Thủ tục đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện được ví như là món quà đối với những người không làm thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà vẫn có thể tích lũy từ khoản đóng góp rất nhỏ để có được lương hưu cho tuổi già sau này.

 

1. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?

Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được ban hành và bắt đầu được triển khai trên thực tiễn từ ngày 21/01/2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi ngời lao động không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động, tiến tới mục tiêu chung của nhà nước là ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động.

Cho đến nay, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được các cơ quan bảo hiểm tại địa phương triển khai tuyên truyền rộng khắp trong nhân dân, đặc biệt đối với người dân tại vùng nông thôn. 

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Như vậy, bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách bảo hiểm xã hội dành cho những người lao động không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và khi tham gia chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia sẽ được hưởng các chế độ đó là hưu trí và tử tuất. Điểm khác biệt của chính sách bảo hiểm này so với chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc không chỉ ở đối tượng tham gia, chế độ được hưởng mà còn ở chỗ người tham gia được tự do quyết định việc tham gia hay không, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng trên cơ sở xem xét mức thu nhập của bản thân mình.

 

2. Ai được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và hướng dẫn tại Nghị định 134/2015/NĐ-CP thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Nội dung này được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH thì đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm:

– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng;

– Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu dân phố;

– Người lao động giúp việc gia đình;

– Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương (kinh doanh tự do)

– Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

– Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;

– Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định định pháp luật;

– Người tham gia khác.

Bằng việc liệt kê như vậy có thể không toàn diện được, xong chúng ta cần nắm được người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi và không đang thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định pháp luật.

 

2. Thủ tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thực hiện thế nào?

Với mục tiêu thực hiện hiệu quả chủ trương triển khai sâu rộng trong nhân dân về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện của Nhà nước, các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội tự nguyện nói chung, quy định về thủ tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nói riêng cũng đã được hướng dẫn rất chi tiết. Cùng với đó, công tác triển khai trên thực tiễn, dưới sự chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các cơ quan bảo hiểm tại địa phương cũng đã xây dựng đội ngũ tuyên truyền, hỗ trợ sát sao nhất đối với người có nguyện vọng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, được hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện rất cụ thể.

Tuy vậy, nhiều người vẫn muốn chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng quy định pháp luật liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội này, chính vì vậy, Luật Minh Khuê sẽ chia sẻ chi tiết thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện dưới đây để bạn đọc có thể tự mình nghiên cứu trước.

Thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên thực tế được triển khai theo trình tự như sau:

Bước 1: Đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo quy định tại Điều 24 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì:

– Người tham gia cần điền đầy đủ thông tin tại Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo Mẫu TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.

– Bên cạnh đó người tham gia cần xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân để đối chiếu thông tin.

– Nơi đăng ký: Người tham gia có thể lựa chọn nộp trực tiếp tại Cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi mình cư trú hoặc nộp tại Đại lý thu gần với nơi mình cư trú nhất.

Bước 2: Nộp tiền (trên thực tế triển khai thì đối với người đăng ký tham gia lần đầu sẽ đóng tiền ngay tại thời điểm đăng ký tham gia) (về mức đóng, phương thức đóng sẽ được giải đáp chi tiết ở mục 3 và mục 4)

Bước 3: Cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ và giải quyết

Thời gian giải quyết: không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định (trong trường  hợp cấp mới), cấp lại không quá 10 ngày. (căn cứ tại khoản 1 Điều 29 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017)

Bước 4: Nhận kết quả: Sổ Bảo hiểm xã hội

 

3. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là do người tham gia tự quyết định trên cơ sở thu nhập của bản thân song nội dung này cũng được quy định tại Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP và hướng dẫn chi tiết tại Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH. Theo đó:

– Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn. Trong đó, mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng (Nghị định 07/2021/NĐ-CP) và cao nhất là bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (mức lương cơ sở năm 2022 là 1.490.000 đồng vậy mức cao nhất là = 20 x 1.490.000 = 29.800.000 đồng).

Như vậy, thời điểm 2022, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng thấp nhất là 22% x 1.500.000 = 330.000 đồng. Mức đóng cao nhất là 22% x 29.800.000 đồng = 6.556.000 đồng.

