Từ sự sụp đổ của Liên Xô, Đông âu và cuộc đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Việt Nam hiện nay | TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẾN TRE

ThS. Nguyễn Thị Thùy Giao

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

 

Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong những năm 1989 – 1991 là một tổn thất chưa từng có trong lịch sử phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và của chủ nghĩa xã hội trên thế giới, dẫn đến hệ thống thế giới của các nước xã hội chủ nghĩa không còn tồn tại. Từ sự sụp đổ ấy, nhiều bài học kinh nghiệm đau xót được rút ra cho các Đảng Cộng sản trên thế giới trong đó có Việt Nam cần có chủ trương, giải pháp nhằm giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ đã đẩy thế giới vào cuộc “chạy đua vũ trang” và “chiến tranh lạnh”. Đồng hành cùng với hai cuộc chiến vừa “công khai” vừa “lặng lẽ, âm thầm” nhưng vô cùng tàn khốc, quyết liệt đó là “Diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn, phương cách tinh vi nhằm thúc đẩy vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, làm cho nội bộ lục đục, mất đoàn kết, gây mơ hồ, hoài nghi về chế độ, về vai trò lãnh đạo của Đảng. Chính sự phân ly giữa người dân và chính quyền các cấp là cơ hội để các thế lực thù địch và các lực lượng “ngầm” từng bước can thiệp sâu, gây ra mâu thuẫn trong nội bộ dẫn đến tha hóa, biến chất chế độ cộng sản; cổ động các phe phái đối lập nổi lên chống phá cách mạng, tiến tới thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Liên Xô và các nước ở Đông Âu. Việc tìm hiểu nguyên nhân của sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu là kinh nghiệm để các Đảng Cộng sản trên thế giới tránh vấp phải “sai lầm của lịch sử”, đặc biệt đối với Việt Nam hiện nay khi vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang diễn ra trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu ra là cấp thiết nhằm góp phần tìm ra các giải pháp để giữ vững mục tiêu, lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng và sự trường tồn của dân tộc.

Đầu tiên đối với Hunggari, lợi dụng sự non kém về bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Nhà nước, các thế lực thù địch, các lực lượng phản động đã thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và Nhà nước làm cho những giá trị Mỹ từng bước xâm nhập và luồng sâu vào nội bộ, từng bước làm tha hóa, biến chất chế độ cộng sản, gieo rắc sự hoài nghi, bi quan, mất niềm tin của đảng viên, nhân dân với chế độ xã hội chủ nghĩa. Việc này, khiến người dân, kể cả đảng viên quay lưng không ủng hộ Đảng Lao động Hunggari (Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Hunggari) mà hướng về phương Tây, kết thân với Mỹ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Hunggari.

Cùng thời gian ấy, sự lây nhiễm của “Diễn biến hòa bình” với quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã tràn vào trong nội bộ Ba Lan, làm cho không ít cán bộ, đảng viên của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan suy thoái về tư tưởng, chính trị, dao động, mất niềm tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo của Đảng để rồi tự đốt thẻ đảng, kịch liệt công kích, phản kháng, phủ nhận tính hợp pháp của quân đội Liên Xô ở Ba Lan. Các phe đối lập, các đảng phái ngóc đầu dậy tranh giành quyền lực, lũng loạn trong Đảng, trong Quốc hội và Chính phủ. Kết quả Công đoàn Đoàn kết chiếm 99% số ghế ở Thượng viện đã đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan.

Tương tự như Hunggari, Ba Lan, ở Tiệp Khắc, Bungari,… và Đông Đức cũng đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với đất nước, dẫn đến khủng hoảng và sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đối với Liên Xô – là thành trì hệ thống xã hội chủ nghĩa, quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga, vì vậy, các thế lực thù địch đã tìm mọi cách nhằm “gieo hạt giống thức tỉnh và hủy diệt chế độ Xôviết” thông qua sách lược “mưa dầm thấm lâu”. Với chiêu bài “ngoại giao thân thiện” các thế lực thù địch đã đẩy mạnh truyền bá tư tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền, thực hiện luồn sâu, leo cao, từng bước can thiệp ngày càng sâu vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, ngoại giao và quốc phòng, an ninh của Liên Xô. Thông qua đó thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước, làm cho nội bộ 15 nước cộng hòa và hệ thống chuyên chính vô sản đã được thiết lập khá vững chắc từ thời V.I.Lênin, từng bước biến đổi nhận thức, chuyển hóa về tư tưởng, gây mất niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sứ mệnh lịch sử của Liên Xô và lý tưởng chủ nghĩa cộng sản. Chính sai lầm về đường lối chính trị trong thực hiện dân chủ hóa đến công khai, dư luận đa nguyên hóa, buông lỏng xây dựng lực lượng vũ trang, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản,… là nguyên nhân từng bước làm suy giảm nghiêm trọng sức mạnh quân sự của Liên Xô. Thêm vào đó, mâu thuẫn và xung đột giữa các dân tộc dẫn đến hiện tượng li khai của một số nước cộng hòa ra khỏi Liên bang Xôviết (ba nước vùng Ban Tích, Grudia, Mônđôva,… ), các đảng phái với nhiều xu hướng chính trị khác nhau trong xã hội ngóc đầu dậy chống chủ nghĩa xã hội, nhiều ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng dao động về tư tưởng, quay lưng với Đảng Cộng sản, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội và công an, làm cho Đảng Cộng sản không còn đủ sức để “lãnh đạo chặt chẽ các phương tiện thông tin đại chúng, để cho báo, đài tùy tiện thông tin và phát biểu những quan điểm sai trái, tạo ra sự hỗn loạn về tư tưởng”1. Điều đó khiến cho quân đội Liên Xô mất phương hướng chính trị, không còn sức chiến đấu, đất nước ngày càng lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Ngày 21-12-1991 với sự thành lập liên minh Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đã đánh dấu sự sụp đổ và tan rã của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết.

Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước ở Đông Âu là sụp đổ của một mô hình cụ thể chứ không phải sự sụp đổ của một hệ thống lý luận. Một trong những nguyên nhân sai lầm dẫn đến sự sụp đổ ấy là do các Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và  Đông Âu mắc phải sai lầm chủ quan để cho quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra trong nội bộ Đảng, Nhà nước, làm cho cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, dao động, hoài nghi về những giá trị của chủ nghĩa xã hội, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, hạ thấp đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Qua sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước ở Đông Âu có thể thấy lực lượng bên ngoài là tác nhân kích thích quan trọng, nhưng lực lượng “ngầm” bên trong nội bộ Đảng, Nhà nước là hạt nhân nòng cốt cho sự “chuyển hóa”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm biến chất chế độ xã hội chủ nghĩa, làm cho Đảng Cộng sản bị phân hóa, rối loạn, tự mâu thuẫn, không thế kiểm soát được tình hình; không thể lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đây là bài học vô cùng có ý nghĩa đối với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó có Việt Nam cần nhận thức đúng đắn về vấn đề này để tăng cường củng cố niềm tin về chủ nghĩa xã hội.

Hiện nay, vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là hiện tượng rất nguy hiểm, giống như một thứ vi-rút độc hại lây lan nhanh và ngấm sâu vào cơ thể con người, dẫn tới những hệ lụy khó lường, làm thay đổi nhận thức theo chiều hướng từ đúng sang sai, từ tốt sang xấu, từ tích cực sang tiêu cực, từ tiến bộ sang phản tiến bộ. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đến mức cao hơn là thay đổi lập trường, quan điểm chính trị, đạo đức, lối sống, đi ngược lại lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; cổ súy, ủng hộ, tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động, thậm chí chuyển sang hàng ngũ kẻ thù, chống lại Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Vì vậy, việc giữ vững lập trường, kiên định mục tiêu, lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ, là cơ sở để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng để vững lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam tiến lên.

Thực tiễn, trong suốt quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng “nắm vững bản chất cách mạng, khoa học chủ nghĩa Mác-Lênin; kế thừa di sản quý báu về tư tưởng Hồ Chí Minh,… đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết có hệ thống sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, rút ra những kết luận đúng đắn, khắc phục những quan niệm sai lầm hoặc lỗi thời”2 .Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khoá VI) tháng 3-1989, Đảng khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của nước ta, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa là mục tiêu, là lý tưởng của Đảng và Nhân dân ta, là sự lựa chọn sáng suốt của Bác Hồ và Đảng ta. Đại hội VII của Đảng đã “lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” của Đảng.

Qua hơn 30 năm đổi mới, nhờ kiên định mục tiêu, lý tưởng, vai trò lãnh đạo của Đảng nên cách mạng Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, Việt Nam cũng đang đứng trước với nhiều vấn đề lớn, phức tạp, thời cơ và thách thức đan xen. Trong khi đó bốn nguy cơ lớn nhất đối với Đảng cầm quyền mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như tham nhũng, lãng phí, “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng Internet để chống phá ta và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nguy cơ từ bên trong do mặt trái của quyền lực gây ra nếu không thường xuyên cảnh giác sẽ có nguy cơ tự đánh mất mình, mất quyền lãnh đạo đối với đất nước. Vì thế, hơn bao giờ hết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, luôn tin và có ý thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, muốn vậy cần phải:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.

Hai là, tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới. Tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; chỉ rõ những vấn đề cần bổ sung, phát triển. Tiếp tục nghiên cứu có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ sự bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Hồ Chí Minh.

Ba là, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch,… góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bốn là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; Tiếp tục tăng cường và làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị.

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng Internet, mạng xã hội. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật đối với các nhà mạng, cơ quan chủ quản báo chí, trang thông tin điện tử,… và các cá nhân lưu trữ cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật.

Sáu là, xây dựng lực lượng chuyên trách theo hướng tinh gọn, đủ mạnh, đồng thời phát huy cao nhất trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, trước hết là người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

 “Diễn biến hòa bình” là một “căn bệnh” nguy hiểm, có thể đánh hỏng chế độ, phá tan thành quả cách mạng, tuy nhiên các thế lực thù địch có thực hiện được ý đồ đen tối của chúng hay không, điều đó lại hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta vào sự kiên định nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; chủ động, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, bổ sung, hoàn thiện các văn kiện đại hội đảng bộ các cấp; đặc biệt là văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm gột rửa cho sạch thói hư, tật xấu để uy danh của Đảng sống mãi trong lòng nhân dân, dân tộc. Đó là phương cách hiệu quả nhất để đất nước đổi mới, ổn định và phát triển bền vững.

Ghi chú

1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2007, T. 49, tr.731.

2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb.Sự thật, H.1987, tr.125.