Thực trạng xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay

Xây dựng văn hoá gia đình giữ vị trí quyết định sự hình thành nhân cách con người, vì gia đình là một tiểu xã hội trong cấu trúc xã hội loài người.

Gia đình và văn hoá gia đình

Gia đình là một tổ chức đời sống vật chất, tinh thần cơ bản của xã hội loài người, có cấu trúc thiết chế văn hoá từ mối quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống mang tính đạo lý sinh hoạt đời sống tình cảm của các thành viên trong một tổ chức tiểu xã hội. Văn hoá gia đình (hoặc còn gọi là truyền thống gia đình là sự thể hiện thái độ ứng xử, quan niệm nhận thức trước môi trường tự nhiên, xã hội của một cá nhân, hay từng thành viên kế thừa từ cha mẹ và gia tộc truyền lại cho các thế hệ của mọi người trong gia đình.

Xây dựng văn hoá gia đình là một trong những mục tiêu quan trọng của Việt Nam thời kỳ hội nhập, nó góp phần xây dựng hoàn thiện nhân cách con người để ổn định xã hội và phát triển đất nước. Thời toàn cầu hoá đã phá vỡ nhiều chuẩn mực văn hoá truyền thống gia đình. Bởi gia đình là nền tảng cấu trúc thiết chế của xã hội loài người, nó mang đặc điểm văn hoá từng thời đại, mà gia đình biểu hiện là một cấu trúc tiểu xã hội

Xây dựng văn hoá gia đình trong sáng lành mạnh, là góp phần phát triển trí tuệ của mỗi thành viên để xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, thiết thực ổn định xã hội Việt Nam thời kỳ hội nhập, toàn cầu hoá hiện nay. Văn hoá gia đình là một truyền thống hình thành nhân cách con người cộng với sự tác động trực tiếp của thế giới xung quanh như quan hệ bạn bè, hàng xóm láng giềng, anh chị em nội ngoại… nó góp thêm phần hình thành nhân cách, cá tính mỗi con người trong gia đình và xã hội. Bởi gia đình có những chức năng mang ý nghĩa quyết định sự phát triển xã hội và đất nước bền vững như chức năng tổ chức hoạt động đời sống gia đình ấm no, hạnh phúc để phát triển bền vững gia đình và xã hội; chức năng thứ hai là sản sinh ra con người; chức năng thứ ba là giáo dục văn hoá gia đình, văn hoá xã hội để nuôi dưỡng phát triển con người toàn diện trong xã hội thời đại mới.

Thực trạng xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay - 1

Ảnh minh họa 

Hoàn cảnh gia đình Việt Nam hiện nay và tệ nạn xã hội

Hiện nay, dù nhiều tổ chức xã hội đã tuyên truyền xây dựng văn hoá gia đình thời toàn cầu hoá, quốc tế hoá, nhưng do hoàn cảnh gia đình Việt Nam đang gặp khó khăn ngay từ các bậc cha mẹ, ông bà.

Thông thường cha mẹ gửi con ở trường lớp hoặc con nhờ ông bà nuôi, nhưng nhiều ông bà lại đưa đón cháu ở nhà trẻ, khi các cháu học từ mẫu giáo đến cấp II, hầu hết nhiều gia đình gửi con vào nhà trường ăn ở nội trú, hoặc bán trú, tối đón về gia đình. Thực tiễn còn một số hoàn cảnh do xã hội công nghệ tạo ra, có những đứa trẻ gia đình Việt Nam trong xã hội đương đại, cha mẹ nuôi dạy từ nhỏ là đồ chơi điện thoại thông minh, hoặc thả con vào môi trường nhà trẻ và các trường học. Tức là thế hệ mới rất ít thời gian gắn bó với gia đình, ông bà, cha mẹ, vì mỗi người đều có công việc riêng không đủ thời gian quan tâm đến con cháu, hoặc rất ít quan tâm giáo dục con cháu – đại đa số đời sống của các cháu giao cho xã hội giáo dục và nuôi dưỡng. Đây là điểm yếu chí mạng, một khoảng trống trong xây dựng văn hoá gia đình Việt Nam thời hội nhập, toàn cầu hoá, mọi người cần khắc phục, giải pháp là các bậc ông bà, cha mẹ không cho phép xao nhãng giáo dục văn hoá gia đình và thường xuyên quan tâm xây dựng bộ ứng xử văn hoá gia đình chuẩn mực.

Chuẩn mực là gì? Thế nào là chuẩn mực trong thời toàn cầu hoá, quốc tế hoá hiện nay?… Chuẩn mực theo nghĩa rộng cụ thể những hành vi ứng xử của một con người văn hoá chuẩn mực, hành động chuẩn mực… được thiết lập bằng hệ thống các quy tắc đạt mục đích đòi hỏi của một dân tộc, hay một nhóm người, hoặc một cộng đồng xã hội, do các thành viên đặt ra để định hướng hành vi ứng xử của mỗi người nhằm ổn định cộng đồng, giữ kỷ cương an toàn xã hội.

