Thực hiện chính sách công tác xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội

leftcenterrightdel

Quang cảnh Hội thảo 

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các cấp!

Thưa Quý vị đại biểu, thưa toàn thể Hội nghị!

Được thư mời của Ban Tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp”, tôi rất vinh dự và xin được đóng góp một số ý kiến về việc thực hiện chính sách trong lĩnh vực công tác xã hội tại cơ sở bảo trợ xã hội 3 Hà Nội nơi đang công tác như sau.

1. Về tình hình chung:

Trong những năm qua, công tác an sinh xã hội được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, dành sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đồng hành với phát triển kinh tế, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng là thực hiện các chính sách xã hội để đảm bảo cuộc sống cho những đối tượng yếu thế cần được trợ giúp, đặc biệt thể hiện rõ tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (sau đây xin gọi là Nghị định 20) thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013.

Một trong những đơn vị thực hiện nhiệm vụ trợ giúp trên có Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội. Trung tâm là một địa chỉ để người cao tuổi cô đơn gửi gắm phần đời còn lại của mình, trẻ em có một mái ấm tình thương. Các đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây coi Trung tâm như một là một gia đình lớn –  “Gia đình bảo trợ xã hội 3”.

Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, tiền thân là Trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 1515/QĐ-UB ngày 15 tháng 7 năm 1992 của UBND Thành phố Hà Nội. Qua 3 lần sáp nhập các đơn vị nuôi dưỡng trẻ mồ côi vào đơn vị, hiện nay, Trung tâm được tổ chức lại theo Quyết định số 1547/QĐ-UBND ngày 11/5/2022 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, với chức năng giúp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ về chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội, cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi có nhu cầu được trợ giúp xã hội và tự nguyện đóng góp kinh phí.

Đối tượng phục vụ của Trung tâm làngười cao tuổi không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; người cao tuổi tự nguyện đóng góp kinh phí; trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp.

Trung tâm có 3 cơ sở, bao gồm:

+ Trụ sở chính đóng tại: Số 3 TDP Miêu Nha, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

+ Cơ sở 2 đóng tại: số 43 ngõ 42 Lạc Trung, Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

+ Cơ sở 3 đóng tại: số 106 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trung tâm có 04 phòng chức năng: Phòng Hành chính – Tổng hợp; Phòng Y tế – Phục hồi chức năng; Phòng Chăm sóc khẩn cấp và dài hạn; Phòng Công tác xã hội và phát triển cộng đồng.

– Tổng số cán bộ nhân viên Trung tâm là 66 người.

– Trung tâm thường xuyên nuôi dưỡng 170 đối tượng (90 cụ già và 80 trẻ em).

2. Tình hình thực hiện công tác xã hội tại Trung tâm:

2.1 Công tác tiếp nhận, trợ giúp xã hội:

Trung tâm tiến hành tiếp nhận đối tượng và giải quyết thủ tục cho đối tượng ra khỏi Trung tâm đúng quy trình và quy định của Nhà nước. Đối tượng đến Trung tâm được cán bộ y tế khám, kiểm tra sức khỏe ban đầu, sắp xếp phòng ở; Hồ sơ đối tượng kèm theo giấy khám sức khỏe được lập, lưu trữ hồ sơ. Đối tượng yếu cần chăm sóc đặc biệt, đơn vị sắp xếp vào khu nhà đối tượng yếu để phù hợp cho quá trình chăm sóc, vệ sinh và có chế độ điều trị đặc biệt. Lập hồ sơ quản lý trường hợp đúng quy định.

2.1.1 Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng:

Trung tâm chi tiền ăn cho đối tượng đảm bảo đúng chế độ, định mức quy định, có thực đơn công khai, tiếp phẩm công khai. Lương thực, thực phẩm phục vụ đối tượng mua về đều được kiểm tra chất lượng, số lượng theo thực đơn, đưa vào chế biến đảm bảo sạch sẽ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà bếp hàng ngày lưu mẫu thức ăn phục vụ cho việc kiểm định chất lượng. Thực đơn bữa ăn được thay đổi phong phú, đa dạng phù hợp với thời tiết và bệnh lý của từng đối tượng. Trung tâm duy trì cho các cụ, các cháu ăn thêm sữa, hoa quả vào bữa phụ hàng ngày nâng cao sức đề kháng.

