Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1/5/1904-1/5/2019). Ban Biên tập có bài viết về đồng chí Trần Phú (1904 – 1931) – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Mặc dù hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, nhưng đồng chí đã có những đóng góp to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ Đảng mới ra đời. Những phẩm chất tốt đẹp, cùng tình yêu thương đồng chí, đồng bào, chí khí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù và lời nhắn nhủ cuối cùng của đồng chí Trần Phú: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” luôn sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam, trường tồn cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Mặc dù hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, nhưng đồng chí đã có những đóng góp to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ Đảng mới ra đời. Những phẩm chất tốt đẹp, cùng tình yêu thương đồng chí, đồng bào, chí khí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù và lời nhắn nhủ cuối cùng của đồng chí Trần Phú: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” luôn sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam, trường tồn cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1922, sau thi đỗ đầu kỳ thi Thành Chung do Trường Quốc học Huế tổ chức, đồng chí Trần Phú được bổ nhiệm dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, Thành phố Vinh. Trong quá trình dạy học, đồng chí có dịp gần gũi với công nhân và nông dân, nhiệt tình truyền đạt kiến thức văn hoá, giác ngộ tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng cho những người lao động. Một thời gian sau đó, đồng chí Trần Phú thôi nghề dạy học, tập trung cho hoạt động cách mạng.

Năm 1925, Đồng chí tham gia sáng lập và hoạt động tích cực trong tổ chức Hội Phục Việt. Khi bị bọn mật thám phát hiện, những người lãnh đạo Hội quyết định đổi tên thành Hội Hưng Nam, sau đó lại đổi tên thành Việt Nam Cách mạng Đảng, rồi Tân Việt Cách mạng Đảng.

Tháng 6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Được tin, Ban lãnh đạo Hội Hưng Nam cử đồng chí Trần Phú sang gặp các đồng chí trong tổ chức này để đề nghị hợp nhất hai tổ chức. Trong thời gian này, đồng chí được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt tên là Lý Quý, được huấn luyện về lý luận chính trị và kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, vào Cộng sản Đoàn và được cử về nước hoạt động.

Tháng 9/1925, đồng chí Trần Phú được Hội Phục Việt cử sang Lào để vận động cách mạng. Thời gian hoạt động ở Lào, đồng chí đã đi sâu tìm hiểu đời sống và nguyện vọng của công nhân, nông dân, giác ngộ cách mạng cho họ và bước đầu tự rèn luyện lập trường, ý thức giai cấp công nhân cho mình.

Nhận thấy Trần Phú là một học trò có khí chất thông minh, đầy nhiệt tình cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định cử đi Liên Xô học trường đại học Phương Đông để đào tạo thành cán bộ cốt cán cho cách mạng. Một lý do khác để Nguyễn Ái Quốc chọn Trần Phú đi học nữa là vì việc học tập đòi hỏi phải sử dụng thông thạo tiếng Pháp hay tiếng Anh để nghe giảng, đọc tài liệu, trao đổi với bạn học và thầy giáo mà Trần Phú có ưu thế hơn các bạn về tiếng Pháp nên được cử đi học.

Đầu tháng 11/1929, sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, đồng chí nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, bí mật lên tàu đi Lêningrát (nay là thành phố Xanh Pêtécbua thuộc Liên bang Nga) bắt đầu hành trình về nước hoạt động.

Ngày 8/2/1930, đồng chí về đến Sài Gòn. Ít ngày sau đồng chí sang Hồng Kông (Trung Quốc) gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được giới thiệu về tham gia hoạt động trong Ban Chấp ủy lâm thời. Tháng 4/1930, đồng chí về đến Hải Phòng.

Luận cương chính trị

Tháng 7/1930 đồng chí về Hà Nội được bổ sung vào Ban Chấp ủy lâm thời và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Để tránh sự theo dõi của mật thám và tạo yếu tố bất ngờ, Thường vụ Trung ương lâm thời đã có một quyết định táo bạo – lấy nhà của chính Thực dân Pháp làm trụ sở bí mật của Đảng. Đó là ngôi nhà ở phố Giăng Xole, nay là số nhà 90 phố thợ Nhuộm. Ngôi nhà là biệt thự của một viên chức cao cấp người Pháp – thanh tra Sở tài chính của chính quyền thực dân. Đồng chí Trần Phú ở trong một buồng nhỏ trong đó có một tấm phản để vừa làm giường ngủ, vừa làm bàn viết, chính tại nơi này, đồng chí đã bí mật viết bản dự thảo Luận cương chính trị.

Nhà số 90 Thợ Nhuộm – nơi đồng chí Trần Phú viết dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng cộng sản Đông Dương, tháng 10/1930.

Bản luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo, tháng 10/1930.

Luận cương chính trịdo Trần Phú dự thảo và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930 thông qua, là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng.

Bản dự thảo Luận cương chính trị gồm 3 phần chính:

Phần 1: Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương

Phần 2: Những đặc điểm về tình hình Đông Dương

Phần 3: Tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương.

Luận cương xác định tính chất của cách mạng Đông Dương lúc đầu là cách mạng tư sản dân quyền có tính chất thổ địa phản đế, sau đó tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, bỏ qua tư bản chủ nghĩa. Xác định mâu thuẫn giai cấp diễn ra giữa một bên là thợ thuyền dân cày và các phần tử lao khổ với một bên là địa chủ phong kiến tư bản và đế quốc chủ nghĩa.

