Tệ nạn ma túy là gì? Tác hại, nguyên nhân và biện pháp phòng chống?

Tệ nạn ma túy là gì? Tác hại của ma túy? Nguyên nhân và biện pháp phòng chống tệ nạn ma túy?

    Hiện nay, tệ nạn xã hội đang trở thành vấn nạn, cần được xã hội quan tâm và tìm biện pháp khắc phục. Với sự phát triển của đời sống, tệ nạn xã hội ngày càng phổ biến với mức độ nghiêm trọng ngày càng caoTình trạng tệ nạn xã hội ở nước ta rất phổ biến, khá phức tạp và khó khống chế. Nó ảnh hưởng đến tư tưởng, đạo đức lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên. Sự phổ biến của tệ nạn xã hội cũng khiến đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị sống và làm mất niềm tin của một bộ phận công chúng. Có rất nhiều tệ nạn xã hội đã và đang gây tác hại không nhỏ cho cuộc sống của chúng ta. Trong đó, tệ nạn xã hội nghiện ma tuý độc hại và nguy hiểm đang gây khủng hoảng ở nước ta và trên toàn thế giới.

    Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568

    1. Tệ nạn ma túy là gì?

    Tệ nạn xã hội là các hiện tượng xã hội có tính phổ biến trong đời sống có giai cấp biểu hiện ở những hành vi sai lệch với chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức và pháp luật, gây hậu quả xấu về mọi mặt đối với đời sống xã hội, cản trở tiến bộ xã hội của nền văn hóa lành mạnh. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính phát sinh ra tội phạm, những đối tượng nguy hiểm cho xã hội. Và tội phạm về ma túy hiện nay tại nước ta đang diễn ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn.

    Theo đó, ma túy được hiểu là những chất có nguồn gốc tự nhiên (morphin…); heroin được tổng hợp từ morphin hay tổng hợp amphetamine có tác dụng lên thần kinh trung ương gây cảm giác như giảm đau, hưng phấn hay cảm thấy dễ chịu… Đây là chất gây nghiện nguy hại cho người sử dụng. Hiện nay, ma tuý được buôn bán và tàng trữ trái phép tại Việt Nam. Số lượng người nghiện ma tuý ngày càng tăng, đặc biệt là ở bộ phận giới trẻ. Tệ nạn này dẫn đến hàng loạt các hành vi và tệ nạn khác như mại dâm, giết người, trộm cướp, cờ bạc…

    Căn cứ Điều 2 Luật Phòng chống ma túy năm 2021 quy định: Tệ nạn ma túy là việc sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy mà chưa đến mức hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa từ năm 1957, nghiện là: “trạng thái ngộ độc kinh niên hay từng thời kỳ do sử dụng lặp đi lặp lại một hay nhiều lần một chất tự nhiên hay tổng hợp. Nó làm cho người nghiện ham muốn không tự kiềm chế được mà bằng mọi giá phải tiếp tục sử dụng. Nó gây xu hướng tăng dần liều lượng, gây ra sự lệ thuộc cả về tâm lý và thể chất và có hại cho chính người nghiện và xã hội”. Nghiện ma tuý là một tệ nạn xã hội cần được loại bỏ càng nhanh càng tốt.

    2. Tác hại của ma túy:

    Với người nghiện:

    + Sức khoẻ suy yếu, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu dùng lâu dài, dùng quá liều…

    + Gây tổn hại về sức khỏe người nghiện:

    • Tổn hại về hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, các bệnh về da, làm suy giảm chức năng thải độc, hệ thần kinh.
    • Suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động, giảm hoặc mất khả năng lao động, khả năng tập trung trí óc.
    • Dẫn đến tình trạng nhiễm độc ma túy mãn tính, người gầy gò, xanh xao, mắt trắng, môi thâm, nước da tái xám, dáng đi xiêu vẹo.
    • Cơ thể suy kiệt hoặc phù nề do thiếu dinh dưỡng, rối loạn nhịp sinh học, thức đêm ngủ ngày, sức khỏe giảm sút rõ rệt.

    + Học tập và làm việc sa sút

    Xem thêm: Phân tích cấu thành tội phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy

    + Mất nhân cách, đạo đức

    + Xa lánh nếp sống, sinh hoạt lành mạnh, xa lánh người thân, bạn bè tốt.

    + Ảnh hưởng về tinh thần:

    • Người nghiện thường có hội chứng quên, hội chứng loạn thần kinh sớm (ảo giác, hoang tưởng, kích động…) và hội chứng loạn thần kinh muộn (các rối loạn về nhận thức, cảm xúc, về tâm tính, các biến đổi về nhân cách đặc trưng cho người nghiện ma túy).
    • Ở trạng thái loạn thần kinh sớm, người nghiện ma túy có thể có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.