Vì thực tiễn đời sống xây dựng văn hoá gia đình hiện nay, cần các nhà văn hoá, nhà giáo dục học, sớm xây dựng bộ ứng xử văn hoá gia đình chuẩn mực, nó đòi hỏi các nhà nghiên cứu hướng đến xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hoá gia đình phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện gia đình, xã hội Việt Nam mang tính dân tộc và tính quốc tế trong thời đại mới.

Thực tiễn những khó khăn của các bậc ông bà, cha mẹ không có thời gian, hoặc rất ít không gian tâm sự, giáo dục con cháu theo cách mỗi người có nhiều lý do mà thời gian nghỉ ngơi, thời gian kiếm sống và công việc đã chiếm hết tâm trí giáo dục văn hoá gia đình dành cho con cháu. Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều gia đình khắc phục những khó khăn nói trên, bằng cách tranh thủ thời gian giao tiếp giữa các thành viên của gia đình trong các giờ gặp mặt, giao tiếp với nhau.

Sự giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình là vô cùng quý giá như ông bà nói chuyện, trao đổi với các cháu, bố mẹ nói chuyện với con, tâm sự tình cảm, quan sát tìm hiểu tâm lý các con… Có gia đình lại trò chuyện, trao đổi trong bữa cơm thân mật, chan hoà giữa các thành viên của gia đình, nhiều bậc cha mẹ thì tranh thủ buổi tối gặp nhau trò chuyện để hiểu biết lẫn nhau, quan tâm đến các thành viên trong gia đình, ông bà, vợ chồng, con cháu… Những hành động nói trên tưởng là nhỏ bé, nhưng lại vô cùng hiệu quả để cha mẹ hiểu con cháu, ông bà thân thiện với mọi người, đây là một hình thức xây dựng văn hoá gia đình và là một trong nhiều giải pháp giáo dục văn hoá truyền thống gia đình, giúp mọi người hiểu và gần nhau hơn.

Với những gia đình cha mẹ đi làm xa quê ra thành phố, hoặc ở nước ngoài thì ông bà là người thường xuyên đưa đón cháu đi học, ông bà cần quan tâm đến tâm lý các cháu, gần các cháu nhiều hơn. Bên cạnh đó, bố mẹ đi làm xa nhưng sống trong thời đại công nghệ thì không xa, họ thường xuyên gọi video nói chuyện tâm sự cùng các con, bám sát từng bài học của con… Nghĩa là cha mẹ phải chịu khổ, dành thời gian quan tâm nhiền hơn đến con, nuôi dạy con thành người có văn hoá, xây dựng nhân cách con người toàn diện để khỏi ân hận với những đau buồn do chính sự thiếu quan tâm của cha mẹ với các con.

Vì thế, hơn bao giờ hết cần hoàn thiện bộ ứng xử: xây dựng văn hoá gia đình chuẩn mực để gia đình là tổ ấm, gia đình là nơi đùm bọc nhân ái bao dung của mỗi thành viên trong nhà. Gia đình là nơi để nhớ thương, là nơi con người ra đi trở về trong vòng tay nồng ấm của ông bà, cha mẹ thân yêu. Gia đình là nơi con người không thể rời bỏ như câu tục ngữ: “Chim có tổ, người có tông”, “Cây có cội, nước có nguồn”. Cần xây dựng bộ ứng xử văn hoá gia đình chuẩn mực, bằng nhiều giải pháp và cơ chế chính sách phù hợp với hiện thực hoàn cảnh gia đình Việt Nam thời toàn cầu hoá vì sự ổn định xã hội để phát triển kinh tế đất nước.

Thực trạng xây dựng văn hoá gia đình Việt Nam hiện nay

Thực trạng xây dựng văn hoá gia đình Việt Nam chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, nhiều người đổ lỗi tại xã hội suy thoái, kinh tế khó khăn, đạo đức con người xuống cấp, do quá nhiều tệ nạn xã hội tạo ra lớp thanh niên hư hỏng, họ không có việc làm ổn định, nhưng muốn hưởng thụ cao, lại lười lao động…

Chúng ta nói xây dựng văn hoá gia đình nhưng nặng về hô hào khẩu hiệu mà chưa có bộ quy tắc xây dựng văn hoá gia đình chuẩn mực để đáp ứng nhu cầu phát triển gia đình và xã hội, dựa vào hoàn cảnh gia đình và nhu cầu hội nhập quốc tế thời toàn cầu hoá. Đây là nút thắt của công tác xây dựng văn hoá gia đình và giáo dục con cháu dựa vào truyền thống gia đình Việt Nam thời kỳ hội nhập, toàn cầu hoá, quốc tế hoá hiện nay.

