Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội? Cho ví vụ và vận dụng

Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội được thể hiện như thế nào sẽ được chúng tôi trao đổi tại bài viết dưới đây.

1. Ý thức xã hội là gì?

Đời sống tinh thần thì bao gồm ý thức xã hội và hoạt động của con người trong lĩnh vực tinh thần. Vì thế ý thức xã hội chỉ là một bộ phận của đời sống tinh thần. Ý thức xã hội bao gồm những quan điểm tư tưởng, tình cảm, tâm trạng phản ánh tồn tại xã hội nhất định – theo từng giai đoạn.

Ý thức xã hội là mặt tinh thần của đời sống xã hội, bao gồm toàn bộ những quan điểm, tư tưởng cùng những tình cảm, tâm trạng, … của những cộng đồng xã hội, nảy sinh từ tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội trong những giai đoạn phát triển nhất định. 

Hay hiểu đơn giản hơn thì ý thức xã hội thông thường là toàn bộ những tri thức, những quan niệm … của những con người trong một cộng đồng người nhất định, được hình thành một cách trực tiếp từ hoạt động thực tiễn hàng ngày, chưa được hệ thống hóa, khái quát hóa thành lý luận. Ý thức xã hội thường phản ánh sinh động, trực tiếp nhiều mặt cuộc sống hàng ngày của con người, thường xuyên chi phối cuộc sống đó. Ý thức xã hội có những tri thức kinh nghiệm phong phú có thể trở thành tiền đề quan trọng cho sự hình thành các lý thuyết xã hội.

Tính chất của ý thức xã hội:

  • Tính giai cấp: trong xã hội có giai cấp, ý thức xã hội mang tính giai cấp. Các giai cấp khác nhau có điều kiện sống, cơ sở kinh tế khác nhau nên thường có tư tưởng, quan điểm khác nhau. Tuy nhiên các giai cấp khác nhau cũng chia sẻ những quan điểm chung được toàn xã hội thừa nhận. Tính giai cấp của tư tưởng chỉ là một cách tiếp cận của Marx và không nên bị lạm dụng. Khi nào xuất hiện giai cấp, Nhà nước, khi đó ý thức xã hội mang tính giai cấp. Giai cấp nào nắm quyền thống trị thì ý thức xã hội phục vụ cho giai cấp đó.
  • Tính dân tộc: các giai cấp trong cùng một dân tộc luôn chịu sự tác động của một số yếu tố chung (điều kiện tự nhiên, lịch sử, …) và được thể hiện tập trung ở tâm lý xã hội.
  • Tính nhân loại: những giá trị mang tính phổ biến toàn nhân loại và những nội dung, những vấn đề đòi hỏi mối quan tâm chung của cả nhân loại.

Bản chất của ý thức xã hội:

  • Là sự phản ánh của tồn tại xã hội và do tồn tại xã hội quyết định.
  • Có tính độc lập tương đối trong mối quan hệ với sự tồn tại xã hội. 
  • Giữa các hình thái của ý thức xã hội luôn có sự xâm nhập, ảnh hưởng và tác động qua lại lẫn nhau.
  • Có thể tác động mạnh mẽ đến tồn tại xã hội, thúc đẩy sự phát triển của tồn tại xã hội nếu phản ánh đúng quy luật vận động hay thậm chí còn kìm hãm sự phát triển của tồn tại xã hội khi phản ánh không đúng quy luật vận động của tồn tại xã hội.

 

2. Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội? Cho ví vụ và vận dụng.

Khi khẳng định vai trò quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội, chủ nghĩa duy vật lịch sử không xem ý thức xã hội như một yếu tố thụ động, trái lại còn nhấn mạnh tác dụng tích cực của ý thức xã hội đối với đời sống kinh tế – xã hội, nhấn mạnh tính độc lập tương đối của ý thức xã hội trong mối quan hệ với tồn tại xã hội. Tính độc lập tương đối biểu hiện ở những điểm sau đây:

– Ý thức xã hội thường lạc hậu so với tồn tại xã hội.

Lịch sử xã hội đã cho thấy, nhiều lúc tồn tại xã hội cũ đã bị mất đi, nhưng ý thức xã hội cũ tương ứng lại vẫn còn tồn tại dai dẳng. Điều đó đã biểu hiện ý thức xã hội muốn thoát ly ra khỏi sự ràng buộc của tồn tại xã hội và tính độc lập tương đối. Ý thức xã hội thường lạc hậu so với tồn tại xã hội là do các nguyên nhân chủ yếu như sau:

  • Một là, sự biến đổi của tồn tại xã hội do tác động mạnh mẽ, thường xuyên và trực tiếp của những hoạt động thực tiễn của con người, thường diễn ra với tốc độ nhanh mà ý thức xã hội có thể không phản ánh kịp và trở nên lạc hậu. Hơn nữa, ý thức xã hội là cái phản ánh tồn tại xã hội nên nói chung chỉ biến đổi sau khi có sự biến đổi của tồn tại xã hội.
  • Hai là, do sức mạnh của thói quen, truyền thống, tập quán cũng như do tính lạc hậu, bảo thủ của một số hình thái ý thức xã hội.
  • Ba là, ý thức xã hội luôn gắn với lợi ích của những nhóm, những tập đoàn người, những giai cấp nhất định trong xã hội. Vì vậy, những tư tưởng cũ, lạc hậu thường được các lực lượng xã hội phản tiến bộ lưu giữ và truyền bá nhằm chống lại các lực lượng xã hội tiến bộ.

