ của ta là chế độ dân chủ”, hay “nước ta là nước dân chủ”. Đến những năm 1964 – 1965, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục khẳng định “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ”. 

Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chế độ dân chủ nhân dân được tuyên bố ra đời và tồn tại hiện thực. Với chế độ dân chủ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: 

Thứ nhất, mục tiêu “không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” là mục tiêu nhất quán của cách mạng Việt Nam, song ở trình độ phát triển của xã hội Việt Nam, chế độ xã hội có thể thực hiện được mục tiêu ấy trước hết phải là chế độ dân chủ nhân dân. Thứ hai, ở Việt Nam, những mầm mống của chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa sẽ nảy sinh và phát triển trong lòng chế độ dân chủ nhân dân. 

Theo Người, bước chuyển từ chế độ dân chủ nhân dân lên chế độ xã hội chủ nghĩa là bước chuyển về chất, và chuyển dần dần, “không thể một sớm một chiều”(13)…

Như vậy, quan hệ của chế độ dân chủ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa trong tư tưởng Hồ Chí Minh là quan hệ giữa hai giai đoạn trong quá trình vận động của xã hội. Chế độ xã hội chủ nghĩa là giai đoạn phát triển cao hơn chế độ dân chủ nhân dân. Đây là sự vận động, phát triển đặc thù của xã hội Việt Nam, vừa phù hợp, vừa không hoàn toàn trùng khớp với lôgic vận động chung của lịch sử toàn nhân loại.

Khi nói về con đường quá độ lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(14). Tiến thẳng hiểu theo nghĩa là không phải “kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”, song để tiến tới chủ nghĩa xã hội, chúng ta nhất định phải “kinh qua” một thời kỳ phát triển, đó là chế độ dân chủ nhân dân. Xây dựng chế độ dân chủ nhân dân không chỉ là quá trình từng bước xóa bỏ triệt để các tàn tích của chế độ thực dân, phong kiến, mà còn là quá trình từng bước các mầm mống của chủ nghĩa xã hội phát triển. Rõ ràng, đối với Hồ Chí Minh, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân là một tất yếu lịch sử trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (thời kỳ 1954-1969)

Sau năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Từ khi kháng chiến thắng lợi và hòa bình lập lại, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới. Miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng dưới chế độ dân chủ nhân dân, đã bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội”(15). Đây là thời kỳ Người trực tiếp bàn nhiều về vấn đề quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. 

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa là một tất yếu. Tính tất yếu của việc lựa chọn định hướng xã hội chủ nghĩa và quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Hồ Chí Minh luận giải trên mấy phương diện sau:

Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là tương lai của xã hội loài người. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chế độ xã hội cũng phát triển từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản chủ nghĩa và ngày nay gần một nửa loài người đang tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa và chế độ cộng sản chủ nghĩa. Sự phát triển và tiến bộ đó không ai ngăn cản được”(16); 

Thứ hai, chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn tích cực, là nhân sinh quan của chủ thể hành động – những người cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang. Trừ những bọn phản động quá sá, thì chắc ai cũng tán thành chế độ cộng sản”(17);

Thứ ba, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã trở thành xu thế phát triển của lịch sử không thể đảo ngược. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Những thắng lợi bước đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cho phép chúng tôi tin tưởng chắc chắn ở sự cần thiết và khả năng của một nước như nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách thắng lợi không phải qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa”(18). 

Trên cơ sở nhận thức quy luật chung của lịch sử nhân loại và đặc điểm riêng của Việt Nam khi bước vào thời kỳ quá độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) – nói chung thì loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy. Nhưng tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau. Có nước thì đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) như Liên Xô. Có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản) – như các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam ta”(19).

Về thời kỳ quá độ, Người nói: “Một chế độ này biến đổi thành một chế độ khác là cả một cuộc đấu tranh gay go, kịch liệt và lâu dài giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái thoái bộ và cái tiến bộ, giữa cái đang suy tàn và cái đang phát triển. Kết quả là cái mới, cái đang tiến bộ nhất định thắng”(20).

Trên đây, là một số nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam. Trên thực tế, các luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về vấn đề này rất phong phú, đa dạng và còn những nội dung chưa được khái quát ở đây.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa được Người trình bày một cách khái quát nhất trong Diễn văn khái mạc lớp học lý luận khoá I trường Nguyễn Ái Quốc. Thay lời kết, xin trích ý kiến của Người: “Ở miền Bắc, chúng ta đang ở trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức. Muốn thế chúng ta phải dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp. Chúng ta phải dần dần tập thể hóa nông nghiệp. Chúng ta phải tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư nhân, đối với thủ công nghiệp. Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc. Chúng ta lại phải tiến hành những nhiệm vụ đó trong những điều kiện đặc biệt của nước ta, nghĩa là trên cơ sở của một xã hội vừa mới thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, hết sức lạc hậu và trong hoàn cảnh nước ta đang bị chia cắt làm hai miền. Trong những điều kiện như thế, chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội? Đó là những vấn đề đặt ra trước mắt Đảng ta hiện nay. Muốn giải quyết tốt những vấn đề đó, muốn đỡ bớt mò mẫm, muốn đỡ phạm sai lầm, thì chúng ta phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo. Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác – Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác – Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta. Như thế là phải học tập lý luận, phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng”(21)./.

TS. Phạm Tất Thắng; PGS.TS. Nguyễn Linh Khiếu – Tạp chí Cộng sản

——————————

(1),(2),(17),(19). Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8. Nxb Chính trị quốc gia. H, 2011. Tr.226; 326; 294; 293; 
(3). Hồ Chí Minh: Sđd, t.9. tr.175
(4),(5), (6),(7),(13), (21). Hồ Chí Minh: Sđd, t.10. tr.17;375; 258; 329; 
(8),(14),(15),(16) . Hồ Chí Minh: Sđd, t.12. tr.563; 411; 367; 601-602; 
(9), (20). Hồ Chí Minh: Sđd, t.11. tr.441; 238
(10). Hồ Chí Minh: Sđd, t.3. tr.1-2
(11). Hồ Chí Minh: Sđd, t.7. tr.361
(12). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia. H. 2011, tr. 435
(18). Hồ Chí Minh: Sđd, t.14. tr.374-379

 

Theo tapchicongsan.org.vn