Tọa đàm “Giới trẻ Việt Nam hiện nay: thực trạng, những vấn đề đặt ra về văn hoá, giáo dục và những giải pháp” | Khoa Giáo Dục

Kết luận tọa đàm, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đúc kết ngắn gọn rằng: Cần tạo môi trường tự do cho thanh niên phát triển, phát huy vai trò của thanh niên. Tuy nhiên, trách nhiệm của xã hội càng quan trọng, trong đó không thể bỏ qua vai trò của Đảng – Nhà nước, của tổ chức Đoàn.

Trong tham luận “Trường phái “Văn hóa và tính cách” và các gợi mở cho vấn đề giáo dục giới trẻ ở Việt Nam”, TS.Ngô Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng ĐH KHXHNV TP cho rằng, muốn tác động đến nhận thức thanh niên hiện nay thì cần thay đổi quan niệm về thanh niên, đặt thanh niên đúng vị trí của họ trong xã hội – cái nhìn “ngựa non háu đá” hay “cá không ăn muối cá ươn” là không phù hợp. Theo TS.Ngô Thị Phương Lan, cần biết khai thác lợi thế về nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo của thanh niên; cần có quan điểm giáo dục nâng cao năng lực thay vì áp đặt, thúc đẩy các phương thức giảng dạy tích cực khơi gợi và phát huy tính chủ động, sáng tạo và cái tôi của thanh niên; cần tạo không gian phù hợp cho các hoạt động của thanh niên, thu hút thanh niên chung tay đóng góp cho xã hội.

GS.TS Trần Ngọc Thêm (Khoa Văn hóa học, ĐH KHXHNV TPHCM) nhận định: Đặc điểm nổi bật rõ nhất của giới trẻ là lớp tuổi duy nhất có bản chất dương tính, kéo theo 2 đặc điểm quan trọng là hướng ngoại và năng động. Hướng ngoại thì dễ tiếp thu cái mới và hấp thụ các ảnh hưởng ngoại lai; năng động thì ưa thay đổi, phát triển. Theo GS.TS Trần Ngọc Thêm, cũng do đặc điểm dương tính, hướng ngoại mà trong giai đoạn mở cửa hội nhập, ở giới trẻ xuất hiện nhiều hiện tượng bất thường, phá cách, lệch chuẩn, “gây sốc” cho xã hội, được xem là làm xói mòn những giá trị văn hóa truyền thống, như: chuộng các loại thời trang “sành điệu” với áo hai dây, mốt đầu trọc, hình xăm trổ, quan hệ tình dục trước hôn nhân… (trong những năm 1990 – 2000).

Design by

Education – This is a contributing Drupal ThemeDesign by WeebPal