    + Hành vi, lối sống của họ bị sai lệch so với chuẩn mực đạo đức của xã hội và luật pháp, bị tha hóa về nhân cách.

    Với gia đình người nghiện:

    + Mất yên ổn, hạnh phúc, tán gia bại sản, dẫn đến khánh kiệt về kinh tế.

    – Với xã hội:

    + Ảnh hưởng đến trật tự an ninh: tội phạm gia tăng, kéo sự phát triển của xã hội xuống.

    Xem thêm: Chưa đủ 18 tuổi mua bán, sử dụng ma túy đá bị phạt như thế nào?

    + Gia tăng tỉ lệ trộm cắp, lừa đảo, cướp giật, thậm chí giết người để có tiền mua ma túy, thỏa mãn cơn nghiện.

    + Ảnh hưởng đến sự phát triển, làm suy yếu thế hệ trẻ – thế hệ tương lai sẽ làm chủ đất nước.

    Nghiện ma túy gây tác hại lớn tới con người và nền kinh tế xã hội, là một trong những nguyên nhân hàng đầu kìm hãm sự phát triển kinh tế, văn hóa, gây ra nhiều tệ nạn khác kéo theo.

    3. Nguyên nhân và biện pháp phòng chống tệ nạn ma túy:

    * Nguyên nhân

    – Nguyên nhân từ bản thân:

    + Mải chơi, đua đòi muốn chứng tỏ mình là người sành điệu;

    + Tò mò, bị kích động;

    + Bạn bè rủ rê, lôi kéo thấy hay hay thì tham gia thử;

    Xem thêm: Ma túy Ketamine là gì? Tác hại nguy hiểm của thuốc Ketamine?

    + Tâm lý chưa ổn định, thiếu tự tin, dễ dao động;

    + Dễ bị rơi vào các trạng thái quá khích: ức chế hoặc hưng phấn quá độ;

    + Trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết;

    + Thất nghiệp, hoặc nghề nghiệp không ổn định dẫn đến tâm lý chán chường;

    + Do lạm dụng các thuốc giảm đau khi chữa bệnh hoặc có vấn đề sức khỏe tâm thần.

    + Muốn vui vẻ, thỏa mãn trí tò mò, thích mạo hiểm; muốn làm dịu bớt nỗi đau, cảm thấy mình là người lớn, tỏ ra độc lập, muốn thuộc về một nhóm nào đó.

    – Nguyên nhân từ gia đình:

    + Không khí gia đình không hòa thuận, cha mẹ có mối quan hệ phức tạp như: ly thân, ly hôn, nghiện ma túy, buôn bán ma túy…;

    Xem thêm: Quy định tội mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy

    + Gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, nuông chiều thái quá để con em có điều kiện giao du, chơi bời quá trớn;

    + Quá chú trọng đến vấn đề làm ăn, buông lỏng quản lý, ít quan tâm đến con cái; xao lãng trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn con em, ỷ nại, giao khoán việc giáo dục con em cho nhà trường và xã hội.

    – Nguyên nhân từ xã hội:

    + Do tội phạm ma túy hoạt động rất tinh vi, chúng luôn tìm mọi cách dụ dỗ, lôi kéo thanh thiếu niên sử dụng ma túy;

    + Một số người nghiện thiếu tiền mua ma túy sẽ dễ tiếp tay, rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc người khác sử dụng ma túy để bán ma túy kiếm tiền;

    + Thanh thiếu niên sống gần môi trường có nhiều cám dỗ của ma túy; gần những nơi có buôn bán ma túy bị lôi kéo vào con đường sử dụng ma túy;

    + Thiếu sân chơi lành mạnh cho nhu cầu vui chơi, giải trí của thanh thiếu niên nên các em phải tìm đến các địa điểm tự do, dễ sa ngã đi vào con đường nghiện ma túy;

    + Phong trào phòng ngừa, lên án, ngăn chặn, đấu tranh chống tệ nạn ma túy không đủ mạnh, không tạo khí thế trấn áp tội phạm ma túy để tệ nạn ma túy lây lan phát triển.

    Các nhà khoa học cũng đã chỉ ra mối quan hệ khăng khít giữa 3 yếu tố: Ma túy, Con người và Môi trường để giải thích mức độ tăng hoặc giảm tệ nạn ma túy. Theo đó, ở nơi nào dễ tiếp cận ma túy, giá rẻ; người dân không được kịp thời tuyên truyền về tác hại của ma túy và nhất là không được giáo dục các kỹ năng sống, các kỹ năng giải quyết các vướng mắc trong cuộc sống không cần ma túy; môi trường gia đình, xã hội không thuận lợi như: trẻ em sinh ra trong gia đình có tiền sử liên quan đến ma túy, ít được quan tâm, chăm sóc, v.v… và ở những nơi phong trào đấu tranh với tệ nạn m a túy ít được quan tâm, tệ nạn ma túy tồn tại dai dẳng lâu ngày không được giải quyết thì ở đó tệ nạn ma túy sẽ có điều kiện phát triển và ngược lại.