Ví dụ Ông B đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vào tháng 7 năm 2022 với mức thu nhập tháng lựa chọn là 5 triệu đồng, phương thức đóng hằng tháng. thì mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng của ông B là 22% x 5.000.000 đồng = 1.100.000 đồng/tháng.

 

4. Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Tại Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-Cp quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng đó là: 

– Đóng hằng tháng

– Đóng 03 tháng một lần

– Đóng 06 tháng một lần

– Đóng 12 tháng một lần

– Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần

– Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Như vậy, tùy theo phương thức đóng mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thì số tiền cần đóng định kỳ sẽ bằng: mức đóng của 01 tháng x số tháng (số năm) đóng.

Ví dụ: Bà H tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện xã hội vào năm 2022. Bà lựa chọn mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 4 triệu đồng, phương thức đóng là 06 tháng một lần. Vậy thì 1 năm bà sẽ đóng 02 lần, mỗi lần đóng số tiền là: (22% x 4.000.000) x 06 tháng = 5.280.000 đồng.

Lưu ý: Thời điểm đóng sẽ được xác định như sau:

– Lựa chọn phương thức đóng hằng tháng thì thời điểm đóng là trong tháng;

– Lựa chọn phương thức đóng 03 tháng một lần thì thời điểm đóng  xác định trong 03 tháng;

– Lựa chọn phương thức đóng 06 tháng một lần thì thời điểm đóng là trong 04 tháng đầu;

– Lựa chọn phương thức đóng 12 tháng một lần thì thời điểm đóng là trong 07 tháng đầu.

– Lựa chọn phương thức đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu thì thực hiện tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng.

Quá thời điểm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không đóng bảo hiểm xã hội thì được coi là tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trường hợp này nếu tiếp tục đóng lại thì phải đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Có thể đóng bù cho những tháng chậm đóng trước đó, số tiền đóng bù được tính theo công thức: Mức đóng bù cho số tháng chậm đóng = Mức đóng theo phương thức đóng x (1 + lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng (%/tháng).

 

5. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được nhà nước hỗ trợ tiền đóng như thế nào?

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đống bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ là:

– Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo: 30%

– Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo: 25%

– Người tham gia thuộc đối tượng khác: 10 %

Công thức tính mức hỗ trợ như sau:

Mức tiền Nhà nước hỗ trợ = Tỷ lệ % hỗ trợ (30%/25%/10%) x 22% x mức chuẩn hộ nghèo ở nông thôn

Ví dụ: Bà P, thuộc hộ nghèo, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyeenjn thì mức bà được Nhà nước hỗ trợ đóng được tính như sau: 30% x 22% x 1.500.000 đồng (mức chuẩn hộ nghèo ở nông thôn năm 2022 là 1.500.000) = 99.000 đồng. (số tiền này sẽ được trừ trong tổng mức đóng hàng tháng, quý, năm của bà P)

Lưu ý: Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng)

 

6. Cá nhân tự đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở đâu?

Theo quy định tại mục 1.1 Khoản 1 Điều 3 Quy trình thu bảo hiểm xã hội ban hành tại Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì Bảo hiểm xã hội huyện có trách nhiệm thu tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của người tham gia. Do đó, cá nhân tự đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì trực tiếp tới cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện để nộp. 

Bên cạnh đó, căn cứ quy định tại Điều 24 Quy trình ban hành tại Quyết định 595/QĐ-BHXH thì việc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn được thực hiện thông qua đại lý thu, do đó, để nộp tiền bảo hiểm xã hội thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng có thể lựa chọn phương thức nộp tại đại lý thu nơi mình cư trú để thuận tiện.

 

7. Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đáp ứng đủ điều kiện sẽ được hưởng các chế độ gồm: chế độ hưu trí (lương hưu hàng tháng, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần) và chế độ tử tuất (trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất)

Trong đó:

(i) Chế độ hưu trí 

Lương hưu hàng tháng

Điều kiện hưởng:

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu hàng tháng khi:

– Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên

– Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật lao động năm 2019. Cụ thể nào năm 2022, độ tuổi nghỉ hưu đối với nam là đủ 60 tuổi 06 tháng, Nữ là đủ 55 tuổi 08 tháng.