Nhiệm vụ của cách mạng: Chống phong kiến để thực hiện triệt để cách mạng ruộng đất, chống đế quốc giành độc lập cho toàn cõi Đông Dương.Luận cương nhấn mạnh hai nhiệm vụ này có mối quan hệ khăng khít với nhau vấn đề thuộc địa là cái cốt của cách mạng tư sản dân quyền.

Bản luận cương đã khẳng định lại nhiều vấn đề mà cương lĩnh đã nêu ra: đường lối cách mạng, lực lượng cách mạng, đoàn kết quốc tế, vai trò lãnh đạo của Đảng. Luận cương của Trần Phú có những điểm sáng tạo hơn như đã đề ra phương pháp cách mạng, nguyên tắc Đảng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Bản luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo là một văn kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Đông Dương nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, là cơ sở để Đảng ta đề ra sách lược, chiến lược của Đang trong suốt quá trình đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng.

Đặt Luận cương chính trị vào thời điểm năm 1930, mới thấy hết ý nghĩa và tầm vóc lớn lao của nó, cũng như thông cảm với một số hạn chế do điều kiện lịch sử lúc ấy. Luận cương chính trị năm 1930 đánh dấu những mốc son trong kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Nhưng văn kiện ấy là định hướng đúng đắn cho quá trình phát triển đường lối cách mạng Việt Nam cũng là tư tưởng cơ bản mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ra đời tại Đại hội VII của Đảng kế tục.

Trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam mới ra đời, Luận cương chính trị do Trần Phú dự thảo đã tuân thủ chặt chẽ Chỉ thị và các điều hướng dẫn của Quốc tế Cộng sản, dự thảo Luận cương chính trị đã phản ánh trung thành những quan điểm và đường lối của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, cả phần đúng lẫn những hạn chế của nó.

Với công lao và đóng góp to lớn đó Đồng chí Trần Phú đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930 bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Kiên cường chiến đấu tới hơi thở cuối cùng

Sáng ngày 18/4/1931, tại cơ quan ấn loát của Đảng, số nhà 66 đường Sampannho, nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trần Phú đã bị sa lưới kẻ thù. Đây là một tổn thất vô cùng lớn đối với Đảng và cách mạng Việt Nam đang trong thời kỳ phục hồi, củng cố và phát triển.

Bắt được đồng chí, bọn mật thám và cảnh sát đưa về giam và hỏi cung tại bốt Pôlô rồi đến bốt Catina, chúng thay nhau giở mọi thủ đoạn tra tấn tàn ác, dụ dỗ mua chuộc nhưng vẫn không khuất phục được ý chí của người cộng sản kiên trung. Đồng chí vẫn luôn nêu cao tấm gương đấu tranh cách mạng; hàng ngày, tham gia bồi dưỡng lý luận chính trị và kinh nghiệm công tác cho các đồng chí tù chính trị.

Chế độ tàn bạo của nhà tù đã làm sức khỏe của đồng chí suy kiệt, bệnh tràng nhạc và bệnh lao phổi tái phát nặng hơn. Để mong có thể khai thác những bí mật của cách mạng, bọn cai ngục đã đưa Trần Phú tới nhà thương để chữa trị, song do bệnh tình quá nặng. Đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng khi mới 27 tuổi.

Khu di tích đồng chí Trần Phú tại Hà Tĩnh.

Trước khi hy sinh, đồng chí Trần Phú đã nhắn nhủ các đồng chí của mình “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư Trần Phú đã trở thành vũ khí, phương châm, lý tưởng sống, ý chí quyết tâm phấn đấu, cống hiến của các thế hệ cán bộ, đảng viên và tuổi trẻ Việt Nam. Anh chị em tù chính trị ở khám lớn Sài Gòn năm 1931 đã làm thơ:

“Trần Phú anh ơi đã thác rồi

Thác mà như thế đẹp gương soi

Bao phen sóng gió đâu sờn dạ

Mấy trận đòn tra chẳng hở môi

Giọt máu anh hùng giờ tơi tả

Trái tim vô sản vẫn không rời

Tuy anh đã thác gương còn sáng

Thác được như anh sáng suốt đời”

Ngày 12/1/1999, hài cốt của đồng chí Trần Phú được di dời về an táng tại quê hương Đức Thọ, Hà Tĩnh. Mộ của đồng chí được đặt trên đồi cao xã Tùng Ảnh, phía trước mộ là hàng chữ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Mộ đồng chí Trần Phú trong khu di tích tại Hà Tĩnh.

Sau này, để tưởng nhớ công lao to lớn, tên của đồng chí Trần Phú đã được đặt cho các đường phố, trường học ở Hà Nội cũng như ở một số tỉnh thành trên khắp cả nước.

Mặc dù quãng đời hoạt động không dài nhưng đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng trong thời kỳ sôi động, quyết liệt nhất của những năm 1930-1931, là tấm gương sáng về “đạo đức cách mạng, chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập” như Bác Hồ kính yêu đã từng nói. Đó là tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp với ý chí, niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Đó là chí khí, cốt cách, kiên trung của người cộng sản và là tấm gương vượt qua muôn vàn khó khăn của hoạt động bí mật và hoàn cảnh tù đày.
 

Nguyễn Ngọc Anh – Bảo tàng Lịch sử quốc gia