Mỗi người trưởng thành thường tùy thuộc vào gen và hoàn cảnh gia đình, truyền thống văn hoá gia đình cùng mối quan hệ bạn bè, môi trường tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội… đã hình thành nhân cách, cá tính một con người. Do đó, mối quan tâm của gia đình, xã hội Việt Nam trong thời hội nhập, toàn cầu hoá là: Xây dựng văn hoá gia đình, nhằm mục đích phát triển nhân cách con người để phát triển xã hội; xây dựng văn hoá gia đình làm nền tảng hình thành nhân cách con người và hành vi ứng xử đạo đức, văn hoá xã hội.

Văn hoá gia đình là sản phẩm tinh thần của một xã hội, nó phát triển theo tỷ lệ thuận, nếu một xã hội tốt đẹp thì con người với con người ứng xử văn hoá, văn minh. Ngược lại khi xảy ra nhiều lối sống ứng xử của con người với nhau thiếu văn hoá, nhiều bạo lực thì phải nhìn nhận lại những thiếu sót, sai lầm từ đâu để phát triển những thành phần tiến bộ tích cực mang lại đa số người ứng xử văn hoá, văn minh trong gia đình và trên phạm vi toàn xã hội.

Tác giả hướng đến mấy gợi ý về xây dựng văn hoá gia đình hiện nay như sau:

1. Xây dựng gia đình giàu sang, đáp ứng đủ vật chất, tinh thần cho mọi thành viên của gia đình.

2. Xây dựng văn hoá truyền thống gia đình Việt Nam trong thời đại mới.

3. Xây dựng gia đình hoà thuận, không bạo lực, con cháu thảo hiền, giao tiếp văn hoá, văn minh.

4. Phải có chế tài nghiêm, hoạt động thường xuyên thực hiện nghiêm những quy định giao tiếp văn hoá ở bất cứ đâu.

Xây dựng văn hoá gia đình còn mang ý thức hệ của các dân tộc, ở mỗi quốc gia mà đó là một chức năng trong những chức năng hoạt động của gia đình để hình thành một xã hội văn hoá phát triển bền vững, bằng phương pháp thực hiện các chức năng nghĩa vụ của gia đình. Tại Việt Nam, từ xã hội phong kiến đến xã hội hiện đại và xây dựng văn hoá gia đình trong xã hội đương đại đã không ngừng biến đổi, nhưng chức năng của gia đình thì ít biến đổi.

Ngày nay, dù xã hội công nghệ đang đổi mới từng ngày trước sự bùng nổ thông tin như “bão lũ” thời toàn cầu hoá trong kỷ nguyên mã hoá số học ứng dụng mới. Từ thực tiễn hoàn cảnh các gia đình Việt Nam, cần xác định rõ chức năng của gia đình bao gồm những quyền hạn, nghĩa vụ của mỗi thành viên để tổ chức đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất, văn hoá tinh thần, nhằm phát triển xã hội trong thời đại công nghệ số hoá. Muốn thực hiện thành công xây dựng văn hoá gia đình đã nêu 4 điểm gợi ý trên, cần thực hiện nhóm giải pháp và những kiến nghị sau.

Giải pháp và những kiến nghị

Xây dựng văn hoá gia đình là nâng cao các giá trị văn hoá truyền thống gia đình từ nguồn cội đến hiện đại và xã hội đương đại để nâng cao tâm hồn, nhân cách văn hoá con người Việt Nam trong thời đại mới. Khi đất nước phát triển đô thị hoá nhanh cùng xu thế hội nhập nền kinh tế thị trường đang tạo nhiều cơ hội để gia đình Việt Nam phát triển, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức về văn hoá đang biến đổi để phát triển con người và xã hội.

Trước tình hình mới, cần xây dựng bộ ứng xử văn hoá gia đình Việt Nam để xây dựng nhân cách con người văn hoá, xã hội văn minh phát triển kinh tế đất nước giàu mạnh từ cơ sở xã phường, thôn bản đến thành phố trên các đô thị mới. Xây dựng văn hoá gia đình lấy cơ sở hạ tầng làm nền móng vững chắc phát triển kinh tế, cấu trúc xã hội để văn hoá gia đình có điều kiện đi sâu vào giáo dục con người văn hoá, ứng xử văn minh. Giải pháp là:

– Xây dựng đời sống kinh tế song song với xây dựng văn hoá gia đình vững mạnh, làm thoả mãn nhu cầu của mỗi thành viên trong gia đình hiện nay.

– Xây dựng đời sống văn hoá gia đình ở cơ sở xã phường, thôn bản, thành phố và các đô thị mới vững mạnh để hội nhập mang bản sắc dân tộc và quốc tế.