Trường hợp đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu (tối đa 10 năm) để được hưởng lương hưu ngay.

Mức hưởng:

Đối với nam: 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội. Năm 2022 là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75 %.

Đối với nữ: 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội. Năm 2022 là 15 năm, sau đó cứ thêm mỗi năm thì được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Trong đó, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội cho toàn bộ thời gian đóng.

Lương hưu hàng tháng còn được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ Bảo hiểm xã hội.

Thời điểm hưởng lương hưu: tính từ tháng liền kề sau tháng người tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Bảo hiểm xã hội một lần:

Điều kiện hưởng:

Người tham gia có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp:

– Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội;

– Ra nước ngoài để định cư;

– Bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ y tế;

– Sau một năm không tiếp tục đóng Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Mức hưởng:

Tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội.

– Cứ mỗi năm được hưởng bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

– 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những băn đóng từ năm 2014 trở đi.

Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 01 năm, mức hưởng bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không bao gồm số tiền Nhà nước đã hỗ trợ đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp đối tượng hưởng là người đang mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ y tế.

Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

Điều kiện: Theo quy định tại Điều 75 Luật bảo hiểm xã hội 2014, người tham gia có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp: Tính theo số năm  đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

(ii) Chế độ tử tuất:

Trợ cấp mai táng

Điều kiện: Người tham gia có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên hoặc người đang hưởng lương hưu chết.

Mức hưởng: 10 lần mức lương cơ sở cho người lo mai táng (năm 2022 = 14.900.000 đồng).

Trợ cấp tuất một lần

STT
Trường hợp
Mức hưởng

1
Người đang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chết

Thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng:

– 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014;

– 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.

2
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm chết
Thân nhân được hưởng trợ cấp bằng số tiền đã đóng nhưng tối đa bằng 01 tháng mức bình quân thu nhập thánh đóng bảo hiểm xã hội.

3

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện chết

Thân nhân được hưởng trợ cấp tối thiểu bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội

4
Người đang hưởng lương hưu chết
 

5
Chết trong 02 tháng tháng hưởng lương hưu
Tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng

6
Chết từ tháng thứ 03 hưởng lương hưu trở đi
Cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu (ví dụ chết ở tháng thứ 3 và đã hưởng lương hưu tháng 3 thì mức trợ cấp cho thân nhân là 47,5 tháng lương hưu đang hưởng)

 

8. Có nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không?

Câu hỏi này có lẽ là băn khoăn của rất nhiều người, đặc biệt là những người không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trên cơ sở những chế độ mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chúng tôi đã trình bày cụ thể ở mục 6 chắn hẳn bạn đọc cũng đã nhận thức được những giá trị lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mang lại cho mình. Tuy nhiên, để có câu trả lời có hoặc không, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cần cân nhắc những vấn đề sau đây:

– Tiềm lực tài chính của bản thân nếu không lựa chọn phương thức này có đủ để trang trải cho tuổi già khi đã hết khả năng lao động hay không?

– Nếu lựa chọn tham gia thì khả năng tài chính có đáp ứng được theo mức đóng tối thiểu nhất theo quy định hay không?

Thực tế thì không ai lường trước được những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai, cũng như không phải ai cũng có thể tự nghiêm túc với chính mình trong việc tích lũy tài chính, cùng với sự mất giá của đồng tiền thì khoản tiền tiết kiệm nếu cứ để dành cũng dần dần suy giảm giá trị thực tế. Do đó, thông qua chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, chỉ với khoản đóng góp nhỏ, phù hợp với thu nhập của bản thân do chính bạn lựa chọn sẽ là một lựa chọn phù hợp để bạn có được những trợ cấp khi hết độ tuổi lao động hoặc không may qua đời thì thân nhân của bạn cũng sẽ có được những khoản hỗ trợ giúp họ khắc phục được những khó khăn trong đời sống.

Trường hợp bạn đọc có vướng mắc pháp lý khác trong lĩnh vực bảo hiểm cần giải đáp vui lòng liên hệ qua Hotline 1900.6162 để được tư vấn hỗ trợ bởi đội ngũ Luật sư pháp luật Bảo hiểm xã hội của Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!