Những ý thức lạc hậu, tiêu cực không mất đi một cách dễ dàng. Vì vậy, trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới phải thường xuyên tăng cường công tác tư tưởng, đấu tranh chống lại những âm mưu và hành động phá hoại của những lực lượng thù địch về mặt tư tưởng, kiên trì xoá bỏ những tàn dư ý thức cũ, đồng thời ra sức phát huy những truyền thống tư tưởng tốt đẹp.

Ví dụ: Ý thức tư tưởng phong kiến như“Trọng nam khinh nữ”, “gia trưởng” đã không còn phù hợp với xu thế hiện nay.

– Ý thức xã hội có thể vượt trước tồn tại xã hội.

Khi khẳng định tính thường lạc hậu hơn của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội, triết học mácxít đồng thời thừa nhận rằng, trong những điều kiện nhất định, tư tưởng của con người, đặc biệt những tư tưởng khoa học tiên tiến có thể vượt trước sự phát triển của tồn tại xã hội, dự báo được tương lai và có tác dụng tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người, hướng hoạt động đó vào việc giải quyết những nhiệm vụ mới do sự phát triển chín muồi của đời sống vật chất của xã hội đặt ra.

Khi nói tư tưởng tiên tiến có thể đi trước tồn tại xã hội, dự kiến được quá trình khách quan của sự phát triển xã hội thì không có nghĩa nói rằng trong trường hợp này ý thức xã hội không còn bị tồn tại xã hội quyết định nữa. Tư tưởng khoa học tiên tiến không thoát ly tồn tại xã hội, mà phản ánh chính xác, sâu sắc tồn tại xã hội.

Ví dụ: Ngay từ khi quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đang ở trong thời kỳ phát triển tự do cạnh tranh, Các Mác đã dự báo quan hệ sản xuất đó nhất định sẽ bị quan hệ sản xuất tiến bộ hơn thay thế.

– Ý thức xã hội có tính kế thừa trong sự phát triển.

Lịch sử phát triển đời sống tinh thần xã hội đã cho thấy rằng, những quan điểm lý luận ở mỗi thời đại không xuất hiện trên mảnh đất trống không. Mà nó được tạo ra trên cơ sở kế thừa những tài liệu lý luận của các thời đại đi trước.

Do ý thức xã hội có tính kế thừa, nên khi nghiên cứu một tư tưởng nào đó phải dựa và quan hệ kinh tế hiện và phải chú ý đến các giai đoạn phát triển tư tưởng trước đó. Trong xã hội có phân chia giai cấp, tính chất kế thừa của ý thức xã hội luôn gắn liền với tính chất giai cấp của nó. Những giai cấp khác nhau sẽ kế thừa những nội dung ý thức khác nhau của các thời đại đi trước. Các giai cấp tiên tiến thường sẽ kế thừa những di sản tư tưởng tiến bộ của xã hội cũ đã để lại.

Ví dụ: Chủ nghĩa Mác đã kế thừa những tinh hoa tư tưởng của loài người mà trực tiếp là nền triết học Đức, kinh tế học cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp. Trong xã hội có giai cấp, tính chất kế thừa của ý thức xã hội gắn với tính chất giai cấp của nó. Những giai cấp khác nhau kế thừa những nội dung ý thức khác nhau của các thời đại trước, các giai cấp tiên tiến thường kế thừa những di sản tư tưởng tiến bộ của xã hội cũ để lại.

Hay ở Việt Nam với tư tưởng lấy “Dân làm gốc” mà Hồ Chí Minh đã có câu: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”

– Sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội trong sự phát triển của chúng.

Ý thức xã hội có rất nhiều bộ phận, nhiều hình thái khác nhau. Theo nguyên lý mối liên hệ thì các bộ phận đó không tách rời nhau, mà thường xuyên tác động qua lại lẫn nhau. Sự tác động đó làm cho mỗi hình thái ý thức luôn có những mặt, những tính chất không phải là kết quả phản ánh một cách trực tiếp của sự tồn tại xã hội.

Ý thức xã hội được thể hiện dưới nhiều hình thái cụ thể như: chính trị, pháp quyền, đạo đức, triết học, nghệ thuật, tôn giáo, khoa học. Ví dụ: trong giáo dục luôn đề cao đạo đức mà đạo đức thường là chuẩn mực ứng xử của xã hội.

– Ý thức xã hội tác động trở lại sự tồn tại xã hội.

Chủ nghĩa duy vật lịch sử không những chống đối lại quan điểm duy tâm tuyệt đối hoá về vai trò của ý thức xã hội mà còn bác bỏ luôn quan điểm duy vật tầm thường khi đã phủ nhận tác động tích cực của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội.

Ví dụ: Nếu hiện nay vẫn cứ còn tư tưởng “Trọng nam khinh nữ” thì sẽ phủ nhận công lao của phái đẹp, kìm hãm sự phát triển bình đẳng giới do vậy tư tưởng lạc hậu này cần được loại bỏ.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi, mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng liên hệ số Hotline 1900.6162 để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!