– Đổi mới cơ chế quản lý, bổ sung cơ chế chính sách về nuôi dưỡng người già và thế hệ trẻ như “xoá đói giảm nghèo”, “dân số kế hoạch hoá”, các em thiếu niên nhi đồng đi học được Nhà nước bảo trợ. Nghĩa là đề nghị miễn học phí cho học sinh cấp I-II.

– Giám sát và bổ sung chương trình nuôi dạy trẻ mẫu giáo, mầm non ở các nhà trẻ tư nhân, công lập, và trong các trường cấp I-II, thống nhất chương trình đào tạo, chế độ nuôi dạy các cháu trong mọi độ tuổi.

Muốn thực hiện thành công các giải pháp nêu trên để kiện toàn bộ ứng xử văn hoá gia đình, Nhà nước cần đổi mới cơ chế chính sách chế độ lương giáo viên, xây dựng đồng bộ các hoạt động kinh tế, văn hoá, chính trị xã hội.

Sau đây là những kiến nghị:

– Thứ nhất, các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách sớm cho ra bộ ứng xử xây dựng văn hoá gia đình Việt Nam hiện nay, phù hợp với thức tiễn cấu trúc gia đình trong nền kinh tế thị trường để hội nhập.

– Thứ hai, Nhà nước đẩy nhanh xã hội hoá xây dựng văn hoá gia đình và đầu tư tài chính, công sức vào phong trào xây dựng văn hoá gia đình để thực hiện thành công bộ ứng xử văn hoá gia đình Việt Nam thời đại mới.

– Thứ ba, đẩy mạnh công tác thông tin, vận động các gia đình, cơ quan, tổ chức đoàn thể, thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng văn hoá gia đình, ứng xử văn hoá, văn minh trong giao tiếp hằng ngày ở bất cứ đâu, để an toàn xã hội và phát triển đất nước, giữ bình yên cuộc sống mỗi ngày.

Muốn thực hiện thành công những giải pháp và kiến nghị trên, các cơ quan văn hoá và toàn xã hội hưởng ứng mãnh liệt, kiên quyết thực hiện những quy tắc lối sống ứng xử văn hoá trong gia đình và toàn xã hội. Giữ vững kỷ cương pháp luật, trật tự văn hoá an toàn xã hội để phát triển đất nước giàu mạnh, văn hoá, văn minh.

Xây dựng văn hoá gia đình Việt Nam thời toàn cầu hoá trong nền kinh tế thị trường là nhiệm vụ của toàn dân cùng các tổ chức đoàn thể xã hội. Xây dựng văn hoá gia đình cụ thể từ cơ sở xã phường, thôn bản đến thành phố phát triển mạnh nền kinh tế thị trường để hội nhập, toàn cầu hoá.

Xây dựng văn hoá gia đình, cụ thể bắt nguồn từ nền văn hoá truyền thống gia đình Việt Nam, nền văn hoá ấy xuất thân từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước ghi lại trong ca dao, tục ngữ thành lẽ sống văn hoá ứng xử của con người trong các gia đình Việt Nam, là hình thức sinh hoạt văn hoá bình dân. Nền văn hoá truyền thống gia đình ấy, phát triển hàng ngàn năm văn hiến từ xã hội nông dân phong kiến đến gia đình Việt Nam hiện đại và tiếp nối xây dựng nền văn hoá gia đình Việt Nam trong xã hội đương đại.

Những biến đổi kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội ngày nay đã phá vỡ và biến mất nhiều chuẩn mực văn hoá gia đình truyền thống Việt Nam, bởi một thực trạng xây dựng văn hoá gia đình trong thời đại mới chưa đồng bộ cùng sự phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đây là cơ hội phát triển tri thức con người mới, nhưng đang gặp nhiều thách thức trong xây dựng văn hoá gia đình Việt Nam với tốc độ phát triển kinh tế thị trường, đô thị hoá nhanh, tiếp nhận nhiều trào lưu văn hoá ngoại sinh, làm nhiều gia đình gặp khó khăn khi giáo dục con người và xây dựng văn hoá truyền thống gia đình.

Nhận diện thực tiễn xây dựng văn hoá gia đình Việt Nam hiện nay, cần dựa vào hoàn cảnh của từng gia đình, cụ thể xuống các xã phường, thôn bản, đến thành phố, đô thị mới để xây dựng vững chắc cơ sở văn hoá gia đình. Vì mục đích hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xây dựng xã hội dân chủ công bằng mà văn hoá gia đình là điểm tựa để xây dựng nhân cách con người, có lối sống ứng xử văn hoá, văn minh trong gia đình ra ngoài xã hội. Xây dựng chuẩn mực bộ ứng xử văn hoá gia đình, là thiết thực phát triển nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới, góp phần ổn định kỷ cương pháp luật, ổn định xã hội, phát triển đất nước bền vững.

Thực trạng xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay - 2

Đặng Kim Thoa