    * Biện pháp phòng chống tệ nạn ma túy

    Những tác hại và hậu quả của ma tuý vẫn đang tác động và gây ảnh hưởng đến tất cả chúng ta từng ngày, từng giờ. Vì vậy, chung tay đẩy lùi ma tuý và giảm thiểu tác hại của ma tuý không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hay các tổ chức liên quan đến việc phòng chống ma tuý mà còn là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

    Rõ ràng, cần phải sử dụng một hệ thống đồng bộ các giải pháp nhằm trực tiếp vào nguyên nhân của nó và lấy phòng là chính.

    Sự phối hợp giữa các đơn vị như nhà trường, cơ sở làm việc cùng với gia đình và cơ quan chức năng cần phải được nâng cao về chất lượng giáo dục và quản lý để phòng ngừa tội phạm ma túy. Tại một số địa phương không chỉ tại các thành phố lớn mà hiện nay tại các khu vực nông thôn, vùng núi tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng ma túy đã không còn quá xa lạ. Chính vì vậy mà các cấp chính quyền cần phải phối hợp với gia đình để ra soát và tổ chức giáo dục về tệ nạn ma túy và mức độ nguy hiểm của nó cho các em hiểu và  nhận thức được hậu quả của việc sử dụng ma túy. Đối với những em có dấu hiệu hoặc thường xuyên cùng bạn bè tụ tập, bỏ học cần theo dõi chặt chẽ hơn…

    Bên cạnh đó, phối hợp cùng nhân dân trong vấn đề tố giác tội phạm ma túy. Và phát động, tuyên truyền tinh thần khích lệ của nhân dân trong vấn đề tố giác từ đó tạo tinh thần hăng say và góp phần nâng cao chất lượng trong công tác quản lý và phòng ngừa.

    Tăng cường các hoạt động văn hoá để giải trí, vui chơi lành mạnh, bổ ích đối với từng lứa tuổi, đồng thời quan tâm tạo công ăn việc làm, khắc phục tình trạng thiếu việc làm.

    Nâng cao tố chất của mỗi con người. Một con người khi có một cơ thể khoẻ mạnh và một tinh thần lành mạnh thì rất khó có thể trở thành tội phạm ma tuý. Để thực hiện có hiệu quả việc này, vai trò của gia đình rất quan trọng. Mỗi gia đình cần chủ động phối hợp với nhà trường, với các tổ chức xã hội khác để cùng thực hiện.

    Dùng tấm lòng và tình thương yêu để cảm hoá những người đã trót sa ngã vào con đường tội phạm ma tuý. Đương nhiên, với nhiều trường hợp cần có sự nghiêm trị theo hướng trị một người để cứu muôn người. Các cơ quan, đoàn thể cần xây dựng một môi trường văn hoá, tạo điều kiện cho mỗi thành viên có được điều kiện yên tâm công tác.

    Nâng cao sự hợp tác phòng, chống ma tuý với các quốc gia. Sự hợp tác này không những chỉ dừng lại ở các vùng miền có biên giới, mà cần nâng tầm hợp tác ở cấp Bộ…

    Bên cạnh lực lượng phòng chống tội phạm ma túy thì việc ngăn chặn và đẩy lùi một cách vững chắc tệ nạn ma túy cần phải coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng phải có tính quyết định và cần phải đánh giá đúng thực trạng, nhìn thẳng vào sự thật để có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm.

    Trong những năm gần đây, cách bài trừ tệ nạn ma túy được xã hội đặc biệt quan tâm. Sự tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông như báo, đài… ngày càng phổ biến. Sự quan tâm đặc biệt của chính phủ thể hiện qua việc thành lập những trung tâm cai nghiện, đội ngũ y bác sĩ cố gắng ngày đêm hỗ trợ cho các con nghiện. Các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý những hành vi cố tình vi phạm, buôn bán và tàng trữ ma túy. Việc tuyên truyền trong nhà trường cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, các cuộc thi hùng biện, vẽ tranh phòng chống tệ nạn ma túy được tổ chức cho các em học sinh. Nhưng quan trọng hơn cả, mỗi cá nhân cần phải rèn luyện ý thức, tránh xa chất bột trắng, giữ cho bản thân tỉnh táo trước những cám dỗ của ngoại cảnh. Cần xây dựng cho mình một đời sống khỏe mạnh, cả về thể chất lẫn tinh thần.

    Tóm lại, ma túy là một vấn nạn nghiêm trọng cần xóa bỏ. Để đạt được điều đó, cần sự đồng lòng, góp sức của toàn thể xã hội. Với tư cách là những người tiên phong của đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, mỗi thanh thiếu niên cần rèn luyện nhận thức đúng đắn, ý thức được vai trò và vị trí của cá nhân.