Công tác chăm sóc tắm giặt, vệ sinh cho đối tượng đảm bảo sạch sẽ, chu đáo, đặc biệt là người cao tuổi già yếu, suy giảm trí nhớ (hiện nay có 30 cụ cao tuổi phải phục vụ tại chỗ), và các cháu là trẻ sơ sinh non yếu; các nhân viên hộ lý, điều dưỡng viên trực tiếp chăm sóc bón ăn, vệ sinh, tắm giặt hàng ngày một cách chu đáo, tận tình như người thân trong gia đình.

Ngoài việc chăm sóc đời sống vật chất, đơn vị còn quan tâm đến đời sống tinhthần của các đối tượng. CBNV thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đối tượng, động viên chia sẻ kịp thời, giúp ổn định tâm lý, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh COVID -19.

2.1.2 Công tác chăm sóc y tế:

Trung tâm trang bị tương đối đầy đủ các trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ việc khám chữa bệnh ban đầu cho đối tượng. Đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm có thể điều trị những bệnh thông thường cho các cụ, các cháu. Hàng ngày, cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe cho các đối tượng, kịp thời khám và điều trị bệnh cho người có bệnh, trường hợp bệnh nặng, đối tượng được chuyển ra bệnh viện để điều trị kịp thời.Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã chuyển bệnh viện điều trị cho 10 trường hợp, bao gồm cả cử cán bộ đi theo chăm sóc, do đó ảnh hưởng không nhỏ tới số lượng cán bộ trực tại Trung tâm.Bằng sự tận tâm, chu đáo, không có trường hợp nào tử vong do chuyên môn yếu hay thiếu tinh thần trách nhiệm.

Trong năm 2022, Trung tâm đã khám và cấp thuốc thông thường tại chỗ cho hơn 4.000 lượt đối tượng. Số đối tượng già yếu nằm liệt hoặc không tự phục vụ được khoảng 30 cụ, trẻ sơ sinh suy dinh dưỡng, đều được chăm sóc đảm bảo.

Trung tâm cũng chú trọng công tác vệ sinh phòng dịch theo mùa: Rắc vôi, phun thuốc khử trùngcống rãnh, nhà cửa 4 lần/tháng, vệ sinh nhà cửa, môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Trong năm qua không xảy ra dịch bệnh tại đơn vị.

2.1.3. Công tác phục hồi chức năng:

Cán bộ y tế, điều dưỡng viên thường xuyên hướng dẫn, vận động các cụ, các cháu tập thể dục, phục hồi chức năng cho đối tượng, đặc biệt các cụ và trẻ em bị suy giảm một số chức năng cơ thể. Cán bộ y tế xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu phục hồi chức năng cho một số cụ bị tai biến. Trang bị và thường xuyên bảo dưỡng các máy tập, thiết bị thể dục thể thao phục vụ đối tượng tập thể dục dưỡng sinh, phục hồi chức năng.

2.2. Một số khó khăn về hỗ trợ tư pháp và các kiến nghị:

2.2.1.Hỗ trợ thủ tục hồ sơ tư pháp:

Đa số trẻ bị bỏ rơi được Trung tâm tiếp nhận đảm bảo về hồ sơ. Những trường hợp hồ sơ không rõ ràng thì được làm thủ tục khai sinh và tiến hành chăm sóc nuôi dưỡng. Một số trường hợp trẻ vướng mắc về thủ tục hồ sơ, hiện chưa có giấy khai sinh  như: Trẻ sinh ra không xác minh được nhân thân, bị mẹ bỏ rơi không thừa nhận; trẻ bị thất lạc giấy chứng sinh; trẻ được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề, quận Long Biên được Phòng Cảnh sát Hình sự – an Công an Thành phố Hà Nội chuyển đến…; hồ sơ pháp lý không đầy đủ gây khó khăn trong việc tìm mái ấm, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ.

