Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp kiểm toán


Chất lượng hoạt động kiểm toán ảnh hưởng rất lớn tới quyết định của các nhà đầu tư cũng như tính minh bạch của thị trường tài chính. Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp (DN) kiểm toán cần gia tăng trách nhiệm xã hội (CSR – Corporate social responsibility) với người lao động và cộng đồng.

Các công ty kiểm toán ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao hiệu quả CSR. Ảnh minh họa

 
 
 
 
 
 
 
 
 
CSR là cam kết của DN đối với đạo đức kinh doanh và đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung. Đây là yếu tố quan trọng tương đương với các yếu tố truyền thống khác, được lồng ghép vào chiến lược của DN và trở thành điều kiện bắt buộc để DN tồn tại, phát triển.
 
Doanh nghiệp kiểm toán đang quan tâm đến lợi ích công cộng

Theo các nghiên cứu quốc tế, CSR của DN bao gồm: Trách nhiệm với thị trường và người tiêu dùng, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, trách nhiệm với người lao động, trách nhiệm chung với Chính phủ và cộng đồng. DN triển khai CSR hiệu quả sẽ tạo môi trường làm việc tốt cho nhân viên, nâng cao uy tín trong quan hệ với khách hàng và các đối tác, tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu, duy trì lòng tin với các bên liên quan, tạo ra ưu thế trong cạnh tranh và thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Đồng thời, CSR cũng có những tác động nhất định đến nhà đầu tư và công chúng về giá trị, khả năng tiếp tục hoạt động cũng như kỳ vọng của họ vào sự tăng trưởng của DN trong tương lai.
 
Với các DN cung cấp dịch vụ, CSR là phương pháp đặc biệt quan trọng để nâng cao danh tiếng, khiến đối tác trực tiếp đưa ra quyết định sử dụng dịch vụ dựa trên sự tin tưởng của họ đối với nhà cung cấp. Riêng DN kiểm toán, CSR được thể hiện thông qua nhiều yếu tố.
 
Trước tiên là trách nhiệm với chính đơn vị được kiểm toán (khách hàng kiểm toán) về chất lượng của báo cáo kiểm toán cùng các ý kiến tư vấn để mang lại những giá trị gia tăng cho đơn vị được kiểm toán. Tuy nhiên, các công ty kiểm toán không nên quá tập trung vào CSR (ở khía cạnh số lượng khách hàng hay sự hài lòng của đơn vị được kiểm toán về kết quả của cuộc kiểm toán) mà quên mất giá trị cốt lõi trong kinh doanh là chất lượng kiểm toán.
 
Dưới góc độ của đơn vị được kiểm toán, họ có thể biến CSR trở thành công cụ để “rửa sạch” những hành vi sai phạm của công ty thay vì quan tâm thực sự đến lợi ích của xã hội và cộng đồng. Do đó, các DN kiểm toán cần lưu ý rằng, CSR phải hướng tới lợi ích chung của cộng đồng và xã hội chứ không tập trung làm hài lòng khách hàng. Tiếp đến là trách nhiệm với người lao động về chế độ lương, thưởng, đãi ngộ cùng các chính sách bảo vệ kiểm toán viên trong quá trình làm việc và kiểm toán.
 
Cuối cùng là trách nhiệm với cộng đồng về chất lượng thông tin tài chính sau kiểm toán đối với thị trường vốn, thị trường tài chính, các nhà đầu tư và Chính phủ. Những giá trị thực sự mà DN kiểm toán mang lại cho cộng đồng, nhà đầu tư sẽ khó lượng hóa hơn so với những thiệt hại có thể xảy ra khi kết quả kiểm toán không trung thực, thiếu độ tin cậy.

 Vì vậy, việc xây dựng uy tín gắn liền với quy mô và chuyên môn hóa của kiểm toán viên cần nguồn lực và thời gian dài để thiết lập, duy trì. Trong đó, sự tham gia của các công ty kiểm toán vào CSR thể hiện mối quan tâm thực sự của họ đối với lợi ích công cộng, từ đó gia tăng lòng tin của công chúng và danh tiếng, uy tín của chính DN kiểm toán.
 
Hướng tới phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh dài hạn

CSR không phải hoạt động cốt lõi của DN kiểm toán nhưng đó là liều thuốc bổ trợ rất tốt cho các DN trong việc nâng cao trách nhiệm giải trình trước công chúng về tính minh bạch trong kiểm toán, chất lượng thông tin sau kiểm toán, từ đó nâng cao uy tín của DN trên thị trường. Chính vì vậy, các công ty kiểm toán nói riêng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao hiệu quả CSR.

Theo thống kê của KPMG, 93% các DN kiểm toán tham gia khảo sát đã phát hành một báo cáo chi tiết về hoạt động CSR của họ. Các công ty kiểm toán lớn trong nhóm Big Four luôn đi đầu trong việc thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua các báo cáo minh bạch và công khai. Cụ thể, KPMG đồng hành với khách hàng tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề liên quan tới nghèo đói, môi trường bền vững, giáo dục và công bằng. EY nhấn mạnh giá trị lâu dài cho xã hội được tạo ra không chỉ thông qua những việc DN đã làm mà còn ở cách thức thực hiện, trong đó tập trung vào chất lượng kiểm toán bền vững. Deloitte tạo ra các giá trị bền vững cho thị trường vốn và thị trường tài chính…

Với các DN kiểm toán có quy mô nhỏ, CSR cũng được quan tâm với các chủ đề cụ thể như: Tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp và đạo đức kinh doanh của DN; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội; cải thiện chất lượng cuộc sống của người lao động và gia đình họ; đảm bảo sự thân thiện với môi trường trong quá trình hoạt động; cung cấp những sản phẩm và dịch vụ chuyên ngành về kiểm toán, tư vấn tài chính, tư vấn thuế, dịch vụ kế toán và đào tạo chuyên môn tốt nhất cho khách hàng; bảo vệ lợi ích của các đối tác, bên liên quan; có các hoạt động đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội.

Như vậy, khi thực hiện CSR, các DN kiểm toán không chỉ với tư cách là những công dân có trách nhiệm với các bên liên quan mà họ còn đưa các nguyên tắc của CSR vào chiến lược trong quá trình quản lý DN để hướng tới phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh dài hạn./.
 
 S. TRẦN PHƯƠNG THÙY – Học viện Ngân hàng)
(Báo Kiểm toán ngày 07/7/2022