Thực hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững đến năm 2045 ở Việt Nam

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhận định: phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Bài viết phân tích sự ra đời và điều kiện, môi trường tồn tại của Nhà nước kiến tạo phát triển; nội dung cơ bản và một số giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững đến năm 2045.

Ảnh minh họa

Quan niệm và xu hướng phát triển bền vững

Các nghiên cứu cho thấy, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có vai trò đặc biệt quan trọng là: “Xác định tầm nhìn và khả năng thực hiện một chủ thuyết phát triển đúng đắn; có kế hoạch phát triển quốc gia mạnh; cam kết nâng cao năng lực con người(1). Nhà nước kiến tạo phát triển “Là sự thay đổi tư duy về mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường trong điều kiện của xã hội hiện đại”(2). Do đó, Nhà nước kiến tạo phát triển không chỉ chú trọng đến tăng trưởng kinh tế bền vững, mà còn phải giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, phát triển con người, an ninh trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ môi trường. Đồng thời, phải phát huy hiệu quả môi trường, điều kiện của sự phát triển bền vững và của khoa học, công nghệ.

Nhà nước kiến tạo phát triển cần có giới lãnh đạo tinh hoa, có tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy thế mạnh trong việc tạo lập khuôn khổ thể chế và những điều kiện cần thiết để phát huy sáng tạo, khởi nghiệp của người dân và doanh nghiệp; tạo ra chính sách thu hút các nguồn lực của xã hội để tập trung đầu tư cho các mục tiêu phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường. Vì vậy, có thể hiểu một cách tổng quát, nhà nước kiến tạo phát triển là nhà nước có tầm nhìn chiến lược; tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nguồn nhân lực chất lượng cao; có khả năng xác định, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường một cách bền vững và hiệu quả trên cơ sở thích ứng với thị trường và các biến đổi.

Chiến lược phát triển bền vững đến năm 2045 ở Việt Nam

Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”(3). Đồng thời, kiên định con đường, mục tiêu phát triển toàn diện – phát triển bền vững. Cụ thể, về phát triển kinh tế, đảm bảo đường lối, chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về phát triển xã hội, là những chính sách an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, phát triển con người; đảm bảo duy trì chính sách thân thiện với môi trường, chú trọng quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý và có các chính sách về khai thác các nguồn năng lượng sạch gắn với tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái: “Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(4).

Giai đoạn hiện nay, Việt Nam xác định tầm nhìn chiến lược, quy hoạch phát triển trên các lĩnh vực và đặt chỉ tiêu: “Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 – 35% GDP; nợ công không quá 60% GDP; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm; giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP ở mức 1 – 1,5%/năm. Về xã hội, Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,74; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 – 40%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%. Về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%; giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính; 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 – 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia”(5). 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI và XII của Đảng xác định vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa, giá trị lâu dài và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong 5 năm tới, để phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới, Nghị quyết nhấn mạnh cần tập trung vào các đột phá cụ thể sau đây:

Thứ nhất, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Một số giải pháp thực hiện hiệu quả tầm nhìn chiến lược phát triển bền vững đến năm 2045 ở Việt Nam

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với quyết tâm chính trị cao của hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đồng thuận trong toàn xã hội; xây dựng và nâng cao ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại trong thực hiện tầm nhìn, chiến lược phát triển bền vững gắn với xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.v.v.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu thực hiện tầm nhìn, chiến lược phát triển của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong bối cảnh hiện nay, thực hiện những cải cách có tính đột phá về thể chế, cơ chế, chính sách, tạo được hệ thống pháp luật đồng bộ, chặt chẽ, minh bạch nhằm gắn kết chặt chẽ với tầm nhìn chiến lược phát triển dài hạn. Đảm bảo kết hợp giữa quản lý, kiểm soát bằng các quyết định hành chính với quản trị hiện đại, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; xây dựng, kiến tạo và thực thi có hiệu quả các cơ chế, chính sách chuyển đổi sang mô hình phát triển theo chiều sâu dựa trên cơ sở đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ cao trên các lĩnh vực nhằm thúc đẩy khởi nghiệp gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả ba cấp độ (năng lực cạnh tranh quốc gia, quốc tế; năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh sản phẩm); nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý đầu tư công.

Nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế theo hướng có cơ chế, chính sách, pháp luật để phân định rõ ràng giữa mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với tạo lập những điều kiện bên trong nhằm phát huy tối đa nội lực là chính; thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thật sự hiệu quả, không tiếp nhận công nghệ lạc hậu, giảm áp lực nợ nước ngoài; bảo đảm an ninh kinh tế. Tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ sự mất cân đối hệ thống và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao.

Cùng với cải cách đột phá về thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực kinh tế, cần tập trung kiến tạo môi trường, thiết chế, chính sách thuận lợi, minh bạch bảo đảm phát triển văn hóa, con người, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ổn định an ninh chính trị và bảo vệ Tổ quốc. Trọng tâm là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách an sinh xã hội, trợ giúp xã hội, ưu đãi xã hội, hệ thống hỗ trợ tích cực, như: chính sách việc làm, chính sách tiền lương và thu nhập, từng bước tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho các đối tượng và vùng đặc thù; chính sách xóa nghèo bền vững…

Hiện nay, những quy định của pháp luật liên quan đến sự ràng buộc giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái chưa cụ thể, rõ ràng, mà chủ yếu là lồng ghép trong các lĩnh vực về kinh tế – xã hội (kể cả các điều ước quốc tế), do đó gây khó khăn trong quản lý nhà nước và xử lý những vi phạm. Vì vậy, cần ban hành luật về kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống thiên tai; thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu… Để đạt được mục tiêu, yêu cầu trong tầm nhìn, chiến lược bảo vệ môi trường theo hướng nâng cao tái tạo môi trường tự nhiên, thân thiện và bảo vệ môi trường sinh thái, Nhà nước cần kiến tạo môi trường thể chế đảm bảo giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ môi trường.

Ba là, tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật; chủ động tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam và huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững. Nhà nước đảm bảo cơ chế, chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả ngân sách, cơ sở vật chất – kỹ thuật nhằm đạt được chiến lược kiến tạo phát triển bền vững của quốc gia, trong đó Nhà nước tập trung xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho thực hiện chính phủ điện tử – kiến tạo, chính phủ số, chính quyền điện tử, chính quyền số; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại, hình thành công dân số, doanh nghiệp số, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, xã hội số, gắn với đô thị thông minh… thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại.

Tầm nhìn chiến lược trong kiến tạo phát triển bền vững là kết tinh trí tuệ trên cơ sở khoa học dự báo và thực tiễn xã hội (thích ứng với thị trường và các biến đổi xã hội). Tầm nhìn đó phải được kết hợp với bản lĩnh và khát vọng đưa Việt Nam phát triển hùng cường, bền vững vừa là nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; đặt trọng tâm phát triển kinh tế, tăng trưởng cao, bền vững làm tiền đề cho thực hiện tốt an sinh xã hội, góp phần ổn định, đồng thuận cao trong Nhân dân để phát triển kinh tế bền vững vừa mang tính nhân văn sâu sắc với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

—————————–

Ghi chú:

(1) UN ECA and AU, Economic Report on Africa, Governing Development in Africa – the Role of the State in Economic Tranformation, 2011, .

(2) Lê Minh Quân, Nhà nước kiến tạo, Tạp chí Lý luận chính trị, tháng 8/2016.

(3),(4),(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.214, tr.206, tr.218-220.

 

TS. Đinh Hữu Công, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh

Theo: https://tcnn.vn/