Để hoàn thiện hồ sơ cho trẻ trưởng thành, Trung tâm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể là trường hợp đối tượng đến tuổi trưởng thành thực hiện làm thủ tục căn cước công dân của cháu Nguyễn Tiến Duy, sinh ngày: 22/02/2002 có địa chỉ Phường Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội. Cháu là trẻ bị mất nguồn nuôi dưỡng do mẹ cháu đi chấp hành án. Năm 2006, cháu vào Trung tâm,trong hồ sơ không có giấy khai sinh. Trung tâm đã liên hệ với công an địa phương tìm mẹ cháu nhưng được biết đến nay mẹ cháu vẫn không có mặt tại gia đình và địa phương, cũng không đến thăm, tìm lại cháu. Tháng 12/2019, Trung tâm đã làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu Duy tại UBND phường Tây Mỗ và Trung tâm đã về phường Phương Liệt làm thủ tục nhập khẩu cho cháu nhưng do mẹ cháu không có mặt ở địa phương nên không nhập Hộ khẩu cho cháu được. Trung tâm đưa ra giải pháp là đến Công an phường Tây Mỗ làm thủ tục nhập khẩu vào Hộ khẩu tập thể của Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 do Giám đốc Trung tâm là người Giám hộ để làm Thẻ căn cước công dân cho cháu, được Công an phường Tây Mỗ trả lời: Hiện nay, các trường hợp nhập khẩu phải nhập trên dữ liệu Quốc gia. Do trường hợp cháu Duy không đủ dữ liệu, thông tin nên phải chờ Công an Thành phố hướng dẫn. Cháu Duy đang đi học nghề và đi làm thêm nên cần có Thẻ Căn cước công dân. Vậy Trung tâm đề nghị được hướng dẫn cụ thể cách làm để cháu sớm nhập được Hộ khẩu và làm Thẻ Căn cước công dân.

2.2.2. Hỗ trợ trẻ trưởng thành tái hòa nhập cộng đồng:

Theo quy định, đơn vị bảo trợ xã hội chăm sóc nuôi dưỡng trẻ đến 18 tuổi phải thực hiện thủ tục trưởng thành và tái hòa nhập cộng đồng. Đối với trẻ tiếp tục học nghề, học đại học được tiếp tục chăm sóc nuôi dưỡng đến 22 tuổi. Tuy nhiên, có những trường hợp các cháu đến tuổi trưởng thành nhưng chưa tìm được việc làm để ổn định được cuộc sống, hoặc giai đoạn sau khi học xong đại học, học nghề, các cháu phải có thời gian đi tìm việc làm. Như vậy đề xuất cần hỗ trợ thêm cho các đối tượng này có một khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để các cháu tìm việc làm và ổn định cuộc sống.

2.2.3. Hỗ trợ đối tượng ốm đau phải điều trị tại bệnh viện:

Trẻ sơ sinh non yếu, người cao tuổi cô đơn khi mắc bệnh nặng phải điều trị tại bệnh viện, Trung tâm phải phải cử nhân viên đi theo chăm sóc, trông nom. Mặc dù đối tượng có thẻ BHYT song quá trình điều trị cần những thuốc đặc trị không có trong danh mục được Bảo hiểm chi trả, trong khi kinh phí được chi trả từ nguồn chi khác cho đối tượng thấp (350.000đ/đối tượng/tháng) không đủ cho các chi phí này. Vậy đề nghị tăng phần kinh phí chi khác cho đối tượng đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm hoặc do Phòng Công tác xã hội của bệnh viện thực hiện hỗ trợ cho đối tượng xã hội.

3. Kết luận:

Trên đây là một số kiến nghị để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội. Rất mong các cấp lãnh đạo, Quý vị đại biểu quan tâm trong việc hoạch định chính sách về công tác bảo trợ xã hội, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho đối tượng yếu thế./.

Bác sĩ Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội