Trump bị điều tra việc mua lại mạng xã hội Parler

Quốc hội Mỹ đang điều tra việc đại diện của Trump đàm phán với Parler để ông mua lại 40% cổ phần mạng xã hội này.

Việc đại diện của Donald Trump tổ chức các cuộc đàm phán để ông mua cổ phần sở hữu Parler khi vẫn là Tổng thống có thể đã vi phạm luật chống hối lộ. Ủy ban Giám sát và Cải cách Hạ viện đã yêu cầu Jeffrey Wernick, CEO của Parler, gửi thông tin của công ty này, như chủ nợ, mối quan hệ với Nga và các liên lạc với Trump trước ngày 22/2. Carolyn B. Maloney, Chủ tịch Ủy ban, đã đề cập đến một bài báo trên BuzzFeed đưa tin rằng Trump Organization đã thay mặt Trump đàm phán với Parler vào mùa hè năm ngoái. Các cuộc đàm phán xoay quanh cổ phần mà Trump sẽ nhận được từ Parler để đổi lấy việc biến Parler trở thành mạng xã hội chính của mình thay vì Twitter.

Tổng thống Donald Trump nghe họp báo ở Nhà Trắng. Ảnh:AP

Tổng thống Donald Trump nghe họp báo ở Nhà trắng. Ảnh: AP.

Cựu Giám đốc điều hành Parlet, John Matze, cho biết trong một đơn kiện vào tháng 1, Trump đã cân nhắc việc tạo một tài khoản có tên “Person X”. Matze nói rằng anh không muốn làm việc với Trump vì lo ngại Tổng thống sẽ bắt nạt “nhân viên và làm những gì ông muốn mà không bị kiểm soát”. Cũng theo báo cáo của BuzzFeed, Parler đã đề nghị cho Trump 40% cổ phần, nhưng các cuộc đàm phán đều bị thất bại do cuộc bạo động xảy ra vào ngày 6/1.

Trang web của Parler đã được những người ủng hộ Trump sử dụng trong thời gian diễn ra cuộc bạo động tại Điện Capitol ngày 6/1 và trở thành các thành viên cực hữu hoạt động và đưa ra cac thông tin sai lệch vì quá lỏng lẻo trong việc kiểm duyệt nội dung. Kể từ khi các cuộc tấn công xảy ra, nhiều người dùng Parler đã bị buộc tội liên quan đến bạo động. Chỉ vài ngày sau, Google và Apple đã loại ứng dụng mạng xã hội này khỏi cửa hàng ứng dụng với lý do vi phạm nội dung và Parler đã bị cho ngừng hoạt động khi Amazon Web Services chấm dứt quyền truy cập máy chủ khi cho rằng nền tảng này gây ra rủi ro rất lớn đối với an toàn công cộng và từ chối xóa nội dung kích động bạo lực.

Tuy nhiên sau đó, Parler hoạt động lại dưới dạng một trang web sử dụng máy chủ của DDos-Guard, một công ty của Nga có quan hệ với chính phủ nước này và được Bộ Quốc phòng Nga sử dụng. Parler cũng cho phép thông tin sai lệch của Nga được đăng tải trên nền tảng này trước cuộc bầu cử tháng 11/2020, giúp tạo điều kiện cho chiến dịch của Nga gieo rắc sự hỗn loạn đối với cử tri Mỹ. Trong khi các nền tảng truyền thông và xã hội khác đã xóa thông tin sai tương tự, Parler vẫn giữ nội dung này.

Hội đồng quản trị của Parler, do Rebekah Mercer đứng đầu, đã sa thải CEO Matze vào tháng 1. Cựu giám đốc điều hành cho biết mình bị sai thả do đã kiểm soát chặt chẽ hơn chủ nghĩa cực đoan và bạo lực trên Parler.